Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện đời » Mất mạng vì chữa bệnh theo lang băm

Mất mạng vì chữa bệnh theo lang băm

Giới chuyên môn cảnh báo, trong một số thuốc Đông y không rõ nguồn gốc có hàm lượng chì, thủy ngân cao, nguy hại cho người sử dụng.
 
Thời gian gần đây, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh trẻ tuổi trong tình trạng nguy kịch suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết do chữa theo các bài thuốc “bí truyền” của lang băm hoặc tiêm truyền không đảm bảo vệ sinh. Các bác sĩ cảnh báo, nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì không ít người sẽ phải trả giá đắt, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình.
Rước họa vào thân
 
Chỉ tính riêng trung tuần tháng 8 đã có liên tiếp 3 ca bệnh nặng được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai). Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân (BN) may mắn qua cơn nguy kịch thì cũng để lại nhiều di chứng nặng nề. Hai tháng trước khi vào viện, BN G.T.H. (33 tuổi, Nam Định) xuất hiện các cơn đau mỏi xương khớp tại vị trí các khớp cổ tay, ngón tay, vai gáy, ngón chân. BN không có biểu hiện ho, sốt và vẫn tự thở bình thường. Đi khám tại một BV tuyến T.Ư, các bác sĩ chẩn đoán viêm đa khớp và kê đơn thuốc uống trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, chị H. tự ý bỏ thuốc sau khi mới uống được 10 ngày. Nghe theo lời đồn thổi, chị H. tìm vào tận Thanh Hóa gặp một lang băm ngoài 70 tuổi để khám và bốc thuốc. Không những thế, BN còn được ông lang này tiêm nhiều mũi tại nhà (nhưng không rõ là thuốc gì). Một thời gian sau, chị H. bị đau vùng thượng vị, sau lan dần xuống rốn với những cơn đau liên tiếp kéo dài. BN được đưa vào Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai trong tình trạng vàng da, men gan tăng cao… Các bác sĩ đã tiến hành đặt sonde dạ dày, truyền dịch, cấp cứu kịp thời, song tình trạng suy gan, thận tiến triển ngày một nặng. BN được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực điều trị bằng mọi biện pháp, song vẫn không thể qua khỏi.
 
Một trường hợp khác, BN Đ.T.T. (27 tuổi, Thái Bình) cũng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, suy đa phủ tạng do nhiễm khuẩn tại vị trí vết tiêm trước đó. Khai thác bệnh sử của BN cho thấy, anh T. là kỹ sư xây dựng, thời gian gần đây có dấu hiệu đau vai gáy, sốt nên đã khám và điều trị tại một phòng khám tư nhân bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt nhưng bệnh không thuyên giảm. BN tiếp tục chuyển sang một phòng khám tư nhân khác và được chỉ định tiêm thuốc điều trị triệu chứng đau vai gáy. Sau đó, BN sốt cao, nhiễm khuẩn nặng tại vị trí vết tiêm.
 
BS. Mai Cường (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) cho biết: “Khi được chuyển đến khoa, BN đã rơi vào tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, tràn dịch màng phổi. BN phải thở máy và lọc máu liên tục nhưng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm chỉ còn 33.000 đơn vị (người bình thường là trên 150.000 đơn vị). Chúng tôi cũng đã dùng thuốc vận mạch, các loại kháng sinh mạnh tối đa nhưng hiện cơ thể BN đáp ứng rất chậm, tình trạng nhiễm khuẩn khó có thể kiểm soát được…”.
 

Điều trị cho BN Đ.T.T. tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Điều trị cho BN Đ.T.T. tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.        Ảnh: D.Hải

 
Đừng trở thành nạn nhân của lang băm
 
Theo BS. Mai Cường, các chứng bệnh đau xương khớp là bệnh rất phổ biến và được coi là loại bệnh thông thường. Người dân chỉ cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa cơ xương khớp là có thể chữa trị được. Tuy nhiên, hiện nay lại có không ít trường hợp BN tự ý mua thuốc uống hoặc nghe theo lời đồn thổi tìm đến các địa chỉ không đáng tin cậy điều trị. Chỉ đến khi xảy ra hậu quả nặng nề mới vội vã lên các cơ sở y tế tuyến trên để giải quyết. Đáng lo ngại là tình trạng lang băm vừa bốc thuốc Đông y vừa cho BN sử dụng thuốc paracetamol liều cao trong nhiều ngày, dẫn đến hoại tử tế bào gan, nhiễm độc nặng và tử vong. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tùy tiện sử dụng paracetamol vào mục đích hạ sốt, giảm đau và nhất thiết phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Trường hợp có các biểu hiện như buồn nôn, chán ăn, vã mồ hôi, khó chịu trong người… sau khi dùng paracetamol cần nghĩ đến việc bị ngộ độc để đưa đi cấp cứu kịp thời.
 
Giới chuyên môn cũng cảnh báo, hiện có nhiều loại thuốc Đông y được phát hiện chứa hàm lượng các độc tố (như chì, thủy ngân…) rất cao, có khả năng gây hại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, việc tiêm truyền tại nhà, tại những địa chỉ không đáng tin cậy rất dễ gây nhiễm khuẩn do dụng cụ tiêm không đảm bảo vô khuẩn. Trên thực tế, bài học hàng trăm trẻ nhỏ lũ lượt nhập viện vì ngộ độc chì trong thuốc cam cách đây không lâu dường như vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều người?
 

Gửi thảo luận