Hằng năm Việt Nam có khoảng 6.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới phát hiện và khoảng 3.000 trường hợp tử vong. Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là một loại virus gây u nhú ở người, viết tắt là HPV. Các nhà khoa học đã tìm thấy HPV trong 99,7% các trường hợp ung thư tế bào gai ở cổ tử cung, ung thư niệu dục và ung thư hầu họng.
Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học “Cập nhật thông tin liên quan đến an toàn tiêm chủng và HPV vắc-xin” do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, ThS-BS. Lê Thị Kiều Dung, giảng viên Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, không phải ai bị nhiễm HPV cũng đều bị ung thư cổ tử cung và hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không biểu hiện triệu chứng, 80% tự khỏi bệnh, chỉ có từ 5-10% phụ nữ bị nhiễm HPV dai dẳng ở cổ tử cung, nhiễm trùng kéo dài các type HPV “nguy cơ cao” có thể tiến triển thành tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.
Lý do là có hơn 100 type HPV nhưng chỉ có 30-40 type tấn công vùng hậu môn, sinh dục và chỉ có 13 type gây ung thư cổ tử cung, trong đó có hai type 16 và 18 là nguyên nhân gây ra hơn 70% các trường hợp ung thư, và hai type 6 và 11 là nguyên nhân gây ra 90% sùi sinh dục.
TS-BS. Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur, cũng cho biết, HPV lây truyền qua tiếp xúc và quan hệ tình dục, lây nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc như tiếp xúc giữa da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo.
Song, HPV không lây qua đường máu hoặc qua các dịch cơ thể khác (tinh dịch, dịch âm đạo…) và có khả năng lây lan dễ dàng và rộng rãi do đa số người nhiễm HPV không biết mình đã nhiễm. Hầu hết các ca ung thư cổ tử cung đều liên quan đến virus HPV, có nghĩa là bất cứ ai khi có quan hệ tình dục đều có khả năng bị nhiễm HPV.
Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 có thể nhiễm HPV một lần trong đời. Khi người phụ nữ nhiễm type HPV gây ung thư trong một thời gian dài từ 6-12 tháng, virus này sau đó có thể sẽ gây ra những biến đổi bất thường ở cổ tử cung từ mức độ nhẹ đến nặng, và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Mặc dù nguy cơ nhiễm bệnh khá cao, nhưng theo ThS-BS. Trần Đặng Ngọc Linh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hiện nay trên thế giới đã có vắc-xin tứ giá giúp phòng 4 type HPV 6, 11, 16, 18, có khả năng bảo vệ trên 93% chống nhiễm virus HPV dai dẳng đường sinh dục và có hiệu quả trên 99% phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung và phòng u nhú sinh dục do các type 6, 11 gây ra.
Nếu tiêm đủ liều và đúng lịch 3 mũi vắc-xin phòng ngừa HPV, hiệu lực miễn dịch và bảo vệ tránh khỏi ung thư cổ tử cung có thể duy trì ở mức cao 99%, hiệu lực bảo vệ kéo dài trên 10 năm và có thể là suốt đời. Tuy nhiên, vắc-xin sẽ có tác dụng phòng nhiễm HPV hiệu quả nhất ở những người chưa tiếp xúc với virus, tức là chưa quan hệ tình dục, ở vào độ tuổi 9-26.
TS-BS. Cao Hữu Nghĩa khuyến cáo thêm, tuy đã được tiêm vắc-xin, nhưng chị em phụ nữ vẫn cần phải thường xuyên tầm soát, khám sàng lọc, bởi vắc-xin không thể thay thế việc khám và phát hiện bệnh. Điều đáng lưu ý là hầu hết các giai đoạn của bệnh từ khi nhiễm virus đến lúc xuất hiện các tổn thương có thể mất nhiều năm nhưng lại diễn ra âm thầm và không có triệu chứng để chị em có thể tự nhận biết.
Do vậy, việc khám phụ khoa định kỳ để sàng lọc ung thư cổ tử cung là rất cần thiết đối với những chị em đã có quan hệ tình dục, đồng thời việc chủng ngừa cũng nên được thực hiện càng sớm càng tốt vì trong suốt cuộc đời, người phụ nữ luôn có nguy cơ nhiễm virus HPV. Bên cạnh đó, vắc-xin cũng có tác dụng phòng ung thư đường sinh dục, hậu môn và các bệnh viêm loét, sùi mào gà đường sinh dục do virus HPV ở nam giới.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn