Trang chủ » Tin tức » Chính trị xã hội » Cha mẹ quá kỳ vọng, con phát điên vì học!

Cha mẹ quá kỳ vọng, con phát điên vì học!

Tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, hiện có hai bệnh nhân phải nhập viện do áp lực học hành, thi cử. Đó là một bệnh nhân nam tên N ở Hà Nội. Khi biết mình không đỗ đại học, N cứ nằm lỳ một chỗ, ai hỏi cũng không nói, nhưng có lúc lại "lải nhải" liên tục, than phiền mình là đứa con bất hiếu, sống là tội lỗi vì thua kém bạn bè, là người vô tích sự, không đáng sống…Sau 1 năm chạy chữa nhiều nơi, em phải nhập viện tâm thần và đến nay vẫn chưa bình phục để có thể thực hiện giấc mơ thi cử dang dở.

Một bệnh nhân nữ mới 16 tuổi đến từ tỉnh Thanh Hóa cũng nhập viện vì kỳ vọng quá mức của người thân. Gia đình em vốn có truyền thống học giỏi, chỉ duy có bố em là học kém hơn, nên ông nội suốt ngày ra vào để nhắc "cháu phải học giỏi để lấy lại "thể diện" cho bố, cho gia đình, học dốt như bố cháu chỉ làm ruộng thôi, khổ lắm". Khi em mới bước vào lớp 10, cả nhà lúc nào cũng giục ôn thi đại học. Vốn đã chăm chỉ, nên D. càng chỉ biết đến học. Cho đến một hôm, cô bé không học nữa mà cứ ngồi khóc, khóc liên tục cả ngày, miệng chỉ nói lo lắng không thi đỗ… Sau một thời gian dài điều trị, chưa thấy có dấu hiệu khả quan, liệu em có thể bắt đầu lại lớp 10 vào đầu năm học tới hay không.

Áp lực học hành khiến nhiều học sinh nhập viện tâm thần.   
 
Còn tại Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần Quốc gia, năm nào vào mùa thi cũng có không ít học sinh nhập viện. Từ đầu năm đến nay, Viện đã có 9 học sinh nhập viện vì rối loạn tâm thần. Đáng tiếc như trường hợp một nữ sinh lớp 11 quê ở Nghệ An. Em vốn là học sinh xuất sắc, dù gia đình rất nghèo. Chính vì mong mỏi sẽ đỗ đạt để giúp đỡ gia đình thoát nghèo mà mỗi ngày em chỉ dành 3-4 giờ để ngủ, còn đâu lao vào học cho đến một hôm ngã gục xuống bàn. Lại có em sau buổi đi ôn thi về thì lột hết quần áo, rồi nói rằng mình đã thi đỗ, không cần phải học nữa. Lúc này, gia đình mới tá hỏa, đưa con đi khám, và quay ra trách móc nhau đã bắt con học ngày học đêm, "chạy sô" kín cả tuần, hết thầy nọ đến cô kia… với mong ước em sẽ vào được đại học.

Nhìn chung, khi bị rối loạn tâm thần, có em biểu hiện bệnh lý dưới dạng lầm lỳ, xa lánh mọi người, nhưng có em lại tự nhiên gào thét, đập phá đồ đạc, bỏ đi… và khi các em có biểu hiện này, gia đình cần lập tức đưa đi khám ở các cơ sở chuyên khoa tâm thần. BS Bế Thị Hiền, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương chia sẻ: Thực ra, rất khó khống chế thời gian học của bọn trẻ, nhưng dứt khoát phải học hành có chừng mực, giờ giấc nhất định, vì nếu học thâu đêm thì chẳng nhớ được gì, mà rất dễ phải nhập viện tâm thần.

Bình thường, mỗi người tối thiểu phải ngủ được từ 5-6 tiếng/ngày, tốt nhất là ngủ được 7-8 tiếng, bên cạnh đó, phải có những giờ phút lao động chân tay, làm việc thư giãn để đầu óc được nghỉ ngơi. Nhiều trẻ, đã học trên máy tính, thư giãn lại bằng cách chơi điện tử thì thực ra đầu óc không hề được thư giãn, não không hề được nghỉ ngơi.
 
Để giúp con ôn thi tốt, các bậc phụ huynh cần giám sát được giờ học của con để yêu cầu con nghỉ ngơi phù hợp và đừng tạo áp lực, kỳ vọng quá cho trẻ. Lúc mới bị căng thẳng thì cơ thể còn có khả năng tự đề kháng, tự bảo vệ và chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý là ổn, nhưng căng thẳng kéo dài thì bị trầm cảm là khó tránh khỏi.

Cũng theo bác sĩ Hiền, những người đã bị loạn thần một lần thì thần kinh đã bị tổn thương, không bao giờ được như cũ, nên lần sau khi gặp phải những áp lực trong cuộc sống, rất dễ bị tái phát. Bởi vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho các em là không nên tạo áp lực nặng nề, nhất là trước mùa thi năm nay, đang được nhận định là có phần "nóng" hơn mọi năm trong việc đua vào các trường công lập…
 

Gửi thảo luận