Trang chủ » Tin tức » Y tế » Phận đời 50 thiếu nữ không chồng mà có con cùng một xã

Phận đời 50 thiếu nữ không chồng mà có con cùng một xã

Lời ru buồn ở chốn non cao

Năm 2011, thấy nhiều thanh niên trong làng đi lao động ở các nơi khác về kiếm được nhiều tiền, vì vậy dù đang học lớp 8, Hồ Thị Hiền (sinh 1994), ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, đã bỏ trường để vào Tây Nguyên hái cà phê thuê.

Với gương mặt xinh xắn, dễ thương và thân hình đầy đặn của một sơn nữ đang trong độ tuổi trăng tròn, nên Hiền luôn được nhiều thanh niên làm cùng vây quanh săn đón.

Chưa đủ lớn khôn để hiểu và phân biệt đâu là sự  thật, giả; đồng thời trước những câu thì thầm ngọt ngào, lời sự hứa hẹn nên Hiền đã nhận lời và trở thành người yêu của một thanh niên hơn mình hơn 6 tuổi, quê ở tận ngoài Bắc.

Và kết quả là giờ Hiền đã trở thành bà mẹ trẻ của đứa con mới sinh chưa đến 3 tuần tuổi.
 

Còn với Hồ Thị Giang (SN 1985), ở cùng thôn, thì đây là lần mang thai thứ 2. Hơn 4 năm trước, sau khi “dính quả lừa” của một thanh niên họ “Sở”, người cùng xã, Giang sinh một đứa con trai.

Khi con được 1 tuổi, Giang gửi cho cha mẹ để vào miền Nam phụ việc một quán ăn kiếm tiền nuôi con. Vì đã một lần lỡ dại nên Giang luôn cảnh giác và tránh xa những lời đường mật của cánh thanh niên.

Thai phụ Hồ Thị Giang và đứa con của mình

Thế nhưng trước sự kiên trì đeo bám của chàng trai Nguyễn Văn Q., (28 tuổi), quê ở miền Trung, làm cùng chỗ; cùng với sự cô đơn, lẻ loi nơi đất khách quê người, nên Giang đã xiêu lòng và về sống với Q.. Thai nhi đã được 8 tháng.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (TTDS-KHHGĐ) huyện Tây Trà từ năm 2006 đến nay, toàn huyện có trên 125 trường hợp nữ nằm trong độ tuổi từ 15-25, có con nhưng không có chồng. Trong đó riêng 2 xã Trà Phong và Trà Thọ gần 50 trường hợp.

Những nàng vọng phu thời hiện đại

“Khi nghe em báo tin là đã mang thai, bạn trai động viên em về quê sinh, rồi sẽ gửi tiền ra để nuôi con; hứa sẽ mời cha mẹ vào để tổ chức đám cưới. Vậy mà từ khi về sinh con đến nay đã được 6-7 tháng, nhưng bạn cũng biến mất không dấu vết” – Hiền tâm sự.

Ông Hồ Văn Nhân (40 tuổi), cha của Hiền nén tiếng thở dài: “Cuộc sống của gia đình chỉ dựa vào 2 sào ruộng và đi làm thuê kiếm sống. Vừa rồi do Hiền sinh khó nên các bác sỹ ở bệnh viện huyện cho chuyển xuống bệnh viện tỉnh để sinh mổ. Nhà không có tiền nên phải mượn của bà con gần 3 triệu đồng”.

Con đầu của Hồ Thị Thảo chưa bao giờ biết mặt cha của mình

Cũng như Hiền, Giang cũng không biết quê cha của đứa bé mà mình đang mang cụ thể ở đâu. Và dù đã hơn 3 tháng nay kể từ khi trở về quê để chuẩn bị sinh con, nhưng bạn trai của Giang vẫn chưa một lần gọi hỏi thăm, gửi tiền về như đã hứa. “Giận và buồn nhiều, nhưng em vẫn thương và nhớ anh ấy lắm. Hi vọng mai mốt anh ấy sẽ lên thăm mẹ con em” – Giang quay mặt để giấu cặp mắt đỏ hoe đang ngân ngấn nước mắt.

Thương tâm hơn là trường hợp của Hồ Thị Thảo (SN 1988), ở thôn Trà Nga, cùng xã. Sau khi sinh đứa con trai đầu không có cha được khoảng 5 tuổi, vào gần cuối tháng 2 vừa qua, Thảo sinh tiếp đứa con gái thứ 2 cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện 3 mẹ con cùng ở trong căn nhà bằng tre nứa rộng chưa đầy 5m2. Hơn 2 tháng qua, cuộc sống của 3 mẹ con dựa vào sự hảo tâm của mấy anh em và bà con trong làng.

Nỗ lực để ngăn chặn

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc TTDS-KHHGĐ, huyện Tây Trà thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng sinh con không có cha xảy ra trên địa bàn huyện khá phổ biến, trong đó nhiều nhất là ở 2 xã Trà Thọ và Trà Phong.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của họ còn hạn chế, sự dễ dãi trong quan hệ tình cảm nam nữ; mẹ, cha buông lỏng quản lý… Để hạn chế, vào tháng 5/2010, từ nguồn kinh phí ngân sách, Trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình kiểm tra sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân ở tại xã trung tâm huyện là Trà Phong, cho đối tượng là nữ giới ở độ tuổi từ 15-25.

Cán bộ TTDS-KHHGĐ huyện Tây Trà trên đường đi tuyên truyền, vận động

Theo đó đã thành lập 3 câu lạc bộ (CLB) tại 3 thôn trong xã, thu hút từ 30-35 nam, nữ thanh niên/CLB, hoạt động định kỳ 1 lần/tháng và 1 CLB tại trường THPT Tây Trà, sinh hoạt 1 lần/tuần. Tham gia CLB này, nam nữ thanh niên sẽ được cán bộ chuyên trách cung cấp thông tin về Luật Hôn nhân và Gia đình; tư vấn về mối quan hệ tình bạn, tình yêu… Nhờ vậy mà tình trạng trên đã giảm đáng kể.

"Qua thống kê, riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, số mang thai, sinh con không có chồng của xã này chỉ có 3 trường hợp, giảm từ 3-4 lần so với trước đó. Trung tâm dự kiến thời gian tới sẽ đề nghị cơ quan chủ quản, chính quyền tỉnh và địa phương hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình này ra một số xã khác", bà Thủy tâm sự.

 

Gửi thảo luận