Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 26/6/2012

Điểm báo ngày 26/6/2012

Thuốc Cedemex phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy
Ít ai tin rằng những thanh niên khỏe mạnh, đang tươi cười nói chuyện với TS Nguyễn Phú Kiều (trong ảnh) là những người từng nghiện ma túy nhiều năm  đã cai nghiện thành công bằng thuốc Cedemex.
Thuốc Cedemex, sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước  do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo nghiên cứu, bào chế.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh, xóm An Thành, xã Thượng Nung, huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) tâm sự với chúng tôi: Nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, khi nghiện ma túy, cuộc sống ngày càng vất vả. Em đã đi cai nghiện  ma túy bằng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không cai được. Nhờ có đợt điều trị bằng thuốc Cedemex tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động của tỉnh Thái Nguyên em đã không tái nghiện, trở về với gia đình và lao động bình thường. Nguyễn Văn Tĩnh là một trong số 46 người nghiện ma túy của tỉnh Thái Nguyên, đối tượng   tham gia  Ðề án : "Dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2010-2012)".
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Lê Ðình Cường cho biết: Trong giai đoạn 2006-2010, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cai nghiện cho gần 10.456 lượt người, trung bình một người nghiện được cai nghiện ít nhất  hai lần. Trung bình, tỷ lệ tái nghiện giai đoạn 2006-2010 là 95,5%.
Từ thực trạng tỷ lệ tái nghiện còn cao, lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã tổ chức đoàn công tác tham quan, nghiên cứu mô hình cai nghiện bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy Cedemex tại TP  Hải Phòng. Sau khi nghiên cứu mô hình cai nghiện của tỉnh bạn và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo, cơ quan nghiên cứu và sản xuất thuốc Cedemex, UBND tỉnh Thái Nguyên giao  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, xây dựng Ðề án dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2010-2012). Ðề án được triển khai tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh. Trung tâm đã điều trị thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy Cedemex cho người nghiện ma túy theo đúng phác đồ điều trị  cắt cơn và duy trì, ghi chép đầy đủ diễn biến cai nghiện vào bệnh án, sổ theo dõi đối tượng dùng thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy Cedemex. Qua kiểm tra thử test nước tiểu, giám sát, đánh giá, phỏng vấn trực tiếp đối tượng dùng thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại trung tâm cho thấy kết quả đáng khích lệ: Người nghiện cắt cơn êm dịu, không có hiện tượng dị cảm (giòi bò) trong xương, không thèm đói ma túy. Trong quá trình điều trị duy trì, tinh thần và sức khỏe của người nghiện được cải thiện, không có tai biến khi điều trị và không có tác dụng phụ không có lợi  cho người sử dụng. Cedemex còn giúp phục hồi các rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh lý do nghiện ma túy gây nên . Kết quả số người không tái nghiện là 13 trong tổng số 46 người tham gia đề án, đạt tỷ lệ 31,70 %. Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Hằng, hiệu quả bước đầu của thuốc Cedemex trong cắt cơn cai nghiện và điều trị duy trì đã có tính ưu việt và hiệu quả, nhất là tỷ lệ không tái nghiện sau cai (đạt 31,7 %) cao hơn nhiều so với điều trị bằng thuốc An thần kinh (tỷ lệ không tái nghiện ở địa phương trong giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt  4,5 %).
Nghiện ma túy là căn bệnh đặc thù không giống căn bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm vi-rút, bản thân người cai nghiện cần có nghị lực, quyết tâm cao, thật sự mong muốn được chữa bệnh,  thực hiện  đầy đủ hướng dẫn điều trị, quy định của pháp luật về quản lý sau cai ở cộng đồng, tôn trọng, tự giác thực hiện "quy định" của gia đình, người thân. Người bệnh cần vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng và kể cả người thân trong gia đình, không giao tiếp với bạn nghiện cũ, cần cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy. Gia đình là một yếu tố rất quan trọng, có thể nói đây là một chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần, vật chất, tâm lý trong suốt thời gian người bệnh chữa bệnh (trong suốt thời gian uống thuốc và quản lý sau cai). Gia đình nào có sự quản lý chặt chẽ, quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời, đúng mức và thường xuyên (bố mẹ, vợ, con, anh chị em ruột, người thân) thì việc phòng, chống tái nghiện mới thành công. Tiến sĩ Nguyễn Phú Kiều đưa ra điều kiện cần và đủ để cai nghiện ma túy thành công: Thuốc Cedemex cùng sự quyết tâm chữa bệnh cao của người nghiện ma túy và sự chăm sóc đặc biệt của gia đình, người thân, chính quyền các cấp ở địa phương.
Kết quả bước đầu trong việc điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex đã được nhiều người biết đến. Một số người nghiện và gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp đến Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo, xin tự nguyện cai nghiện bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy Cedemex. Tháng 5-2012, Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo đã phối hợp với ban chủ nhiệm đề án nêu trên, tiến hành kiểm tra, giám sát người nghiện tự nguyện đến viện để tư vấn và sử dụng  thuốc Cedemex  cai tại  gia đình. Kết quả kiểm tra, khảo sát, thu thập thông tin, cụ thể: Số người tái nghiện: Ba trong số 13 người, chiếm tỷ lệ 23,1%. Số người không tái nghiện: 10 người trong số 13 người, chiếm tỷ lệ 76,9%.
Kết quả này là cơ sở bước đầu để  xem xét việc xã hội hóa công tác cai nghiện tại cộng đồng, không chỉ góp phần giảm "gánh nặng" tài chính cho Nhà nước mà còn nâng cao hiệu quả của việc cai nghiện  tại cộng đồng so với tổ chức cai nghiện tại các trung tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thuốc Cedemex là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, và cũng là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông qua Nghị định thư khóa V từ năm 2004 đến 2007. Cedemex là thuốc thảo dược đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu cơ chế theo y học hiện đại. Bộ Y tế đã có  Quyết định số 2406/QÐ- BYT ngày 2-7-2008 cho phép thuốc Cedemex được lưu hành tại cộng đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư để Viện Nghiên cứu Ðiều trị các bệnh hiểm nghèo xây dựng nhà máy sản xuất thuốc Cedemex đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và thành lập các vùng chuyên canh cây thảo dược để lấy nguyên liệu sản xuất Cedemex. Phát biểu ý kiến tại hội nghị tổng kết thực hiện đề án nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Ma Thị Nguyệt cho rằng: Từ kết quả thực hiện đề án này, trong thời gian tới tỉnh sẽ xây dựng một đề án mới để  mở rộng cai nghiện tại cộng đồng với số lượng người nghiện nhiều hơn. Ðồng tình với quan điểm nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của quốc hội Nguyễn Văn Tiến cho rằng, trước thành công bước đầu của  đề án nêu trên tại Thái Nguyên, các cấp có thẩm quyền của trung ương và các tỉnh, thành phố cần triển khai đề án dùng thuốc Cedemex để hỗ trợ cắt cơn và cai nghiện ma túy tại nhiều địa phương khác. Sau đó sẽ có tổng kết để xác định được hiệu quả cụ thể của việc dùng thuốc Cedemex trong việc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo hướng xã hội hóa, góp phần phòng, chống căn bệnh nghiện ma túy có hiệu quả. (Nhân dân – trang 5)
Lần đầu tiên ứng dụng siêu vi phẫu
Việt Nam là một trong không nhiều nước trên thế giới ứng dụngt hành công kỹ thuật siêu vi phẫu nối bạch mạch và tĩnh mạch chứa chứng phù tay voi sau điều trị ung thư vú… (xem tiếp Tiền phong 26/6 – trang 6).
Khử độc tố cho nạn nhân dioxin
Sau hơn một năm hoạt động, Trung tâm Khử độc tố dioxin tỉnh Thái Bình, ở 684 đường Trần Lâm, phường Trần Lâm, tỉnh Thái Bình đã tiến hành khử độc cho 450 người bệnh, chủ yếu là nạn nhân chất độc da cam. Sau khi được chữa trị, sức khỏe của người bệnh đã được cải thiện đáng kể…. (xem tiếp Hà Nội mới 26/6 – trang 6).
Tin từ Bệnh viện đa khoa H.Minh Hóa (Quảng Bình), dịch tiêu chảy cấp ở trẻ em đang bùng phát trên địa bàn; từ đầu tháng 6 đến nay đã có hơn 100 trẻ nhập viện gây nên tình trạng quá tải, khó khăn trong điều trị. (Thanh niên – trang 2)
Hàng trăm công nhân nhập viện
Bình Dương – Chiều tối 25-6, sau khi ăn cơm, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Fujikura tại khu công nghiệp VSIP1 (thị xã Thuận An) đồng loạt xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, khó thở. Công ty phải huy động hàng chục chiếc taxi để đưa công nhân đi cấp cứu tại nhiều nơi. Bệnh nhân đã được lấy máu để xét nghiệm, truyền dịch, trong đó có 3 ca nặng (suy hô hấp, phải thở máy). Theo chẩn đoán ban đầu, họ bị ngộ độc thực phẩm. Một số công nhân cho biết, khẩu phần ăn trong buổi ăn chiều gồm cơm và bún thịt nước. (Tiền phong trang 2)
Xung quanh việc Phòng khám Trung Quốc sai phạm tại TPHCM: Phòng khám “chối” không có bác sĩ ngoại
Ngày 25.6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã làm việc với đại diện phòng khám Đông Phương, địa chỉ 762 Cách mạng Thàng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TPHCM. Theo Thanh tra Sở Y tế, mặc dù được cấp phép khám y học cổ truyền nhưng trênt hực tế, phòng khám này quảng cáo chữa trị sản phụ khoa, nam khoa, phẫu thuật trĩ, xét nghiệm, siêu âm… Nhiều loại thuốc tại phòng khám mang nhãn hiệu Trung Quốc không rõ nguồn gốc và hất hạn sử dugnj, thậm chí có cả vỏ thuốc hướng thần gây nghiện tại khu phòng mổ. Đại diện phòng khám đã thừa nhận sai phạm trên nhưng lại phủ nhận: “không biết gì đếnv iệc người nước ngoài hoạt động tại phòng khám”. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra phòng khám, cơ quan chức năng đã phát hiện hồ sơ khám – chữa bệnh do BS người nước ngoài kê toa với 2 bảng tên có tên BS nước ngoài. (Lao động – trang 2)
Hà Nội ráo riết xóa cảnh bệnh viện nằm ghép
ANTĐ – UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Hà Nội tới năm 2020, định hướng tới 2030. Theo đó, 8 năm tới, TP sẽ đầu tư số vốn khổng lồ lên tới 43.360 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô.
Nhiều con số hấp dẫn
Trong bản quy hoạch vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phê duyệt, người ta chú ý nhiều tới chỉ tiêu giường bệnh. Cụ thể, đến năm 2015, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu đạt tỷ lệ 12,5 bác sỹ /10.000 dân, đạt 2 dược sĩ /10.000 dân. Đến năm 2020, con số này tăng lên 13,5 bác sỹ/10.000 dân, 2,5 dược sỹ /10.000 dân. Năm 2030 đạt 14 bác sỹ/10.000 dân, 3 dược sỹ/10.000 dân; nhân viên điều dưỡng từ 3 – 4 nhân viên /bác sỹ. Đặc biệt, TP phấn đấu tăng tỷ lệ giường bệnh lên 20 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2015; 25 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường bệnh /10.000 dân vào năm 2030.
Cùng với đó, đến năm 2015 bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; đến năm 2020 nâng cấp và duy trì đặt chuẩn quốc gia về y tế xã. Đây là những con số hứa hẹn giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế Hà Nội hay nói cách khác là người dân sẽ dần dần không còn phải chen chúc khám chữa bệnh hoặc “nằm ghép” ở các bệnh viện.
Cũng theo quy hoạch mới, giai đoạn từ năm 2011-2015, Hà Nội sẽ khởi công xây mới 10 bệnh viện với 3.850 giường bệnh, với nhu cầu đất là 43,5ha. Giai đoạn từ năm 2016-2020, sẽ khởi công và xây mới 15 bệnh viện với 5.000 giường bệnh với nhu cầu đất là 50,5ha. TP cũng sẽ nâng cấp bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I với quy mô 250 giường bệnh. Đồng thời, xây mới bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông cơ sở 2 với quy mô 300 giường bệnh; xây mới 1 bệnh viện Y học cổ truyền Gia Lâm với quy mô 300 giường bệnh… Cùng với đó, TP sẽ thiết lập 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại các khu vực Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình, Xuân Mai… 
Quy hoạch chỉ là khởi đầu
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hoá xã hội (HĐND TP) cho biết, hiện nay, có khoảng 30% người dân Hà Nội tới khám chữa bệnh ở các bệnh viện Trung ương trên địa bàn. Đây là lợi thế nhưng Hà Nội cũng cần khẩn trương trong việc xây dựng mạng lưới y tế của thành phố. Tuy vậy, việc xây dựng mới các bệnh viện không thể xong trong ngày một ngày hai. Nhân lực cho ngành y tế cũng không thể có ngay mà cần thời gian dài đào tạo. Trong khi đó, đến năm 2020, TP sẽ cần thêm khoảng 4.000 bác sĩ, 1.000 dược sĩ và trên 18.000 nhân viên điều dưỡng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2015, tình trạng quá tải bệnh viện sẽ có chuyển biến  tích cực. “Với bản quy hoạch này, TP Hà Nội sẽ giảm tải bệnh viện sớm hơn Trung ương một chút” – bà Nguyễn Thị Thùy nói.
Một số ý kiến khác lo rằng, quy hoạch có rồi nhưng việc triển khai thực hiện tới đâu lại là vấn đề khác. Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều khu đô thị, khu nhà ở đã quy hoạch rõ ràng diện tích đất dành xây dựng bệnh viện, cơ sở y tế hay trường học nhưng kết quả còn rất hạn chế. Đa số chủ đầu tư chỉ lo xây dựng nhà ở thương mại để bán kiếm lời và cố tình “quên” các hạ tầng xã hội như trường học hay cơ sở khám chữa bệnh. Số khác lại viện cớ không đủ năng lực, trình độ để thực hiện các dự án chuyên ngành như giáo dục, y tế nên nhiều diện tích đất vàng đành bỏ hoang trong khi người dân vẫn phải tìm tới các bệnh viện tuyến trên. 
Thêm nữa, trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công hiện nay, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước dành cho xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế cũng buộc phải “co lại” trong xu thế chung. Thế nên, từ lúc quy hoạch được duyệt cho tới khi các bệnh viện mới, khang trang, hiện đại đi vào hoạt động sẽ còn quãng đường rất dài. (An ninh Thủ đô – trang 3)
Phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”: Bắt đầu bằng những hành động vệ sinh cá nhân thiết thực
(SKDS) –  Ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730/QĐ-TTg lấy ngày 2/7 hằng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, theo đó, ngày 1/7 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại tỉnh Hải Dương. Nhân dịp này, PV báo Sức khỏe& Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế về những nội dung liên quan đến ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”…
PV: Xin ông cho biết, vì sao ngành y tế lại đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước đến khi Bác Hồ qua đời, Bác đã có nhiều bài nói, viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Bác cũng đã đưa ra quan điểm “phòng bệnh hơn trị bệnh”.
Bác quan tâm đến những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như đảm bảo nước sạch, diệt ruồi, diệt muỗi… Để triển khai tốt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 2/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
Trong thời điểm hiện nay, việc Bộ Y tế trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quyết định lấy ngày 2/7 hằng năm, kể từ năm nay là ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” không chỉ nhằm kêu gọi về “vệ sinh yêu nước” của Bác mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với việc hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.
PV:Ngành y tế đã vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai công tác vệ sinh như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga:  Trong suốt thời gian qua, trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành y tế đã vận dụng một cách sáng tạo, khoa học và phù hợp với thực tiễn các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, góp phần làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể. Những phong trào “Ba dứt điểm công trình vệ sinh”, “Sức khỏe cho mọi người”, “Làng văn hóa – sức khỏe” đã được thực hiện thành công và đóng góp rất lớn cho công tác nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm được khống chế hoặc thanh toán như sốt rét, bại liệt, mắt hột, lỵ, thương hàn… Tình trạng dinh dưỡng trẻ em được cải thiện, tuổi thọ nhân dân được nâng cao.
PV: Nhưng thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có không ít khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các phong trào vệ sinh ở nước ta?
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga:  Cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, hiện nay môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải trong sinh hoạt, trong sản xuất và phát triển kinh tế như ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, làng nghề, bãi rác…; ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp, do chất thải trong chăn nuôi, chất thải của con người… Tình trạng ô nhiễm này đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của mỗi người dân. Thế nhưng trên thực tế, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân hiện vẫn còn hạn chế.
Nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến hệ quả, hiện nay bên cạnh việc chúng ta đang phải vừa giải quyết những dịch bệnh mới phát sinh lại vừa phải chiến đấu với bệnh cũ đang có xu hướng quay trở lại như bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh không nhiễm gia tăng… Do đó, việc khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” là việc làm rất có ý nghĩa nhằm huy động các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tham gia công tác vệ sinh để nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2012 là năm đầu tiên ngành y tế phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nơi Bác Hồ đã về nói chuyện với đồng bào, thăm giếng nước, công trình vệ sinh và phát động phong trào vệ sinh). Phong trào nhằm tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các vấn đề như: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, ATVSTP, vệ sinh trong lao động; vận động người dân ở các vùng nông thôn xây dựng các công trình vệ sinh sạch, khép kín…, để không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn giúp người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành hơn… Cùng với lễ phát động được tổ chức tại Hải Dương, ngành y tế sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ đại diện cho 3 miền tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào.
 
(Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Gửi thảo luận