Chuyên gia Bỉ hỗ trợ tìm nguyên nhân bệnh “lạ”
Ngày 4-7, đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) phối hợp cùng hai chuyên gia về dịch tễ học và bệnh lý gan mật tại Vương quốc Bỉ có buổi làm việc và khảo sát tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đoàn công tác đã làm việc với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ và trạm y tế xã Ba Điền về tình hình diễn biến của bệnh từ khi khởi phát ca bệnh đầu tiên đến nay, tìm hiểu diễn biến của bệnh qua từng giai đoạn điều trị, những loại thuốc điều trị dự phòng người dân đang sử dụng. Đoàn cũng đã đi khảo sát thực địa tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền. Tại đây, hai chuyên gia y tế của Vương quốc Bỉ đã lấy mẫu lúa cũ của người dân dùng trước đây để xét nghiệm, tìm hiểu nhiều yếu tố khác liên quan tới môi trường, nguồn nước, điều kiện sinh sống của cư dân vùng bệnh “lạ” để trợ giúp tìm nguyên nhân gây bệnh (Tuổi trẻ, Thanh niên 5/7).
Sẽ làm rõ việc bảo kê “phòng khám Trung Quốc”
Tối 4-7, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi nhận được đơn thư phản ảnh của người dân và phản ánh của một số tờ báo về việc thanh tra Sở Y tế bảo kê cho “phòng khám Trung Quốc”, ban giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu bác sĩ Phạm Hữu Quốc, thanh tra viên Sở Y tế, tường trình về vụ việc này. Sau khi nhận được bản tường trình của bác sĩ Quốc, Sở Y tế đã giao thanh tra Sở Y tế làm rõ những phản ảnh này và nếu có sai phạm sẽ xử lý đúng theo quy định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong bản tường trình gửi ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Quốc cho rằng từ tháng 8-2011 đã có đơn thư phản ảnh ông bảo kê, thông báo trước cho các phòng khám có người Trung Quốc khi đi thanh tra. Tuy nhiên, các cơ quan xác minh và có báo cáo cho ban giám đốc Sở Y tế là ông không vi phạm do trong thời gian này ông Quốc không tham gia đoàn thanh tra. Một đơn thư khác cũng tố cáo ông Quốc bảo kê cho phòng khám Đầm Sen. Ông Quốc tường trình gần hai năm trước có hướng dẫn một người thầy thành lập phòng khám này nhưng chỉ khám tây y, không có y học Trung Quốc. Thời gian đầu, ông Quốc có đến đây 5-6 lần để hướng dẫn, hỗ trợ khám bệnh nhưng hơn một năm rưỡi nay, cơ sở này đổi chủ và ông không còn liên quan đến phòng khám trên (Tuổi trẻ 5/7).
Các tai biến sản khoa ở tỉnh Quảng Ngãi: Xử lý
nghiêm theo kết luận của Hội đồng chuyên môn
Từ tháng 4 đến tháng 6/2012, tại Quảng Ngãi đã xảy ra 3 vụ sản phụ tử vong cả mẹ và con, 1 vụ trẻ sơ sinh tử vong. Các ca tai biến gây lo ngại cho nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực điều tra nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, sớm ổn định tâm lý cho thầy thuốc và cả người dân. Qua quá trình kiểm tra, các ca tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi có tai biến bất khả kháng nhưng cũng có tai biến liên quan đến cán bộ y tế. Đối với các bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp nhận, theo dõi, điều trị 3 trường hợp xảy ra tai biến nói trên, ngành y tế Quảng Ngãi đã kiểm điểm và giải trình sự việc, xem xét kỷ luật đối với 2 nữ hộ sinh và 3 bác sĩ. Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ có các hình thức kỷ luật đối với các y bác sĩ liên quan. Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các tai biến sản phụ nói trên là do năng lực chuyên môn của một số bác sĩ, nữ hộ sinh còn hạn chế.
Bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi, điều trị chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong quá trình khám bệnh, theo dõi diễn biến, điều trị. Trước tình hình các ca tai biến diễn ra như kể trên, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc nhắc nhở cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là Khoa Sản, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, cấp cứu sản khoa, quy định về giao tiếp ứng xử. Bên cạnh đó, đồng thời tích cực phối hợp với lãnh đạo BVĐK tỉnh động viên y, bác sĩ ổn định tư tưởng, hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn, quan tâm nhiều hơn đến người bệnh, nhất thiết không để xảy ra những tai biến ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị BV Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh cử 2 bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa có kinh nghiệm về trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
“Ngành y tế Quảng Ngãi đã, đang rà soát nguồn lực của hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp với vị trí, nhiệm vụ công tác, tiếp tục làm việc với các bệnh viện tuyến TW hỗ trợ về công tác chỉ đạo tuyến… thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên toàn địa bàn về thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật, cấp cứu sản khoa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)”, BS. Phạm Hồng Phương – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định (Sức khỏe & Đời sống 5/7).
Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk:
Phẫu thuật nối chi thành công
Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk vừa phẫu thuật thành công 2 trường hợp bị đứt lìa chi. Bệnh nhân là Lê Văn Kiên (sinh năm 1984, trú tại xã EaHu, huyện CưKuin, Đăk Lăk), nhập viện lúc 1h25 phút ngày 27/6/2012 trong tình trạng da niêm mạc nhợt nhạt, vết thương đỉnh đầu phải, đứt lìa cánh tay trái, mất nhiều máu, huyết áp không kiểm soát 40/00mmHg (đối với trường hợp huyết áp bình thường từ 90-130/50-80mmHg). Bệnh nhân được hồi sức chống choáng, thở ôxy và truyền máu liên tục, đến 3h30 phút cùng ngày, bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp kết hợp xương lồi cầu ngoài cánh tay, kết hợp xương mỏm khuỷu, khâu nối động mạch cánh tay, 2 tĩnh mạch cánh tay, khâu nối thần kinh quay, thần kinh trụ, thần kinh giữa, khâu nối nhóm cơ mặt trước và sau khuỷu cánh tay do kíp phẫu thuật gồm: BS. Nguyễn Minh Trực – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BS. Phan Trọng Huỳnh, BS. Y Sen Ka Nông cùng nhóm kỹ thuật viên thuộc Khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong 6 giờ với tổng số đơn vị máu truyền trước, trong và sau khi phẫu thuật là 10 đơn vị máu.
Đến ngày 4/7, sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Lê Văn Kiên đã tỉnh táo, tự thực hiện vệ sinh cá nhân, tay trái hồng ấm, mạch quay trái bắt được, đầu các ngón tay trái tưới máu tốt. Trước đó, Khoa Chấn thương chỉnh hình cũng đã phẫu thuật thành công cho trường hợp Y Đrin Ayun (sinh năm 1989, trú tại thôn EaYông A, xã EaYông, huyện Krông Pắk) bị đứt gần lìa bàn chân phải ngay cổ chân, sau phẫu thuật hai tuần, bệnh nhân đã ổn định, chân hồng ấm, các ngón chân cử động được. Bệnh nhân Y Đrin Ayun được xuất viện ngày 26/6 (Sức khỏe & Đời sống 5/7).
Ngày 4-7, đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) phối hợp cùng hai chuyên gia về dịch tễ học và bệnh lý gan mật tại Vương quốc Bỉ có buổi làm việc và khảo sát tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đoàn công tác đã làm việc với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ và trạm y tế xã Ba Điền về tình hình diễn biến của bệnh từ khi khởi phát ca bệnh đầu tiên đến nay, tìm hiểu diễn biến của bệnh qua từng giai đoạn điều trị, những loại thuốc điều trị dự phòng người dân đang sử dụng. Đoàn cũng đã đi khảo sát thực địa tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền. Tại đây, hai chuyên gia y tế của Vương quốc Bỉ đã lấy mẫu lúa cũ của người dân dùng trước đây để xét nghiệm, tìm hiểu nhiều yếu tố khác liên quan tới môi trường, nguồn nước, điều kiện sinh sống của cư dân vùng bệnh “lạ” để trợ giúp tìm nguyên nhân gây bệnh (Tuổi trẻ, Thanh niên 5/7).
Sẽ làm rõ việc bảo kê “phòng khám Trung Quốc”
Tối 4-7, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi nhận được đơn thư phản ảnh của người dân và phản ánh của một số tờ báo về việc thanh tra Sở Y tế bảo kê cho “phòng khám Trung Quốc”, ban giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu bác sĩ Phạm Hữu Quốc, thanh tra viên Sở Y tế, tường trình về vụ việc này. Sau khi nhận được bản tường trình của bác sĩ Quốc, Sở Y tế đã giao thanh tra Sở Y tế làm rõ những phản ảnh này và nếu có sai phạm sẽ xử lý đúng theo quy định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong bản tường trình gửi ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Quốc cho rằng từ tháng 8-2011 đã có đơn thư phản ảnh ông bảo kê, thông báo trước cho các phòng khám có người Trung Quốc khi đi thanh tra. Tuy nhiên, các cơ quan xác minh và có báo cáo cho ban giám đốc Sở Y tế là ông không vi phạm do trong thời gian này ông Quốc không tham gia đoàn thanh tra. Một đơn thư khác cũng tố cáo ông Quốc bảo kê cho phòng khám Đầm Sen. Ông Quốc tường trình gần hai năm trước có hướng dẫn một người thầy thành lập phòng khám này nhưng chỉ khám tây y, không có y học Trung Quốc. Thời gian đầu, ông Quốc có đến đây 5-6 lần để hướng dẫn, hỗ trợ khám bệnh nhưng hơn một năm rưỡi nay, cơ sở này đổi chủ và ông không còn liên quan đến phòng khám trên (Tuổi trẻ 5/7).
Các tai biến sản khoa ở tỉnh Quảng Ngãi: Xử lý
nghiêm theo kết luận của Hội đồng chuyên môn
Từ tháng 4 đến tháng 6/2012, tại Quảng Ngãi đã xảy ra 3 vụ sản phụ tử vong cả mẹ và con, 1 vụ trẻ sơ sinh tử vong. Các ca tai biến gây lo ngại cho nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực điều tra nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, sớm ổn định tâm lý cho thầy thuốc và cả người dân. Qua quá trình kiểm tra, các ca tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi có tai biến bất khả kháng nhưng cũng có tai biến liên quan đến cán bộ y tế. Đối với các bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp nhận, theo dõi, điều trị 3 trường hợp xảy ra tai biến nói trên, ngành y tế Quảng Ngãi đã kiểm điểm và giải trình sự việc, xem xét kỷ luật đối với 2 nữ hộ sinh và 3 bác sĩ. Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ có các hình thức kỷ luật đối với các y bác sĩ liên quan. Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các tai biến sản phụ nói trên là do năng lực chuyên môn của một số bác sĩ, nữ hộ sinh còn hạn chế.
Bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi, điều trị chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong quá trình khám bệnh, theo dõi diễn biến, điều trị. Trước tình hình các ca tai biến diễn ra như kể trên, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc nhắc nhở cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là Khoa Sản, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, cấp cứu sản khoa, quy định về giao tiếp ứng xử. Bên cạnh đó, đồng thời tích cực phối hợp với lãnh đạo BVĐK tỉnh động viên y, bác sĩ ổn định tư tưởng, hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn, quan tâm nhiều hơn đến người bệnh, nhất thiết không để xảy ra những tai biến ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị BV Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh cử 2 bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa có kinh nghiệm về trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
“Ngành y tế Quảng Ngãi đã, đang rà soát nguồn lực của hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp với vị trí, nhiệm vụ công tác, tiếp tục làm việc với các bệnh viện tuyến TW hỗ trợ về công tác chỉ đạo tuyến… thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên toàn địa bàn về thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật, cấp cứu sản khoa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)”, BS. Phạm Hồng Phương – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định (Sức khỏe & Đời sống 5/7).
Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk:
Phẫu thuật nối chi thành công
Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lăk vừa phẫu thuật thành công 2 trường hợp bị đứt lìa chi. Bệnh nhân là Lê Văn Kiên (sinh năm 1984, trú tại xã EaHu, huyện CưKuin, Đăk Lăk), nhập viện lúc 1h25 phút ngày 27/6/2012 trong tình trạng da niêm mạc nhợt nhạt, vết thương đỉnh đầu phải, đứt lìa cánh tay trái, mất nhiều máu, huyết áp không kiểm soát 40/00mmHg (đối với trường hợp huyết áp bình thường từ 90-130/50-80mmHg). Bệnh nhân được hồi sức chống choáng, thở ôxy và truyền máu liên tục, đến 3h30 phút cùng ngày, bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp kết hợp xương lồi cầu ngoài cánh tay, kết hợp xương mỏm khuỷu, khâu nối động mạch cánh tay, 2 tĩnh mạch cánh tay, khâu nối thần kinh quay, thần kinh trụ, thần kinh giữa, khâu nối nhóm cơ mặt trước và sau khuỷu cánh tay do kíp phẫu thuật gồm: BS. Nguyễn Minh Trực – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BS. Phan Trọng Huỳnh, BS. Y Sen Ka Nông cùng nhóm kỹ thuật viên thuộc Khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong 6 giờ với tổng số đơn vị máu truyền trước, trong và sau khi phẫu thuật là 10 đơn vị máu.
Đến ngày 4/7, sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Lê Văn Kiên đã tỉnh táo, tự thực hiện vệ sinh cá nhân, tay trái hồng ấm, mạch quay trái bắt được, đầu các ngón tay trái tưới máu tốt. Trước đó, Khoa Chấn thương chỉnh hình cũng đã phẫu thuật thành công cho trường hợp Y Đrin Ayun (sinh năm 1989, trú tại thôn EaYông A, xã EaYông, huyện Krông Pắk) bị đứt gần lìa bàn chân phải ngay cổ chân, sau phẫu thuật hai tuần, bệnh nhân đã ổn định, chân hồng ấm, các ngón chân cử động được. Bệnh nhân Y Đrin Ayun được xuất viện ngày 26/6 (Sức khỏe & Đời sống 5/7).