Muốn đúng nghĩa tủ thuốc nằm sẵn trong gia đình và hữu ích khi tối lửa tắt đèn cần lưu ý một số nguyên tắc như sau:
1. Vị trí: Tủ thuốc cần được đặt nơi khô ráo, thoáng mát, nơi nhiệt độ tương đối ổn định, tránh ánh nắng trực tiếp để thuốc đừng hỏng dù còn trong hạn sử dụng. Quan trọng không kém là tủ thuốc phải nằm xa tầm tay của trẻ con, người cao tuổi lú lẫn, thân nhân có bệnh tâm thần. Tủ thuốc nếu có khóa càng hay, nhưng với điều kiện là người trong nhà phải nhớ chìa khóa ở đâu khi có chuyện!
2. Hình thức: Tủ thuốc không cần phải là tủ kính bọc nhôm, nhưng tối thiểu phải sạch sẽ. Mặt trước tủ là nơi để ghi địa chỉ và số điện thoại của xe cấp cứu, bệnh viện, trạm y tế gần nhà và thầy thuốc quen biết với gia đình. Tủ thuốc theo kiểu vuông tròn nào cũng được nhưng nên được chia ra ba phần rõ rệt. Đó là:
-Phần dành cho nhiệt kế, băng cá nhân, băng keo, kéo, kẹp, cồn, nước oxy già.
-Phần dành cho thuốc dùng ngoài như kem giảm đau, chống dị ứng, thuốc xúc miệng, thuốc nhỏ mắt, thuốc rửa tai, thông mũi.
-Phần dành cho thuốc uống như thuốc giảm đau, hạ sốt, đau bao tử, chống tiêu chảy, chống dị ứng. Tất cả thuốc đều phải còn bao bì. Đừng nhét nhiều loại thuốc vào chung một hộp. Tuyệt đối không để thuốc xé lẻ vì dễ gây nhầm thuốc.
3. Nội dung: Đừng chứa quá nhiều loại thuốc trong tủ vì chỉ gây thêm bối rối lúc đang hốt hoảng. Tủ thuốc chỉ dùng cho các loại thuốc thông thường. Đừng để thuốc đặc hiệu trong tủ thuốc gia đình. Không thiếu trường hợp nạn nhân uống lầm thuốc hạ huyết áp thay vì thuốc cảm!
4. Bảo quản: Tủ thuốc gia đình cần được kiểm soát định kỳ để vừa bổ sung, vừa loại bỏ thuốc hết hạn. Đừng để xảy ra trường hợp khi cần thiết thì trong tủ chỉ toàn thuốc cũ lại thêm dán, mốc!
Đáng tiếc là chưa thấy trạm y tế nào thiết kế tủ thuốc gia đình cho đúng điệu và hướng dẫn sử dụng cho đúng cách rồi chuyển nhượng với giá phải chăng cho từng hộ dân trong khu vực. Vừa tăng thu nhập để thêm kinh phí hoạt động, vừa phục vụ lợi ích cộng đồng, còn gì khéo hơn!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.