Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Thông tin thuốc » Các thuốc làm long đờm, trị ho

Các thuốc làm long đờm, trị ho

Thuốc làm tiêu chất nhày

Các thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết của niêm mạc khí – phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhày, dẫn đến giảm độ nhớt của chất nhày. Vì vậy, các “chất” nhày có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đờm. Các thuốc trong nhóm gồm có: acetylcystein, bromhexin… Tuy nhiên, các thuốc làm tiêu chất nhày có thể làm phá vỡ hàng rào chất nhày bảo vệ ở dạ dày, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng.

N- acetylcystein

Đây là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm ở phổi, tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học. Thuốc được dùng trong bệnh nhày nhớt, các bệnh lý hô hấp có đờm nhày quánh như trong viêm phế quản cấp hoặc mạn. Ngoài ra, còn dùng làm thuốc giải độc khi dùng quá liều paracetamol. Không dùng ở người có tiền sử hen (nguy cơ phản ứng co thắt phế quản). Thuốc có thể gây: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, phản ứng dị ứng. Không dùng đồng thời với các thuốc chống ho hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản.

Bromhexin

Dùng điều trị những rối loạn hô hấp đi kèm với ho có đờm. Khi điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng đáp ứng với kháng sinh. Cần thận trọng ở người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, bệnh hen, suy gan hoặc suy thận nặng. Khi dùng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ enzym gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da.

Chú ý, trong điều trị ho không được dùng thuốc làm long đờm đồng thời (phối hợp) với thuốc giảm ho, vì sự phối hợp này không hợp lý. Có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu lực của chúng, trong khi người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ức chế phản xạ ho sẽ dẫn đến ứ đọng đờm).
 

Gửi thảo luận