Khái niệm cây con OGM
Đưa một chất biến đổi gen vào cây trồng vật nuôi, tạo ra giống có hiệu suất cao gọi là cây con biến đổi gen thế hệ 1. Dùng kỹ thuật di truyền đưa một gen lạ vào cây trồng vật nuôi sẽ tạo ra giống mới khác hẳn gọi là cây con biến đổi gen thế hệ 2. Cây con tạo ra theo cách này gọi là cây con biến đổi gen (OGM = Organisme Genestiquement Modifie).
Lợi ích giới hạn của cây con OGM
Tạo ra kỹ thuật tạo giống mới nhanh
Misurin bỏ ra hàng chục năm di chuyển giống táo “chịu lạnh” phía Bắc theo từng bậc vĩ độ xuống phía Nam, dần dần tạo ra sự biến dị, mới tạo được giống táo “chịu nóng”. Hạn chế là chỉ có thể tạo ra giống có một vài tính ưu việt hơn song không thể thay đổi được bản chất. Với công nghệ gen, chỉ cần đưa một gen từ vật cho vào vật nhận mà hai vật đó có thể hoàn toàn khác nhau về loài, họ, hệ thì có thể tạo ra một giống OGM mới khác hẳn, trong thời gian ngắn chỉ tính bằng tháng, bằng năm.
Tạo ra giống có sức chịu đựng tốt năng suất cao
Công ty Monsanto tạo ra chất diệt cỏ “Round Up” (1970). Chất này diệt được cỏ song cũng làm cây trồng chết theo. Họ phun “Round Up” lên đất với nồng độ cực cao, rồi châm lửa đốt. Mọi cây cỏ, sâu bọ bị diệt sạch, chỉ duy nhất còn một loại vi khuẩn E.coli sống sót. Như vậy vi khuẩn này đã bị nhiễm chất diệt cỏ, nhưng không chết mà miễn nhiễm với thuốc diệt cỏ.
Đem DNA của vi khuẩn này cấy vào cây trồng, tạo ra giống OGM chịu được chất diệt cỏ, chịu được nắng, hạn, bão, tuyết, ít bị sâu bọ hại. Như vậy, đỡ công làm cỏ, đỡ tiền mua chất bảo vệ thực vật. Điển hình là giống cải dầu OGM. Trên những vùng khí hậu khắc nghiệt có nhiều sâu bệnh thì giống OGM sẽ phát triển tốt hơn, ít bị sâu bọ hại hơn, dẫn đến cho năng suất cao hơn giống cây tự nhiên khoảng 30 – 40%.
Cây trồng biến đổi gen gây nhiều tranh luận trong giới khoa học.
|
Tạo ra các cây con có tính chữa bệnh
Ngoài ra, các nhà sinh – y học cũng tạo ra các cây con OGM chứa chất hay tiền chất làm thuốc gọi là nông dược OGM. Chẳng hạn như men Sac-haromyses cerevisioe sinh ra artemisinic, cây Abrabidosis thalina sinh ra omega-3, ngô mang gen trypsin để sản xuất insulin, dê mang gen protein chống đông máu để sản xuất atryn. Chúng tạo ra một số lợi thế: chỉ cần cấy gen quy định việc sản xuất ra artemisinin vào Sac-haromyses cerevisioe, nhân lên trong môi trường nuôi cấy có định hướng, men này sẽ sản xuất ra artemisinin, với giá bằng 1/10 giá sản xuất theo cách trồng cây thanh hao hoa vàng rồi chiết xuất.
Các công ty công nghệ sinh học quảng cáo: Giống OGM sẽ mở rộng được diện tích trồng trên những vùng khắc nghiệt, có năng suất cao, chống lại sự biến đổi khí hậu cực đoan, giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lượng thực.
Tuy nhiên, tại Mỹ, nghiên cứu trên quy mô lớn của Trường đại học Kansas chỉ ra rằng: Năng suất đậu nành OGM không cao hơn, mà thấp hơn khoảng 10% so với đậu nành tự nhiên. GS. Barney Gordon cho biết: Trên cùng một thửa đất, năng suất đậu nành OGM chỉ đạt 70 giạ/mẫu trong khi đậu nành thuần chủng đạt 77 giạ/mẫu. Nghiên cứu của Trường đại học Nebraska Lincoln trước đó cũng cho thấy: Năng suất đậu nành OGM thấp hơn 6 – 11% so với đậu nành bình thường.
Mới đây có công trình nghiên cứu công nghệ biến đổi gen do Cơ quan Nhận định sự phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp tổ chức, khi được hỏi “Liệu cây OGM có giải quyết được tình trạng đói nghèo ?” GS. Bob Watson, Chủ nhiệm công trình khẳng định: “Câu trả lời đơn giản là không” (Theo The independent.co.uk).
Nước ta đã khảo nghiệm trên diện rộng giống ngô OGM 30Y87H của Công ty Pioneer tại 4 tỉnh. Theo bà Lê Thị Phi Vân, Viện Chính sách, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: “Năng suất ngô OGM cao hơn ngô bản địa từ 17 – 35% tại nơi áp lực sâu bọ tự nhiên lớn (như Vĩnh Phúc), nhưng lại không khác biệt với ngô lai (7,4 tấn/ha và 7,7 tấn/ha) tại nơi áp lực sâu đục thân thấp (như Đồng Nai), cũng không cao hơn ngô lai (như Sơn La).
Nơi năng suất ngô OGM tăng đến 37% so với ngô bản địa thì mức tăng ấy không bù đắp nổi cho giá giống OGM tăng ít nhất gấp 2 lần so với giá giống cũ. Đưa ngô OGM vào thay ngô truyền thống chưa hẳn là có lợi”. GS. Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô Việt Nam cho rằng: “Không nên xem cây OGM là “chiếc đũa thần” giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm”.
GS.VS.Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: “Cần cẩn trọng xem xét việc đưa cây OGM xuống đồng ruộng khi chưa có thông tin, chưa có cách lý giải thuyết phục, nên tận dụng các bộ giống truyền thống tốt của nước ta” (trích theo hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội). Bởi vậy, lợi ích của cây OGM là chỉ có giới hạn đang trong quá trình nghiên cứu, tranh luận chứ không như quảng cáo.
Cây con OGM gây nguy hại cho môi sinh
Phấn cây canola OGM (miễn nhiễm với thuốc diệt cỏ) phối ngẫu với cây canola tự nhiên tạo ra “cây lai tạp” và loài mới này cũng miễn nhiễm với chất diệt cỏ, phát triển tràn lan ngô OMG (mang gen lợn) lai tạp với cây đậu nành, tạo ra đậu nành mang gen ngô OGM. Đáng lo hơn, sự lai tạp giữa nông dược OGM với cây tự nhiên tạo ra “cây lai tạp” không có ích, thậm chí có hại cho người lành; cây OGM vô sinh lai tạp với cây tự nhiên tạo ra “cây lai tạp” gây hại cho sự sinh sản tự nhiên. Con người không thể kiểm soát sự lai tạp gây ra do kỹ thuật biến thái dị thể (genetic engeneering).
Nguy hiểm cần tính đến là: cây con OGM phối hợp gen của các giống khác hệ (thực vật- động – vi sinh) lai tạp với nhau và với cây con tự nhiên có thể làm xuất hiện “các chủng dị thường”, bởi vì tuy có kỹ thuật điều chỉnh gen tạo ra cây con OGM có lợi, song với trình độ hiện có, chưa thể nắm hết những bí ẩn sinh học diễn ra trong quá trình này. Cây tạp gây đảo lộn hệ sinh thái. Khi tỉ lệ cây OGM tăng thì sự đảo lộn ấy sẽ tăng theo, tác động xấu đến sức khỏe con người? Những cảnh báo này là có cơ sở khoa học và thực tế đã xảy ra.
Mời xem tiếp Bài II: Nghi ngờ về nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe
DSCKII Bùi Văn Uy