Huế công bố xây dựng thành phố không khói thuốc
Sáng 26-5, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) tổ chức lễ công bố xây dựng TP Huế không khói thuốc và diễu hành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) và hưởng ứng Ngày thế giới nói không với thuốc lá (31-5). Tham dự có đại diện các tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Liên hiệp quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi, Hội Y tế công cộng Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh và các sở, ban, ngành tại Thừa Thiên – Huế.
Lễ công bố xây dựng thành phố không khói thuốc tại TP Huế là sự kiện quan trọng thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp lãnh đạo, người dân trong việc thực hiện xây dựng thành phố không khói thuốc. Tại lễ công bố, UBND thành phố Huế và các ban, ngành tại TP Huế đã ký vào bản cam kết thực hiện xây dựng thành phố không khói thuốc tại nơi làm việc và địa điểm công cộng. Phấn đấu đến năm 2013, trên địa bàn thành phố có 100% số cán bộ công chức, viên chức không hút thuốc tại nơi làm việc, các địa điểm công cộng. Sau lễ công bố, gần 700 cán bộ, đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên đã tuần hành qua các tuyến phố chính để hưởng ứng xây dựng TP Huế không khói thuốc và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá. (Nhân dân (trang 5)).
Cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị tật khúc xạ
Ngày 26- 5, Bệnh viện Mắt Quốc tế – NDN tổ chức hội thảo "Những tiến bộ trong điều trị tật khúc xạ – Phẫu thuật Lasik". Ðây là kỹ thuật sử dụng công nghệ cao, chất lượng tốt mà chi phí hợp lý đang được nhiều bệnh viện chuyên khoa mắt trong cả nước lựa chọn trong điều trị tật khúc xạ. Tật khúc xạ là một trong các nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực ở Việt Nam hiện nay, nhất là với những người trẻ tuổi. Ước tính có khoảng hơn 20% số dân mắc tật khúc xạ và nguyên nhân gây mù quan trọng thứ hai cũng là tật khúc xạ, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể. Mặc dù là nguyên nhân gây mù và giảm thị lực quan trọng như vậy nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam cũng như một số nước vẫn chưa quan tâm đúng mức đến dự phòng và điều trị tật khúc xạ. (Nhân dân (trang 5)).
Làm việc với mong ước đem hạnh phúc
đến cho nhiều gia đình
Trong quán trà nhỏ ven hồ Giảng Võ, bên tách trà sen tỏa hương thơm ngát, với chất giọng miền nam cởi mở, GS, BS Ngọc Phượng chậm rãi nói về những kỷ niệm đã đưa bác sĩ tới nghề y:
"Tôi sinh năm 1944, trong một gia đình nghèo ở tỉnh Ðồng Nai. Bố là công nhân đồn điền cao-su của thực dân Pháp. Thuở nhỏ, tôi ốm yếu, năm lên tám tuổi, bị sốt cao, có thể nói là "thập tử nhất sinh", bố mẹ đã đưa tôi đến bác sĩ người Pháp khám, ông khám bệnh rất kỹ và kê đơn thuốc. Tôi đã khỏi bệnh. Từ đó, trong tâm trí tôi cảm nhận, đây là nghề cứu người và thầm hứa với lòng mình, quyết tâm sau này sẽ trở thành bác sĩ. Cuộc sống gia đình ngày một khó khăn, cái nghèo và đói luôn "bám" theo gia đình tôi. Ðể đạt được ước mơ và giúp gia đình của mình, bất cứ công việc lương thiện nào có thể kiếm ra tiền, từ việc đi giao gạo và than… cho đến dạy học thêm tôi đều làm. Ðêm đến, tôi dành thời gian học bài. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ và cực nhọc, tôi đã thi vào Trường Gia Long ở Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp PTTH, tôi vinh dự đỗ hạng thứ 6 trong tổng số học sinh toàn miền nam thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Sài Gòn, chuyên về lĩnh vực sản khoa". Ngừng một lát, GS Ngọc Phượng kể tiếp: "Chồng tôi cũng là một bác sĩ đang làm việc tại CH Pháp. Năm 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, anh ấy đã xin đón tôi và các con sang CH Pháp định cư. Bao đêm trăn trở, suy nghĩ và đấu tranh với bản thân, tôi quyết định cùng các con ở lại Việt Nam, vì đây là quê hương, là ruột thịt, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi thấu hiểu được những khó khăn, thách thức mà đất nước mình phải trải qua sau cuộc kháng chiến đầy khốc liệt và gian khổ. Hiện nay, các con tôi đã trưởng thành, công việc ổn định. Con gái và con rể tôi Ngọc Lan và Hồ Mạnh Tường cũng là một trong những bác sĩ giỏi trong lĩnh vực sản khoa".
Nhìn BS Ngọc Phượng, không ai có thể nghĩ rằng, người phụ nữ ấy có một trí tuệ, có tầm nhìn xa và đôi bàn tay "vàng" khi đưa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) vào Việt Nam từ năm 1997. Hiện nay, Việt Nam là nước có tỷ lệ thành công TTON gần ngang bằng với các nước có nền y học tiên tiến tại châu Âu và Mỹ. BS Phượng còn là người xây dựng khoa chuyên sâu sơ sinh, xây dựng mô hình đào tạo "cô đỡ thôn bản" tạo kỹ năng đỡ đẻ cho phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số… Gần 30 năm nghiên cứu, GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao trong giới y học trong nước và quốc tế như: Phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung; Nội soi trong phụ khoa; Ảnh hưởng các chất độc hóa học của đế quốc Mỹ tại Việt Nam trên bà mẹ và thai nhi…
Bệnh viện Từ Dũ có một "ngôi làng" mang tên Hòa Bình, nơi đón nhận nuôi trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin do BS Ngọc Phượng cùng đồng nghiệp thành lập. Tại đây, 65% số trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, số còn lại là trẻ khuyết tật. Tôi hỏi, bác sĩ là một trong những người thành lập và xây dựng làng Hòa Bình? Sau giây phút trầm ngâm, BS Ngọc Phượng kể một trong những kỷ niệm gây ấn tượng trong cuộc đời làm nghề y của bà: Ðó là một ca sinh khó của sản phụ trẻ đến từ Hố Nai, Biên Hòa (Ðồng Nai). Là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, cũng gặp một số trường hợp trẻ nhỏ, thiếu cân, nhưng tôi đã thắt lòng đến thổn thức khi hình hài đứa trẻ lộ dần trên đôi tay mình, cơ thể nhỏ bé toàn lông và không sọ. Nhìn con, người sản phụ bị sốc đến dở điên dở dại. Riêng tôi, mấy ngày sau, cứ đụng vào thức ăn là không thể nào ăn được. Số lượng thai nhi dị dạng dưới đủ mọi hình dạng được sinh ra rất đáng báo động. Mỗi lần chứng kiến thai nhi dị dạng và bi kịch của những người phụ nữ sinh ra thai nhi đó, bị gia đình xa lánh, ruồng bỏ là trong tôi lại dâng lên cảm xúc đong đầy khó tả. Câu hỏi tại sao lại có dị dạng, nhiều dị dạng đến thế cứ day dứt mãi trong tôi, và tôi đã đề nghị bệnh viện cho mình được lưu giữ các thai nhi dị dạng, để tìm hiểu và nghiên cứu.
Năm 1989, sau một chuyến thăm Bệnh viện Từ Dũ, Hội Hữu nghị Việt-Ðức quyết định tài trợ xây dựng làng Hòa Bình nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nạn nhân chiến tranh. Bác sĩ Phượng cho biết, không ít người, trong đó có cả một số lãnh đạo ở một số nước từng quyết liệt phản đối, cho rằng các thông tin về di họa từ chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam là câu chuyện không có thật, nhưng khi trực tiếp hướng dẫn "mục sở thị" căn phòng trưng bày các thai nhi bị dị tật, và thăm nơi ở của những trẻ em đang "đánh vật" với các dị tật của cơ thể mình, được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình, nhiều người không cầm được nước mắt. Một nhà khoa học Nhật Bản khi thăm làng Hòa Bình nhìn thấy các thai nhi với đủ hình dị dạng nói trong sự xúc động mạnh: Thảm họa chiến tranh ở Việt Nam khốc liệt và để lại di chứng nặng nề quá… Làm sao để những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin có được chất lượng sống tốt hơn, được tận hưởng cuộc sống tươi đẹp mà tạo hóa ban tặng- câu hỏi ấy luôn trong tâm thức BS Ngọc Phượng. Tuy đã gần 70 tuổi, người Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS, BS Ngọc Phượng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, miệt mài tìm hiểu nguyên nhân, điều tra, nghiên cứu các loại bệnh liên quan chất độc da cam/đi-ô-xin do đế quốc Mỹ rải xuống trong những năm chiến tranh tại Việt Nam. Ðến nay, người phụ nữ ấy vẫn thường xuyên thực hiện nhiều chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện cho đồng bào nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, với một tâm niệm: "Còn sức, tôi còn làm việc với mong ước mang hạnh phúc đến nhiều gia đình…". (Nhân dân (trang 5))
Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 27/5/2012