Việc UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo ngừng cấp, thu hồi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ tạm trú dưới 6 tuổi, yêu cầu những trẻ trên 3 tháng tuổi phải thanh toán BHYT tại nơi có hộ khẩu thường trú có trái Luật Bảo hiểm y tế không? Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN) có ý kiến như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Cụ thể, với trẻ em dưới 3 tháng tuổi không phân biệt có thẻ hay không có thẻ, dù có hộ khẩu thường trú hay tạm trú khi đi khám chữa bệnh vẫn được thanh toán như bình thường. Còn với trẻ trên 3 tháng tuổi bắt đầu có sự phân biệt.
Trẻ em trên 3 tháng tuổi có hội khẩu ở TP Hồ Chí Minh khi đi khám bệnh mà không có thẻ BHYT sẽ phải nộp tiền thanh toán viện phí, sau đó lấy biên lai này về BHXH địa phương thanh toán lại. Như vậy, quyền lợi các cháu vẫn được đảm bảo, việc thanh toán ngay trên địa bàn thành phố tại TP Hồ Chí Minh không khó khăn gì.
Còn với trẻ dưới 6 tuổi tạm trú khi đi khám bệnh dù không có thẻ BHYT vẫn được thanh toán viện phí như bình thường. Tuy nhiên phía bệnh viện cần phải ghi rõ địa chỉ nơi các cháu được sinh ra để cơ quan BH thực hiện kỹ thuật thanh toán đa tuyến.
Tôi cho rằng, động thái này của TP Hồ Chí Minh là rất tích cực, tuy nhiên ban đầu thực hiện hơi máy móc, áp dụng với cả trẻ em cư trú và tạm trú. Sau khi BHVN yêu cầu thì họ đã điều chỉnh, thực hiện theo đúng luật, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn.
Ông có thể nói cụ thể hơn về tính tích cực khi thực hiện sự phân biệt khi thực hiện thanh toán BHYT cho trẻ trên và dưới 3 tháng tuổi có cùng hộ khẩu ngay tại địa phương, thưa ông?
Thực hiện quy định này, quyền lợi của mọi trẻ em dưới 6 tuổi dù có hộ khẩu hay tạm trú tại TP Hồ Chí Minh đều được đảm bảo. Chỉ khác việc thực hiện cho nhóm trẻ trên 3 tháng tuổi ở TP phải về địa bàn thanh toán, nhưng việc này cũng không gây khó khăn gì bởi việc thanh toán ngay trên địa bàn.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định đã phát hết thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, không sót một trẻ nào. Nhưng thực tế, nhiều trẻ khi đi khám lại dấu thẻ BHYT mà chỉ khám bằng giấy khai sinh, chứng sinh để đạt quyền lợi tại bệnh viện tuyến trên (BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2) mà không phải qua y tế cơ sở. Vì thế, BHXH TP Hồ Chí Minh phải có biện pháp này để buộc trẻ trên 3 tháng tuổi có hộ khẩu phải đi khám bằng thẻ, thuận lợi hơn trong việc quản lý ngân sách.
Còn đối với trẻ trên 3 tháng tuổi của tạm trú tại đây vẫn được thanh toán khám chữa bệnh như bình thường, chỉ yêu cầu bệnh viện ghi rõ nơi sinh.
Thưa ông, đến nay, vẫn còn khoảng 20% trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT. BHXH Việt Nam có giải pháp gì để tăng tỉ lệ trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ?
Tôi cho rằng, giải pháp tối ưu nhất là cấp thẻ BHYT cho trẻ tại nơi trẻ được sinh ra. Bởi một người mẹ có hộ khẩu ở Vĩnh Phúc, vào Bình Dương sinh sống, sinh con tại Bình Dương thì việc cấp thẻ ở đây thuận lợi hơn. Bên cạnh đó cần cải tiến lại quy trình cấp thẻ. Thay vì ngành lao động thụ động tập hợp danh sách trẻ em dưới 6 tuổi như hiện nay, mà tại các bệnh viện nơi các cháu sinh ra, khi cấp giấy chứng sinh cho các cháu thì cũng đồng thời chuyển danh sách sang ngành lao động để tập hợp sẽ thuận lợi hơn, khi đó, độ bao phủ thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này sẽ tốt hơn.