Cây con OGM có thể gây bệnh cho con người?
Đây là vấn đề được các nhà khoa học rất quan tâm hiện nay. Muốn theo dõi một chất có làm tăng nguy cơ ung thư hay không phải mất vài năm đến vài chục năm trên quần thể dân cư lớn qua nhiều thế hệ người dùng. Cây OGM mới đưa vào canh tác khoảng 15 năm nay. Vì vậy chưa tìm ra bằng chứng làm tăng nguy cơ ung thư là điều có thể hiểu được. Nhưng việc chưa tìm ra bằng chứng không đồng nghĩa với sự đảm bảo an toàn.
Thực phẩm OGM chứa các gen lạ khác với thực phẩm tự nhiên, liệu có gây ra các tác dụng phụ, gây ra bệnh khác hay không? Trả lời cho câu hỏi này, trường phái ủng hộ cho rằng: Trước đây dùng công nghệ gen sản xuất dược phẩm (ví dụ insulin, Growwth hormone…) tính đến 2006 đã có tới 50 loại, thu khoản lợi nhuận khổng lồ 50 tỉ USD! Trải qua hàng chục năm, chưa ghi nhận được sự nguy hại. Thực phẩm OGM, nông dược OGM cũng chỉ dùng công nghệ gen như thế, nên không có gì đáng ngại.
Trong khi đó, phái phản đối lại cho rằng: Các thuốc sản xuất bằng công nghệ gen không hoàn toàn an toàn, cũng có tác dụng phụ như rituxan gây ra lupus ban đỏ hệ thống, raptiva gây nguy cơ thâm nhiễm bạch cầu vào não đa ổ tiến triển, natrecor gây suy giảm chức năng thận, thậm chí như thuốc ký hiệu TGN1412 (do Công ty Tegenero chế tạo) ngay khi thử lâm sàng đã làm cho nhiều người có phản ứng cấp tính, cơ thể nóng rực lên, điên cuồng, tự xé rách quần áo, cào cấu, tự đập vào đầu, vừa quay cuồng và nôn. Như thế không thể nói dùng công nghệ gen là không đáng ngại.
.,
Cánh đồng thí nghiệm ngô biến đổi gen tại Việt Nam.
|
Bằng chứng về tính độc hại của cây con OGM
Trên động vật OGM: Công ty Monsanto tiêm hormon tăng trưởng tái tổ hợp (rBGH) vào bò cái để tăng tiết sữa. Ngay từ năm 1987, TS. David Kronfiel cho rằng, nghiên cứu này là không trung thực. Ông bị vùi dập, tiêu tan cả sự nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó, các nhà khoa học Anh, Mỹ cho thấy, trong sữa bò được tiêm hormon có hàm lượng yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF-1) cao gấp 2-10 lần so với sữa thường và nghiên cứu của Đại học Y khoa Stanford, Mỹ (1990) cho biết: IGF-1 là yếu tố khơi mào cho sự tăng sinh tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học cũng khám phá ra yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) không bị thủy phân bởi enzym tiêu hóa do kết hợp với casein trong sữa, thâm nhập cơ thể gây ra hiệu ứng sinh học. Cuối cùng, các nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ (1995) và Đại học Harvard (1998) đều kết luận: Sự gia tăng IGF-1 đóng vai trò trung tâm, là nguy cơ cao cho sự phát triển ung thư tuổi thiếu niên, làm phát triển các ung thư vú, phổi hắc tố. Công ty Monsanto tìm mọi cách chống chế, kể cả thuê các nhà khoa học viết bài đăng trên tạp chí y khoa Mỹ (JAMA) song cuối cùng luận cứ của họ bị sụp đổ hoàn toàn vào năm 1998.
Tương tự, các nhà khoa học Mỹ, Canada đã bổ sung cho bò 1 trong 6 loại hormon tăng trưởng để làm tăng khối lượng của bò lên 32%, tăng khối lượng thịt 17%, giảm lượng mỡ dưới da 45%, giảm lượng mỡ lẫn trong thịt nạc 50%. Châu Âu đã yêu cầu các nhà khoa học trên giải trình và chứng minh các quan điểm của họ. Cuối cùng, các chuyên gia đã đi đến kết luận: Trong tình trạng hiểu biết hiện nay, không thể xác định việc bổ sung 1 trong 6 hormon tăng trưởng cho bò là không có hại… Các nhà khoa học dứt khoát lên án chất 17-beta estradiol, vì chất này có nhiều tài liệu đã chứng minh là gây hại gen, phát sinh ung thư…, và họ nhấn mạnh: “Phải xét lại tác dụng sinh học (miễn dịch, thần kinh, độc lực, tính gây ung thư) của hormon bổ sung đến sự phát triển của trẻ em nhất là ở lứa tuổi dậy thì”.
Trên thực vật OGM: Khi cấy vi khuẩn miễn nhiễm chất diệt cỏ vào cây thì cây không chấp nhận. Dùng tia điện bắn lên tế bào mặt cây, tạo ra nhiều vết nứt, rồi cấy DNA của vi khuẩn vào cây đó, tạo ra giống OGM chịu được chất diệt cỏ. Nếu phun chất diệt cỏ lên cánh đồng cây OGM thì cây đó sẽ độc đến mức nào? Công ty Mansantto cho biết, sâu bọ ăn bất cứ bộ phận nào của cây OGM này đều chết và quảng cáo cây OGM này không bị sâu bọ phá hoại nhưng không hề cho biết người ăn vào thì sẽ như thế nào? Thêm nữa, trồng cây OGM chịu được chất diệt cỏ để thoải mái phun chất diệt cỏ vào đồng ruộng, chất đó sẽ thấm vào đất, nước, cây cỏ… sẽ gây độc cho con người, tàn phá môi sinh. Nhiều nhà khoa học chưa yên tâm và cảnh báo sự độc hại có thể sinh ra từ chính kiểu tạo giống OGM này.
Không phải cứ chứng minh được tính độc hại là giải quyết ngay được tranh chấp mà còn lệ thuộc vào sự xử lý của cơ quan chức năng trước lợi ích của người tiêu dùng và nhà kinh doanh. Tháng 2/2007, tại Mỹ, Tổ chức Bảo vệ gia đình các trang trại, phối hợp với Liên minh Phòng chống ung thư, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, đã đồng loạt đệ đơn lên FDA đề nghị xét lại nguy cơ của việc tiêm hormon tăng trưởng rBGH cho bò sữa, đồng thời tạm ngừng việc sử dụng loại sữa bò này.
Dẫu thế, cho đến nay, FDA vẫn chưa có ý kiến chính thức. FDA không buộc Monsanto ghi nguồn gốc sữa lên nhãn, thêm vào đó lại điều chỉnh tiêu chuẩn kiểm tra sữa (ví dụ: sữa được chấp nhận khi trong 1ml có 1 tế bào đến nửa triệu tế bào lạ). Như thế, bất cứ con bò sữa nào kể cả bò đang bị sưng vú cũng có thể có sữa dễ dàng đạt tiêu chuẩn (!) và người dân không rõ xuất xứ của sữa để lựa chọn (!). Biết điều này để hiểu vì sao tại các nước đang phát triển, thông tin rất thiếu về mặt có hại cho sức khỏe của sản phẩm OGM!
Có thể vì độc tính do gen gây ra phải qua một quá trình dài có khi vài thế hệ nên chưa phát hiện được đầy đủ tác hại do thực phẩm OGM, nông dược OGM gây ra, nhưng cũng chưa có cơ sở khoa học chắc chắn chứng minh chúng vô hại; không nên cực đoan nghi ngờ toàn bộ song cũng không nên dễ dãi coi tất cả chúng là an toàn không đáng ngại. Chắc chắn nhất là nghiên cứu từng sản phẩm OMG, tìm câu trả lời chính xác (như với thảo dược). Đó là cách làm cẩn trọng có trách nhiệm dù tốn kém nhiều tiền bạc, công sức.
Mời xem tiếp bài III: Thái độ ứng xử và một số vấn đề thực tế
DSCKII. Bùi Văn Uy