Trang chủ » Tin tức » Y tế » “Bác sĩ chui” vẫn vô tư khám bệnh

“Bác sĩ chui” vẫn vô tư khám bệnh

Thấy thanh tra là “bác sĩ” tháo chạy!
 
Chiều 21/6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục kiểm tra phòng khám Trung Quốc trên địa bàn TPHCM. Tại phòng chẩn trị y học cổ truyền Đồng Phương, số 762 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, đoàn thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm. Đoàn đã yêu cầu cơ sở ngừng ngay các hoạt động không đúng phạm vi hoạt động và chấn chỉnh các thiếu sót.
 
Trước đó, ngày 20/6, Thanh tra Sở Y tế đã đột xuất kiểm tra Trung tâm Chẩn đoán y khoa Đầm Sen (số 46 đường Hòa Bình, phường 5, Q.11). Vừa thấy đoàn thanh tra, toàn bộ các “bác sĩ” làm việc ở đây đã nhanh chân tháo chạy. Theo BS Trần Thu Hương – Trưởng phòng Y tế quận 11, tại phòng khám này, toàn bộ BS Trung Quốc đều không có bằng cấp vẫn vô tư khám – chữa cho bệnh. Phòng khám này không có BS nước ngoài nào đăng ký hành nghề nhưng họ vẫn lén lút hành nghề và hễ bị phát hiện là… trốn.
 
Thanh tra sở có “chống lưng”?
 
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, toàn TPHCM có 3 phòng khám Trung Quốc có 100% vốn do người nước này làm chủ, còn lại 5 phòng khám khác có BS người Trung Quốc hành nghề. Câu hỏi được đặt ra, chỉ có chừng đó phòng khám và nhân lực BS ở các phòng khám này quá ít nhưng ngành y tế vẫn không quản lý nổi, liệu có “sự chống lưng” hay không? BS Lê Minh Hải khẳng định, sau cấp phép, năm nào cũng tiến hành hậu kiểm. Tuy nhiên, khó phát hiện được những sai phạm từ các phòng khám này do họ hoạt động biến tướng tinh vi.
 
Nhiều người trong đoàn thanh tra nghi ngờ có sự bảo kê của chính người trong thanh tra sở. Chẳng hạn như tại Phòng khám đa khoa Đầm Sen, khi đoàn đến kiểm tra đột xuất thì phòng khám này gần như “vườn không nhà trống” và được dán giấy tạm ngừng hoạt động.
 
Thậm chí, trong đơn tố cáo gửi cho các cơ quan báo chí của bà Lưu Mỹ Nhung đã có một số thông tin như: Trong thời gian điều trị tại Phòng khám đa khoa Đầm Sen vào tháng 5/2012, bà gặp một ông đi xe SH màu đen, cao khoảng 1,80m đến phòng khám và thông báo có đợt thanh tra nên yêu cầu nhân viên phiên dịch không được mặt áo blouse, không ngồi dưới quầy. Ông này còn bảo phòng khám tìm người thay thế bà BS người Trung Quốc để đối phó với đoàn kiểm tra. “Nghe các nhân viên trò chuyện, tôi biết ông ta là BS Q, hiện đang công tác tại Thanh tra Sở Y tế”.
 
Qua xác minh, BS Q như trong đơn thư tố cáo được xác định là BS Phạm Hữu Quốc, hiện là thanh tra viên của Sở Y tế. Trả lời với các cơ quan báo chí, ông Quốc cho rằng: “Thời gian đầu khi Phòng khám đa khoa Đầm Sen mới thành lập tôi có hỗ trợ pháp lý, hồ sơ cho phòng khám này. Nhưng gần 2 năm qua tôi không còn liên quan đến phòng khám này nữa. Riêng thời điểm vừa rồi tôi đi việc riêng ở gần phòng khám trên và không vào phòng khám này nên không có chuyện tôi chỉ đạo hay nói gì hết”.
 
Nếu theo cách trả lời trên, liệu thanh tra viên có còn “vô tư” thanh tra hay không một khi đã thực hiện hỗ trợ pháp lý, hồ sơ cho phòng khám này từ trước đó.
 
Dư luận đang quan tâm về trách nhiệm của ngành y tế TPHCM trong vụ việc trên.

Gửi thảo luận