Kiểm tra các chỉ số đường huyết, tim mạch và nội tiết, các bác sĩ phát hiện sản phụ này bị chứng máu không đông – căn bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình sinh sản. Sản phụ thừa nhận, chị khám thai đầy đủ tại một phòng khám sản khoa tư nhân và mỗi lần như vậy chị chỉ yêu cầu siêu âm thai nhi.
Ngày 31/5 tại BV Từ Dũ, sản phụ Trần Thị Tuyết ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đến khám thai 36 tuần tuổi cùng một xấp giấy siêu âm. Chị này cho biết có khám thai nhưng cũng chỉ siêu âm xem em bé có lành lặn hay không chứ không kiểm tra bệnh lý của bản thân. Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu sau đó cho thấy, chị Tuyết bị bệnh tiểu đường thai kỳ.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Mỹ Lệ ở quận 2, TP HCM mang thai 32 tuần tuổi, trong suốt thai kỳ, chỉ đến phòng khám sản khoa để siêu âm cho thai nhi và cân nặng của mẹ. Gần đây, chị mới "đến bệnh viện khám một lần cho yên tâm trước khi sinh".
Tại khoa Sản Bệnh viện Quận 2, sau thăm khám, các bác sĩ xác định sản phụ này vừa thiếu máu vừa bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính – chứng bệnh có thể khiến chị Lệ gặp sự cố trong lúc sinh nếu các bác sĩ đỡ đẻ không được lưu ý trước.
Một bác sĩ làm việc tại phòng khám trên đường Lý Thường Kiệt (cạnh bệnh viện phụ sản Hùng Vương) cho biết, do làm dịch vụ nên khách hàng muốn đăng ký dịch vụ nào thì bác sĩ khám dịch vụ ấy. Cũng theo bà, các thai phụ đến khám thường chỉ yêu cầu xem sức khỏe thai nhi và tư vấn dinh dưỡng.
"Chúng tôi cũng có tư vấn các chị nên đi khám thêm các bệnh lý khác nhưng có khám hay không là do sản phụ quyết định", bác sĩ này nói.
Chiều 4/6, tại phòng khám thai tư nhân ở quận 5 do một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện sản TP HCM phụ trách, chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở quận 6, mang bầu tuần thứ 20 cho biết, chị chưa lần nào được bác sĩ tư vấn để kiểm tra các bệnh lý nội ngoại khoa.
"Bác sĩ chỉ hướng dẫn siêu âm, đọc kết quả rồi tư vấn tiêm ngừa. Tôi nghĩ vậy là đủ nên hoàn toàn yên tâm", chị Thu nói.
Gia đình một sản phụ vừa tử vong do tai biến sản khoa tại TP HCM cũng cho biết, sản phụ này đi khám thai ở phòng khám của bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện sản khoa ở TP HCM. Trong suốt thai kỳ, ngoài thử máu và xét nghiệm nước tiểu, thai phụ không được tư vấn hoặc cảnh báo đi khám các chuyên khoa khác.
"Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ. Nếu bác sĩ có căn dặn và cảnh báo việc khám các bệnh khác, chúng tôi không thể không nghe theo", người nhà sản phụ này nói.
Mẹ tròn con vuông không chỉ là mong ước của gia đình sản phụ mà còn là niềm vui của các bác sĩ. |
Khẳng định tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra, BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho rằng, đây là thiếu sót dễ dẫn đến các tai biến cho sản phụ trong lúc sinh bởi bác sĩ bệnh viện sản trở tay không kịp. "Nguyên nhân do cả thai phụ lẫn bác sĩ khám thai", ông Thông nói.
Theo bác sĩ Thông, không ít thai phụ chỉ muốn siêu âm rồi thôi, mà không thực hiện các xét nghiệm khác. Một số thai phụ có quan niệm em bé không bị tật, thai khỏe, bản thân mình tăng cân tốt là được mà không khai các bệnh lý bản thân mình đã có trước đó, điều này dễ khiến bác sĩ bỏ qua những bệnh nguy hiểm có thể trở nặng lúc sinh.
"Riêng bác sĩ, nhất là các bác sĩ khám tư vốn quy trình khám không nghiêm ngặt như ở bệnh viện, không phải ai cũng tư vấn đầy đủ cho thai phụ", bác sĩ Thông nói.
BS Ngô Thị Yên, Phó khoa Khám, BV Từ Dũ cho biết, chuyện thai phụ đến bệnh viện khám nhưng chỉ mang theo xấp giấy siêu âm mà không có loại xét nghiệm nào khác không phải hiếm gặp. "Điều này hoàn toàn sai vì khám thai là phải khám toàn diện", bác sĩ Yên nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trong thai kỳ, cần phải theo dõi cả sự phát triển thai, sức khỏe dinh dưỡng lẫn bệnh tật của mẹ.
"Vai trò của bản thân người mang thai là quan trọng nhất. Tức sản phụ phải tự đi khám nội ngoại khoa trong quá trình khám thai. Ngoài ra, bác sĩ sản dù khám tư cũng phải thực hiện đúng chuẩn quy định. Cụ thể là phải nhắc thai phụ tiêm ngừa và tầm soát các bệnh lý nội ngoại khoa có thể gây nguy hiểm trong sinh nở", bác sĩ Thông nói.
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bốn nhóm bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến sản phụ cần được tầm soát trong thai kỳ gồm: Bệnh lý về máu, tim mạch, bệnh lý hô hấp và nội tiết. Trong đó bệnh lý về máu là quan trọng nhất.
Cũng theo ông Hải, khi có thai, cơ thể người mẹ giảm đề kháng để đào thải thai, chính vì thế khả năng đề kháng với bệnh cũng giảm. "Điều này khiến các bệnh lý trước đó nếu không tầm soát và kiểm soát sẽ có cơ hội bùng phát", ông Hải nói.
Tại TP HCM, tại các bệnh viện chuyên khoa sản như Từ Dũ, Hùng Vương, ĐH Y dược hay các bệnh viện có khoa sản, một thai phụ khám thai suốt thai kỳ sẽ được theo dõi toàn diện.
Cụ thể tại BV Từ Dũ, ngoài việc kiểm tra cơ bản như kiểm tra đường huyết, nước tiểu, các bác sĩ chuyên khoa sản còn phối hợp với nhiều chuyên khoa nội ngoại để giúp sớm phát hiện các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai phụ.
"Câu 'mẹ tròn con vuông' nói nghe đơn giản nhưng là sự phấn đấu của cả ngành y tế. Hiện trang thiết bị và chuyên môn ngày càng tiến bộ, nhưng để mong muốn đến sự hoàn thiện thì không thể thực hiện một sớm một chiều", trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ nói.
Còn theo BS Nguyễn Ngọc Thông, máy móc luôn có sai số nhất định và bác sĩ giỏi đến mấy cũng không thể đoán và xử lý được tất cả các tình huống, chính vì thế, sự cẩn trọng của cả thai phụ lẫn thầy thuốc luôn là yếu tố dự phòng tốt nhất.
"Càng chu đáo, nâng cao chất lượng khám thai kỳ thì càng hạn chế tối đa càng biến chứng thai và quá trình sinh đẻ", bác sĩ Thông nói.
Những điều bác sĩ khuyên thai phụ cần lưu ý khi khám thai:
– Theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng siêu âm
– Kiểm tra chế độ dinh dưỡng của mẹ
– Kiểm tra các bệnh lý nội ngoại khoa. Đặc biệt chú ý các bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh lý nội tiết, bệnh lý về máu. – Nên tự khai nhận với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe và những bệnh lý từng mắc phải. |