Tỷ lệ nhiễm HIV đang có xu hướng già hóa
Ngày 25/5, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS và kế hoạch triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012.
Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, năm 2011 và mấy tháng đầu năm nay, số ca nhiễm mới HIV và số tử vong do AIDS tiếp tục giảm, tuy nhiên mức độ giảm chậm. Tỷ lệ người nhiễm HIV đang có xu hướng già hóa với 43% ở nhóm tuổi 30-39. Đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, nhóm dân tộc thiểu số khá cao ở một số tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Nghệ An. Cục cảnh báo năm 2012, dịch có khả năng tăng trở lại tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An… (Hà Nội mới 26/5)
Tỷ lệ người nhiễm HIV tăng cao ở các tỉnh Tây Bắc
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ người nhiễm HIV hiện nay tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc tăng cao hơn mức trung bình của cả nước. Tính đến cuối năm 2011, tại khu vực này có hơn 38 nghìn người nhiễm HIV còn sống, trong đó chuyển sang AIDS là 7.780 người và hơn chín nghìn người đã tử vong…
Thứ trưởng Bộ Y tế TS Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong khoảng bốn năm trở lại đây, tỷ lệ người nhiễm HIV tại các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc có chiều hướng gia tăng và tập trung tại các nhóm có nguy cơ cao (mại dâm, nghiện chích ma túy). Theo con số thống kê, tính đến cuối năm 2011, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo của các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, bao gồm 13 tỉnh: Ðiện Biên, Sơn La, Yên Bái, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa là hơn 38 nghìn người, trong đó 7.780 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Có 97% số quận, huyện, 33% số xã, phường trong khu vực báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV còn sống của khu vực Tây Bắc đứng thứ ba so với các khu vực khác trong cả nước. Số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện từ năm 2010 đến nay cao nhất so với các khu vực khác trong cả nước.
Theo kết quả giám sát trọng điểm, dù chiều hướng lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy của khu vực Tây Bắc đang có xu hướng giảm từ 24,2% (năm 2006) xuống 18,4% (năm 2011), nhưng nếu so sánh với các khu vực khác, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy khu vực này vẫn là cao nhất. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch tăng cao trong nhóm nghiện chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm là rất lớn. Qua điều tra nhóm này trong sáu tháng qua, tỷ lệ nhiễm HIV dao động từ 23,7% tại Ðiện Biên đến 35,3% tại Lào Cai, cao hơn hai lần so với mức 12% ở Hà Nội. Ở nhóm phụ nữ bán dâm, tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực này là 4,5%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc (2,9%) và chỉ thấp hơn tỷ lệ của khu vực đồng bằng Bắc Bộ (5,2%). Ðáng chú ý, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số về HIV/AIDS còn hạn chế. Bên cạnh đó, những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán là rào cản lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Ðặc biệt, sự thiếu hụt về nhân lực và eo hẹp về kinh phí đã làm cho việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV. Ðiều đó làm cho khá nhiều người nhiễm HIV ở khu vực vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ…
Theo nhận định của các chuyên gia, nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc, cần củng cố, tăng cường năng lực, có chính sách bảo đảm bền vững cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác này ở thôn, bản; chú trọng lồng ghép hoạt động của chương trình với các phong trào, hoạt động của địa phương; xây dựng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, gắn phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và các mô hình dựa vào cộng đồng với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội địa phương, chức sắc tôn giáo, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình. Ðồng thời, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh AIDS, mở rộng các điểm điều trị, điểm chuyển tiếp người nhiễm HIV được phát hiện tại cơ sở y tế đến các cơ sở điều trị và chăm sóc người bệnh HIV/AIDS. Củng cố và thành lập các cơ sở điều trị HIV ngoại trú tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về tổ chức điều trị bằng thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS, xây dựng mô hình điều trị và chăm sóc toàn diện tại tuyến huyện và các trạm y tế xã, phường…
Tại 13 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, có gần 90 điểm điều trị kháng vi-rút HIV (ARV) với hơn 8.300 người bệnh AIDS đang được điều trị, trong đó Yên Bái là tỉnh có số lượng người bệnh được điều trị ARV lớn nhất (hơn 600 trường hợp). Cảnh báo này đã được đưa ra khi số người nghiện chích ma túy ở khu vực Tây Bắc chiếm con số không nhỏ (hơn 40 nghìn người). Tỷ lệ nghiện ma túy cao, trong số đó có hơn 23% số người nghiện ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm, tỷ lệ người nghiện không sử dụng bao cao-su khi quan hệ tình dục với phụ nữ bán dâm chiếm 30 – 50% (Nhân dân 26/5)
Bệnh tay, chân, miệng tăng 10 lần
Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế tổ chức hôm 25/5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay bệnh tay chân miệng đang bùng nổ.
Báo cáo của ông Nguyễn Văn Bình cho hay chưa hết năm tháng đầu năm 2012, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước đã lên đến trên 46.000 trường hợp, 27 bệnh nhi đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc đã tăng 10,2 lần, số tử vong tăng 1,7 lần.
Đặc biệt, có những địa phương như Đà Nẵng số mắc tăng… 22,27 lần so với cùng kỳ năm 2011. TP Hải Phòng, địa phương không phải là trọng điểm tay chân miệng mùa dịch 2011, nhưng cũng tăng số mắc ngay từ đầu năm và đến nay đã có trên 4.000 trường hợp mắc bệnh, liên tục dẫn đầu cả nước về số mắc bệnh.
Tăng hơn 10,2 lần
Tại cuộc họp trực tuyến, đại diện Bệnh viện Nhi Hải Phòng, cơ sở đã điều trị cho trên 3.200 bệnh nhi từ đầu năm đến nay – rất lo lắng khi triệu chứng bệnh tay chân miệng mùa dịch 2012 tỏ ra bất bình thường: tuổi mắc bệnh giảm xuống, xuất hiện bệnh nhi mắc tay chân miệng dưới 6 tháng tuổi, trong khi trước đây phải biết đi, biết nghịch ngợm hoặc đi học mẫu giáo mới có nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng bệnh không điển hình, nhiều trường hợp không có phát ban ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, chỉ sốt, viêm đường hô hấp rồi đột ngột chuyển sang thể nặng: co giật, khó thở sau 2-3 ngày. Tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng, thời gian qua có 103 bệnh nhi thể nặng từ độ 3 trở lên và tất cả các em đều phải thở máy, hiện có hai trường hợp bệnh rất nặng, có tiên lượng tử vong.
Theo dõi diễn biến bệnh tay chân miệng năm tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay có nhiều địa phương đang đề nghị thành lập cơ sở riêng để điều trị bệnh tay chân miệng. Theo ông Long, rất cần theo dõi sát bệnh nhân, tránh bệnh chuyển sang thể nặng mà không kịp điều trị, như TP.HCM gần đây có hai trường hợp tử vong đều do đến viện quá muộn.
Ông Long cho rằng ngoại trừ tháng 5 chưa kết thúc, bệnh tay chân miệng đã tăng đều trong thời gian từ tháng 1-4, và lên đến đỉnh điểm ở tháng 4 với gần 15.000 trường hợp mắc mới, tương đương giai đoạn đỉnh của mùa dịch 2011. Trong tháng 5, tuy số mắc đã giảm nhưng số tử vong lại tăng thêm ba trường hợp.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, phó giám đốc bệnh viện Trần Minh Điển cho hay có 50% bệnh nhi vào viện là bệnh nhi của Hà Nội, tỉ lệ nhiễm virút EV, dòng virút độc lực cao là 58,7% và hầu hết bệnh nhân ở thể nặng.
Số liệu về bệnh tay chân miệng 5 tháng đầu năm
Tháng 1 có 4.385 ca mắc bệnh, tử vong 7; tháng 2 mắc 6.785, tử vong 4; tháng 3 mắc 13.608, tử vong 7; tháng 4 mắc 14.930, tử vong 4; tháng 5 mắc 6/569, tử vong 7.
So với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực, số ca mắc bệnh tay chân miệng mùa dịch này ở VN cao hơn hẳn. Singapore là 13.289 ca (cùng kỳ 2011 có 4.044 ca, tăng 3,3 lần), Nhật Bản 6.036 ca (cùng kỳ 2011 có 5.685 ca, tăng 1,1 lần), Macau 302 ca (cùng kỳ có 71 ca, tăng 4,1 lần), Trung Quốc 99.052 ca (cùng kỳ có 34.709 ca, tăng 2,9 lần), VN có 46.277 ca, tăng 10,2 lần.
Truyền thông chưa đến nơi
Có rất nhiều tồn tại được mổ xẻ ở buổi giao ban trực tuyến hôm 25/5, trong đó có yếu tố truyền thông. Theo đại diện Bệnh viện Nhi Hải Phòng, dường như việc truyền thông chống dịch chưa đến đích, ở Hải Phòng có hiện tượng trẻ vào viện vì bệnh tay chân miệng nhưng có rất nhiều người đến thăm, người nào cũng muốn ôm hôn em bé, nắm tay, ngồi lên giường bệnh…
Theo ông Nguyễn Văn Bình, việc truyền thông chưa đến đúng đối tượng là người chăm sóc trẻ và các hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi. Bà Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đề xuất làm việc với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh việc truyền thông ở nhóm công nhân, người lao động thu nhập thấp vì họ hầu như không có thời gian xem tivi, báo chí…
Thống kê của Cục Y tế dự phòng tại sáu địa phương có tổ chức lễ phát động chiến dịch rửa tay sạch phòng chống dịch, số mắc tay chân miệng giảm đáng kể kể từ khi phát động chiến dịch. Cụ thể tại tỉnh Thái Bình, số mắc giảm từ mức 100 ca/tuần thời điểm phát động chiến dịch xuống 50-70 ca/tuần ở những tuần gần đây, nhưng đến nay còn đến tám địa phương vẫn đang ở giai đoạn… trình kế hoạch tổ chức lễ phát động, trong khi lễ phát động toàn quốc đã được tổ chức từ ngày 1-3-2012.
Mùa dịch 2011, số mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ tháng 4 và tăng vọt từ tháng 5, rồi giữ ở mức cao trong suốt sáu tháng. Năm nay, bước vào tháng 5, số mắc có giảm nhưng số tử vong lại tăng lên, cho thấy dự báo trong bảy tháng tới bệnh tay chân miệng vẫn là một điểm đáng báo động trong đời sống dân sinh.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, tỉ lệ tử vong trên nhóm bệnh nhân nặng (độ 3-4) đã giảm từ 41,6% còn 8,5% sau khi có phác đồ điều trị cập nhật. Cục đã giao Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM làm đầu mối xây dựng cẩm nang chẩn đoán, điều trị tay chân miệng, cụ thể hóa các thuốc sử dụng trong điều trị, các kỹ thuật hồi sức nhi khoa, các thủ thuật và theo dõi bệnh nhân tay chân miệng để hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng đề xuất nghiên cứu và thử nghiệm văcxin phòng chống bệnh tay chân miệng lần đầu tiên tại VN. Trước mắt sẽ cấp xà phòng, hóa chất, vật tư đến tận gia đình trong ổ bệnh. Năm 2011, sau tám năm xuất hiện bệnh nhân tay chân miệng đầu tiên tại VN, cơ quan hữu quan đã xác lập được một kỷ lục về số mắc, số tử vong. Nếu không muốn kỷ lục ấy lặp lại thì phải quyết liệt từ bây giờ, từ trung ương, địa phương, từ điều trị, dự phòng, chống dịch, dập dịch thì cơ may còn kịp (Tuổi trẻ, Nhân dân, Hà Nội mới, Thanh niên, An ninh Thủ đô, Nông thôn ngày nay, Sức khỏe & Đời sống 26/5).
238 người mắc bệnh "lạ"
Chiều 25/5, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết bệnh nhân mắc bệnh "lạ" Phạm Thị Ân (20 tuổi) thôn Làng Rêu, xã Ba Điền) đưa ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị trước đó nhưng không bớt bệnh, nên đã chuyển về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục chữa trị.
Tuy nhiên, bệnh nhân Ân không chịu ở lại bệnh viện mà một mực yêu cầu bệnh viện giải quyết về Trung tâm Y tế Ba Tơ chữa bệnh. Bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân Ân về Ba Tơ.
Theo bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Tơ, đến nay đã có thêm bốn trường hợp mắc bệnh "lạ" chuyển về trung tâm. Trong đó có một trường hợp bệnh nặng là cháu Phạm Văn Trinh (8 tuổi, ở xã Ba Điền). Khi nhập viện dù chưa có dấu hiệu rõ, nhưng nội tạng cháu Trinh có triệu chứng tổn thương rất nặng.
Theo số liệu của Phòng y tế huyện Ba Tơ, tính đến nay có 238 người mắc bệnh "lạ" (theo Sở Y tế là 211 ca), trong đó 48 ca đang điều trị tại các tuyến y tế. Trường hợp bệnh nhi mắc bệnh "lạ" Phạm Văn Thách (9 tuổi), điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM sức khỏe rất yếu, đang được cho lọc máu.
Cùng ngày, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang đã về vùng bệnh "lạ" xã Ba Điền tiếp tục lấy mẫu đất, mẫu nước để tìm nguyên nhân (Tuổi trẻ 26/5).
Khi bác sỹ… quảng cáo
Thời gian qua, tình trạng bác sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra khá phổ biến với nhiều cách thức khác nhau. Tuy vậy, ít ai biết được đây là hành vi trái quy định pháp luật.
Đủ chiêu lách luật
Là người hàng ngày đọc báo và xem truyền hình, bà Nguyễn Thị Dịu – cán bộ hưu trí ở phường Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ: “Do có nhiều thời gian nên hầu như chương trình truyền hình nào, tờ báo nào có trong nhà tôi cũng xem, cũng đọc. Những chuyên mục tôi quan tâm nhất là tư vấn sức khỏe, các mẩu quảng cáo về thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Tôi thấy khá nhiều bác sỹ đóng vai trò là người giới thiệu về chức năng, công dụng của các loại thuốc, thực phẩm này. Quả thật cứ nhìn thấy người mặc áo blu trắng tôi đã thấy tin tưởng hơn nhiều bởi, họ có chuyên môn nên thông tin đưa ra sẽ chuẩn xác hơn. Cách đây không lâu trên truyền hình xuất hiện đoạn quảng cáo một loại thuốc cảm. Trong quảng cáo này, nhân vật nam cho biết, “nhiều năm qua ông đã đi khắp nơi “chăm sóc đồng bào vùng sâu, vùng xa” và do “áp lực công việc”, ông bị đau đầu và phải uống thuốc cảm này. Nhiều lần bị nhức đầu sổ mũi, tôi cũng mua loại thuốc cảm này về dùng thử nhưng không thấy tác dụng như mong đợi. Đúng là chẳng biết thế nào mà lần…”.
Chương trình tư vấn sức khỏe hiện được khá nhiều đài truyền hình khai thác. Tuy nhiên, để tránh bị cơ quan chức năng “soi”, việc quảng cáo thường được lồng vào các chuyên mục này một cách khéo léo. Như trong chương trình giao lưu trực tuyến về an toàn tình dục ở lứa tuổi học đường một đài truyền hình đã mời phó tiến sỹ chuyên về tình dục học đến tham gia, giao lưu với khán giả. Trong cuộc trò chuyện, vị khách này đã nhắc khéo về một loại thực phẩm chức năng giúp “bổ huyết, điều kinh” đối với các em gái. Cách quảng cáo này rất dễ đi vào lòng người, đủ sức thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó nhưng chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều lần so với một chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Bên cạnh đó, một số bác sĩ, dược sĩ tham gia quảng cáo thuốc thường không công khai ca ngợi tác dụng sản phẩm mà chỉ thể hiện dưới dạng trả lời thắc mắc hoặc tư vấn sức khỏe cho bạn đọc. Ngoài ra, “chiêu” quảng cáo sử dụng tên tuổi và hình ảnh thầy thuốc phổ biến nhất hiện nay là đăng tải bài viết của bác sĩ về một chứng bệnh nào đó kèm theo hình ảnh sản phẩm. Chẳng hạn trên một tờ báo, bên dưới bài viết về bệnh béo phì của bác sĩ là mẫu quảng cáo loại thực phẩm chức năng giúp nhanh giảm béo. Với cách quảng cáo như thế này, cơ quan chức năng khó có thể xử lý được.
Nguyễn Đức Hoàng, nhân viên của một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện cho biết, chỉ cần một phút xuất hiện, mỗi bác sỹ đã được trả hàng nghìn USD. Đây cũng là lý do khiến hầu hết trong số họ khó có thể nói lời từ chối khi được đề nghị tham gia quảng cáo dù biết là vi phạm. Đối tượng tham gia chủ yếu là một số thầy thuốc nghỉ hưu hoặc không làm việc ở cơ quan nhà nước… Để lách luật, các đơn vị tổ chức sự kiện thường tổ chức các chương trình tư vấn tiêu dùng với thành phần gồm người dẫn chương trình, người tiêu dùng, bác sỹ.
Khó xử lý
Bác sỹ Vũ Minh Hiếu, Bệnh viện E cho rằng, tình trạng thầy thuốc cho phép nhà sản xuất hay công ty tiếp thị sản phẩm thuốc sử dụng tên tuổi và hình ảnh của mình, dù dưới hình thức nào là trái với y đức. Bởi khi thấy một bác sỹ nói về một loại thuốc nào đó, người tiêu dùng sẽ có cảm giác yên tâm hơn. Tuy vậy trên thực tế, tác dụng của loại thuốc này đến đâu bác sỹ… không chịu trách nhiệm. Trong trường hợp người sử dụng thuốc không thấy hiệu quả họ cũng chẳng biết kiện ai vì “thuận mua, vừa bán”, song khi đó hình ảnh của người thầy thuốc sẽ bị ảnh hưởng.
Luật sư Hoàng Huy Được, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác. Do vậy, nếu bác sỹ tham gia quảng cáo không đúng sẽ bị xử lý như các tổ chức cá nhân khác.
Bên cạnh đó, theo thông tư 13/BYT năm 2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc. Khi bác sĩ tham gia hoạt động thông tin truyền thông mang tính chất giáo dục y tế cũng chỉ được đề cập đến các dữ liệu đã được xác minh, phải thận trọng và lưu ý về những tác động có thể có của những tuyên bố đối với công chúng. Dự thảo thông tư quy định về thông tin, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế cho mục đích quảng cáo, hoặc dùng hình thức thư cảm ơn của người tiêu dùng để khuyên dùng và quảng cáo thực phẩm.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế hiện nay nhiều thầy thuốc vẫn nhận quảng cáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng bác sỹ nào dại dột quảng cáo công khai theo kiểu “dùng cái này là tốt nhất” mà hầu hết họ chỉ xuất hiện để nói chuyện theo chuyên đề nên các cơ quan chức năng biết là quảng cáo nhưng không thể xử lý được. Còn nếu có xử phạt thì số tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không có giấy phép hoặc quảng cáo quá nội dung cho phép cũng chỉ là… muỗi đốt inox.
Có một điều chắc chắn rằng khi một bác sỹ, người nổi tiếng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn, hiệu quả theo đó mà tăng lên rất nhiều. Việc cấm bác sỹ quảng cáo giới thiệu sản phẩm là điều không đơn giản vì đó là quyền công dân. Do đó, trong khi chờ các chế tài mạnh hơn từ phía cơ quan chức năng thì mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ lấy mình, thận trọng trước những lời quảng cáo có cánh… (An ninh Thủ đô 26/5).
Sản phẩm của sinh viên vào bệnh viện
Đó là thiết bị rửa quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo do nhóm sinh viên, giảng viên bộ môn Công nghệ điện tử và kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chế tạo.
Hiện sản phẩm đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hà Tĩnh. Hai bệnh viện ở Yên Bái và Thái Bình cũng đang trong quá trình tìm hiểu. Đây là sản phẩm đoạt giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo sản phẩm robot Việt Nam 2012 vừa diễn ra tại TP.HCM.Nhóm SV Nguyễn Minh Đức, Lê Văn Quyền, Nguyễn Tiến Tân, Nguyễn Thị Anh Đào và các giảng viên hướng dẫn hình thành ý tưởng sáng chế cách đây 2 năm. Sau khi có ý tưởng, các SV được những người hướng dẫn là 2 thạc sĩ Vũ Duy Hải và Đào Việt Hùng tạo điều kiện, đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để khảo sát quá trình rửa thủ công quả lọc thận, từ đó chắt lọc kiến thức, sáng chế sản phẩm, ứng dụng vào thực tế.
“Thông thường một quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo được rửa thủ công chỉ tái sử dụng được tối đa 3, 4 lần. Hơn thế, độ sạch của các quả lọc thông qua việc rửa thủ công chỉ có thể quan sát bằng mắt thường mà không có thông số kỹ thuật”, thạc sĩ Hùng nói.
“Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, chúng mình bắt tay ngay vào việc thực hiện. Thiết bị của nhóm có nhiều ưu điểm như: vận hành hoàn toàn tự động từ rửa đến bảo quản, rửa sạch hơn, tăng số lần sử dụng lên gấp đôi…”, trưởng nhóm Nguyễn Minh Đức cho biết.
Sử dụng thiết bị này khá đơn giản, chỉ cần lắp quả lọc thận vào bấm nút máy tự hoạt động rửa. “Ngoài ra, có thể lập trình thời gian rửa nhanh hay lâu tùy mục đích. Sau khi rửa xong, quả lọc, dây dẫn sẽ được chuyển qua bộ phận kiểm tra độ sạch. Nếu chưa sạch sẽ được chuyển qua chế độ rửa đặc biệt để bảo đảm hoàn toàn sạch. Sau khi rửa xong, hệ thống sẽ tự động vô hóa chất bảo quản và đóng gói lại”, thạc sĩ Hùng nói thêm.
Thiết bị đã vận hành thử nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai khoảng 4 tháng nay. Nói về mức độ an toàn, ưu điểm của thiết bị, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Hiện trên thế giới cũng có loại máy tương tự, nhưng họ chỉ rửa quả lọc chứ không rửa dây dẫn. Còn thiết bị của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rửa được luôn cả dây dẫn. Cách rửa này có nhiều ưu điểm hơn so với rửa thủ công, vì cùng lúc rửa nhiều quả lọc. Độ sạch được thể hiện bằng các thông số cụ thể. Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm thời gian để đánh giá chính xác hơn”.
Thông thường, một quả lọc và dẫn máu của máy thận nhân tạo có giá khoảng 500.000 đồng. Như vậy, với hiệu quả rửa hiện tại, thiết bị này có thể giúp tái sử dụng quả lọc và dây dẫn lên 6 lần, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang gửi hồ sơ đến Bộ Y tế để xin phép lưu hành chính thức và sử dụng tại các bệnh viện (Thanh niên 26/5).
Nhau thai khô – thuốc trị bá bệnh hay rác y tế?
Sau khi sản phụ sinh con, nhau thai (còn gọi là tử hà xa) được mang đi tiêu hủy như một loại rác thải y tế nhưng lại đang được các cơ sở đông y tại chợ dược liệu quận 5, TPHCM, bày bán công khai với quảng cáo bồi bổ sức khỏe, trị bá bệnh!?.
Trị yếu sinh lý, ung thư
Ghé tiệm dược liệu Hải A. trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, hỏi mua tử hà xa, nhân viên không dè dặt: “Mỗi 100g giá 500 nghìn đồng loại tốt, còn loại trung bình chỉ có 250 nghìn đồng”.
Cách không xa, tiệm dược liệu Mỹ Duyên cũng chào bán nhau thai khô. Tuy nhiên, khi hỏi mua, cửa hàng này cho biết phải chờ người nhà đem tới.
Cầm trên tay loại nhau thai khô, chúng tôi không biết đây là thực hay giả bởi nó được gói sơ sài trong bao nilon, bên ngoài loằng ngoằng vài chữ Trung Quốc.
Khi hỏi về công dụng, nhân viên cho biết dùng nấu canh hoặc xào với rau ăn bình thường. “Nó có công dụng bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược, thậm chí có một số chất trong nhau thai dùng trị ung thư”, người này quảng cáo.
Tại tiệm đông y khác trên đường Triệu Quang Phục, quận 5, giá nhau thai khô loại 1 chỉ 300 nghìn đồng, loại 2 giá 200 nghìn đồng/bịch 100g. Bên trong bao nilon ghi chữ Trung Quốc là một cục màu vàng – nhau thai sấy khô. Chủ cửa hàng chỉ cách dùng: tán nhuyễn rồi pha với nước, uống ngày 2 lần.
Ghé đường Phùng Hưng, cũng nằm trong khu chợ dược liệu quận 5, hỏi mua tử hà xa tiệm nào cũng có, giá chênh lệch nhau cả trăm nghìn đồng/bịch. Đa số các cửa hàng đều cho biết loại “thuốc quý” này lấy từ Trung Quốc về, bán rất chạy do tác dụng rất tốt!?
Chủ tiệm dược liệu Tâm Ph. trên đường Triệu Quang Phục cho biết, mỗi ngày bán trên 10 bịch nên nói về chất lượng người mua hãy yên tâm(?). “Chỗ tui bán cho các phòng khám đông y, cơ sở y học cổ truyền nên cứ yên tâm về chất lượng”, người này nói.
Rác thải mang ổ bệnh
Được gọi là rác thải y tế nhưng theo các cơ sở bán tử hà xa ở chợ dược liệu, loại này rất tốt bởi nó có công dụng trị hư lao thương tổn, tinh khô huyết kiệt, thần kinh suy nhược, mệt mỏi hay quên và gân cốt yếu mềm.
Tuy nhiên, theo cử nhân Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó trưởng khoa điều dưỡng Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TPHCM, đây là loại bỏ đi.
“Trước đây nhiều gia đình quan niệm “chôn nhau cắt rốn” nên xin nhau thai mang về, nhưng nhiều năm nay nhau thai được chuyển vào khu rác thải để công ty môi trường mang đi tiêu hủy”, bà Hằng cho biết.
Lương y Đinh Công Bảy, Chủ tịch Hội dược liệu TPHCM cho biết, về mặt đông y, nhau thai của những phụ nữ mới sinh lần đầu, khỏe mạnh có thể dùng để điều trị các loại bệnh. Tuy nhiên, khi y học phát triển, nhiều sản phụ mang những bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi…nên việc dùng nhau thai cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ phòng khám đông y Tuệ Lãn ở TPHCM cho rằng, nhau thai từ xưa được dùng để trị bệnh tinh khô, huyết kiệt, rối loạn tình dục, yếu sinh lý, nhưng nay dùng rất nguy hiểm vì nguồn gốc không rõ ràng.
“Ai đảm bảo hàng từ Trung Quốc này không nhiễm bệnh”, lương y Nghĩa nói.
Theo lương y Nghĩa, nhau thai là bộ phận nuôi dưỡng, cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, nơi tiềm ẩn virus, vi khuẩn nên dù có sấy khô nguy cơ nhiễm bệnh vẫn cao.
Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền, Sở Y tế TPHCM khẳng định, trong 120 cơ sở sản xuất kinh doanh đông dược ở địa bàn TPHCM, sở chưa cấp phép cho cơ sở nào bào chế, mua bán nhau thai. Bác sĩ Vinh cho biết, sẽ đề xuất để thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra các cơ sở này (Tiền phong 26/5).
Trên 80% số người mắc bệnh viêm loét
dạ dày, tá tràng do nhiễm HP
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN, cảnh báo tại cuộc họp chuyên đề vừa diễn ra tại TPHCM. Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng đang có chiều hướng tăng mạnh tại VN, trong đó nguyên nhân gây bệnh chính là vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Nguy hiểm hơn, 90% số bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện do nhiễm loại vi khuẩn này…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, viêm loét dạ dày, tá tràng chiếm tỉ lệ khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa. Ước tính tỉ lệ bệnh gia tăng mỗi năm khoảng 0,2%. Điều đáng nói, tỉ lệ nhiễm HP của người bệnh ở VN là rất sớm, từ trước 3 tháng tuổi. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm HP và viêm loét dạ dày – tá tràng – theo các chuyên gia y tế – là do ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua hoặc quá cay, quá nóng; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài; nghiện rượu, thuốc lá, ăn nhai không kỹ; ăn không đúng bữa, do thuốc và các hóa chất như acid, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid. Đường lây truyền HP là xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn và nước uống mà đường lây là phân – miệng.
Phòng bệnh đau dạ dày không khó khăn, chủ yếu là chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Tránh các chất kích thích hoặc chế độ làm việc căng thẳng. Theo PGS.TS Lâm, để phòng, chống khuẩn HP, ngoài làm việc hợp lý, ăn uống điều độ thì việc ăn nhiều sữa, trứng, thực phẩm giàu đạm, rau củ nấu chín và các thực phẩm dinh dưỡng có bổ sung vi khuẩn có ích BB12… cũng ngăn ngừa HP (Lao động 26/5).
Bộ Y tế yêu cầu hạn chế tai biến sản khoa
Ngày 25/5, Bộ Y tế đã có công văn gửi các sở y tế về việc triển khai một số nội dung nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và sơ sinh.
Theo đó, các sở y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám chữa bệnh, quy chế bệnh viện, quy trình kỹ thuật… của các cơ sở y tế trên địa bàn; rà soát năng lực cán bộ, trang thiết bị. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực sản khoa cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế tư nhân… (Nông thôn ngày nay 26/5).
Xuất hiện ca viêm não đầu tiên tại Nghệ An
Theo tin từ Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, đau đầu, hôn mê, nổi ban, qua xét nghiệm bệnh nhân được xác nhận dương tính với bệnh viêm não mô cầu. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, kết quả xét nghiệm máu có lượng bạch cầu cao, tiểu cầu giảm nặng, dịch não tủy đục như nước dừa non, tế bào dày đặc vi trường chủ yếu là trung tính, protein dịch cầu tủy tăng cao.
Đây là biểu hiện của bệnh viêm não mô cầu ở thể nặng. Đến nay, sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhi Phan Thị Thu H. đã có nhiều diễn biến tích cực nhưng tiên lượng bệnh vẫn nặng. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe và bệnh của cháu H. để có biện pháp điều trị hợp lý nhất. Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhi H. là ca đầu tiên trong tỉnh nhiễm bệnh viêm não mô cầu đầu tiên kể từ 4 năm nay (Sức khỏe & Đời sống 26/5).
Chữa thoái hóa khớp gối bằng… mỡ bụng
Phương pháp này đã được BV Bạch Mai ứng dụng thành công với 2 ca bệnh đầu tiên, mở ra một hướng mới trong điều trị căn bệnh vốn được coi là mạn tính này.
Đây cũng là những bệnh nhân thoái hóa khớp đầu tiên ở VN được điều trị bằng tế bào gốc (TBG) mô mỡ tự thân.
Liệu pháp tiên tiến
Cụ Ngô Thị B (75 tuổi, ở Hà Nội) đã bị thoái hóa cả 2 khớp gối và 2 khớp háng từ nhiều năm qua. Uống thuốc tây rồi chuyển qua thuốc nam, tiêm thuốc nhưng bệnh vẫn không đỡ, cụ đi lại rất khó khăn, dù đã uống thuốc giảm đau nhưng vẫn đau nhức, cứng gối, mất ngủ. Khi đến BV Bạch Mai, cụ đã trở thành người đầu tiên được điều trị bằng phương pháp tiêm TBG mô mỡ tự thân của chính cụ.
PGS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, Trưởng đơn vị gene trị liệu, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cho biết: "Cụ đã được lấy ra một lượng nhỏ mô mỡ ở bụng. Mỡ được xử lý qua quá trình kỹ thuật để tách chiết ra tế bào gốc và sau đó tiêm truyền trở lại trực tiếp vào khớp gối đã thoái hóa. Cả 2 khớp gối và 2 khớp háng thoái hóa của cụ đều được tiêm tế bào gốc từ mô mỡ cùng thời điểm".
Thoái hóa khớp chính là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm kèm phản ứng viêm, giảm thiểu dịch nhầy bôi trơn điểm nối giữa hai đầu. Khi TBG được truyền vào khớp, sẽ biệt hóa thành các tế bào sụn, xương khớp mới, giúp cho khớp như được sống lại, nhờ đó khôi phục được cử động nhịp nhàng.
Được điều trị vào thời điểm cuối tháng 3, sau hơn 1 tháng, đến nay cụ B đã có thể đi lại được bình thường, đặc biệt cụ không cần phải dùng thuốc giảm đau hằng ngày như trước kia.
Tương lai chữa cho nhiều bệnh khác
Ca thoái hóa khớp thứ hai được điều trị bằng phương pháp này là cụ bà Hoàng Thị Ch (60 tuổi ở Hà Nội), cho kết quả tốt. Theo TS. Mai Trọng Khoa: "TBG có khả năng ứng dụng chữa rất nhiều bệnh, trong đó có cả những bệnh nặng và khó. Tuy nhiên, từ trước tới nay, TBG thường được lấy từ tuỷ xương, máu cuống rốn hoặc máu ngoại vi. Nhưng, việc lấy được TBG từ những bộ phận này thường khó khăn, gây đau đớn (lấy từ tuỷ xương)… Trong khi đó, lượng TBG dự trữ trong mô mỡ lại cao gấp nhiều lần so với 3 bộ phận nói trên.
Mỡ là mô dự trữ tự nhiên trong cơ thể, việc lấy ra một lượng mỡ nhỏ ra khỏi cơ thể, nhất là mỡ bụng, là thủ thuật không khó, hầu như không để lại sẹo trên da bụng, vì chỉ cần một vết rách nhỏ dài 0,5cm, không gây đau nhiều cho bệnh nhân. Hơn nữa, việc sử dụng TBG tự thân sẽ an toàn, tránh được các phản ứng bất lợi cho cơ thể.
Sau 2 ca đầu tiên thành công này, BV Bạch Mai sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trên các bệnh nhân thoái hóa khớp – căn bệnh có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng nhưng lại được coi là khó chữa khỏi. Trong tương lai, ghép TBG mô mỡ tự thân sẽ được ứng dụng điều trị các bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), và phẫu thuật thẩm mỹ…
PGS.TS Khoa cũng cho hay: Trên thế giới, phương pháp này cũng mới chỉ được một số quốc gia áp dụng từ vài năm nay. Tại VN, đây là 2 trường hợp đầu tiên. Được biết, chi phí mỗi ca ghép khoảng 70 triệu đồng. BV Bạch Mai cũng sẽ đề xuất phương án cơ quan bảo hiểm y tế chi trả một phần cho kỹ thuật này.
Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, tỉ lệ mắc thoái hóa khớp nhiều nhất là nhóm trên 50 tuổi. 90% người trên 40 tuổi bắt đầu có biến đổi của xương khớp, nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Để phòng tránh bệnh, cần ăn thực phẩm đa đạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm, hoặc màu vàng…).
Người trên tuổi 40 nên tập thể dục để tăng độ chắc khoẻ của cơ, giảm áp lực lên các khớp.
Đi bộ rất tốt với người lớn tuổi, nhưng đi không đúng phương pháp, đi quá nhiều có nguy cơ thoái hóa khớp.
Người 60 – 70 tuổi chỉ nên đi bộ 30 – 45 phút/ngày. Người trẻ hơn có thể đi bộ nhiều hơn, nhưng không nên lạm dụng (Lao động 26/5).
Bệnh viện đầu tiên có khoa liền vết thương
Viện Bỏng Quốc gia vừa cho ra mắt khoa Liền vết thương điều trị cho bệnh nhân bị các vết thương khó lành, vết thương mạn tính.
Đây là bệnh viện đầu tiên ở nước ta có cơ sở chuyên điều trị vết thương khó lành, đánh dấu bước phát triển mới của chuyên ngành liền vết thương, với tư cách là một chuyên ngành độc lập, đồng thời, đáp ứng nhu cầu chữa trị bức thiết của người bệnh.
Hiện tại khoa Liền vết thương của BV có 60 giường và đang chữa trị cho khoảng hơn 50 bệnh nhân.
Bên cạnh việc điều trị, khoa Liền vết thương còn tập trung nghiên cứu, phát hiện và áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân (Lao động 26/5).
Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 26/5/2012