Trẻ em thường chiếm từ 50-55% trong tổng số bệnh nhân bỏng được thu dụng điều trị tại các cơ sở y tế. Ở nước ta, hàng năm ước tính có khoảng 8.000-10.000 trẻ bị bỏng ở các mức độ khác nhau. Chỉ riêng Viện Bỏng Quốc gia, hàng năm thu dung điều trị từ 1.500-2.000 trẻ em bị bỏng. Thậm chí, tai nạn bỏng chỉ đứng thức hai sau tai nạn giao thông ở trẻ em.
Lứa tuổi trẻ bị bỏng nhiều nhất là từ 1-5 tuổi, lứa tuổi này chiếm từ 55 – 60% tổng số trẻ bị bỏng. Ở lứa tuổi này, trẻ rất hiếu động, thích khám phá xung quanh nhưng lại chưa ý thức được nguy cơ bị bỏng và chưa có khả năng tự phòng tránh. Nguyên nhân gây bỏng ở trẻ em thường gặp nhất là do nước nóng, thức ăn nóng (bao gồm cả thức ăn cho vật nuôi), chiếm từ 60 – 65% tổng số tác nhân gây bỏng ở trẻ. Tiếp đó là bỏng do lửa (lửa cồn, lửa xăng, lửa do cháy rơm rạ, cháy nhà, xe…), bỏng do dòng điện (cao thế và hạ thế), bỏng do vôi tôi nóng và các nguyên nhân khác.
(Ảnh sưu tầm)
1. Nguy cơ, hậu quả đối với trẻ em bị bỏng
Bỏng có thể gây tử vong cho trẻ em, tỉ lệ tử vong ở trẻ bị bỏng nặng thường là cao. Tại Viện Bỏng Quốc gia, trung bình cứ 100 trẻ bị bỏng vào điều trị thì có 2 – 3 trẻ tử vong. Nguyên nhân tử vong ở trẻ có thể do sốc bỏng, do suy hô hấp (nếu bỏng nặng vùng đầu mặt cổ hoặc bỏng đường hô hấp), do nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn máu), đây là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ bị bỏng hiện nay. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị tử vong do nhiều biến chứng nặng khác gặp trong bỏng nặng như suy thận cấp, chảy máu tiêu hóa nặng, suy nhiều tạng,…
(Ảnh sưu tầm)
Nếu không tử vong, bỏng thường gây nên tình trạng bệnh lý nặng nề ở trẻ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trước mắt và lâu dài đối với trẻ. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cho trẻ chậm lớn, suy giảm hệ thống miễn dịch, bỏng còn để lại những di chứng nặng nề về chức năng (sẹo co kéo làm hạn chế vận động các chi thể, sẹo co kéo làm biến dạng đường thở, mũi, miệng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, chức năng tiêu hóa, sẹo co kéo gây hở mí mắt, lệch nhãn cầu ảnh hưởng đến chức năng thị giác…) Ngoài ra, sẹo bỏng còn gây đau đớn, ngứa, khó chịu, có thể loét, sùi và phát triển thành ung thư, sẹo. Về thẩm mỹ, bỏng có thể làm rối loạn sắc tố vùng da bị bỏng, sẹo bỏng lồi, co kéo gây biến dạng mặt và các vùng thẩm mỹ. Một điều quan trọng nữa phải kể đến đó là di chứng về mặt tâm lý để lại cho trẻ sau bỏng. Sau bỏng, trẻ thường rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý nặng nề, hay gặp trạng thái trầm cảm, chán sống hay trở nên dễ hư hỏng. Nhiều trẻ sau khi bỏng đã bỏ học, thậm chí tìm đến cái chết. Do đó, cán bộ y tế và cộng đồng, đặc biệt là gia đình và nhà trường phải hỗ trợ, giúp đỡ, động viên để trẻ ổn định tâm lý, sớm tái hòa nhập với cộng đồng. Một trong những điều quan trọng là giúp trẻ thoát khỏi mặc cảm xấu xí tật nguyền sau bỏng nặng bằng sự chân thành cảm thông nhưng không mang màu sắc thương hại, xa lánh của những người thân và bạn bè xung quanh.
2. Một số đặc điểm cần lưu ý ở trẻ em bị bỏng
Trẻ em là đối tượng đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Về chức năng sinh lý cũng như sự hình thành tâm lý ở trẻ chưa ổn định. Hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khả năng đáp ứng miễn dịch còn kém. Cơ thể trẻ cũng có những đặc điểm khác biệt so với người lớn, do đó khi trẻ bị bỏng cũng có những đặc điểm khác biệt mà cán bộ y tế cơ sở phải biết để đề phòng những sai sót đáng tiếc. Trước hết, diễn biến ở trẻ em bị bỏng thường nặng và khó lường hơn ở người lớn. Trẻ bị bỏng 5% diện tích cơ thể đã có thể bị sốc bỏng. Sốc bỏng ở trể thường diễn biến rất nhanh, dễ nặng lên và dễ tử vong nếu phòng chống sốc không kịp thời. Trẻ bị bỏng rất dễ bị nhiễm trùng (nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ở vết thường, ở phổi), nhiễm trùng thường nặng, dễ biến chứng nhiễm khuẩn máu và tử vong. Các biến chứng khác ở trẻ bị bỏng cũng thường gặp hơn và nặng nề hơn so với người lớn như suy thận cấp, suy hô hấp, chảy máu tiêu hóa, suy nhiều tạng… Ngoài ra, rối loạn thân nhiệt của trẻ bị bỏng cũng có nhiều điểm cần chú ý, trẻ thường sốt cao rất sớm từ giai đoạn sốc, trẻ rất dễ bị co giật khi sốt cao, đây là biến chứng rất dễ gây suy hô hấp và tử vong ở trẻ nếu không xử lý đúng và kịp thời.
Tại vết bỏng của trẻ, diễn biến cũng có những đặc điểm khác biệt cần lưu ý: vết bỏng của trẻ có thể khỏi nhanh nhưng cũng có thể xấu đi nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn. Việc đánh giá đúng tình trạng vết bỏng và điều trị đúng tại chỗ vết bỏng sẽ giúp hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Tình trạng bệnh lý và diễn biến ở trẻ em bị bỏng còn phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ bị bỏng, trẻ càng nhỏ tuổi diễn biến càng nặng và càng phức tạp, đặc biệt lưu ý lứa tuổi dưới 5 tuổi, đây là tuổi trẻ em bị bỏng nhiều nhất nhưng cũng có tỉ lệ tử vong cao nhất, tình trạng bệnh lý và diễn biến phức tạp nhất.
3. Những sai lầm nhân viên y tế tuyến trước thường mắc phải trong xử lý trẻ bị bỏng
Chủ quan, đánh giá không đúng tình trạng bỏng nên không bù nước cho trẻ:trẻ bị bỏng thường được đưa đến y tế cơ sở khá sớm, do đó trẻ thường còn tỉnh táo, da niêm mạc vẫn hồng hào, trẻ vẫn bú mẹ,… những điều đó đôi khi làm nhân viên y tế chủ quan. Thực ra trẻ có thể bị sốc và nặng lên ngay sau đó rất nhanh. Do đó, khi trẻ bị bỏng vào cấp cứu, tùy theo lứa tuổi nhưng nhìn chung cứ bỏng từ 5% diện tích cơ thể trở lên (tương đương với diện tích 5 gan bàn tay của trẻ), chúng ta nên dự phòng sốc bỏng bằng cách bù nước cho trẻ bằng mọi cách, càng sớm càng tốt, từ biện pháp đơn giản đến phức tạp: cho trẻ tiếp tục bú mẹ (nếu trẻ còn bú), cho trẻ uống nhiều nước, nên sử dụng loại dung dịch Orerol, nước khoáng, nước dịch cháo… Nếu bỏng nặng hơn hoặc trẻ không uống được phải bù nước bằng truyền dịch: dùng kim bướm truyền ngoại vi, khó hơn có thể truyền các tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch cảnh hoặc bộc lộ tĩnh mạch hiển trong. Các dịch truyền có thể dùng là Ringer lactat; Nacl 0,9%; Glucose 5%. Số lượng dịch truyền tùy thuộc vào tuổi, diện tích bỏng, cân nặng của trẻ,… Tuy nhiên, có thể tham khảo công thức bù dịch cho trẻ khá phù hợp với các tuyến cơ sở là chỉ truyền Ringer lactat trong 24 giờ đầu:
+ Pruitt BA (1979): Q = 3 ml x kg (cân nặng) x % diện tích bỏng.
+ Parland (1994): Q = 4 ml x kg (cân nặng) x % diện tích bỏng.
Không giảm đau cho trẻ hoặc dùng thuốc giảm đau không hợp lý:nên nhớ, bỏng gây nên tình trạng đau rát dữ dội tại viện bỏng, nếu để tình trạng đau kéo dài càng dễ gây sốc bỏng cho trẻ và làm cho trẻ nặng lên. Vì vậy, nhân viên y tế cơ sở phải chú ý giảm đau cho trẻ bằng nhiều biện pháp kết hợp: ngâm vùng bỏng vào nước mát; băng bó vết bỏng bằng gạc ẩm; dùng thuốc giảm đau. Các tuyến trước thường hay sử dụng aminazin làm thuốc giảm đau cho bệnh nhân, dùng loại thuốc này có thể làm cho trẻ nằm yên nhưng rất dễ gây tụt huyết áp, đặc biệt khi thay đổi tư thế. Do đó, nên sử dụng các thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn hơn như nhóm dẫn chất của morphin (Dolacgan, Promedol) cũng có thể sử dụng nhóm trấn tĩnh an thần như Seduxen. Tuy nhiên, liều lượng, tốc độ tiêm thuốc giảm đau cho trẻ phải phù hợp và luôn chú ý là thuốc giảm đau có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ.
(Ảnh sưu tầm)
Chuyển trẻ lên tuyến trên khi đang có sốc nhưng không chống sốc trên đường vận chuyển cũng là một sai sót hay gặp ở tuyến trước. Nếu vận chuyển trẻ lên tuyến trên khi trẻ đang có sốc và trên đường vận chuyển không chống sốc thì hậu quả đôi khi rất nguy hiểm, trẻ có thể tử vong trên đường vận chuyển hoặc ngay sau khi đến cơ sở điều trị tuyến sau do sốc quá nặng. Tốt nhất để trẻ thoát sốc hãy vận chuyển, nếu phải vận chuyển khi trẻ đang có sốc thì cần phải giảm đau, truyền dịch, cho trẻ thở oxy trong quá trình vận chuyển và phải có nhân viên y tế hộ tống.
Không biết đánh giá vết bỏng, nhìn vết bỏng khô se tưởng vết bỏng sắp khỏi:Nên nhớ rằng cho dù vết bỏng nông (loại trừ bỏng độ I không cần điều trị) thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tuần vết bỏng mới bắt đầu khỏi. Do đó, nếu trước 1 tuần mà thấy vết bỏng khô se và chuyển màu một cách bất thường (đỏ hơn hoặc đen xám lại) thì phải cẩn thận, do thường không phải dấu hiệu của vết bỏng khỏi mà rất có thể đó là dấu hiệu của nhiễm khuẩn nặng lên và là dấu hiệu sớm của hoại tử thứ phát vết bỏng.
Sử dụng sai chỉ định và sai cách dùng các thuốc tạo màng:Thuốc tạo màng là loại thuốc chứa tanin nên khi đắp lên vết bỏng, tanin sẽ kết hợp với huyết tương, dịch mô tạo nên một màng thuốc bền chắc cách ly vết bỏng với môi trường bên ngoài để vết bỏng tự liền mà không cần thay băng. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ dùng được dùng ở những vết bỏng nông, mới, còn sạch và không được dùng ở mặt, vùng khớp, sinh dục. Khi dùng ở chi thể, không được bôi kín chu vi chi vì màng thuốc có thể tác động như garo chèn ép máu lưu thông nuôi đầu chi. Ngoài ra, khi dùng thuốc này, đặc biệt là dùng với diện rộng, phải lưu ý giảm đau cho bệnh nhân. Rất nhiều trường hợp dùng sai chỉ định hoặc dùng không đúng cách thuốc tạo màng đã gây nên những hậu quả không hay cho trẻ. Ngoài thuốc tạo màng, cán bộ y tế không nên cố gắng bôi các thuốc theo kinh nghiệm dân gian, chưa rõ nguồn gốc lên vết bỏng vì thuốc có thể làm bỏng sâu hơn, nhiễm trùng và thêm đau đớn cho trẻ. Nếu không có các thuốc điều trị bỏng đúng, chỉ nên băng vết bỏng với các gạc ẩm tẩm dung dịch nước muối sinh lý.
4. Phải làm gì khi trẻ bị bỏng?
Ngay tại nơi trẻ bị bỏng:hãy nhanh chóng tách trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng một cách an toàn càng nhanh càng tốt. Sau đó ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, mát (15-200C) hoặc để vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch. Thời gian ngâm hay tưới nước khoảng 15-20 phút. Chú ý giữ ấm cho trẻ khi ngâm, tưới nước nhất là mùa đông. Sau đó dùng gạc sạch, ẩm băng bó vết bỏng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng thời điểm đó và đừng phí thời gian đi tìm một loại thuốc nào đó trong khi nước sạch rất sẵn có quanh chúng ta. Nếu trẻ bị bỏng điện (điện giật) bị ngừng tim, ngừng thở thì phải để trẻ lên nền cứng, tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi trẻ thở lại và tim đập lại mới vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế.
+ Khám nhanh toàn thân và tại chỗ vết bỏng của trẻ để đưa ra đánh giá và tiên lượng đúng.
+ Bù nước cho trẻ càng sớm càng tốt, bằng mọi cách từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó.
+ Vận chuyển trẻ lên tuyến trên (nếu có chỉ định và vượt khả năng điều trị).