Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Đích mới của cuộc hành trình

Đích mới của cuộc hành trình

“Tôi là người may mắn…”
Anh bắt đầu câu chuyện như thế. “May mắn đầu tiên là tôi được sinh ra trong một gia đình dân tộc Sán Chay ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, một dòng họ sở hữu những bài thuốc gia truyền quý báu. Ngay từ bé, tôi đã sống với thiên nhiên, cây cỏ, với không gian tràn ngập hương vị của những cây thuốc”. Có lẽ vì thế mà anh yêu cây thuốc bản địa và luôn hy vọng được sống với chúng… Cây cỏ đối với anh quen thuộc như hơi thở, nước uống. Hồi nhỏ, anh hay theo người lớn vào rừng lấy thuốc. Thấy cây cỏ có thể chữa được bệnh, anh rất thích nên rất hay ghi chép rồi vẽ minh họa các cây thuốc đã được sử dụng. Thế rồi, anh mê cây thuốc từ lúc nào không hay…

 

TS. Ơn điều tra thực địa để xây dựng Vườn cây thuốc Quốc gia Yên Tử.Đỗ vào Trường đại học Dược Hà Nội là điều may mắn thứ hai. Và từ năm 1986, ngay khi học năm thứ hai, anh đã đăng ký vào nghiên cứu khoa học ở Bộ môn Thực vật và theo đuổi ngành từ đó đến giờ. Từ năm 1993 đến nay, anh là giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội.
Được theo học thầy Trần Công Khánh, được các thầy ở Bộ môn Thực vật truyền lại những kiến thức chính là một điều may mắn nữa với anh. Anh nhắc đi nhắc lại những điều may mắn đó, nhưng tôi lại nghĩ khác, nếu thiếu đi sự đam mê, nỗ lực và cố gắng hết mình của anh, cho dù may mắn đến mấy cũng không thể có được những kết quả như ngày hôm nay. Anh là một trong hai tiến sĩ về bảo tồn tài nguyên cây thuốc hiện nay ở nước ta (một tiến sĩ về bảo tồn tài nguyên cây thuốc nữa là TS. Nguyễn Văn Tập, công tác ở Viện Dược liệu, đã về hưu). Hiện nay, TS. Trần Văn Ơn là Trưởng bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty Dược khoa, thuộc Trường đại học Dược Hà Nội. Cho đến nay, anh đã tham gia rất nhiều trong công tác nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền. Mới đây, anh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Đích mới của cuộc hành trình
Tại Bộ môn Thực vật, nơi anh gắn bó gần 30 năm, anh cùng các học trò tiếp tục thực hiện mơ ước của mình là bảo tồn và phát triển nguồn đa dạng sinh vật và các sản phẩm truyền thống phục vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, đặc biệt là cho các cộng đồng nông thôn, nơi còn nghèo về kinh tế, nhưng giàu có về đa dạng sinh học và tri thức sử dụng cây cỏ. Nhờ đó, anh góp phần dần hoàn thiện lý thuyết, kỹ năng về bảo tồn tài nguyên cây thuốc và đưa vào giảng dạy tại Trường đại học Dược Hà Nội, không những cho sinh viên trong nước mà còn cho sinh viên quốc tế…
Không dừng lại ở việc nghiên cứu, TS. Trần Văn Ơn và những người cùng chí hướng với anh đang thực hiện niềm đam mê và ước mơ của mình, đó là biến tri thức, những kinh nghiệm về những cây thuốc quý và chữa bệnh của đồng bào dân tộc để làm ra nhiều sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng. Đến nay, rất nhiều sản phẩm thảo dược được đưa vào ứng dụng cuộc sống và được nhiều người biết đến. Năm 2006, sản phẩm cho người đái tháo đường được chiết xuất từ cây dây thìa canh tại một số tỉnh của nước ta đã ra đời. Đây là lần đầu tiên một cây thuốc được nghiên cứu đưa vào sử dụng và chủ động hoàn toàn về công nghệ, gieo trồng đến sản xuất. Cũng năm 2006, Bộ môn Thực vật đã nghiên cứu và ứng dụng thành công dòng sản phẩm tắm từ bài thuốc tắm người Dao đỏ ở Sa Pa và giúp người dân ở đây làm chủ di sản của chính dân tộc mình, sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Đây là lần đầu tiên sản phẩm thuốc cổ truyền dân tộc được đưa thành hàng hóa và có chỗ đứng trên thị trường. Sau muôn vàn khó khăn, đến nay công ty của người Dao đã đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển.
Tiếp đến, anh cùng các học trò và người dân tộc Giáy (Bát Xát, Lào Cai) đã đứng ra thành lập công ty theo hướng trồng cây gừng tía tạo nguồn dược liệu và chiết xuất tinh dầu từ cây thuốc này làm sản phẩm xoa bóp giảm đau. Đây cũng là công ty do người nông dân làm chủ và trực tiếp sản xuất. Ở nhiều nước châu Á, tinh dầu gừng tía được đưa vào các sản phẩm mỹ phẩm, dầu xoa bóp giảm đau được người tiêu dùng ưa chuộng. 
Sau này, khi chuyển sang Công ty Dược khoa, anh cũng đã thực hiện nghiên cứu và ứng dụng được nguồn borneol (được chưng cất từ cây đại bi) để đưa vào các sản phẩm nhỏ mắt, mũi, để thay thế sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, còn phát triển và ứng dụng cây dây thìa canh lá to, một cây có tác dụng hạ đường huyết tốt cho người đái tháo đường dưới dạng trà. Tại Thái Nguyên, Công ty Dược khoa đã hỗ trợ hình thành một doanh nghiệp tại cộng đồng và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức trồng trọt theo GAP cây dây thìa canh, ý dĩ, đại bi…
Phát triển nền công nghiệp dược dựa trên thảo dược
Hiện nay, nền công nghiệp hóa học và hóa dược của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, có tới 90% nguyên liệu là nhập khẩu, vậy tại sao chúng ta không sử dụng nguồn thảo dược phong phú, dồi dào của nước ta để phát triển ngành công nghiệp dược? Từ thảo dược có thể chiết xuất được rất nhiều chế phẩm. Anh cho rằng, nếu được đầu tư đúng mức, thảo dược rất có thể sẽ là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp này. Để làm được điều này, trước hết, chúng ta phải chuẩn hóa dược liệu ngay từ khâu trồng trọt. Thực hiện trồng trọt thuốc theo GAP hay GCP (thực hành tốt trồng trọt hay thu hái). Bên cạnh đó, việc chiết xuất tinh chất cũng ở mức công nghệ thấp. Chúng ta cần học tập và ứng dụng công nghệ bào chế  thảo dược tiên tiến.


Đích mới của cuộc hành trình 2

Hướng dẫn người Dao ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) nhân giống cây thuốc tắm.Ngay từ năm 1992, WHO và một số tổ chức bảo tồn lớn trên thế giới đã ban hành một cuốn sách hướng dẫn bảo tồn cây thuốc, trong đó có 1 chương có ghi “Mỗi quốc gia cần có một vườn quốc gia về thuốc để bảo tồn và phát triển cây thuốc”. Anh trầm ngâm, tiếc là ở Việt Nam đến nay chỉ có vài “vườn” rất nhỏ, chẳng đủ để nghiên cứu, chứ chưa nói đến việc lưu giữ an toàn và phát triển cây thuốc.
Sắp tới, Đề án Vườn cây thuốc Quốc gia ở Yên Tử sẽ được triển khai, giọng anh hồ hởi, Bộ Y tế đã lập Ban Chỉ đạo và Ban Soạn thảo về đề án này. Trường đại học Dược Hà Nội, với nòng cốt là Bộ môn Thực vật và Công ty Dược khoa cùng một số doanh nghiệp khác như Traphaco, Tùng Lâm, sẽ là các đơn vị chính triển khai nó. Anh cho biết, đơn vị vườn đầu tiên đã được triển khai tại thực địa. Hy vọng đến hết năm 2013, tại đây sẽ bắt đầu lưu giữ 300 – 500 loài, trên diện tích 3 – 5ha và 15 – 20 bộ nguồn gen cây thuốc.
Câu chuyện về Vườn Quốc gia về cây thuốc kéo dài tới lúc trời nhá nhem tối. “Mình phải đi Yên Tử ngay bây giờ”, anh phân bua. “Lúc tối thế này ư?”, tôi ngạc nhiên. “Thì công việc mà, biết sao được”. “Còn gia đình thì sao?”. “Cũng may, mình có một “hậu phương” tuyệt vời, có mấy ai chịu được ông chồng đi suốt ngày đêm như thế, có lần vào rừng cả tháng”. Và câu chuyện của chúng tôi thành dang dở..

Gửi thảo luận