Chết vì ngây thơ, thiếu hiểu biết
Nhiều bác sỹ công tác tại bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, họ đã đỡ đẻ cho nhiều trường hợp “nguy hiểm” vì sự hiểu biết của sản phụ về việc mang thai, sinh nở quá hạn chế hoặc họ sở hữu “vốn kiến thức” sai lầm.
“Có nhiều sản phụ đến đây sinh con, lúc đó đã chuyển dạ, các bác sỹ hỏi đã khám thai và làm các xét nghiệm cần thiết chưa (như xét nghiệm máu, nước tiểu, đường huyết, vv…) thì sản phụ này cho biết từ lúc có thai đến lúc đẻ đã đi siêu âm rất nhiều lần, và chỉ siêu âm mà thôi!
Trong khi đó, siêu âm chỉ là một trong các xét nghiệm cận lâm sàng, không nói lên được đầy đủ về tình hình sức khỏe của thai nhi và người mẹ”, bác sỹ Lê Hoàng, Trung tâm chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay.
Tình trạng những sản phụ “ngây thơ” như trên không phải là hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Bác sỹ sản phụ khoa Lê Kim Dung (trung tâm y tế Thái Hà) cho biết nhiều phụ nữ đến tuổi sinh đẻ thậm chí còn không có chút kiến thức đúng đắn nào về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Trên thực tế, từ việc hiểu sai kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, hiểu sai về việc quản lý, chăm sóc thai kỳ, đã có nhiều sản phụ phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình.
GS.TS Nguyễn Đức Vy – nguyên Giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội sản phụ khoa Việt Nam cho biết ông đã chứng kiến cảnh một thai phụ vỡ tử cung chỉ vì có thai quá sớm sau khi mổ tử cung.
“Vết rạch do mổ dài, chỉ cần thai nhi 3 tháng tuổi đã có thể khiến tử cung người mẹ bị nứt, vỡ. Khi chuyển đến bệnh viện, sản phụ này đã tử vong”, GS Vy cho hay.
Ngoài ra, còn nhiều sản phụ do không khám sức khỏe toàn diện nên cơ thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý khác (như tim mạch, huyết áp, thận, gan, vv…). Tất cả những bệnh lý này đều trở thành nguy cơ đối với sản phụ và thai nhi khi chuyển dạ.
Trước đây, khi sản phụ Nguyễn Thị A.T tử vong tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (vào tháng 5/2011), ông Nguyễn Duy Ánh (Phó Giám đốc Bệnh viện) cho biết bệnh viện nhận định nguyên nhân tử vong của chị T. là do bị tiền sản giật dẫn đến chảy máu não khiến động mạch não bị vỡ.
Theo ông Ánh, nếu không phát hiện trước dị tật trong não thì một bệnh viện chuyên khoa sản như bệnh viện của ông có thể trở tay không kịp nếu có vấn đề phát sinh. Do đó, ông khẳng định chị T. được theo dõi chặt chẽ, bệnh viện không có lỗi trong sự việc này và bệnh nhân chết hoàn toàn do lỗi khách quan.
Cần thay đổi nhận thức, hành vi
Theo GS Vy, điểm bất cập phổ biến nhất hiện nay là nhiều bà mẹ lầm tưởng siêu âm chính là khám thai. Vì thế, có nhiều người chỉ tìm đến những bác sỹ siêu âm giỏi để cốt tìm ra dị tật của con mà không hiểu rằng siêu âm chỉ là một trong các xét nghiệm cận lâm sàng khi khám thai.
“Việc khám tổng thể để dự phòng các nguy cơ khi chuyển dạ thì không phải ai cũng làm”, GS Vy nói.
Trong các nguyên nhân gây tai biến sản khoa, có những nguyên nhân có thể không dự phòng được (như tắc mạch ối, tắc mạch phổi) nhưng cũng có những nguyên nhân có thể dự phòng được, như nâng cao nhận thức của các sản phụ và gia đình họ.
Vì thế, GS Vy cho rằng, điều quan trọng trong thời điểm hiện tại (bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế) là cần tuyên truyền kiến thức khoa học đến các bà mẹ để họ thay đổi nhận thức, hành vi, giúp họ có được một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, tránh những trường hợp thai phụ “ngây thơ” rồi bị trả giá đắt bằng sinh mạng của mình.
Hiện nay, theo đánh giá của GS Vy, kiến thức của người dân về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản còn hạn chế.
Theo ông, người phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ (38-41 tuần) thì phải có ít nhất 3 lần khám thai (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối). Ngoài ra, GS nhấn mạnh rằng khám thai không phải là chỉ có siêu âm mà còn phải bao gồm rất nhiều bước khác như làm xét nghiệm máu, nước tiểu, đo huyết áp, cân nặng, khai thác tiền sử sinh sản và sức khỏe của người bệnh, vv …