Dùng đá cây ướp hải sản để bán trà đá
Dạo quanh những quán trà đá tại các bệnh viện, trường học hay ở mọi ngả đường, hầu hết người dùng đều nhận thấy rằng đá được sử dụng để bán hầu hết đều được đập nhỏ từ các loại đá cây được dùng để… ướp hải sản.
Tại quán trà đá trước cổng Trường ĐH Thủy lợi (quận Đống Đa), người bán hàng “hồn nhiên” đem một cây đá to ra vỉa hè, rồi đập nhỏ cho vừa từng chiếc cốc, sau đó đem bỏ vào hộp xốp rồi bán cho khách. Việc này diễn ra ngay trước mặt khách hàng, tuy nhiên, mọi người đều coi là bình thường, bởi một cốc trà đá có giá 3.000 đồng thì cũng không nên “đòi hỏi nhiều”.
Bạn Tuấn Anh (sinh viên Trường ĐH Thủy lợi) cho biết: “Uống trà đá vỉa hè đã thành thói quen của sinh viên bọn em, hầu như ngày nào cũng làm mấy “tăng” trà đá, cứ sau mỗi bữa ăn hay rảnh rỗi lại ra đây để ngồi uống. Bọn em uống mãi chả thấy đau bụng hay tiêu chảy gì cả”.
Tham khảo tại nhiều chợ hay những khu vực đông dân cư, các loại nước đá được bán đều không rõ nguồn gốc, chất lượng hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Tại một cửa hàng bán nước đá trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), đá cây được xếp trên những tấm bạt dứa ngay sát vỉa hè, còn đá viên, đá bào thì được xếp vào thùng xốp.
Khi khách có nhu cầu mua đá cây, người bán cứ thế ngả cả cây đá dài khoảng 1m ra vỉa hè, chặt làm mấy khúc, sau đó dùng chậu nước bên cạnh giội qua cho hết bùn đất rồi giao cho khách.
Qua tìm hiểu, mỗi ngày đại lý đá này tiêu thụ cả chục cây đá, còn những ngày cao điểm nắng nóng thì con số này được tăng gấp đôi, với khách hàng chủ yếu là hàng quán trà đá, giải khát ở khu vực xung quanh.
Nhiễm bệnh cả từ khâu vận chuyển, bán hàng
Việc vận chuyển, giao nước đá cũng làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm với người sử dụng. Đá vừa sản xuất xong, được đem lên xe máy, xíchlô, xe ba bánh mà không cần che đậy, bất chấp ngoài đường đầy bụi. Khi giao hàng, cứ vứt thẳng đá xuống đất cho chủ quán “tự xử”.
Một hành động đáng lên án là việc tận dụng nước đá thừa của khách trong những ngày cao điểm nắng nóng bởi trong những ngày này, nhiều khi “cháy” đá do khách đông, nên không ít người bán hàng cứ thế tận dụng đá thừa của người khác, đổ vào cốc cho người đến sau, khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Trên thực tế, hầu hết các cơ sở làm nước đá chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, hầu như không qua quá trình xử lý, lọc hay lắng cặn mà cứ thế đổ thẳng vào khuôn, làm lạnh rồi bán; người sản xuất hầu như không bao giờ được khám sức khỏe thường xuyên và không có thiết bị bảo hộ lao động…
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã thanh – kiểm tra 10 cơ sở sản xuất đá viên, nước đóng chai trên địa bàn đã phát hiện và đình chỉ 1 cơ sở sản xuất đá viên ở xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) có đóng gói 1 tấn đá viên thành phẩm trong túi nylon không có nhãn mác, điều đáng nói là cơ sở này mỗi ngày sản xuất 5 – 6 tấn đá xuất ra ngoài thị trường.
Hà Nội hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất nước đá và rất nhiều trong số này không được các tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc nước đá bẩn “tung hoành” khắp nơi trên địa bàn thủ đô, từ thành thị tới nông thôn.