Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 01/7/2012

Điểm báo ngày 01/7/2012

Lễ hội Xuân Hồng thu được 23.072
đơn vị máu trong 5 năm

 
Ngày 30/6, Viện Huyết học và Truyền Máu T.Ư tổng kết 5 năm Lễ hội Xuân Hồng – ngày hội hiến máu quy mô lớn nhất trên cả nước với trên 1.000 đơn vị máu/ngày.
Lễ hội Xuân Hồng lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 với quy mô còn nhỏ, chỉ ở Hà Nội , từ năm 2010 lan tỏa ra các tỉnh thành khác như Hà Nam, Bắc Giang… Đến năm 2012, có 46 tỉnh/thành phố tổ chức. Đặc biệt năm nay, hiệu ứng của Lễ hội Xuân Hồng đã kéo dài đến tận mùa hè.
Trong 5 năm diễn ra Lễ hội Xuân Hồng đã xác lập một số kỷ lục như: Năm 2012 kỷ lục với 7.684 đơn vị/ngày; Các kỷ lục về số người tham gia đăng ký hiến máu, số cặp hiến máu đôi trong lễ tình nhân, chiếc khăn len dài nhất do người hiến máu đan…
Tổng lượng máu thu được qua 5 kỳ Lễ hội là 23.072 đơn vị máu, góp phần quan trọng khắc phục được tình trạng thiếu máu sau dịp Tết Nguyên đán của những năm qua.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền Máu T.Ư cho biết Lễ hội Xuân Hồng là sân chơi lớn, góp phần giáo dục cho các bạn trẻ biết sống vì mọi người, vì cộng đồng và định hướng những giá trị tốt đẹp cho giới trẻ.
Tại lễ tổng kết Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS.TS Nguyễn Anh Trí (Tiền phong 1/7 (trang 2), Hà Nội mới (trang 1), Tuổi trẻ (trang 3).
 
Y tế cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt đối
với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

 
Đó là khẳng định của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở do Bộ Y tế tổ chức ngày 30-6 tại Hà Nội.
Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 06-CT/TƯ cũng bộc lộ những hạn chế cần phải giải quyết, đó là: việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng về y tế cơ sở còn chậm; mô hình hệ thống y tế tuyến huyện không ổn định; hệ thống nuôi trồng và sử dụng thuốc nam và y tế biển đảo chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó chính sách đãi ngộ cho cán bộ và nhân viên tuyến xã vẫn quá thấp, các chuẩn của tuyến xã còn chồng chéo; đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, thời gian tới cần đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của Ban cán sự Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở; nghiên cứu và đề xuất mô hình tổ chức mạng lưới y tế cơ sở tạo được động lực thu hút cán bộ giỏi chuyên môn, quản lý về làm việc tạo uy tín và nâng cao chất lượng và cơ hội chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.
Trước yêu cầu của tình hình mới và bảo đảm cho mọi người dân có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng được chăm sóc sức khỏe người dân ngày một thuận tiện, công bằng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Trong khi mạng lưới y tế cơ sở, nhất là miền núi vùng sâu, vùng xa còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở cũng như quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức, đầu tư thỏa đáng để củng cố phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Trên cơ sở đó ngày 22-1-2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ nhằm tập trung chỉ đạo và nguồn lực để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở trên toàn quốc.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị 06-CT/TƯ, Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, từ 35 phần nghìn năm 2002 xuống còn 23,3 phần nghìn vào năm 2011. Tỷ lệ chết mẹ giảm từ 91/100.000 năm 2002 xuống 66/1000.000 năm 2011. Tuy nhiên để đạt được tỷ lệ chết mẹ theo Mục tiêu của Thiên niên kỷ vào năm 2015 là 58,3/1000.000 thì Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi có xu hướng giảm nhanh và khá bền vững từ 35% xuống còn 17,5% và tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ đạt trên 96%, chỉ số về dân số như tỷ lệ sinh, tỷ lệ phụ nữ thực hiện KHHGĐ, chăm sóc trước và sau sinh đã được cải thiện rõ rệt (Hà Nội mới (trang 1) 1/7).
 
Bảo hiểm y tế toàn dân: Vẫn còn nhiều rào cản
 
Năm 2012 vừa tròn 20 năm Việt Nam triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt sau 3 năm Luật BHYT đi vào cuộc sống, hàng triệu người đã được thụ hưởng chính sách ưu việt này. Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc đang là rào cản để nước ta tiến tới BHYT toàn dân.
Chính sách ưu việt
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 31-12-2011, cả nước đã có 55,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 63,7%, trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Số lượt khám chữa bệnh ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được bảo đảm và phạm vi dịch vụ ngày càng mở rộng theo sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y tế; công tác tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục… Việc mở rộng cơ sở khám chữa bệnh BHYT, nhất là việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, BHYT  là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. "Một trong những chủ trương ưu việt của Chính phủ Việt Nam là Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người trong diện chính sách và hỗ trợ 70% kính phí cho hộ cận nghèo. So sánh với một số nước như Thái Lan hỗ trợ cho nông dân 50% mức đóng phí BHYT, Trung Quốc hỗ trợ 2/3 mức đóng phí bảo hiểm cho người lao động tự do, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc thì đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam phòng tránh rủi ro tài chính cho người nghèo, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao" – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Với quyết tâm thực hiện nghiêm Luật BHYT, năm nay, Bộ Y tế đã lấy chủ đề hành động là "Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân". Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây cũng là cơ hội để khẳng định quyết tâm huy động sức mạnh của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHYT nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về thực hiện Luật BHYT. Năm nay, vấn đề truyền thông về BHYT sẽ được đẩy mạnh, trong đó tập trung vào tuyên truyền, vận động người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT để người dân biết được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia BHYT.
… nhưng vẫn vướng mắc
Tuy đã đạt được những bước tiến nhất định nhưng việc thực hiện Luật BHYT hiện vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc. Đây chính là thách thức trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, trong đó đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm, đến nay số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT mới chỉ đạt 75,6%. "Hiện nay cả nước vẫn còn hơn 6 triệu người lao động trong các doanh nghiệp chưa tham gia BHYT. Cùng với đó mới chỉ có khoảng 25% trong số gần 6 triệu người thuộc diện hộ cận nghèo tham gia BHYT, cho dù người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ 70% phí tham gia BHYT, thậm chí một số địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương còn được hỗ trợ tới 90% phí tham gia BHYT, nhưng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT vẫn rất thấp. Đối tượng tự nguyện tham gia BHYT thấp, vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược", chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia BHYT. Mặc dù cả nước đã có trên 55,9 triệu người tham gia BHYT, nhưng khu vực doanh nghiệp mới có 51,3% người lao động tham gia BHYT"- bà Tống Thị Song Hương thẳng thắn đánh giá.
Lý giải cho thực trạng này bà Hương cho rằng, do nhận thức của nhiều người sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHYT còn chưa đầy đủ, trong khi đó, công tác thanh tra kiểm tra không thường xuyên, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ. Thông tin chính sách về việc hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo vẫn chưa đến được đối tượng một cách đầy đủ, khiến nhiều người không biết mình được hỗ trợ những gì, địa điểm nơi mua thẻ BHYT. Sự phối hợp liên ngành ở các tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách chưa kịp thời; danh sách đối tượng tham gia BHYT được lập chậm, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong khi đó, như lãnh đạo ngành y tế thừa nhận, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính khám bệnh, chữa bệnh BHYT còn gây không ít bức xúc cho người bệnh; nhiều vướng mắc tại các địa phương trong việc cấp đổi thẻ BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được giải quyết kịp thời; vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHYT… khiến người dân chưa mặn mà với BHYT.
Đánh giá của ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho thấy một vấn đề nữa trong việc triển khai BHYT: Tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT với việc chỉ định quá mức các dịch vụ y tế không cần thiết  vẫn diễn ra; cơ chế quản lý giá thuốc chưa hiệu quả nên giá thuốc ở Việt Nam cao hơn giá các nước trong khu vực và liên tục tăng… gây tốn kém cho người bệnh và Quỹ BHYT.
BHYT là để chia đỡ gánh nặng cho bản thân người bệnh cũng như toàn xã hội, nhưng những vấn đề còn thiếu sót tồn tại trên không chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân khi ốm đau mà còn là rào cản trên con đường tiến tới BHYT toàn dân (Hà Nội mới (trang 7) 1/7).
 
Phẫu thuật thành công cho “người khổng lồ”
 
Ngày 30-6, TS,BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, các bác sĩ bệnh viện này đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân "người khổng lồ" Dương Tiến Đ. (21 tuổi, ngụ Long Khánh, Đồng Nai).
Theo ThS,BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ca mổ kéo dài 2 giờ 30 phút qua nội soi đường mũi, đã cắt bỏ khối u có kích cỡ khoảng 7 mm x 7 mm trong tuyến yên.
Cũng theo BS Tuấn, u tuyến yên là bệnh hiếm gặp nhưng không khó xử lý. Bệnh này khiến các đầu chi người bệnh to lên, chiều cao vì thế cũng không bình thường. Trước đó, ngày 15-6, bệnh nhân Đ. có chiều cao khoảng 2,03m nhập viện được chẩn đoán mắc bệnh khổng lồ, được chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa những biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp, viêm cột sống… (Hà Nội mới (trang 7) 1/7).

Gửi thảo luận