“Nhảy việc”
Sau gần 10 năm cống hiến ở Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TPHCM, mới đây, bác sĩ Ph.Q.A, chuyên khoa Cột sống đã nhảy ra một bệnh viện tư ở quận 10 để làm việc với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng.
“Cuộc sống đòi hỏi nhiều thứ, trong đó có chuyện kinh tế. Hai đứa con đi học, vợ ốm đau, tôi không thể cày cuốc ở đây khi đồng lương vẫn còm cõi”, bác sĩ A. chia sẻ.
Cũng như bác sỹ A, BS Lê H.H., công tác ở khoa Ngoại tổng quát, BV nhân dân 115 cũng dứt áo ra đi sau 7 năm làm việc ở đây. Lý do người này đưa ra rất đơn giản “vì bệnh viện trả lương thấp”.
“Ngoài lương, tiền công mổ và tiền trực, mỗi tháng tôi chỉ nhận chưa tới 15 triệu đồng”, bác sĩ H., nói, “Trong khi cuộc sống phải bôn ba nhiều thứ, chưa kể giá cả ngày càng đắt đỏ”.
Sau bảy năm làm việc ở đây, khi chuyên môn của bác sĩ H. đã “cứng cáp”, chuyện anh “nhảy việc” cũng không bất ngờ, bởi trước đó nhiều đồng nghiệp của anh đã ra đi.
“Các bệnh viện tư mọc lên như nấm, cơ sở vật chất hiện đại, nhưng thiếu nhân lực nên những anh em có tay nghề như chúng tôi luôn được săn đón”, H. chia sẻ.
Với mức lương 25 triệu đồng, chưa kể phụ trách chuyên trách khoa ngoại ở một bệnh viện tư, cộng với tiền mổ dịch vụ, mỗi tháng bác sĩ H. kiếm được gần 50 triệu đồng.
Sau khi được Viện Tim TPHCM cử đi học chuyên khoa 2 xong, bác sĩ G. kiếm cớ rồi rời nơi này. Trả lại một khoản tiền chưa tới 70 triệu đồng mà bệnh viện chi ra cho anh đi học, bác sĩ này lặng lẽ ra đi.
Thực tế bác sĩ G. đang công tác cho Viện Tim Tâm Đức, một bệnh viện tư nhân ở quận 7, TPHCM, với mức lương gần 50 triệu/tháng.
“Đi đâu mình cũng phục vụ bệnh nhân, nhưng có nơi trả lương cao, coi trọng thì mình đến”, bác sĩ G. không ngần ngại cho biết.
Cũng như G. trong năm 2011 và năm tháng đầu năm nay, 10 bác sĩ ở BV Thống nhất TPHCM đi tìm bến đỗ mới là các bệnh viện tư và bệnh viện nước ngoài ở TPHCM.
BS Đặng V.Th. ở BV Thống Nhất cho biết: “Rất đắn đo khi rời nơi mình gắn bó 20 năm nay, nhưng khi được một bệnh viện quốc tế ở quận 1 mời về làm giám đốc chuyên môn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Rút cuộc tôi đã quyết định ra đi”.
Mức lương mà bác sĩ Th. nhận được ở nơi làm mới là 3.000 USD/tháng.
BS Hoàng V.N., cho biết đã quyết định đi học chuyên khoa 1 để “nhảy” sang bệnh viện tư vì năm năm làm việc ở Trạm y tế phường 14, quận 4 nhưng chỉ nhận mức lương 5 triệu/tháng.
“Mức lương này chỉ bằng một hộ lý ở bệnh viện tư nhân. Đó là chưa kể tụi tui bị lụt nghề vì ở các trạm y tế xã phường chẳng có gì làm ngoài khám bệnh thông thường”, bác sĩ N. nói.
Ở lĩnh vực sản khoa, nhiều bác sĩ cũng “nhảy việc”. Thống kê cho thấy, mỗi năm, tại hai bệnh viện sản đầu ngành của TPHCM là Từ Dũ và Hùng Vương, ít nhất 20 bác sĩ xin ra ngoài làm phòng khám sản tư, hoặc chuyển sang công tác cho các bệnh viện phụ sản quốc tế và tư nhân khác.
Bệnh viện tư luôn trải thảm đỏ mời gọi bác sĩ, dược sĩ với mức lương 30-50 triệu đồng/tháng. Ảnh: L.N
Khó giữ
Trước thực trạng chảy máu chất xám, nhiều bệnh viện công ra sức “xé rào” để giữ người tài. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ.
BS Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc BV 115, than thở: “Một năm nơi đây cử từ 50 – 60 bác sĩ đi học với quy chế học xong phải về phục vụ cho bệnh viện nhưng vẫn có 40% bác sĩ thất thoát ra ngoài. Đi đâu họ cũng phải phục vụ cho bệnh nhân nhưng chúng tôi thấy buồn vì mình không níu giữ chân họ được”.
Sau khi nhận một bác sĩ đa khoa vào làm việc, hầu hết các bệnh viện đều phải cho các bác sĩ này đi đào tạo chuyên khoa sâu với thời gian từ 3 – 5 năm.
Tuy nhiên, BS Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, cũng bất lực nhìn họ ra đi vì chế độ tiền lương còn kém hấp dẫn, trong khi bên ngoài các bệnh viện tư đủ chiêu lôi kéo.
“Một bác sĩ có tay nghề vững, hầu hết đều được bệnh viện tư mời về làm phó hoặc trưởng khoa với mức lương cao, nên mình cũng không ngăn được”, BS Báu nói.
Đó là chưa kể, theo bác sĩ Báu, hiện các đơn vị hoạt động về tự chủ tài chính, nghĩa là tự thu chi nên cũng cân nhắc về thu hút người tài.
Để giữ chân bác sỹ, Viện Tim TPHCM đã dùng chiêu tính phụ cấp thâm niên cho nhân viên y tế. Theo đó, người nào làm 5 năm ở bệnh viện nhận thêm phụ cấp 5% mức lương, 15 năm nhận mức phụ cấp 20% và làm 30 năm nhận 30% .
Thế nhưng, nhiều bác sĩ vẫn “nhảy việc”. Nhiều lãnh đạo bệnh viện công thuộc Sở Y tế TPHCM cho rằng, có tình trạng “chảy máu” này là do việc cho phép các bệnh viện tư mọc lên vô tội vạ mà không quan tâm đến đề án nhân sự rõ ràng. Vì vậy, khi bệnh viện ra đời, do không ràng buộc về cơ chế nên bệnh viện tư vô tư “lôi kéo” người tài.
Trong khi bệnh viện công tìm cách giữ chân bác sỹ thì các bệnh viện tư như BV Hoàn Mỹ, An Sinh hay Viện Tim Tâm Đức… cũng tìm cách thu hút bác sĩ giỏi. Những nơi này sẵn sàng mời bác sĩ giỏi nhưng lương thấp, lại không được trọng dụng ở các bệnh viện công về làm với mức từ 50 – 70 triệu/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp khác như mổ, làm thêm ngoài giờ. Ngoài ra, họ còn cho bác sĩ nghỉ ngơi ở nước ngoài, có xe đưa đón…
BSLê H.H., cho biết không chỉ áp lực công việc vì quá tải ở các bệnh viện công mà nguy cơ chính bác sĩ phải gánh những rình rập tai biến do chữa trị ở đây rất lớn.
“Thường khi bị tai biến là mình phải gánh chịu, trong khi bệnh viện tư họ mua bảo hiểm cho mình và chịu bồi thường cho mình”, bác sĩ H. chia sẻ.
Thiếu trầm trọng dược sĩ, bác sĩ
Sở Y tế TPHCM cho biết hiện TPHCM thiếu ít nhất 4.000 bác sĩ và 3.000 dược sĩ để cung cấp đầy đủ cho các bệnh viện,cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện TPHCM có tỉ lệ 6 bác sĩ/10.000 người dân trong khi mức chuẩn cần phải có 10 bác sĩ/10.000 người dân.
Ngoài ra, tại các bệnh viện tình trạng thiếu dược sĩ cũng diễn ra trầm trọng. Nguyên nhân được cho là do các hãng dược trong và ngoài nước thu hút lượng dược sĩ đi làm trình dược viên với mức lương từ 10 – 30 triệu đồng/tháng trong khi ở bệnh viện chỉ 5 triệu đồng/tháng.
Theo Tiền phong