Sơ đồ tế bào gốc tác động lên hệ thống động mạch vành (Nguồn ảnh: suckhoe68.com)
Ứng dụng tế bào gốc trong tim mạch là một trong những hướng phát triển mạnh nhất của nghiên cứu tế bào gốc trong ứng dụng lâm sàng. Có nhiều ứng dụng khác nhau, nhưng một số thành tựu đã và đang được ứng dụng là: trong nhồi máu cơ tim cấp; bệnh động mạch vành mạn tính không can thiệp được, bệnh cơ tim giãn; suy tim sau nhồi máu cơ tim; bệnh động mạch ngoại vi mạn tính không can thiệp được.
Bệnh tim mạch đã là bệnh chiếm tỉ lệ tử vong và các biến chứng hàng đầu ở các nước phát triển và cũng trở thành bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mặc dù tiến bộ của các kĩ thuật hiện đại đã cho phép chữa khỏi rất nhiều bệnh tim mạch hoặc cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh, những vẫn có nhiều bệnh nhân tim mạch tiến triển tới giai đoạn muộn khó có thể can thiệp hoặc không can thiệp được. Các tiến bộ trong y sinh học đặc biệt là tế bào gốc đã thúc đẩy một hướng tiếp cận mới trong điều trị những vấn đề nan giải trên với giả thiết là liệu chúng ta có thể làm tăng sinh, khôi phục tế bào cơ tim, mạch máu nuôi tim, mạch máu nuôi cơ đã bị mất chức năng không? Đã có nhiều nghiên cứu trên thực nghiệm và trên người trên thế giới với kết quả đáng khích lệ để trả lời cho câu hỏi này.
1. Các dòng tế bào gốc trong điều trị bệnh tim mạch
Trên lý thuyết rất nhiều dòng tế bào gốc có thể đem cấy để thúc đẩy điêu trị bệnh mạch. Mỗi dòng tế bào lại có những đặc tính, ưu nhược điểm và khả năng ứng dụng khác nhau với từng bệnh cảnh lâm sàng cụ thể, thường được chia thành các nhóm lớn như sau:
Tế bào gốc từ tủy xương (Bonemarrow): hầu như rất ít nghiên cứu sử dụng dòng tế bào gốc riêng biệt mà đa số sử dụng dòng tế bào gốc không chọn lọc từ tủy xương trong đó chứa sẵn rất nhiều dòng tế bào đa dạng. Chưa biệt hóa như tế bào tạo máu gốc, tế bào nội mạc mạch non và tế bào trung mô gốc, do khả năng lấy tủy dễ dàng, không cần những thiết bị đắt tiền phức tạp để sử dụng trên lâm sàng. Tế bào gốc không chọn lọc từ tủy xương rất phù hợp để cấy vào cơ tim nhờ khả năng phát triển theo nhiều kiểu khác nhau (theo đường trung mô) để hình thành tế bào cơ trơn, cơ tim, mạch máu non – vốn là 3 loại tế bào chủ chốt của quả tim. Tế bào gốc từ tủy xương cũng rất phù hợp để ứng dụng trong lâm sàng do: khả năng tách trực tiếp từ dịch chọc tủy hoặc thu thập từ máu ngoại vi truyền hoàn hồi về dễ dàng, mức độ tăng sinh cao trong môi trường nuôi, đặc tính sinh lý hóa sinh có thể xác định chi tiết trước khi đem cấy…Các dòng tế bào gốc chọn lọc khác thường được nhắc đến như tế bào nội mạc mạch non có khả năng tích hợp vào vị trí tân sinh mạch máu và đặc hóa thành tế bào nội mạc. Tuy nhiên, số lượng tế bào nội mạc non cũng như khả năng tân sinh mạch bị suy giảm ở bệnh nhân có bệnh DMV, làm giảm ý nghĩa của chúng trong điều trị. Tế bào CD 133+ là dòng tế bào gốc tạo máu hoặc nội mạc mạch non với kháng nguyên bề mặt CD 133+, có khả năng kích thích tân sinh mạch ở mô thiếu máu, tích hợp vào vị trí tân sinh mạch, biệt hóa thành tế bào nội mạc trưởng thành. Tế bào trung mô gốc gồm dòng tế bào CD 34+ và CD 133- chỉ chiếm 1 tỉ lệ rất nhỏ trong tủy xương sẵn có, khả năng biệt hóa thành tế bào xương, sụn và mỡ, song cũng có thể biệt hóa thành các tế bào giống cơ tim sau khi cấy vào cơ tim, đồng thời tiết ra Cytokin có tác dụng tăng sinh mạch máu, cải thiện dòng chảy trong tuần hoàn bàng hệ. Ưu điểm chính của dòng tế bào này là tính khánh nguyên thấp, có thể nhân rộng trong phòng thí nghiệm nên phù hợp để cấy tế bào gốc dị gen.
Nguyên bào cơ vân ( Mioblast: hay tế bào “vệ tinh” là nhóm tế bào gốc, nằm dưới đáy của sợi cơ trưởng thành bình thường ở trạng thái ngủ. Khác với tế bào cơ tim, sau đẻ, nguyên bào cơ vân vẫn duy trì khả năng chu trình biệt hóa tế bào và dễ dàng tăng sinh trong môi trường nuôi. Nguyên bào cơ vân có thể phân lập được từ các mẩu sinh thiết sợi cơ vân rồi được nhân lên trong phòng thí nghiệm. Sau khi cấy vào mô chủ, nguyên bào cơ biệt hóa thành tế bào cơ vân trưởng thành, giữ nguyên đặc tính co bóp và khả năng đề kháng với thiếu máu nhưng lại không đồng bộ điện – cơ học với phần cơ tim mạch chủ. Nhược điểm lớn nhất của dòng tế bào này là chúng không thể biệt hóa thành tế bào cơ tim thực sự và biệt lập về điện cơ học với mô chủ (nên có thể là tác nhân gây ra rối loạn nhịp).
Tế bào cơ tim gốc: hiện diện ở quả tim trong thời kỳ phôi thai, sơ sinh sau đẻ và ngay cả ở tuổi trưởng thành, giữ khả năng biệt hóa thành cơ tim hoặc mạch máu có thể phân lên trong phòng thí nghiệm từ các mẫu sinh thiết cơ tim. Tuy vậy, tế bào cơ tim gốc ở người trưởng thành ít được ứng dụng trong thực tế dù có thể được phân lập từ tế bào vật chủ, (cấy tự thân, đồng gen) vì chúng đã trải qua giai đoạn giãn phân không thể phân chia ngoài cơ thể sống nên bị hạn chế về số lượng. Nguồn tế bào cơ tim gốc từ phôi hay từ trẻ sơ sinh do còn khả năng vào lại chu trình phân chia tế bào nên có thể nhân lên trong phòng thí nghiệm để đạt đủ số lượng tế bào non đem cấy và tạo được những vùng mô ghép xen kẽ với mô chủ.
Nguyên bào phôi: có nguồn gốc từ khối tế bào bên trong của túi phôi với khả năng đa biệt hóa thành tế bào cơ tim với những đặc điểm về cấu trúc và chức năng đa biệt hóa thành tế bào cơ tim non, đồng bộ về điện – cơ học với cơ tim vật chủ. Tuy nhiên có nhiều nghi ngờ về khả năng biệt hóa của dòng tế bào này, về nguy cơ xung đột với vật chủ theo cơ chế thải ghép và miễn dịch mạn tính, về khả năng tạo u quái của nguyên bào phôi khi cấy vào những cơ thể nhạy cảm; có sự đồng bộ điện học và rối loạn nhịp.
Tế bào gốc từ máu ngoại vi: được phân lập và nhân lên từ máu ngoại vi. Tuy vậy số lượng thường ít và cần những công nghệ và nhân lên có đủ số lượng cần thiết. Phương pháp lấy thường đơn giản.
Một số tế bào gốc khác được nghiên cứu: tế bào cuống rốn, tế bào từ da chính bệnh nhân… Còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và cần có thời gian để trả lời.
2. Các đường tế bào gốc trong điều trị bệnh tim mạch.
Mục đích của bất kỳ phương thức cấy nào đều nhằm đưa đến mô đích tế bào một lượng đủ lớn và duy trì tối đa hiện diện của chúng tại chỗ, vì thế rất cần tới vị trí cấy (ảnh hưởng đến khả năng sống ngắn hạn và khả năng biệt hóa), khả năng kết dính, xuyên thành mạch và vào mô (nếu theo đường mạch máu) thực tế thường áp dụng các đường cấy tế bào gốc như sau:
Đường mạch máu đặc biệt phù hợp để cấy tế bào vào cơ tim sau nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp và đã được tải lưu thông dòng chảy động mạch vành (ĐMV) khi mật độ các phân tử gắn kết tế bào và chất hóa ứng động còn ở mức cao. Một số cách truyền qua đường mạch máu là:
Truyền qua đường động mạch vành chọn lọc: được thực hiện bằng cách bơm căng một bóng nong ĐMV ( over – the – wire balloon) để gây tắc tạm thời ĐMV thủ phạm NMCT, sau đó truyền tế bào gốc qua nòng của quả bóng nong nói trên nhằm kéo dài tối đa thời gian tiếp xúc giữa các tế bào gốc và mạng lưới vi mạch tận của ĐMV thủ phạm. Kĩ thuật này tương đối đơn giản, có thể thực hiện nhanh chóng trong chưa đầy 1 giờ. Hiện nay kĩ thuật này được áp dụng khá rộng rãi trong điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp ở nhiều trung tâm trên thế giới.
Truyền qua đường tĩnh mạch ngoại vi: nhưng một số lớn của tế bào gốc sau khi truyền tĩnh mạch sẽ di chuyển và cư trú tại các mô ngoài mô đích, hạn chế khả năng ứng dụng lâm sàng của kĩ thuật này. Việc dùng thêm các chất hóa ứng động tế bào gốc và tế bào non tự thân bằng các chất Cytokin…tuy đơn giản, ít sang chấn song mới chỉ được thử nghiệm rất hạn chế In vitro.
Đây là cách thức cấy được ưa chuộng đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn khi ĐMV tắc ngăn cản quá trình phân tán tế bào gốc theo đường mạch máu (bệnh ĐMV mạn tính) hoặc khi chỉ còn rất ít tế bào còn sót lại (mô sẹo) đồng thời rất phù hợp với những dòng tế bào gốc có kích thước lớn như tế bào trung mô gốc hoặc nguyên bào cơ vân, vốn dễ hình thành các cục nghẽn nhỏ gây tắc mạch vành. Đối với bệnh nhân NMCT cấp thì khó khăn hơn về kĩ thuật nhất là khi cần cấy vào vùng ranh giới của ổ nhồi máu cũng như nguy cơ gây thủng tim khi tiêm vào vùng cơ đang tổn thương sau NMCT ( – 3). Kĩ thuật tiêm trực tiếp vào cơ tim có thể thực hiện theo 2 cách:
Tiêm xuyên qua nội tâm mạc: cấy tế bào gốc trực tiếp vào thành thất trái, xuyên qua nội tâm mạc bằng một hệ thống ống thông – kim tiêm, theo đường động mạch qua van ĐMC vào thất trái, tiêm vào vùng cơ tim còn sống (thiếu máu hoặc sẹo hóa) xác định bằng bản đồ điện – cơ học về mặt nội tâm mạc.
Tiêm xuyên qua ngoại tâm mạc: thường được kết hợp với mổ bắc cầu nối ĐMV, cho phép nhìn trực tiếp cơ tim, xác định rõ vùng sẹo nhồi máu và/hoặc vùng ranh giới sẹo nhồi máu.
Tiêm qua tĩnh mạch vành: sử dụng một hệ thống ống thông tích hợp siêu âm dẫn đường và kim tiêm để cấy tế bào gốc vào cơ tim qua đường tĩnh mạch vành, để cấy tế bào gốc song song với bề mặt thất và sâu xuống vùng cơ tim tổn thương không còn sống cho những bệnh nhân suy tim – cơ tim giãn do thiếu máu.
2.3 Tiêm trực tiếp vào vung cơ chi dưới bị tổn thương: do bệnh động mạch mạn tính không có khả năng can thiệp.
Phương pháp này hiện đang đươc ứng dụng khá rộng rãi và có những kết quả rất khả quan ban đầu.
3. Các kết quả ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh tim mạch
3.1 Ứng dụng tế bào gốc trong nhồi máu cơ tim cấp
Cho dù các chiến lược điều trị tái tưới máu hiện tại cùng với những tiến bộ trong điều trị nội khoa đã làm giảm tỉ lệ tử vong do NMCT cấp, nhưng cũng làm tăng tỉ lệ tiến triển tái cấu trúc thất trái và suy tim. Hiện chưa có một biện phát điều trị nào giải quyết được căn nguyên tái cấu trúc ví dụ như sự hủy hoại của tế bào cơ tim và mạng lưới mạch máu trong vùng nhồi máu…và có một tỉ lệ khá lớn bệnh nhân co suy giảm chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim cấp mặc dù đã được can thiệp kịp thời. Dựa vào những kết quả hấp dẫn trên động vật, một số thử nghiệm đã được tiến hành để kiểm tra tính khả thi và an toàn của việc truyền tế bào gốc cho bệnh nhân NMCT cấp. Tất cả thử nghiệm lâm sàng đều chọn đối tượng là bênh nhân NMCT cấp, được can thiệp ĐMV và đặt stent ngay thì đầu để tái lưu thông ĐMV gây nhồi máu, sau đó tế bào gốc được truyền qua nòng bóng nong ĐMV (có bơm bóng). Các thử nghiệm này được phân loại và đánh giá trên cơ sở dòng tế bào gốc được cấy.
Nghiên cứu lớn nhất được ghi nhận cho đến nay là nghiên cứu REPAIRE – AMI được tiến hành trên 202 bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cấp và được thêm TB gốc từ tủy xương vào trong động mạch vành. Kết quả theo dõi 1 năm cho thấy nhóm được tiêm TB gốc có sự cải thiện đáng kể về tỉ lệ tử vong, chức năng thất trái.
Bệnh động mạch vành không còn khả năng can thiệp cơ học (nong, mổ bắc cầu)
Dù có rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong các kỹ thuật tái lưu thông ĐMV ( can thiệp bằng ống thông qua da hay mổ bắc cầu nối), vẫn có nhiều bệnh nhân thiếu máu cơ tim không còn khả năng thiệp do mức độ tổn thương lan tỏa của ĐMV. Không ít người trong số này tiếp diễn triệu chứng đau thắt ngực dù đã điều trị thuốc tối đa. Thiếu máu cơ tim mạn tính gây rối loạn hoặc giảm co bóp dù chức năng này có thể hồi phục một phần khi tưới máu cơ tim được khôi phục (trạng thái cơ tim đông miên). Thiếu máu cơ tim cũng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp và chết đột tử do tim. Rõ ràng là cần những biện pháp điều trị mới nhằm cung cấp dinh dưỡng và oxy cho phần cơ tim thoi thóp ở những bệnh nhân này.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Tế bào gốc đơn nhân tử tủy xương đã được sử dụng trong một vài thử nghiệm lâm sàng nhỏ ở bệnh nhân mắc bệnh ĐMV không còn khả năng can thiệp cơ học. Nghiên cứu đầu tiên bao gồm 5 bệnh nhân trong mổ bắc cầu nối chủ vành được tiêm tế bào gốc tủy xương vào vùng thiếu máu không thể bắc cầu nối. Tất cả các bệnh nhân đều hồi sức sau mổ. Theo dõi sau 1 năm không thấy ra rối loạn nhịp, vôi hóa trong cơ tim hay hình thành khối u, chứng tỏ thủ thuật tương đối an toàn. Tưới máu cơ tim tại vùng tiêm tế bào gốc có cải thiện ở 3/5 bệnh nhân. Trong 3 nghiên cứu khác, tế bào gốc tủy xương được tiêm xuyên qua nội tâm mạc vào vùng cơ tim thiếu máu xác định bởi bản đồ điện – cơ học. Không có biến chứng gì sau thủ thuật và không có rối loạn nhịp thất dai dẳng sau 1 năm theo dõi. Một bệnh nhân đột tử sau cấy tế bào gốc 14 tuần. Cho dù đột tử là một biến chứng dễ thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh ĐMV tiến tiển như vậy, song cũng khó loại trừ khả năng nguyên nhân do cấy tế bào gốc. Nhìn chung các nghiên cứu này đều ghi nhận có cải thiện đáng kể về triệu chứng đau thắt ngực, khả năng gắng sức, mức độ tưới máu tại chỗ, chức năng tâm thu thất trái sau cấy tế bào gốc.
Suy tim mạn tính, giãn cơ tim do bệnh động mạch vành và bệnh cơ tim giãn.
Suy tim mạn tính đang nổi lên như một căn bệnh toàn cầu với sự chuyển đổi rõ rệt về căn nguyên: đa số nguyên nhân suy tim không còn do tăng huyết áp hay bệnh van tim mà lại là do tiến triển lâu dài sau NMCT cấp. Trên lí thuyết, thay thế phần sẹo nhồi máu bằng mô cơ sống sẽ cải thiện chức năng tim và ngăn cản tiến triển của tái cấu trúc thất trái.
Nguyên bào cơ vân
Sau thành công của ca lâm sàng đầu tiên, một số thử nghiệm nhỏ được tiến hành để nghiên cứu về độ an toàn và tính khả thi của việc cấy nguyên bào cơ vân vào bệnh nhân giãn cơ tim do thiếu máu. Những nghiên cứu này cho thấy có thể tách và nhân rộng thành công các nguyên bào cơ từ mẩu sinh thiết cơ vân và đạt đủ số lượng tế bào cần cho cấy sau 2 – 3 tuần lễ. Một trong những lo ngại chính phát sinh từ các thử nghiệm trên là nguy cơ gây rối loạn nhịp của mô ghép. Trong thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, 10 bệnh nhân với LVEF giảm nặng, được phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành và được tiêm nguyên bào cơ vàn vào vùng mô có ĐMV tắc nghẽn không còn khả năng bắc cầu.4/10 bệnh nhân xuất hiện nhịp nhanh thất dai dẳng ngày 11-22 sau mổ, và phải cấy máy phá rung tự động ICD. Một nghiên cứu khác trên 8 bệnh nhân được cấy nguyên bào cơ vân xuyên qua nội tâm mạc cũng ghi nhận tới 2 trường hợp đột tử và 3 trường hợp khác có rối loạn nhịp thất. Dường như cấy nguyên bào cơ vân làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp thất ở quần thể bệnh nhân này. Cơ chế gây rối loạn nhịp vẫn còn chưa rõ dù có giả thiết cho rằng nguyên bào cơ vân có khả năng khởi phát điện thế hoạt động gây ra các ngoại tâm thu nguy hiểm thông qua tương tác trương lực điện ( Electrotonic) cho dù không có sự đồng bộ về điện – cơ học với mô chủ đó là chưa kể tới khả năng gây rối loạn nhịp do tổn thương tại chỗ tiêm và phát ứng viêm miễn dịch (gây loạn nhịp) tại chỗ do tiếp xúc với các kháng nguyên dị loài có mặt trong môi trường nuôi tế bào gốc.
Trong đa số các thử nghiệm, cấy nguyên bào cơ vân đã làm cải thiện vận động vùng và phân số tống máu thất trái. Thậm chí, vài thử nghiệm đã đưa ra bằng chứng về khả năng sống tăng lên của vùng cơ tim được cấy tế báo. Tuy nhiên chưa thể khẳng định chắc chắn những kết luận nêu trên do quy mô của các thử nghiệm còn nhỏ, không có nhóm trứng và đều lẫn với tác dụng của thủ thuật tái lưu thông ĐMV được tiến hành đồng thời. Có lẽ cấy nguyên bào cơ vân chỉ nên khư trú ở bệnh nhân đã cấy máy ICD nhưng sẽ làm quá tốn kém nếu phải cấy máy ICD đồng thời với cấy nguyên bào cơ vân. Các nghiên cứu giải phẫu bệnh cho thấy chỉ có một phần nhỏ nguyên bào cơ còn sống sót tại mô sẹo nhồi máu, nên xử lý (trước khi cấy) các nguyên bào này để giảm/chống lại các quá trình theo chương trình, phối hợp tiêm cùng với các yếu tố tăng sinh mạch… có thể sẽ làm tăng khả năng sống sót và hiệu quả của dòng tế bào này. Một hướng nghiên cứu khác là kích thích bộc lộ connexin 43 ở nguyên bào cơ để đồng bộ hóa điện học với mô chủ.
Tế bào gốc từ tủy xương
Một thử nghiệm gần đây được tiến hành trên 86 trường hợp giãn cơ tim do thiếu máu, được truyền tế bào gốc tủy xương qua đường ĐMV có dùng bóng, cho thấy thủ thuật này an toàn, và làm tăng LVEF ở nhóm truyền tế bào gốc tủy xương sau 3 tháng so với nhóm chứng hoặc nhóm truyền tế bào nội mạc non. Một thử nghiệm khác tiến hành trên 12 bệnh nhân mổ bắc cầu nối ĐMV kết hợp tiêm tế bào CD 133+ xuyên qua ngoại tâm mạc vào rìa vùng nhồi máu cho thấy cấy tế bào tủy an toàn, không gây rối loạn nhịp thất và cải thiện tưới máu cơ tim tại chỗ cũng như tăng LVEF sau 6-8 tháng.
Gần đây cũng có ghi nhận bước đầu cho thấy tính an toàn và tác dụng của việc truyền tế bào gốc tủy xương qua ĐMV cho bệnh nhân mắc bệnh Chagas ( một loại giãn cơ tim)
3.2 Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh động mạch ngoại vi mạn tính
Gần đây, một số các nghiên cứu cho thấy, được diều trị bằng tế bào gốc tiêm trực tiếp vào vùng cơ chi dưới đang đe dọa hoại tử do bệnh động mạch mạn tính đã cải thiện đáng kể triệu chứng đau, khả năng liền lại được và không bị cắt bỏ chi. Các nghiên cứu cũng đang tiến hành để khẳng định hiệu quả lâu dài.
Những vấn đề còn bàn cãi
Điều trị tế bào gốc rất có triển vọng đối với nhiều bệnh nhân song hàng loạt câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Những triệu chứng vẫn đang tiến hành để trả lời cho những tranh cãi trên.
– Tế bào gốc nào có hiệu quả nhất?
– Số lượng tế bào bao nhiêu là đủ?
– Đường cấy tế bào nào là tối ưu nhất?
– Chỉ định tối ưu cho những bệnh nào
– Hiệu quả lâu dài?
– Những ảnh hưởng?khả năng gây ung thư ?…
Vòng đời của các tế bào sau cấy sẽ thế nào? Liệu tế bào ghép sẽ thực sự sống sót ở vùng nhồi máu mạn tính cũng như vùng quanh ổ nhồi máu như các thí nghiệm đã ghi nhân? Đâu là ví trí lý tưởng ( cho tân sinh vi mạch) để tế bào ghép có thể sống sót trong vùng mô tim thiếu nuôi dưỡng? Những thay đổi theo tuổi và bệnh lý nền ở người nhận có làm thay đổi quá trình biệt hóa tế bào gốc? Tế bào cơ tim tân sinh có thể đập đồng bộ trong vùng nhồi máu với mô chủ được khong hay chỉ tạo ra những ổ rối loạn nhịp mới? Các tế bào tân sinh thực sự tích hợp với mii chủ hay chi tồn tại tạm thời đủ để đem lại một số hiệu quả về cơ năng trước mắt? Những kết quả đầy ấn tượng trên động vật thí nghiệm áp dụng ở người thế nào? Một số bằng chứng thực nghiệm áp dụng ở người thế nào? Một số bằng chứng thực nghiệm gần đây cho thấy tế bào gốc say cấy có thể tương tác với các tế bào cơ tim gốc tại chỗ để tăng cường khả năng tái sinh của chúng. Diễn biến và ý nghĩa lâm sàng của mối tương tác này ra sao? Tế bào gốc cơ tim tại chỗ có thể dùng để tái tạo cơ tim hay không, tiềm năng đó có gì khác so với dòng tế bào gốc tử tủy xương? Khả năng tập hợp , biệt hóa, tái sinh mô và tiết các hormone tại chỗ của tế nào ghép có thể tăng lên nhờ các thuốc, các cytokine hay liệu pháp chuyển gen hay không…?
Những nghiên cứu vẫn đang tiến hành và hy vọng về tương lai của tế bào gốc là rất khả quan.
Tạp chí thầy thuốc Việt Nam, Số 24