Điểm nóng của “cò” tồn tại lâu nay và hoạt động công khai nhất ở TPHCM phải kể đến BV Da liễu. BS Vũ Hồng Thái, Giám đốc BV Da liễu, cho rằng, “cò” thường đứng ở bên ngoài BV, thậm chí ở bên kia đường nên bảo vệ BV không có quyền, thậm chí không thể can thiệp được. BV chỉ biết dựng tấm bảng với nội dung bệnh nhân cảnh giác coi chừng bị “cò” lừa…
Trao đổi với CA phường 6, quận 3, nơi địa bàn BV Da liễu đóng, lãnh đạo CA phường cho rằng, toàn bộ đối tượng “cò” trước BV đều được lập danh sách theo dõi. Nếu xử lý các đối tượng này thì chỉ xử về hành vi: Gây mất trật tự nơi công cộng nếu xảy ra tranh giành khách, đánh nhau.
BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV Đại học Y dược TPHCM cho biết: “BV đã nhiều lần đề nghị CA kiểm tra nhưng khó tìm ra được chứng cứ. Thậm chí, BS hay bảo vệ có ý kiến là sẽ bị đe dọa ngay”. Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Đã có nhiều trường hợp các đối tượng nhắn tin, gọi điện thoại dọa nạt hành hung nhân viên y tế, gửi thư nặc danh về BV. Thậm chí có thời kỳ chúng tôi phải điều người bảo vệ một vị trưởng khoa vốn rất tích cực trong cuộc chiến dẹp bỏ “cò” và trộm cắp”.
Bác sĩ có bắt tay với "cò"?
Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Hiền nói: “Cò mồi”, trộm cắp cùng với nhiều tệ nạn xã hội khác là sản phẩm tất yếu, gắn liền với nền kinh tế thị trường. Chúng tôi chỉ có thể giảm thiểu vấn nạn này một cách tối đa chứ không thể đưa về con số 0 tròn trĩnh được…”.
Theo ông Hiền, trước đây chỉ có một loại hình khám chữa bệnh duy nhất của Nhà nước thì không hề có nạn “cò mồi”. Nhưng từ khi xuất hiện các BV tư nhân, phòng khám tư cũng là lúc nở rộ các hình thức dẫn dụ, lôi kéo người bệnh đến khám ở dịch vụ của họ. Trước cổng BV Bạch Mai có hàng chục, thậm chí hàng trăm phòng khám tư nhân với hệ thống thông tin lôi kéo, tiếp thị người dân khá rầm rộ.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, tại BV Bạch Mai đã triển khai nhiều biện pháp nhằm dẹp bỏ vấn nạn này như: Tổ chức khám tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật; cải cách thủ tục hành chính, thông báo công khai về quy trình khám bệnh một chiều, một cửa… Tuy nhiên, những biện pháp này cơ bản cũng chỉ hạn chế đáng kể tình trạng lôi kéo, dẫn dụ người bệnh trong khuôn viên BV chứ không thể kiểm soát được hết bên ngoài.
Để đối phó với “cò”, tại khoa Khám bệnh của BV Chợ Rẫy không tổ chức phát phiếu số thứ tự mà đóng hẳn con dấu in số thứ tự lên luôn tờ đăng ký khám bệnh ban đầu đối với bệnh nhân mới. Tờ đăng ký thường phải có đầy đủ thông tin của bệnh nhân về tên, địa chỉ… Tương tự, tại BV Ung bướu đã lắp đặt camera ở khu vực phát số thứ tự và thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp nhưng “cò” vẫn vô hiệu hóa bằng cách thuê những người bán vé số, vô công rỗi nghề vào xếp hàng để lấy số theo tên mà khách hàng đặt trước…
Về việc có hay không các “cò” bắt tay với nhân viên y tế, ông Hiền khẳng định, tại BV Bạch Mai không hề có chuyện “cò” móc nối với bác sĩ. BV cũng đã rà soát, kiểm tra, nếu có sẽ xử lý nghiêm. Về tình trạng này ở BV Ung bướu (TPHCM), BS Dũng cho biết: trong năm 2010, BV đã chuyển công tác đối với BS sai phạm do móc nối với “cò” được báo chí phát hiện.
Theo BS Trương Xuân Liễu (nguyên GĐ Sở Y tế TPHCM), để chống “cò” cần phải làm kiên trì và làm liên tục. Tránh tình trạng hễ cứ làm mạnh tay thì “cò” rút đi một thời gian, khi các cơ quan chức năng lơi đi thì “cò” lại hoạt động rầm rộ.
Theo Võ Tuấn – Dương Hải
Thêm nhiều ám ảnh từ bệnh viện: Khó bắt và khó xử lý!
Nhiều giải pháp nhưng vẫn… bó tay