Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 3/7/2012

Điểm báo ngày 3/7/2012

Vụ "cấp nhầm thẻ BHYT": Trả lại chi phí
chữa bệnh chênh lệch cho dân

Chiều 2-7, bà Trần Thị Thanh Mai – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa – cho biết sở đã chỉ đạo tổng rà soát số lượng người dân tộc thiểu số bị cấp nhầm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo bà Mai, 9.247 thẻ BHYT bị cấp nhầm mã số từ hộ nghèo thành hộ cận nghèo (Tuổi Trẻ ngày 2-7) mới chỉ được phát hiện vào cuối năm 2011 ở 18 xã của hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, trong khi Khánh Hòa có 26 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn có người dân tộc thiểu số sinh sống nên có thể số lượng còn nhiều hơn.
"Sở cũng yêu cầu các phòng lao động – thương binh và xã hội phối hợp với bệnh viện cùng cấp rà soát toàn bộ danh sách bệnh nhân là người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn nhưng được cấp thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, lập danh sách nêu rõ các khoản chi khám chữa bệnh mà bà con phải đóng 20% thay vì 5% trong cả năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 để sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, trả lại phần chênh lệch cho người dân" – bà Mai nói. (An ninh Thủ đô 3/7 (trang 2))
Số người mắc bệnh lạ giảm
Chiều 2.7, ông Lê Huy, Chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết số người mắc bệnh lạ (hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) ở H.Ba Tơ có xu hướng giảm dần.
Từ ngày 8.6 – 2.7 không phát hiện ca bệnh mắc mới. Công tác điều trị bệnh lạ cũng có dấu hiệu khả quan. Trong 6 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã có 4 người được xuất viện vào ngày 1.7. Hiện chỉ còn 8 bệnh nhân mắc bệnh lạ đang điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Bộ Y tế đã điều động 4 bác sĩ ở các bệnh viện T.Ư về cắm chốt tại Trung tâm y tế Ba Tơ và Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để hỗ trợ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh lạ. Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 250 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ người dân bị bệnh lạ ở 5 xã của H.Ba Tơ. (Thanh niên 3/7 (trang 2))
Chính phủ hỗ trợ gạo cho dân vùng bệnh lạ Quảng Ngãi
Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 250 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân vùng xảy ra bệnh viêm da lạ ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh này sử dụng gạo cấp cho người dân đúng đối tượng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, UBND huyện Ba Tơ và các sở, ngành liên quan thành lập ban chỉ đạo phòng, chống “bệnh lạ” cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Ba Tơ làm đầu mối tiếp nhận, điều phối lương thực và các sản phẩm dinh dưỡng cho người dân. Hiện có 13 ca mắc bệnh viêm da lạ đang điều trị tại y tế tuyến huyện, tỉnh và trung ương. (Sức khỏe & Đời sống, Lao động 3/7 (trang 2))
Cần có giải pháp thỏa đáng về việc cấp thẻ
BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Liên quan việc cấp thẻ bảo hiểm cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn, mới đây UBND thành phố có Thông báo số 423/TB-VP truyền đạt kết luận: Kể từ ngày 1- 7-2012, thành phố ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi không có hộ khẩu thành phố, đối với những trẻ tạm trú đã được cấp thẻ BHYT các cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát và thu hồi.
Ngay sau khi kết luận được ban hành, trong dư luận nổi lên nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, thậm chí cho rằng, đây là quy định vừa trái luật lại vừa thiếu tình người. Bởi lẽ, tại khoản 2, Ðiều 17, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ: Ðịa phương nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là UBND phường, xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ. Các địa phương nói trên có trách nhiệm lập danh sách và đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cư trú tại địa bàn. Trong khi đó tại Ðiều 1, Luật Cư trú cũng đã xác định: "Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú". Như vậy, có thể hiểu rằng, địa phương nơi trẻ cư trú (bao gồm thường trú và tạm trú)  phải có nghĩa vụ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các cháu. Nếu chiểu theo quyết định trên thì sẽ có rất nhiều trẻ em dưới 6 tuổi là con cái của  hơn một triệu lao động nhập cư (chủ yếu là những người trẻ, mới lập gia đình cho nên số trẻ em dưới 6 tuổi chiếm phần lớn) sẽ không được cấp thẻ BHYT và nếu muốn được cấp thì họ phải trở về nơi có hộ khẩu thường trú. Xét về khía cạnh khác thì cũng thấy bất ổn, bởi vì tuy không có hộ khẩu thường trú nhưng hơn một triệu lao động nhập cư đã có những đóng góp không nhỏ vào ngân sách của thành phố. Từ thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế, phí khác, hằng tháng những người nhập cư vẫn bị trích trừ vào lương  để đóng góp cho nguồn ngân sách thành phố. Cũng nhờ có đội quân nhập cư này mà các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố mới có đủ lực lượng lao động phục vụ sản xuất và kinh doanh và trở thành một động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nên việc trích ngân sách thành phố để chi trả BHYT cho trẻ em là con cái của những người nhập cư không phải là không có lý. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu và thông cảm với quyết định này của TP Hồ Chí Minh vì hiện tại thành phố đang  có nguy cơ không cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT, do số thẻ BHYT diện tự nguyện tăng mạnh, trong khi đa số đối tượng này chỉ tham gia BHYT tự nguyện khi có bệnh, thậm chí bệnh nặng có chi phí điều trị rất cao. Tại các bệnh viện Ung bướu, Truyền máu – huyết học, Viện Tim và các bệnh viện có khoa thận nhân tạo, bệnh nhân BHYT tự nguyện mắc ung thư, suy thận, khám và mổ tim có số lượt nằm viện và khám bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 50% trên tổng số lượt khám, chữa bệnh cũng như khoảng 50% tổng chi phí khám, chữa bệnh của các bệnh viện này. Ngoài ra, việc thực hiện viện phí theo quy định mới có hơn 400 dịch vụ kỹ thuật tăng và gần 1.000 phẫu thuật, thủ thuật có mức giá tăng gấp hai lần. Thông tin từ Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, trong hai năm 2010 và 2011 thành phố còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 21 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh cho những trẻ khám theo tên mẹ hoặc chưa có thẻ BHYT, trong đó số tiền nợ của năm 2010 lên tới 17 tỷ đồng. Nếu quyết định trên của UBND thành phố được thực thi thì gánh nặng BHYT của thành phố sẽ vơi bớt đi nhưng nó cũng tác động không nhỏ đến đời sống của hàng trăm nghìn thậm chí là hàng triệu người dân thuộc diện tạm trú trên địa bàn. Vì thế thành phố và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tìm ra một giải pháp thỏa đáng để giải quyết thấu tình đạt lý việc cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố. Thí dụ như, kinh phí của khoản này nên thống nhất về đầu mối ngân sách của Trung ương chi trả. Các bậc cha mẹ thuộc diện tạm trú nên tự khắc phục bằng cách  gửi hồ sơ về quê nhờ người thân làm thẻ BHYT cho các cháu, và cũng đưa ra nguyện vọng nơi khám, chữa bệnh BHYT ban đầu là một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh để thành phố dễ quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT với các địa phương, vì đây là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. (Cùng Chủ đề: Sức khỏe & Đời sống 3/7, trang 11: Ngừng cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi không có hộ khẩu TP.HCM: Quyết định thiếu cả lý và tình?!). (Nhân dân 3/7 (trang 5))
Lễ hội Xuân Hồng thu được 23.072 đơn vị máu trong 5 năm
Ngày 30-6, Viện Huyết học và Truyền Máu T.Ư tổng kết 5 năm Lễ hội Xuân Hồng – ngày hội hiến máu quy mô lớn nhất trên cả nước với trên 1.000 đơn vị máu/ngày.
Lễ hội Xuân Hồng lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 với quy mô còn nhỏ, chỉ ở Hà Nội , từ năm 2010 lan tỏa ra các tỉnh thành khác như Hà Nam, Bắc Giang… Đến năm 2012, có 46 tỉnh/thành phố tổ chức. Đặc biệt năm nay, hiệu ứng của Lễ hội Xuân Hồng đã kéo dài đến tận mùa hè.
Trong 5 năm diễn ra Lễ hội Xuân Hồng đã xác lập một số kỷ lục như: Năm 2012 kỷ lục với 7.684 đơn vị/ngày; Các kỷ lục về số người tham gia đăng ký hiến máu, số cặp hiến máu đôi trong lễ tình nhân, chiếc khăn len dài nhất do người hiến máu đan…
Tổng lượng máu thu được qua 5 kỳ Lễ hội là 23.072 đơn vị máu, góp phần quan trọng khắc phục được tình trạng thiếu máu sau dịp Tết Nguyên đán của những năm qua.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền Máu T.Ư cho biết Lễ hội Xuân Hồng là sân chơi lớn, góp phần giáo dục cho các bạn trẻ biết sống vì mọi người, vì cộng đồng và định hướng những giá trị tốt đẹp cho giới trẻ.
Tại lễ tổng kết Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS.TS Nguyễn Anh Trí. (Sức khỏe & Đời sống, An ninh Thủ đô, Tiền phong  3/7 (trang 2))
Thí điểm giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh
BHYT theo tỉ lệ phần trăm

BHXH Việt Nam cho biết, đề án thí điểm phương pháp giám định hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT theo tỉ lệ phần trăm đã bắt đầu được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước với thời gian thực hiện dự kiến trong 1 năm. Tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 1/7, phương pháp giám định mời này đã được cơ quan BHXH thành phố phối hợp với 06 cơ sở KCB gồm BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Hòe Nhai, BV Xây dựng, BV Thanh Nhàn, BV Quốc Oai và BV Vân Đình, xây dựng các mẫu hồ sơ giám định. Theo đó, việc xác định cỡ mẫu phải đảm bảo tính đại diện, tính ngẫu nhiên. Phương pháp áp dụng kết quả trên mẫu giám định cho toàn hồ sơ thanh toán trong kỳ KCB được tập hợp trên cơ sở tổng hợp và phân loại chi phí sai sót của mẫu thẩm định là sai sót phổ biến hay sai sót cá biệt để xác định tỷ lệ chi phí sai sót trên mẫu giám định và được thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB. (Sức khỏe & Đời sốn  3/7 (trang 4))

Gửi thảo luận