Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM với BV Y học Cổ truyền và Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, ngày 13-6. Buổi làm việc có chủ đề về tình hình đào tạo nguồn nhân lực y tế trong lĩnh vực y dược học cổ truyền, tuy nhiên rất nhiều ý kiến cho rằng chất lượng thuốc y học cổ truyền (Đông dược) hiện nay không biết đâu mà lần, đặc biệt là thuốc trôi nổi trên thị trường!
Dược liệu nhập chất lượng chỉ tương đối
BS Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV Y học Cổ truyền, cho biết hiện trong nước chưa đảm bảo được nguồn dược liệu nên hầu hết phải mua từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tại bệnh viện, thuốc y học cổ truyền (bao gồm cả dược liệu và Đông dược – thuốc thành phẩm) có hơn 250 loại, trong đó thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc (thuốc Bắc) chiếm hơn 1/2, còn lại là thuốc trong nước (thuốc Nam).
Theo ông Sơn, một trong những khó khăn hiện nay của bệnh viện là đấu thầu thuốc nhưng không biết chất lượng thuốc thế nào. Đặc biệt là dược liệu thì không thể biết nguồn gốc, chất lượng cây thuốc mặc dù có hóa đơn chứng từ, gốc xuất xứ và giấy kiểm nghiệm do công ty trúng thầu cung cấp.
“Khi mua dược liệu về, chúng tôi chỉ nhìn bằng mắt thường, “nghi” loại nào kém chất lượng thì mang loại đó đi kiểm nghiệm lại nồng độ hoạt chất, độ ẩm và tạp chất để loại trừ ra… Chất lượng các loại dược liệu này cũng mang tính tương đối, chúng tôi không đảm bảo 100%. Nếu loại nào không đạt các chỉ tiêu Bộ Y tế đưa ra thì phải trả lại” – BS Sơn nói. Bên cạnh đó, việc kiểm nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí cao nên không phải loại nào cũng được kiểm tra lại. Bệnh viện cũng đã trình bày với Bộ Y tế nhưng nơi này cũng… bó tay.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM Nguyễn Thị Thư cho rằng nếu không phải là người có kinh nghiệm thì khó biết được dược liệu nhập về có chất lượng hay không. Ngoài ra, có những loại cây thuốc trong nước chất lượng, họ mua có vài chục ngàn đồng/kg, sau đó mang về Trung Quốc bó lại và bán với giá vài trăm ngàn đồng/kg hoặc bán những cây thuốc cùng loại nhưng chất lượng thấp hơn.
Theo BS Sơn, một trong những dược liệu tốt mà người Trung Quốc sang Việt Nam mua là hồng hoa, sâm Ngọc Linh… “Dược liệu tốt, thứ nhất là phải được trồng đúng vùng thổ nhưỡng, thứ hai là phải thu hoạch đúng tuổi. Thí dụ sâm Cao ly Hàn Quốc thì phải trồng đúng sáu năm và thu hoạch vào mùa thì mới đủ chất mà việc này chúng ta không kiểm soát được” – BS Sơn cho biết thêm.
Hạn chế dược liệu trong nước vì… BHYT!
Vì sao chúng ta không sử dụng nguồn dược liệu trong nước chất lượng và giá rẻ? BS Sơn cho rằng bảo hiểm y tế (BHYT) quy định chi trả theo danh mục có hạn, trong khi đó trong nước có rất nhiều dược liệu nên không thể đưa vào được hết. Nếu kê một loại thuốc nào mà có chất nằm ngoài danh mục quy định thì xem như không được chi trả. Chính vì vậy, dược liệu trồng ở các địa phương chất lượng, giá rẻ lại không được sử dụng nhiều mà đi nhập dược liệu không biết chất lượng thế nào với giá cao hơn nhiều lần.
Thí dụ bài thuốc nhuận tràng (trị táo bón rất tốt) có vị mùn trâu, đây là loại dược liệu rất phổ biến nhưng lại không có trong danh mục bảo hiểm thanh toán (!). Hay trong thuốc thoa bóp đau nhức có ớt để làm nóng nhưng ớt thì cũng không có trong danh mục.
Lỗi ở khâu quản lý
Một hạn chế nữa giúp dược liệu nhập kém chất lượng, mua bán trôi nổi khó kiểm soát được hiện nay là nằm ở khâu quản lý. Theo Phòng Quản lý Y Dược học cổ truyền – Sở Y tế TP.HCM, lâu nay ngành quản lý theo hóa đơn (nguồn gốc) và giấy kiểm nghiệm của từng loại dược liệu do người bán cung cấp và tự chịu trách nhiệm chứ không quản lý theo số lô, hạn sử dụng như thuốc Tây y. Như vậy, một loại dược liệu để quá lâu thì sẽ mất tác dụng.
BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y Dược học cổ truyền, đề nghị Bộ Y tế nên sớm có quy định lưu thông thuốc y học cổ truyền. Theo đó, thuốc y học cổ truyền khi lưu thông phải được đóng bao bì, có số lô, hạn sử dụng, nhãn… Có như vậy mới kiểm soát được chặt chẽ hơn. Thanh tra Sở Y tế cũng đề nghị đổi mới cơ chế, cải cách thủ tục, quy trình cấp số đăng ký lưu hành đối với thuốc y học cổ truyền, một mặt đáp ứng nhu cầu nhân dân, mặt khác là hạn chế được thuốc nhập lậu.
Đề nghị bỏ “Vườn cây thuốc Nam”
Thực hiện chính sách quốc gia về y học cổ truyền, ngành y tế TP.HCM đã triển khai kế hoạch “Vườn cây thuốc Nam” trồng tại một số xã ở ngoại thành. Theo kế hoạch này, khi mô hình các vườn cây thuốc Nam phát triển tốt sẽ nhân rộng cho tất cả các phường/xã khác. Vườn cây thuốc Nam với ý nghĩa để cho người dân biết, tự trồng lấy và phòng, chống bệnh tật ban đầu. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP, cho rằng việc làm này hiện nay là hình thức, một số xã xin bỏ vì… không có người chăm sóc và không có đất!