Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Xăng đã giảm, lo vẫn còn

Xăng đã giảm, lo vẫn còn

Tuy nhiên, trên thị trường Singapore giá xăng nhập ngày 2/7 lại đã tăng vọt lên mức 101,07 USD/thùng, từ mức 97,8 USD/thùng trước đó. Cùng với sự thiếu minh bạch trong việc điều hành giá xăng dầu hiện nay, người ta vẫn có nhiều lý do để lo lắng.
5 lần giảm bằng 2 lần tăng

Ngày 3/7, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 103, quy định việc tăng mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu lên 12% với các loại xăng từ RON 90 đến RON 97. Mức thuế suất này cũng được áp dụng với các loại xăng đặc chủng, dầu nhiên liệu và một số dung môi khác (Riêng thuế nhập đối với dầu diesel là 10%). Trước đó, ngày 2/7, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước giảm giá bán lẻ các loại xăng dầu từ 200 – 600 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng đã giữ nguyên mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu ở mức 300 đồng/lít,kg.

Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm. Tổng mức giảm cả 5 lần với riêng mặt hàng xăng RON 92 là 3.200 đồng, đưa giá xăng về thời điểm trước ngày 7/3 năm 2012. Vào thời điểm đó, giá bán lẻ xăng RON 92 là 20.800 đồng/lít. Tuy nhiên, chỉ với hai lần tăng giá (ngày 7/3 với mức tăng 2.100 đồng/lít và ngày 20/4 với mức tăng 900 đồng/lít) giá xăng đã lập kỷ lục 23.800 đồng/lít. Một trong những điểm gây nghi ngại trong dư luận là mức “tăng nhiều giảm ít” này. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, mức giảm dè dặt một phần là do thời gian giữa hai lần giảm giá thường ngắn hơn thời gian giữa hai lần tăng giá. Một điểm đáng ghi nhận nữa là trong những lần giảm giá gần đây, quy định bắt buộc phải điều chỉnh giá trong vòng 10 ngày trong trường hợp giảm giá của Nghị định 84 đã được tuân thủ tốt hơn. 

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, riêng với mặt hàng xăng RON 92, giá nhập khẩu tại thị trường Singapore trong khoảng thời gian từ 1/6 đến 2/7 có mức trung bình 101,2529 USD/thùng. Áp dụng cách tính giá cơ sở theo Nghị định 84 của Chính phủ thì việc giảm giá xăng ở mức 600 đồng/lít ngày 2/7 và tăng thuế suất lên mức 12% ngày 3/7 là hợp lý.

Tuy nhiên, giá cơ sở chỉ là giá tham khảo phục vụ cho việc điều hành, nó không phản ánh lỗ lãi thực của doanh nghiệp. Trong quyết định giảm giá xăng dầu cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, ông đã yêu cầu Hải quan cung cấp giá thực nhập trước khi có yêu cầu giảm giá. Trong những ngày qua, có thời điểm giá xăng nhập đã giảm xuống mức rất thấp 92,95 USD/thùng (ngày 22/6). Nếu Bộ Tài chính cũng căn cứ vào giá thực nhập vào những ngày này, giá xăng còn có thể giảm nhiều hơn nữa.
 
Ngày càng thiếu minh bạch

Trong tất cả các bản thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính, cụm từ ưa thích đi kèm là “thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí để biết và chủ động phối hợp tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân và xã hội hiểu, đồng thuận với các giải pháp trong điều hành giá xăng, dầu của Nhà nước”.

Mặc dù kêu gọi sự “đồng thuận” nhưng nhiều yêu cầu chính đáng của báo giới và dư luận lại đang bị cơ quan chức năng phớt lờ. Trong cuộc hội thảo gây được tiếng vang về điều hành giá xăng dầu tháng 9/2011, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã đặc biệt đề cao việc “minh bạch” trong công tác điều hành. Tuy nhiên, đến nay với riêng giá xăng dầu, người ta thấy vẫn chưa có nhiều tiến bộ, thậm chí đã có những bước thụt lùi.
Cụ thể, không dưới một lần các báo và dư luận lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý cụ thể là liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố giá cơ sở hàng ngày trên trang điện tử của mình. Cả hai bộ đều có trang điện tử riêng và cập nhật thường xuyên, đặc biệt là Bộ Tài chính, nhưng đến nay việc công bố giá cơ sở vẫn không hiểu vì lí do gì mà chưa thể thực hiện được?! Lý do kỹ thuật chắc chắn được loại trừ, bằng chứng là Petrolimex đã từng thực hiện việc công bố thường xuyên giá cơ sở trên trang điện tử của mình một thời gian dài, cho đến đợt tăng giá ngày 29/3/2011 thì… dừng lại(?!).

Đến nay, để tiếp cận thông tin về giá xăng dầu nhập khẩu ngoài Petrolimex thì còn nguồn từ xangdau.net. Nhưng muốn có các loại thông tin này từ nguồn xangdau.net thì phải mất phí đến hàng triệu đồng/năm mới có. Cơ quan quản lý sẽ rất khó biện hộ cho sự “độc quyền” về thông tin này. Đến nay, thực tế nguồn cung cấp thông tin thường xuyên về giá xăng dầu nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào Petrolimex. Nhưng ngay cả Petrolimex cũng đang ngày càng bó hẹp thông tin cung cấp theo mức giảm giá xăng dầu nhập. Đó là việc từ giữa tháng 5/2012, Petrolimex đã ngừng cung cấp bản tin thị trường xăng dầu nhập khẩu mà họ vẫn cung cấp thường xuyên 2 lần/tháng trước đây. Hiện nay, Petrolimex chỉ cung cấp giá xăng dầu hàng ngày trên trang web của công ty.

Cơ quan quản lý sẽ rất khó để có lời giải thích thỏa đáng cho việc từ chối công khai những thông tin quan trọng như giá cơ sở xăng dầu. Khi các thông tin điều hành chưa “minh bạch” thì dư luận có lý do để phớt lờ những lời kêu gọi “đồng thuận”.

Gửi thảo luận