Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo Ngày 30/6/2012

Điểm báo Ngày 30/6/2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Sáng 29-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp  Bảo hiểm Y tế Việt Nam tổ chức lễ mít-tinh nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1-7).  Ðồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.

Sau ba năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế,  tính đến 31-12-2011, cả nước  đã có 55,9 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ độ bao phủ đạt 63,7% số dân, tăng 11 triệu người so  năm 2009, thời điểm Luật BHYT chưa có hiệu lực. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan  trình các cấp có thẩm quyền ban hành  20 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến luật, các văn bản hướng dẫn, công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT…, đã được triển khai một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, hiện nay độ bao phủ BHYT còn thấp so thực tế, việc tuân thủ pháp luật BHYT chưa cao đối với người thuộc hộ cận nghèo, người tham gia tự nguyện, nhất là khu vực doanh nghiệp. Công tác truyền thông chưa được thường xuyên và đồng bộ, cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện luật còn hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở tại một số địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện khám, chữa bệnh, cho nên việc chuyển đổi đăng ký ban đầu về tuyến cơ sở còn chậm…

Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế, nhất là những người làm công tác BHYT Việt Nam lời chúc tốt đẹp nhân Ngày BHYT Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, BHYT là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng do Nhà nước tổ chức thực hiện và là một bộ phận chủ yếu của chính sách tài chính y tế quốc gia. Thông qua BHYT, chúng ta đã huy động được sự tham gia đóng góp của người dân hình thành quỹ BHYT, một nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi ốm đau, bệnh tật. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ của cộng đồng và tinh thần tương thân, tương ái. Với ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc đó, công tác BHYT luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm chăm lo và phát triển. Sau hơn 20 năm hoạt động, công tác BHYT đã đạt được nhiều thành tựu, chế độ chính sách về BHYT ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là Luật BHYT và nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT. Hệ thống tổ chức bộ máy về BHYT ngày càng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Sự phối hợp của các cơ quan ở T.Ư và địa phương trong việc thực hiện chính sách BHYT đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về BHYT cũng được nâng lên, nhờ đó số người tham gia BHYT tăng nhanh. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng đến nhiều đối tượng như: người nghèo, người có công, trẻ em dưới sáu tuổi… đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác BHYT, cần được khắc khục trong thời gian tới: Việc tuyên truyền BHYT nhiều nơi làm chưa tốt, chưa nói lên hết được vai trò, ý nghĩa của BHYT, nghĩa vụ tham gia của mọi người dân. Chính sách BHYT  chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của những người thuộc gia đình  cận nghèo, gia đình thuộc các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do khu vực thành thị, nhất là các doanh nghiệp. Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế, thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bằng BHYT ở nhiều nơi còn gây phiền hà, gây bức xúc cho người bệnh, nhiều địa phương, việc cấp, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT chưa được giải quyết kịp thời…

Ðề cập những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành tập trung thực hiện một số nội dung sau: Phải cụ thể hóa lộ trình phát triển BHYT toàn dân, sớm đưa chỉ tiêu số dân tham gia BHYT vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ T.Ư, cũng như các địa phương để phấn đấu thực hiện. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để  bảo đảm  việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ðồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập, gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Có chính sách khuyến khích phù hợp để người dân, nhất là người có thu nhập mức trung bình, dưới trung bình. Tăng cường công tác tuyên truyền, chính sách pháp luật về BHYT, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác truyền thông về BHYT, cần tập trung vào các đối tượng có độ bao phủ y tế thấp như: nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên…, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Ðổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, hay trục lợi từ BHYT. Kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, địa phương, cá nhân thực hiện tốt các chính sách về BHYT. Ðẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, trong việc tuyên truyền chính sách cho các đối tượng được cấp thẻ BHYT, trong đó tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh bằng BHYT. Bộ Y tế cần khẩn trương củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến tuyến T.Ư, để có thể đáp ứng được nhu cầu  khám, chữa bệnh bằng BHYT ngày càng tăng của nhân dân, gắn với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là việc thực hiện cải cách hành chính. Thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ y tế, đặc biệt chú ý đến thái độ trong giao tiếp với người bệnh có thẻ BHYT, người bệnh nộp viện phí trực tiếp gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Nhân dân (trang 4), Tiền phong (trang 2), Tuổi trẻ (trang 4) 30/6)

Phát hiện, can thiệp sớm trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Ngày 29/6, Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Tổ chức Đông Tây hội ngộ tổ chức Lễ ký thỏa thuận thực hiện dự án "Phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh tại cộng đồng."

Dự án được thực hiện từ nay đến tháng 3/2014 tại hai huyện Đông Sơn và Cẩm Thủy, Thanh Hóa với tổng số vốn 2,6 tỷ đồng.

Đây là dự án về phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là xác định và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Thanh Hóa từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác sàng lọc, chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị hiệu quả bệnh nhân tim bẩm sinh tại cộng đồng. 

Việc triển khai thực hiện dự án "Phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh tại cộng đồng" nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và khu vực về số lượng các ca bệnh đồng thời giảm gánh nặng về mặt kinh tế và xã hội do việc chậm chẩn đoán và chữa trị bệnh tim bẩm sinh gây ra. (Nhân dân (trang 5) 30/6)

Sản phụ chết ở Thái Bình do tắc mạch ối

Trước đó, ngày 26-6, sản phụ Tạ Thị Thuy (SN 1979, trú quán tại xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy), đến khám tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thái Thụy vào lúc 10 giờ. Các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh đều trong giới hạn bình thường…

Đến 17 giờ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ trong tình trạng bình thường, sau đó đột ngột lên cơn co cứng, tím tái toàn thân, khó thở, vã mồ hôi; kíp phẫu thuật, gây mê đã tiến hành hồi sức tích cực và tiến hành phẫu thuật lấy thai một bé gái nặng khoảng 3 kg trong tình trạng chết lâm sàng. Đến 20 giờ 30 phút, sản phụ được chuyển đến BVĐK tỉnh để tiếp tục hồi sức cấp cứu. Đến 23 giờ cùng ngày, tại Khoa Hồi sức cấp cứu của BVĐK tỉnh Thái Bình, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng chị Thuy đã chết. Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Đỗ Thanh Giang cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến mẹ con chị Thuy chết là do tắc mạch ối. (Nhân dân (trang 5) 30/6)

Xây dựng chương trình nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế

Ngày 27-6, Ban chỉ đạo về trang thiết bị y tế (TTBYT) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện 80% số TTBYT ở nước ta đều phải nhập khẩu, rất ít doanh nghiệp trong nước sản xuất được TTBYT có hàm lượng khoa học công nghệ cao, chủ yếu chỉ sản xuất nội thất bệnh viện, các sản phẩm từ nhựa và cao su. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã có những TTBYT điện tử được sản xuất trong nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, từ nay đến hết quý III năm 2012, Bộ Y tế phải trình chương trình nghiên cứu sản xuất TTBYT giai đoạn 2011-2015; sớm ban hành thông tư liên tịch quản lý TTBYT có nhu cầu sử dụng cao ưu tiên đầu tư sản xuất trong nước.

Người cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT 70%

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 797/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo (theo Chuẩn quốc gia) từ 50% lên mức 70% kể từ ngày 1/1/2012. Ngân sách TW sẽ hỗ trợ 70% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi. Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách TW dưới 50% thì ngân sách TW hỗ trợ 35% mệnh giá, các địa phương còn lại bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngân sách địa phương. 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác có thể quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu nói trên… (Sức khỏe đời sống (trang 2) 30/6)

Về hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân:
“Bộ Y tế Việt Nam đang đi đúng hướng”

Đây là khẳng định của TS. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, được thể hiện trong thông cáo báo chí chung của WHO và Bộ Y tế Việt Nam ngày 28/6 về hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. TS. Takeshi Kasai nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ các biện pháp can thiệp mà Bộ Y tế đang triển khai để kiểm soát các trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi và tin tưởng rằng Bộ Y tế đang đi đúng hướng. Do chúng ta chưa biết được nguyên nhân của hội chứng và nguồn gốc gây bệnh, việc tìm nguyên nhân có thể kéo dài hơn dự kiến và là một thử thách”.

Cũng tại thông cáo báo chí trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Song song với nghiên cứu đang tiến hành để tìm nguyên nhân, phải triển khai ngay các biện pháp can thiệp tổng thể để giảm tử vong, giảm mắc cũng như để cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân huyện Ba Tơ nói chung”.

Thông cáo cũng cho biết, Bộ Y tế Việt Nam đang nỗ lực tiến hành các biện pháp can thiệp để điều trị bệnh nhân, dự phòng, điều tra và giám sát các trường hợp mắc mới của hội chứng này. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn điều trị và tập huấn cho bác sĩ, cử cán bộ chuyên môn từ các bệnh viện Trung ương về trực tiếp hướng dẫn và điều trị cho bác sĩ, bệnh nhân ở huyện Ba Tơ.

Các biện pháp dự phòng tại vùng có người mắc bệnh cũng đã được triển khai như: cung cấp gạo và hướng dẫn người dân cách bảo quản, cung cấp thực phẩm và các chế phẩm giàu dinh dưỡng cho người dân, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt véc-tơ truyền bệnh cho tất cả các hộ gia đình, xử lý nguồn nước và tăng cường truyền thông để vận động mọi người thực hiện vệ sinh cá nhân và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng bệnh. 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để ứng phó tại vùng bị ảnh hưởng. Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ trong việc ứng phó với căn bệnh này, bao gồm cả việc thu thập dữ liệu và đưa ra các khuyến nghị cho các nghiên cứu bổ sung và xét nghiệm nhằm hướng dẫn các can thiệp cũng như định hướng điều tra chuyên sâu. (Sức khỏe đời sống (trang 3) 30/6)

Gửi thảo luận