Hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này phần lớn đều chưa được khoa học hoặc các cơ quan chức năng kiểm chứng, hầu hết những người mua và sử dụng đều dựa theo những lời giới thiệu hoặc quảng cáo theo kiểu truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học.
Những ca bệnh “tiền mất tật mang”
Đến khám tại phòng khám tư vấn của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai với khuôn mặt bị biến dạng nặng nề, chị Hoa, 32 tuổi, nhà ở Việt Trì cho biết, nguyên nhân khiến khuôn mặt chị bị biến dạng và phải đi khám là do bôi một loại thuốc Đông y trị nám da tự chế của một bà lang ở gần nhà.
Sau khi dùng được khoảng 3 ngày, chị bắt đầu thấy xuất hiện ngứa và đau rát tại chỗ bôi thuốc, toàn bộ mặt chị dần trở nên sưng nề và tấy đỏ, sau một ngày, tình trạng sưng nề ở mặt đã khiến 2 mắt của chị không thể mở ra được và bị hạn chế tầm nhìn. Sau khi thăm khám, chị Hoa đã được các bác sĩ của trung tâm chẩn đoán bị viêm da dị ứng tiếp xúc do thuốc bôi. May mắn là chị đến khám khá sớm nên tổn thương da mới chỉ khu trú tại mặt mà chưa lan tỏa như nhiều trường hợp khác.
Tương tự trường hợp của chị Hoa, chị Hà, 36 tuổi, ở Hưng Yên cũng đến khám tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng với khuôn mặt bị sưng nề, tấy đỏ và nhiều ban đỏ khắp người. Các biểu hiện này xuất hiện sau khi chị dùng một loại cao thanh nhiệt giải độc mua ở gần nhà. Đáng nói là ngay khi mới xuất hiện một vài ban đỏ trên da, chị đã đến hỏi người bán thuốc về cách giải quyết và được trả lời rằng đó là những biểu hiện bình thường sau dùng thuốc, do các chất độc được xuất tiết ra ngoài và sẽ tự hết.
Sau 2 ngày, các đám ban đỏ đã lan khắp toàn thân, rất ngứa và rát, mặt bị phù nề, biến dạng, hai mắt sưng nề không thể nhìn rõ. Kết quả thăm khám cho thấy, chị đã bị nhiễm độc da do dùng thuốc Đông y. Theo các bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho chị Hà, tình trạng bệnh của chị là khá nặng do đi khám muộn.
Thực chất thuốc Ðông y tự chế
Thực tế cho thấy, các loại thuốc này thường được sản xuất hoặc phân phối bởi những cơ sở y tế tư nhân không phép, thậm chí nhiều người bán thuốc còn chưa từng được đào tạo về chuyên môn y dược. Mặc dù đã được cảnh báo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ tiềm ẩn của loại thuốc này nhưng rất nhiều người vẫn dễ dãi sử dụng do chúng tương đối dễ mua, không cần đơn của thầy thuốc, không cần đến khám tại bệnh viện và đặc biệt là do sự tin tưởng vào những lời quảng cáo về khả năng chữa khỏi nhiều loại bệnh mạn tính dai dẳng hoặc bệnh nan y mà y học hiện đại gặp nhiều khó khăn, như bệnh gan mật, mẩn ngứa dị ứng, vảy nến, nám da…
Tuy nhiên, những hiệu quả chữa bệnh này phần lớn đều chưa được khoa học kiểm chứng. Bên cạnh đó, thành phần và nguồn gốc của phần lớn các thuốc này đều không được biết rõ, một số loại thuốc Đông y trá hình đã được phát hiện có chứa một hàm lượng rất cao các thuốc Tây y, dẫn đến nguy cơ nhiễm độc và nhiều tác dụng phụ khác khi sử dụng.
Ngoài ra, một số người bán thuốc tự phong là các “ông lang”, “bà lang” nhưng không có những hiểu biết cơ bản về tác dụng cũng như độc tính của loại thuốc mà mình bán ra và không ý thức hết được nguy cơ do các thuốc này đem lại cho người sử dụng. Do đó, khi xảy ra các tai biến trong quá trình dùng thuốc thường được người bán thuốc giải thích là do “công thuốc” hoặc “các chất độc phát tiết ra ngoài”…
Lời khuyên của thầy thuốc
Các trường hợp phải đi khám vì những tai biến dị ứng và nhiễm độc do sử dụng thuốc “gia truyền” của các lang băm như chị Hoa, chị Hà gặp khá thường xuyên tại phòng khám tư vấn của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trường hợp rất nặng phải nhập viện điều trị nội trú.
Trước thực trạng này, người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng Đông dược. Thuốc Đông y cũng như thuốc Tây y đều có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Nên đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế đáng tin cậy, được cấp phép.
Cần ngay lập tức ngưng dùng thuốc và đến khám tại các cơ sở chuyên khoa khi có bất kỳ một biểu hiện bất thường nào xảy ra trong quá trình dùng thuốc, đặc biệt là những biểu hiện ngoài da, không nên dễ dãi tin rằng đó chỉ là một biểu hiện “công thuốc” bình thường.