Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mỗi năm VN có gần 6.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC), trên 2.000 phụ nữ tử vong do bệnh này và số người mắc đang tăng mạnh theo từng năm tại các đô thị lớn…
HPV liên quan tới gần 100% ca UTCTC
Một con số của Hiệp hội Ung thư VN đưa ra khiến nhiều phụ nữ quan tâm đó là: Mỗi ngày VN có 17 trường hợp phụ nữ mắc UTCTC mới và 9 trường hợp chết do UTCTC với “thủ phạm” chính đó là virus HPV. TS-BS Cao Hữu Nghĩa – Trưởng khoa Phòng khám Viện Pasteur TPHCM – cho biết: “HPV là một loại virus gây nhiều chứng bệnh. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều có khả năng nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời và đa số bệnh sẽ thoái triển, nhưng một số tiếp tục tiến triển và trở thành UTCTC hoặc ung thư âm đạo. Ở nam giới, virus HPV còn gây ung thư dương vật, hậu môn”.TS Nghĩa dẫn chứng: “HPV liên quan tới 99,7% UTCTC; 50% ung thư âm hộ; 85% ung thư hậu môn; 20% ung thư hầu họng; 10% ung thư thanh quản và đường hô hấp tiêu hóa, đa bướu gai hô hấp tái diễn và hơn 90% tất cả các mụn cóc sinh dục”.
Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo ThS-BS Lê Thị Kiều Dung – giảng viên bộ môn sản (ĐH Y – Dược TPHCM), kết quả khảo sát mới nhất của bộ môn sản tại 20 phường, xã ở 10 quận, huyện (TPHCM) cho thấy, 78% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (18 – 49 tuổi) nhiễm HPV (virus gây u nhú). Tại BV Từ Dũ, năm 2011 phát hiện 560 ca UTCTC mới. Ngoài các type 16 và 18 của virus HPV gây UTCTC cao nhất, nhiều type còn lại gây ung thư và nhiều bệnh truyền nhiễm khác ở cả nam và nữ.
Có thể phòng ngừa
Các chuyên gia cho rằng, nhiều người biết ung thư rất nguy hiểm nhưng thường chỉ phát hiện được khi mọi việc đã quá trễ. Để tránh được điều này, cách đơn giản nhất là phụ nữ phải chủ động để phòng bệnh. Khi UTCTC đã xảy ra thì việc điều trị thường vất vả và tỉ lệ chữa trị thành công rất ít. Vì thế, biện pháp phòng ngừa chủ động UTCTC đang được các nước trên thế giới là tiêm phòng.
Tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo y văn thế giới hiện có đến 100 type HPV, nhưng chỉ có 30 type gây nhiễm trùng đường sinh dục và 15 type có khả năng gây ung thư (type 16 và 18 là nguy hiểm nhất). Câu hỏi được đặt ra, liệu tiêm phòng vaccine có ngừa được 100% UTCTC hay không? Các chuyên gia khẳng định: Trong thực tế thì vaccine không thể phòng, chống UTCTC 100% được. Vì thế, theo BS Trần Đặng Ngọc Linh – BV Ung bướu TPHCM – tiêm phòng theo chỉ định là hết sức cần thiết, nhưng đừng nghĩ người đã tiêm phòng vaccine là đã mang “áo giáp” vững chắc trước HPV và tự do quan hệ tình dục. Các yếu tố gây nên UTCTC thì rất nhiều, nhưng xu hướng chung là nguy cơ bị ung thư tăng theo tỉ lệ thuận với số lần quan hệ tình dục của phụ nữ.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư VN – khuyến cáo, việc tăng cường kiểm tra sớm, phát hiện bệnh bằng phương pháp xét nghiệm PAP (phết mỏng tế bào tử cung) hai năm một lần sẽ giảm đến 90% UTCTC. Đây là biện pháp đơn giản, tiết kiệm nhất để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ.