Trang chủ » Danh y xưa và nay » Đội ngũ tri thức bậc cao ngành Y tế hiện đại » GS. ThS. VŨ CÔNG HÒE (1911 – 1994)

GS. ThS. VŨ CÔNG HÒE (1911 – 1994)

Quê quán: Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1937
Nơi ở gia đình: 25 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 
Chức vụ: Nguyên: Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu bệnh, Đại học Y Hà Nội; Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai; Uỷ viên Hội đồng Khoa học, Bộ Y tế; Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh – Y pháp Việt Nam.
Đơn vị công tác: Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai.
Cống hiến khoa học: Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1937, ông được ở lại trường làm giảng viên. Năm 1952, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ y khoa ở Pháp, trở về trường tiếp tục giảng dạy các môn giải phẫu bệnh, pháp y, tổ chức học, bào thai học…Từ năm 1953, ông là Uỷ viên Hội Chống ung thư quốc tế và Hội Chống ung thư châu Âu.
          Là người đầu tiên làm công tác giải phẫu bệnh ở Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo các bác sĩ y khao nói chung và bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu bệnh nói riêng. Là nhà khoa học, ông có hơn 100 công trình, bài báo về tổ chức học và bào thai học, giải phẫu bệnh học. Không chỉ là người xây dựng ngay từ ban đầu mà ông còn góp phần to lớn vào việc phát triển chuyên ngành Giải phẫu bệnh – pháp y. Đặc biệt là cụm công trình nghiên cứu khoa học Đặc điểm tình hình mô hình bệnh tật và tử vong của người Việt Nam qua sinh thiết và tử thiết.  
Nghiên cứu đã tìm ra đặc điểm tình hình mô hình bệnh tật và tử vong của người Việt Nam, góp phần tiên lượng tình hình bệnh tật ở nước ta trong tương lai. Mô hình này của ông đã trở thành tài liệu có tính chất “gối đầu
giường” cho đội ngũ chuyên khoa giải phẫu bệnh Việt Nam trong nhiều năm, là tài liệu tham khảo quý giá cho các thầy thuốc lâm sàng. Cụm công trình này đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
          Chuyên ngành giải phẫu như ông quan niệm “đó là một nghệ thuật làm cho người chết nói lên những tiếng nói cuối cùng để phục vụ người sống”. Chính vì lẽ đó, ông đã đến nhiều bệnh viện địa phương để hội chẩn, chỉ đạo chuyên khoa và bồi dưỡng chuyên môn cho nhiều thế hẹ học trò tạo nguồn cán bộ kế tục sự nghiệp mà ông đã dày công xây dựng và vun đắp. Đối với việc xây dựng chuyên ngành Giải phẫu bệnh-pháp y, một ngành mới ở Việt Nam ông luôn kiểm tra, tham gia trực tiếp các trường hợp mổ tử thi, là tấm gương sáng cho các học trò, thầy thuốc hết lòng say mê nghề nghiệp. Ông tổ chức các phân môn theo các tạng, các cơ quan, từng bước chuyên môn hóa sâu đội ngũ những người thầy, thường xuyên gắn liền lý luận với thực tiễn để bài học dễ hiểu hơn.
Sách đã xuất bản: Tác giả đồng tác giả các sách: Giải phẫu bệnh học, 1964; giải phẫu bệnh, Nxb Y học, 1976.
Khen thưởng: Huân chương Vermeil của Viện Hàn lâm Y học Pháp; Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh – Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Gửi thảo luận