Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Cây hay thuốc quý » Atisô: Thuốc bổ gan mật, một loại rau ngon

Atisô: Thuốc bổ gan mật, một loại rau ngon

Atisô (tên khoa học: cynara scolymus) nguồn gốc: Là loại câu lá gai lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải) đã được người Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại trồng để lấy hoa làm rau ăn. Atisô có thể cao lên tới 1,5 đến 2m, lá cây dài từ 50-80cm.

Atisô được trồng đầu tiên ở quanh Naples vào giữa thế kỷ XV, tới nước Pháp trong thế kỷ 16, sau đó, người Hà Lan mang nó đến Anh. Atisô tiếp tục được mang tới Mỹ trong thế kỷ XIX bởi những người nhập cư. Ngày nay, atisô được trồng chủ yếu ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và các nước Mỹ La tinh.

Atisô du thực vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, được trồng ở Sapa, Tam Đảo, nhiều nhất là ở Đà Lạt. Tên gọi của nó là sự phiên âm sang tiếng Việt của từ tiếng Pháp artichaut.

Sử dụng hoa atisô

Hoa atisô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Bộ phận dùng làm rau của cây atisô là cụm hoa bao gồm đế mang hoa, các lông tơ và các lá bắc (có phần gốc mềm màu trắng bao chung quanh).

 

Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g hoa atisô có chứa: 3-3,15g protein, 0,1-0,3g lipid, 11-15g glucid (chủ yếu là inulase, tốt cho người bị tiểu đường) và 82g nước.

Ngoài ra, hoa atisô còn có chứa các khoáng chất như mangan, phospho, sắt, các vitamin A, B1, B2, C, cung cấp 50-70 calori. Hoa atisô khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân giò).

Trong Đông y, hoa atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường, thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể…

Chế biến: Rửa sạch hoa, chẻ dọc thành 6-8 miếng, luộc chín, nấu canh, hầm xương lợn hay bò, hoặc xào với nấm.

Chú ý: khi dùng hoa atisô chỉ nên dự trữ trong tủ lạnh tối đa 7 ngày, khi nấu không dùng nồi bằng nhôm hay gang vì các kim loại này làm atisô mất màu, gây đắng khó ăn.

Atisô – món ăn ngon và bổ dưỡng

Nên bổ sung atisô vào thực đơn hàng ngày của gia đình bạn vì nó có tác dụng tốt

– Chứa nhiều chất chống oxy hóa:

Kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, atisô chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn các loại rau củ khác. Một số chất chống oxy hóa có trong atisô như quercertin (hợp chất chống ung thư, thúc đẩy sự hoạt động của hệ miễn dịch), rutin (tăng cường sức chịu đựng và sức bền thành mạch mao mạch, làm cho thành mạch dẻo và đàn hồi tốt hơn, tăng tính thẩm thấu, phòng ngừa nguy cơ giòn đứt, vỡ mạch), anthocyanins (hợp chất hữu cơ thiên nhiên có khả năng giúp cơ thể chống tia tử ngoại, viêm nhiễm và ung thư), cynarin (hợp chất có tác dụng lợi mật), luteolin (hợp chất chống lão hóa não và viêm não), silymarin (chất chống oxy hóa mạnh).

– Ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư:

Một số thí nghiệm đối với tinh chất được chiết xuất từ lá cây atisô cho thấy, atisô có thể loại bỏ các tế bào không cần thiết (tế bào chết) ra khỏi mô mà không ảnh hưởng tới các tế bào khác. Hạn chế sự phát triển của tế bào thành nhiều ung thư khác nhau như ung thư tuyến tiền liệt, bệnh bạch cầu và ung thư vú. Thí nghiệm ở nước Ý cho biết, một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có trong atisô sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

– Điều tiết sự lưu thông của mật:

Lá atisô chứa một loại chất chống oxy hóa được gọi là cynarin có tác dụng điều tiết dòng chảy của mật trong hệ thống dẫn mật.

– Tốt cho gan:

Chất chống oxy hóa cynarin và silymarin có trong atisô rất có ích cho gan. Một số thí nghiệm cho thấy chúng còn có tác dụng phục hồi chức năng của gan. Trước đây, atisô thường được sử dụng trong khoảng thời gian dài như là thảo dược thay thế cho thuốc trong việc điều trị một số bệnh về gan.

– Cải thiện khả năng tiêu hóa:

Atisô giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Chúng là thuốc lợi tiểu tự nhiên, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, cải thiện chức năng của túi mật và mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với gan. Người già dùng atisô làm thuốc nhuận tràng rất tốt vì nó không gây tiêu chảy ồ ạt, mà cũng không có tác dụng phụ.

– Điều trị chứng buồn nôn:

Những tác dụng tích cực của atisô đối với gan sẽ giúp cho việc điều trị chứng buồn nôn một cách hiệu quả. Nên sử dụng lá atisô nếu như có triệu chứng buồn nôn.

– Giảm cholesterol:

Các thành phần hóa học có trong lá atisô có thể làm giảm lượng cholesterol bằng cách kiềm chế HMG-CoA reductase (hợp chất tổng hợp cholestesrol). Chúng làm gia tăng cholesterol tốt HDL (bảo vệ và chống lại cơn đau tim), giảm thiểu các cholesterol xấu LDL (tạo các mảng bám trên mạch máu, gây đau tim và đột quỵ).

– Lượng chất xơ cao:

Một cây atisô lớn chứa ¼ lượng chất xơ cần thiết hàng ngày cho cơ thể. Một cây atisô cỡ vừa sẽ cung cấp nhiều chất xơ hơn là 1 cốc mận khô.


 

Cách dùng

Cây atisô còn non có thể dùng luộc chín hay nấu canh ăn, những bộ phận thường được dùng làm rau là cụm hoa bao gồm để hoa mang các hoa, các lông tơ và các lá bắc có phần gốc mềm màu trắng bao xung quanh. Người ta mang về, chẻ nhỏ theo chiều dọc từ 6-8 miếng, rồi đem hầm với xương, thịt để ăn cả cái và nước. Bông atisô là loại rau cao cấp, khi nấu chín rất dễ tiêu hóa, dùng trị đau gan, giảm đau dạ dày, rất cần cho những người bị đái tháo đường.

Có thể sử dụng atisô dưới nhiều dạng: Dùng tươi hoặc khô, hâm uống hay nấu thành cao lỏng, cao mềm; còn có dạng chiết tươi bằng cồn hoặc làm cồn thuốc. Hiện nay trên thị trường có nhiều chế phẩm của atisô: cao atisô, trà atisô, cynaraphytol, thuốc đóng ống actisamin…

Các bộ phận dùng làm thuốc của atisô

Lá atisô vị đắng, có tác dụng lợi tiểu (được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp), tiêu độc, thông mật, thanh nhiệt, trừ mụn. Dùng trị phong ngứa, nổi mề đay, dị ứng, táo bón, đinh nhọt, nóng nhiệt, các chứng viêm gan, vàng da, nổi mề đay, mụn nhọt, mẩn ngứa, khó tiểu, phù thũng…

– Lá tươi hoặc khô sắc hoặc nấu thành cao chữa bệnh về gan (gan viêm mạn, da vàng), thận viêm cấp và mạn, sưng khớp xương. Thuốc có tác dụng nhuận tràng và lọc máu nhẹ đối với trẻ em.

– Thân và rễ atisô thái mỏng, phơi khô, công dụng giống lá.

Gửi thảo luận