Tại điểm trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng), thí sinh Trương Thị Thuận, dự thi khối A vào ngành Quản lý Tài nguyên – môi trường, ĐH Bách khoa cho biết: “Để thi có 50 câu hỏi trắc nghiệm. So với các đề thi môn Lý năm trước thì em thấy đề thi năm nay dễ hơn. Em làm bài được trên 80%, hy vọng lắm nhưng đậu hay không thì phải đợi kết quả chứ không nói trước được”.
Một thí sinh khác, tên Quang Thạnh, cũng dự thi tại điểm trường này chia sẻ: “Theo em, đề Lý năm nay các câu hỏi khó chiếm khoảng hơn 30%. Phải những bạn học lực khá, giỏi mới làm được bài thi. Bạn nào chăm chỉ luyện bài tập cũng kiếm được trên 5 điểm. Bài thi Lý chiều nay em làm được hơn bài thi Toán buổi sáng nên đỡ lo lắng hơn. Còn mai thi môn Hóa nữa…”.
Thí sinh Đà Nẵng xem lại các đáp án chọn nháp trên đề thi môn Lý. (Ảnh: Khánh Hiền)
Sau buổi thi môn Lý chiều nay 4/7, theo các thí sinh tại ĐH Quảng Nam cho biết đề tương đối khó làm. Do là thi trắc nghiệm nên đa số các thí sinh đều làm hết bài nhưng chưa chắc đúng hết.
Các thí sinh tại Hội đồng thi trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ) ra về sau khi thi môn Lý. (Ảnh: C.Bính)
Thí sinh Ngô Thị Lệ Hằng (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho hay đề Lý hơi khó so với sức học của em. Tuy đã làm hết bài nhưng không hy vọng đúng hết vì có nhiều câu hơi khó, gần hết giờ thì làm đại may ra thì trúng.
Hầu hết các thí sinh thi vào trường ĐH Quảng Nam cũng đánh giá đề Lý hơi nặng so với sức học. Theo quan sát, tại Hội đồng thi trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ), khi trống đánh hết giờ nhiều thí sinh vẫn còn làm chưa xong bài.
Theo tin từ Ban tuyển sinh ĐH Quảng Nam, trong buổi thi môn Lý chiều nay có một thí sinh mang SBD 2.470 bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Tại HĐT của trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM, Sư phạm kỹ thuật, Nông lâm… ít xuất hiện các thí sinh nộp bài thi và ra sớm. Khi kết thúc môn thi, các thí sinh bước ra khỏi phòng với tâm trạng không vui vì đề thi dài, khó nên không làm được. Nhiều thí sinh cười nhưng với cái cười lắc đầu ngao ngán. Thí sinh Nguyễn Sơn Hà, thi vào trường Đại học An Ninh cho biết: "Đề thi khó hơn nhiều so với đề năm trước. Em chỉ làm được chính xác khoảng 20 câu trắc nghiệm".
Thí sinh tại TPHCM rời phòng thi môn Lý với tâm trạng khá nặng nề. (Ảnh: Công Quang)
Khác hẳn với tình trạng bỏ phòng thi sớm ở môn Toán, ở môn Lý, tại HĐT trường ĐH Công nghiệp TPHCM, tận dụng hết giờ thi, thí sinh mới ra khỏi phòng. Các thí sinh không mấy vui vẻ vì đánh giá đề khó, dài, phần bài tập nhiều và khó hơn cả đề Toán. Nhất là phần điện nhiều em không làm được, chọn cánh đánh ăn may.
Em Võ Nhất Tùng quê ở Bình Phước, thi vào khoa Quản trị Kinh doanh cho biết em làm trọn vẹn chưa đến 50% bài thi, còn nhiều câu còn lại em chưa biết kết quả đúng hay sai.
Thí sinh Võ Nhất Tùng (bên phải) thi vào ĐH Công nghiệp TPHCM đánh giá đề thi Lý dài, khó. (Ảnh: Hoài Nam)
“Môn thi thứ 2 nên tâm lý em thoải mái hơn nhưng em thấy đề Lý khó hơn Toán. Các thí sinh trong phòng cũng rất uể oải. Đề có khả năng phân loại rất cao, tuy nhiên hơi dài, một số câu đòi hỏi quá nhiều thời gian”.
Kết thúc môn thi Lý chiều nay tại Hà Nội, gần như không có một nụ cười mãn nguyện nào sau khi kết thúc môn thi. Các em đều cho biết đều khoanh hết đáp án nhưng có đến khoảng 30 – 40% là chọn bừa.
Tỷ lệ bài tập chiếm đến gần 80% câu hỏi nên thí sinh không thể làm hết bài và đành phải chọn “bừa” đáp án. Để làm được bài trọn vẹn phải có kiến thức vững và kỹ năng tính toán tốt. Đó là nhận định chung của thí sinh đối với môn Vật Lý chiều nay.
“Đề thi khá dài lại tính toán nhiều nên em không có đủ thời gian để làm. Toát mồ hôi em chỉ làm được 30-35 câu, còn lại em chọn bừa” – Thành, thí sinh đến từ Thanh Hóa dự thi trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.
Thí sinh nhăn mặt trao đổi lại bài làm môn Vật Lý .
Không chỉ Thành mà nhiều thí sinh khác dự thi vào trường này cùng đồng quan điểm “thủ thuật” làm bài như trên khi người thân hỏi có làm được bài hay không.
Thấy thằng con út tách đám đông tiến về phía mình, chị Hoa quê ở Bắc Ninh tươi cười hỏi: “Làm bài tốt chứ con”. “Thi trắc nghiệm thì phải hết chứ mẹ. Nhưng chắc áng chừng con khoảng được 5-6 điểm thôi” – Cục cưng của chị tên Hưng nhe răng cười trả lời.
Không chỉ có Hội đồng thi trường ĐH Bách Khoa mà thí sinh ở các Hội đồng thi khác như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Khoa học Tư Nhiên – ĐH Quốc gia HN đều nhăn mặt với môn Lý chiều nay.
Hương, thí sinh đến từ Thanh Hóa dự thi ĐH Kinh tế Quốc dân không ngần ngại chia sẻ: “Mục tiêu của em là khối D. Đăng ký thi khối A là để tập dượt. Mặc dù em học môn Lý không đến nổi tệ nhưng chật vật cũng chỉ làm được 40%. Số câu còn lại đành phải cầu may. Với hai môn Toán, Lý đã làm chắc chắn em không có cơ hội nhưng nó giúp em bình tĩnh hơn trong đợt thi sau”
Cũng là tên Hương nhưng đến từ Thái Bình và dự thi vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên bộc bạch: “Quả thực đề quá dài. Nếu có thêm thời gian kết quả bài làm em sẽ tốt hơn. Khả năng chắc chắn thì em được khoảng 7-8 điểm. Số câu còn lại em không tự tin vì chọn…bừa”.
Thí sinh dự thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội thất thểu ra về sau khi kết thúc môn thi Vật Lý. (Ảnh: Nguyễn Hùng – Mai Hạnh)
Khi được phóng viên hỏi về kết quả làm bài, Thanh Hải – thí sinh đến từ Hải Dương chỉ biết nhăn mặt than thở: “Kết quả tệ lắm anh ạ. Hi vọng ngày mai môn Hóa sẽ gỡ gạc được. Môn này là môn sở trường của em”.
Nhận định về đề thi, thầy Đặng Quang Hùng – Giáo viên ở Trung tâm Học Mãi nhấn mạnh: “Với đề thi này để đạt được điểm trung bình không phải là dễ”. Cũng theo thầy Hùng đây là một đề thi có tính phân loại cao, bám sát chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên đề thi hơi dài so với thời gian làm bài là 90 phút. Các câu hỏi khó chủ yếu tập trung vào phần điện và cơ.
"Với đề thi như vậy thì thí sinh có học lực khá trở lên chỉ có thể kiếm được điểm 7-8. Phổ điểm chung dao động trong phạm vi từ 4-6. Điểm tuyệt đối sẽ rất khan hiếm, chỉ có những em đặc biệt xuất sắc mới có thể dành được điểm 10” – Thầy Hùng nhận định.
Như vậy ngày thi đầu tiên đã kết thúc. Phần lớn các thí sinh dự thi đều cho rằng với mức độ đề thi Toán, Lý tương đối khó và có tính phân loại tốt. Ngày mai thí sinh bước vào môn thi cuối là Hóa học đối với khối A và môn Ngoại Ngữ với khối A1.