Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Việc tổ chức Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân hằng năm theo đúng yêu cầu, nội dung quy định, hết sức chú ý thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân hằng năm. (Hà Nội mới (trang 5) 27/6).
Ai cho phép phòng khám Trung Quốc "lộng ngôn"?
Thật bất ngờ, những kiểu quảng cáo "đao to búa lớn", "quảng cáo nghe là mê" từ các phòng khám Trung Quốc đều được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép! Bộ Y tế dễ dãi song Sở Y tế còn dễ dãi hơn trong việc này.
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, hầu như tất cả phòng khám (PK) Trung Quốc (bao gồm PK đa khoa, PK y học cổ truyền) đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM đều quảng cáo theo kiểu "đao to búa lớn" như "tiên tiến nhất", "hiện đại nhất", "hiệu quả nhất" hoặc điều trị cái gì cũng "chỉ một lần duy nhất", "không tái phát", "không nằm viện" hoặc "không đau, không sưng, không chảy máu, không phẫu thuật"…
Tất cả PK Trung Quốc này chỉ tập trung quảng cáo thu hút người bệnh bị mắc những bệnh mãn tính, bệnh khó nói, khó chữa như bệnh trĩ, hiếm muộn, bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa… Những bệnh mà ngay cả những giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước còn chưa dám chắc 100% chữa khỏi, không tái phát, không biến chứng cho người bệnh.
Bộ Y tế dễ dãi
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, trong công văn ngày 28-7-2011 (do phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền Nguyễn Hoàng Sơn ký), Bộ Y tế đồng ý cho Công ty TNHH y học cổ truyền Huê Hạ (199 Nguyễn Chí Thanh, Q.5) được quảng cáo với nội dung: "PK bệnh y học cổ truyền Huê Hạ có bác sĩ y học cổ truyền có kinh nghiệm kết hợp kỹ thuật hiện đại để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả các bệnh thuộc về trĩ… Không phẫu thuật, chữa trị chuyên nghiệp các bệnh trĩ…". Trong khi theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế TP.HCM cấp cho người đứng tên phòng khám này thì phạm vi hành nghề chỉ là "bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang".
Trong một văn bản khác ký ngày 13-3-2012, Bộ Y tế cho phép PK Huê Hạ được quảng cáo "đau lưng, đau bả vai, sưng đau các khớp, tê tay chân, các chứng bệnh phong thấp luôn hành hạ bạn… Để sớm giúp bệnh nhân thoát khỏi sự đau khổ này, PK Huê Hạ vận dụng phương pháp điều trị kết hợp, trong thời gian ngắn, nhanh chóng giải quyết các chứng bệnh đau nhức…".
Đối với PK bệnh y học Trung Quốc (87 Thành Thái, Q.10 và chi nhánh ở 141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận), Bộ Y tế cũng có công văn ngày 7-11-2011 cho phép quảng cáo rất "kêu": "Khám, điều trị bệnh trĩ hãy đến PK bệnh y học Trung Quốc. Chuyên nghiệp điều trị trĩ, hiệu quả nhanh. Do các bác sĩ Trung Quốc trực tiếp chữa trị bằng phương pháp Trung – Tây y kết hợp, không phải phẫu thuật, không chảy máu, không đau. Điều trị về ngay trong ngày…". Kèm theo công văn này, Bộ Y tế còn có một tờ giấy khác cho phép quảng cáo với nhiều nội dung trên truyền hình và đài phát thanh nhưng chỉ có chữ ký của vụ phó Vụ Y dược cổ truyền, không có dấu mộc. Nội dung quảng cáo Bộ Y tế cho phép là: "…PK bệnh y học Trung Quốc chuyên khoa trĩ xin đảm bảo với quý bệnh nhân bất kể bệnh tình nặng hay nhẹ – chữa trị với liệu trình một lần. Nếu có tái phát xin hoàn trả toàn bộ chi phí điều trị. Chuyên khoa bệnh trĩ. Chuyên nghiệp chữa trị"!
Cũng Bộ Y tế, trong công văn ngày 23-12-2011 còn cho phép PK bệnh y học Trung Quốc quảng cáo với nội dung: "Phụ nữ như hoa, vẻ đẹp mềm mại nhưng rất dễ chịu sự tổn thương huyết trắng nhiều, có mùi hôi hãy đến PK bệnh y học Trung Quốc… Phòng khám hội tụ các chuyên gia phụ khoa với kinh nghiệm phong phú, sử dụng các thiết bị tân tiến để kiểm tra và chữa trị các chứng bệnh: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, vô sinh ở nữ giới, kế hoạch hóa gia đình. Có hiệu quả rõ rệt…". Bộ Y tế nghĩ sao khi cho PK này quảng cáo làm cả kế hoạch hóa gia đình (tức cho phép cả nạo, phá thai, đặt vòng… – PV) trong khi giấy chứng nhận hành nghề do Sở Y tế cấp chỉ cho phép PK này được "khám chữa bệnh ngoại trú bằng phương pháp y học cổ truyền"?
Ngày 19-9-2011, Bộ Y tế đã duyệt hồ sơ quảng cáo của Công ty TNHH y học cổ truyền Ánh Sáng (928 Lạc Long Quân, Q.Tân Bình) với những nội dung quảng cáo vượt quá chuyên môn hoạt động của PK này chỉ là bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang: "PK có các thiết bị hỗ trợ chẩn đoán như máy siêu âm, xét nghiệm…".
Sở Y tế TP.HCM còn dễ dãi hơn
Ngày 26-12-2011, Sở Y tế TP.HCM cho phép PK đông y Tâm Đức (945-947 Trần Hưng Đạo, Q.5) được quảng cáo "bệnh nam khoa" trên truyền hình, báo, tờ rơi với nội dung: "…Bệnh nam khoa, bệnh khó nói? PK đông y Tâm Đức chúng tôi thấu hiểu được điều đó. Bằng tấm lòng nhiệt huyết, đồng cảm với bạn, không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi các phương thuốc trên hàng trăm loại dược thảo quý hiếm, nhằm mang lại hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống cho bạn, cho mọi nhà. Chuyên tâm, chuyên khoa, chuyên trị về nam khoa…".
Phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An (786 Hồng Bàng, Q.11) có phạm vi chuyên môn hành nghề là "bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang, châm cứu", thế nhưng hồ sơ quảng cáo ngày 3-4-2012 Sở Y tế TP cho phép quảng cáo: "Khắc tinh siêu cường của bệnh trĩ, tin lành của bệnh nhân tại TP.HCM. Chuyên khoa hậu môn đường ruột phòng chẩn trị y học cổ truyền Trường An TP.HCM… Đầu tư lớn để nhập thiết bị kỹ thuật mới điều trị bệnh trĩ không đau tiên tiến nhất trên thế giới…".
Chi tiền tỉ cho quảng cáo
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-6, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết sở có hội đồng duyệt nội dung quảng cáo của các PK Trung Quốc, bao gồm cả duyệt kịch bản và spot quảng cáo hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo một đại diện công ty quảng cáo từng môi giới quảng cáo cho PK Trung Quốc M, nội dung quảng cáo đã được duyệt chỉ dùng để phát trong vài ngày đầu vì sợ thanh tra y tế còn "soi", sau đó PK sẽ cung cấp spot quảng cáo mới có chỉnh sửa từ ngữ, ví dụ như "tuyến cuối điều trị bệnh trĩ", trong khi thực tế PK chỉ được phép điều trị trĩ độ 1-2, điều trị trĩ độ 3-4 là trái phép. Để làm được việc này, tất nhiên có sự hỗ trợ của đài truyền hình. Thời gian qua, các kênh H2, TV shopping, kênh VOV giao thông… có nhiều quảng cáo cho PK Trung Quốc hơn cả.
Theo đại diện công ty quảng cáo này, Hà Nội đang có ba PK Trung Quốc chi tiền quảng cáo rất mạnh tay. Trung bình một năm, một PK trong số này chi đến 6-7 tỉ đồng quảng cáo riêng trên radio, còn quảng cáo trên truyền hình mức giá trung bình 3-3,5 triệu đồng/spot, mỗi PK phát ít nhất 10 spot ở nhiều khung giờ khác nhau/ngày/kênh, chi phí riêng cho quảng cáo truyền hình ít nhất cũng nhiều chục triệu đồng/ngày, chưa tính các quảng cáo biển bảng, quảng cáo trên báo mạng và báo giấy.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, cách đây vài năm Vụ Y dược cổ truyền có tiến hành một điều tra trên diện rộng về trình độ chuyên môn của các thầy thuốc nước ngoài. Kết quả cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ thầy thuốc dùng bằng cấp giả đến khám chữa bệnh tại VN rất lớn. Từ kết quả này, Bộ Y tế đã quy định bằng cấp của thầy thuốc nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi nộp cho cơ quan chức năng VN. Trong 10 năm qua, dù chỉ có 50-60 thầy thuốc nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) hành nghề tại VN, tổng số PK có yếu tố nước ngoài chưa bao giờ vượt con số 40, nhưng sai phạm luôn nối tiếp sai phạm, gây bức xúc rất lớn cho người dân. (Tuổi trẻ (trang 1) 27/6).
Đắc Nông: Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh
Chiều 26-6, bà Trần Thị Kim Tuyển – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Nông, cho biết: Bệnh sốt xuất huyết đang quay trở lại và tăng mạnh. Từ 26-5 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 96 ca, tăng 43 ca so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, nhiều nhất là thị xã Gia Nghĩa với 46 ca, huyện Đác R’lấp 32 ca…
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn bảy xã trọng điểm về bệnh sốt xuất huyết là xã Nhân Cơ, huyện Đác R’lấp; thị trấn Đác Mil và xã Đác R’la, huyện Đác Mil; thị trấn Đác Mâm, huyện Krông Nô; xã Nam Dong, huyện Cư Giút và phường Nghĩa Đức, Nghĩa Thành của thị xã Gia Nghĩa.
Đây là những địa phương trong năm năm qua, chỉ số véc tơ bệnh sốt xuất huyết chưa giảm và được Bộ Y tế đưa vào những xã trọng điểm sốt xuất huyết để giám sát.
Theo bà Trần Thị Kim Tuyển, nguyên nhân là do thời tiết ở Đác Nông đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, khí hậu ẩm thấp cộng với thời tiết nóng bức là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh của người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn chưa cao. Nhiều gia đình sử dụng nước mưa trong sinh hoạt, nhưng các dụng cụ đựng nước mưa không được che đậy cẩn thận, để muỗi phát sinh làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng…
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xuất 80 lít thuốc Delta UK 2.5 EW và phối hợpTrung tâm y tế các huyện Đác Mil, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa tiến hành phun thuốc diệt muỗi.
Một tháng qua, Trung tâm cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương thực hiện tốt công tác giám sát bệnh, khoanh vùng để phòng chống và thu dung bệnh nhân vào các cơ sở y tế chữa trị kịp thời không để bệnh lây lan (Nhân dân (trang 5) 27/6).
Minh Hóa: Tiêu chảy bùng phát
Chỉ trong tháng 6, BV Đa khoa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tiếp nhận hơn 100 ca mắc bệnh tiêu chảy, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011, ngày cao điểm có đến 15 ca nhập viện và tập trung chủ yếu là trẻ em dưới 6 tuổi.
Nguyên nhân ban đầu được xác đinh, dịch bệnh do lỵ trực trùng hoặc virus Rotavirus gây ra bởi thực phẩm, nguồn nước dùng không bảo đảm vệ sinh (Gia đình & Xã hội (trang 2) 27/2).
Bảo hiểm y tế: 74% người cận nghèo chưa tham gia
Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và đã được triển khai toàn diện từ ngày 1/1/2010.
Sau 3 năm triển khai, vẫn còn khoảng 74% người cận nghèo chưa tham gia BHYT, vì vậy họ chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng.
Vì sao?
Theo TS Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), tính đến tháng 12/2011, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 55,9 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 63,7% dân số, tăng 11 triệu người so với năm 2009 – thời điểm Luật BHYT chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT còn không ít vướng mắc và hạn chế; trong đó đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm. Đặc biệt, năm 2011, mới chỉ có khoảng 26% trong tổng số khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, còn lại 74% người cận nghèo chưa được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ từ bảo hiểm y tế. Đây là nhóm đối tượng đã được Nhà nước hỗ trợ từ 50 – 70% phí tham gia BHYT; thậm chí một số địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và ngân sách địa phương còn được hỗ trợ tới 90% phí tham gia BHYT, nhưng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT vẫn rất thấp.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do sự phối hợp liên ngành ở các tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ, công tác tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách chưa kịp thời; đặc biệt việc xác định đối tượng lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế chưa kịp thời; nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Bên cạnh đó, thông tin chính sách về việc hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo vẫn chưa đến được đối tượng một cách đầy đủ, khiến nhiều người không biết mình được hỗ trợ những gì, địa điểm nơi mua thẻ BHYT ở đâu… Đặc biệt, nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên không có khả năng tham gia BHYT mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ về mức đóng bảo hiểm.
Tạo sự công bằng
Một trong những mục tiêu quan trọng mà chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo là tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế. Khi có thẻ BHYT, các đối tượng này được chăm sóc bình đẳng như những đối tượng có thẻ BHYT khác. Chính vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đánh giá các quy định của Luật BHYT để có những đề xuất sửa đổi bổ sung Luật và các văn bản hướng dẫn khác cho phù hợp; đồng thời xem xét lại mức cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh của những người cận nghèo, nhất là đối với các trường hợp điều trị bệnh mãn tính dài ngày, bệnh nặng, chi phí lớn (chạy thận nhân tạo, ung thư, tiểu đường…) để có đề xuất điều chỉnh phù hợp khuyến khích nhóm đối tượng này tham gia BHYT. Ngoài việc thực hiện tốt các quy định, chế độ của Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cũng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ những người cận nghèo phù hợp điều kiện địa phương như chính sách hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo có thẻ BHYT thanh toán các khoản chi phí khi phải sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao vượt khả năng chi trả…
Bên cạnh đó, các ngành liên quan nghiên cứu, khắc phục những bất cập, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho những người có thẻ BHYT. Mặt khác, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, khắc phục quá tải ở bệnh viện tuyến trên để đáp ứng nhu cầu của người có thẻ BHYT. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là những người cận nghèo tự giác tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT với các nội dung như: Mua thẻ bảo hiểm ở đâu, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT, trong việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh…; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện BHYT; cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân… (Gia đình & Xã hội (trang 2) 27/2).
Ca sinh 4 hiếm gặp của sản phụ 31 tuổi tại TP Hồ Chí Minh
Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), một sản phụ mang thai tự nhiên, vừa sinh 4 bé gái. Đây là trường hợp hi hữu có tỉ lệ 1/700.000 trường hợp thụ thai tự nhiên, theo ghi nhận của y văn thế giới.
Với trường hợp thụ tinh nhân tạo thì việc sản phụ mang thai 4 em bé một lần không phải chuyện hiếm nhưng đây là trường hợp đặc biệt, hiếm gặp vì sản phụ thụ thai tự nhiên.
Cuộc "vượt cạn" được thực hiện lúc 21 giờ 50 phút, ngày 20.6. Các bác sĩ đã đón 4 em bé gái chào đời, với cân nặng 1,5 kg; 1,2 kg; 1,6 kg; 1,7 kg. Cả mẹ và các em bé đều “mẹ tròn con vuông”.
Bác sĩ Lê Thị Cẩm Giang, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho biết, cả 4 em bé đang được rọi đèn photobed ngừa vàng da sơ sinh. Những ngày trước, các em bé được thở oxy thông mũi và truyền dinh dưỡng vào tĩnh mạch. Đến hôm nay (26.6), cả 4 em bé đã có thể tự thở khí trời, đường tiêu hóa đã làm việc được nên bú 2-4 ml sữa/lần (tùy bé).
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho biết, đây là lần mang thai thứ ba của sản phụ tên Trần Thị Tình (31 tuổi, ngụ Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Hai lần trước, sản phụ đều sinh thường, 1 trai, 1 gái.
Sản phụ được Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ lúc 19 giờ 40 phút, ngày 20/6. Lúc nhập viện, sản phụ cân nặng 71 kg, huyết áp tăng. Siêu âm cho thấy 4 thai thì có 3 thai ngôi đầu, 1 thai ngôi ngang.
Với chẩn đoán con lần ba, 4 thai 32 tuần, chuyển dạ sinh non và tiền sản giật, các bác sĩ đã quyết định cho sản phụ sinh mổ. Vì em bé còn non tháng nên đã được bác sĩ hồi sức ngay sau khi chào đời và hiện được theo dõi tại Khoa Sơ sinh, riêng em bé nặng 1,2 kg được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh. Sản phụ được chăm sóc hậu phẫu, đến nay đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện.