Chỉ 60% bà mẹ được uống vitamin
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24-5 nhân Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6), viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Thị Hợp cho hay các báo cáo từ địa phương đều cho biết tỉ lệ bà mẹ được uống vitamin A trong một tháng sau sinh luôn là 80-90%, nhưng thực tế trong đợt phỏng vấn trực tiếp bà mẹ gần nhất, con số này chỉ đạt 60%.
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Ninh, trưởng khoa vi chất Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ bà mẹ ở nông thôn thiếu vitamin A (đo bằng lượng vitamin A trong sữa mẹ) đang lên đến 30-50%. Ở các TP như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ này có thấp hơn nhưng cũng ở mức 20%, chứng tỏ khẩu phần ăn của bà mẹ đang bị thiếu hụt vi chất. Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay, toàn bộ trẻ em 6 tháng đến 6 tuổi ở 22 tỉnh thành được uống miễn phí vitamin A liều cao, các tỉnh còn lại toàn bộ trẻ 6-36 tháng tuổi được bổ sung vitamin A.
Trong hai ngày 1 và 2-6-2012, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM sẽ triển khai chiến dịch uống vitamin A đại trà cho đối tượng là trẻ em 6-36 tháng, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (có dấu hiệu khô mắt, suy dinh dưỡng, sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp cấp…) và bà mẹ sau sinh.
Ngoài ra, TP.HCM còn thực hiện bổ sung vitamin A thường xuyên cho trẻ dưới 6 tháng không được bú mẹ (uống một lần mỗi 6 tháng), trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (uống một lần mỗi 6 tháng), bà mẹ sau sinh (trước khi xuất viện) uống một liều duy nhất để tăng lượng vitamin A trong sữa mẹ (Tuổi trẻ 25/5).
Thêm 250 giường bệnh
UBND TP.HCM vừa yêu cầu bố trí ngay 100 giường bệnh tại Bệnh viện An Bình làm “khoa vệ tinh” của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP và đưa vào hoạt động cuối tháng 6-2012.
UBND TP cũng thống nhất lập ngay dự án đầu tư xây dựng khối điều trị nội trú, quy mô khoảng 150 giường bệnh tại Bệnh viện Q.2 để giảm tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.
Sau khi xây dựng xong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại Q.9 (dự kiến cuối năm 2015), Bệnh viện Q.2 sẽ tiếp nhận cơ sở này để thành bệnh viện đa khoa cấp quận quy mô 300 giường bệnh (Tuổi trẻ 25/5).
Niêm phong hơn 300 kg xíu muội, kẹo Trung Quốc
Ngày 24/5, đoàn kiểm tra gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM… tiến hành kiểm tra việc kinh doanh buôn bán xíu muội, ô mai trên địa bàn TP. Đoàn phát hiện tại một cơ sở ở Q 11 có 303 kg xí muội và kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có 162 kg xíu muội, kẹo đã hết hạn dùng, niêm phong số sản phẩm trên và lẫy mẫu kiểm nghiệm…
Trưa cùng ngày, một đoàn kiểm tra của Quản lý thị trường TP phát hiện 20,5ka xíu muội không nhãn mác, nguồn gốc, chứng từ mua bán tại một sạp ở chợ Bình Tây (Q.6) đã tịch thu để tiêu hủy (Thanh niên, Lao động 25/5).
Tích cực tham gia các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá
Ngày 24-5, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tuần quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) và Ngày Thế giới Không thuốc lá (31- 5). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 47,4% (15,3 triệu người); 33 triệu người lớn bị phơi nhiễm với khói thuốc là thụ động tại nhà; năm triệu người bị phơi nhiễm tại nơi làm việc. Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến tử vong của hơn 40 nghìn người mỗi năm và con số này sẽ tăng lên nếu như không thực hiện các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc…
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá với cam kết "bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các hậu quả về sức khỏe, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc". Tuy nhiên, qua các con số thống kê về số lượng người chết, người mắc các bệnh do thuốc lá, chi phí khám, điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá… cho thấy tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã và đang thật sự là mối nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức chính trị – xã hội và mọi người dân tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tham gia vận động và ủng hộ việc QH sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống của tác hại thuốc lá trong cộng đồng; UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, vận động người dân không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, việc hiếu, hỷ. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá, nhằm hạn chế thanh, thiếu niên hút thuốc lá; đề xuất các giải pháp tăng cường huy động và bố trí nguồn lực dành cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (Nhân dân, Lao động 25/5).
Tiếp tục chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em
Ngày 24-5,Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay (1 và 2-6), chương trình bổ sung Vi-ta-min A tiếp tục được triển khai trong cả nước.
Theo đó, bổ sung Vi-ta-min A liều cao cho trẻ từ sáu đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thấp còi trên 30% và cho trẻ từ sáu đến 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh, thành phố còn lại, trẻ em dưới năm tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau sinh con trong vòng một tháng; tẩy giun cho trẻ từ 24 đến
60 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thấp còi trên 30%. Ðồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì tại 63 tỉnh, thành phố; đưa các kiến thức về dinh dưỡng, đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ, nhất là phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới năm tuổi (Nhân dân 25/5).
Quảng Ngãi điều trị cho người mắc “bệnh lạ” bằng máy siêu lọc máu
Chiều 24-5, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương cho biết: Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã chính thức đưa máy siêu lọc máu liên tục, do Bộ Y tế hỗ trợ vào điều trị cho 26 người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ, đang được điều trị tại đây.
Thiết bị này có chức năng đào thải các chất độc trong máu không có lợi cho cơ thể, nhất là đối với người bệnh có men gan tăng cao, suy gan nặng, rối loạn đông máu, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Theo bác sĩ Trịnh Quang Diêu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, việc có thiết bị lọc máu liên tục, người bệnh được lọc máu tại chỗ sẽ giảm tải cho tuyến trên, đồng thời, giảm nguy cơ biến chứng… (Nhân dân 25/5).
Cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Cần xử lý mạnh tay
Mặc dù Quyết định 1315/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Từ ngày 1-1-2010, các hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt; hay trước đó tại Ðiều 16, Nghị định 45/2005/NÐ-CP của Chính phủ đã quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hút thuốc lá nơi công cộng… thế nhưng đến nay hầu như có rất ít trường hợp người vi phạm bị xử phạt.
Theo ghi nhận, tại các điểm công cộng như bệnh viện, công sở, bến xe, nhà ga… khói thuốc lá vẫn tràn lan, thậm chí nhiều người đứng trước biển cấm vẫn vô tư hút mà không thấy đơn vị chức năng nào nhắc nhở hay bị xử phạt. Không chỉ tại các bến xe, nhà ga có nhiều người vi phạm quy định về cấm hút thuốc lá mà tại các bệnh viện, công sở… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình trạng này cũng diễn ra phổ biến.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh văn phòng chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết: Việt Nam là một trong 15 nước có số lượng người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trong số người trưởng thành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4% và nữ giới là 1,4%, riêng khu vực TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 53% ở nam giới và 2% ở nữ giới. Ðặc biệt, số người thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao: tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70% và của trẻ em gần 50%.
Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người cần phải quyết liệt thực hiện theo Quyết định số 1315/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là xử phạt hành chính; tuy nhiên, cần phải nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe. Theo Chủ nhiệm chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Trương Trọng Hoàng, hiện nay do lực lượng thanh tra viên còn mỏng, mức xử phạt lại nhẹ (lần đầu cảnh cáo, lần thứ hai chỉ phạt 50.000 đồng), do đó tính răn đe chưa cao. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá đã có kiến nghị xin nâng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Ngoài ra, Nhà nước nên áp dụng mức thuế cao cho mặt hàng thuốc lá để người dân thấy hút thuốc rất đắt tiền mà hạn chế sử dụng. Với biện pháp này, rất nhiều nước đã hạn chế được tình trạng trên, cụ thể như ở nước ngoài, một điếu thuốc lá có giá từ 3 đến 4 USD, cho nên một ngày một người dân chỉ dám hút từ 1 đến 2 điếu, trong khi đó giá thuốc lá của Việt Nam quá rẻ nên người ta mới hút nhiều như vậy.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nên quy định lực lượng tại chỗ, nơi có quy định cấm thuốc lá, được quyền lập biên bản người vi phạm làm căn cứ chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền "phạt nguội"; đồng thời đề nghị cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại khu vực công viên, khu du lịch và nhất là tại các công sở và cán bộ, công chức phải là người tiên phong trong việc hạn chế hút thuốc lá (Nhân dân 25/5).
Đào tạo nhân lực điều dưỡng – cung không đủ cầu
Theo đề án giảm tải bệnh viện, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho ngành Y tế thành phố năm 2012 phải phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ điều dưỡng đạt từ 3-3,5 điều dưỡng/bác sĩ, điều dưỡng trưởng khoa phải có trình độ từ đại học trở lên… Tuy nhiên, do công tác đào tạo còn tồn tại nhiều bất cập, đào tạo nhiều nhưng chất lượng thấp cho nên bệnh viện vẫn thiếu điều dưỡng viên.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cả nước hiện có khoảng hơn 70 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học ngành điều dưỡng. TP Hồ Chí Minh có ba trường công lập đào tạo điều dưỡng: Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường trung cấp kỹ thuật Nam Sài Gòn và không dưới 10 trường tư đào tạo điều dưỡng hệ trung cấp như các trường: Nguyễn Tất Thành, Hồng Bàng, Hồng Ðức, Âu Lạc, Thái Bình Dương…
Tuy nhiên, do khâu đào tạo chưa kiểm soát được chất lượng dẫn đến tình trạng trường đào tạo dư thừa nhưng bệnh viện thiếu điều dưỡng. Sự "khập khiễng" này là do điều dưỡng đã qua đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc. Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu tính theo chỉ tiêu một bác sĩ/3,5 điều dưỡng thì nước ta hiện nay còn thiếu từ 40.000 đến 60.000 điều dưỡng viên, hộ sinh.
truyền đạt kỹ năng, kiến thức lâm sàng cho điều dưỡng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, nhấn mạnh: "Ðể các bệnh viện tuyển điều dưỡng tốt nghiệp tại các trường tư nhân vào làm việc mà không đắn đo về chất lượng thì ban giám hiệu nhà trường nên gặp gỡ lãnh đạo bệnh viện hằng năm để hai bên cùng đánh giá lại chất lượng đào tạo. Bệnh viện sẽ góp ý cho trường về những khuyết điểm và lỗ hổng đào tạo để trường hoàn thiện chương trình đào tạo chuẩn hơn, sinh viên ra trường sẽ làm việc được nhiều hơn, chất lượng hơn. Ðể phát triển nghề nghiệp, Hội điều dưỡng Việt Nam phải mạnh từ trung ương đến địa phương, cần phải có những phương hướng, kế hoạch triển khai kiến thức thực hành chuyên môn để điều dưỡng phát triển nghề nghiệp. Về lâu dài, công tác phục vụ bệnh nhân, trình độ điều dưỡng phải được nâng lên và cần phải hội nhập với bên ngoài. Do đó, Việt Nam cũng cần có một chuẩn duy nhất để đào tạo nhân viên điều dưỡng".
Theo Phó cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ThS Phạm Ðức Mục, để phát triển ngành điều dưỡng, ngành y tế cần đào tạo những giảng viên chuyên ngành về điều dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên lâm sàng, phải đổi mới chương trình giảng dạy, đẩy mạnh việc nghiên cứu hoạt động điều dưỡng, xác định rõ công việc của cử nhân điều dưỡng với trung cấp, sơ cấp điều dưỡng.
Ðược biết, từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Ðào tạo không cho các trường đại học đào tạo điều dưỡng hệ trung cấp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. UBND thành phố vừa giao cho Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện dự án về đào tạo cử nhân điều dưỡng, kết hợp với Phi-li-pin để đào tạo điều dưỡng xuất khẩu. Hiện nay, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã đào tạo được khóa thứ ba thạc sĩ điều dưỡng. Bộ Y tế đang chủ trương đào tạo điều dưỡng thực hành tại các bệnh viện hạng đặc biệt với mã ngành đào tạo điều dưỡng chuyên khoa I, chuyên khoa II nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng viên trong thời gian tới (Nhân dân 25/5).
Nâng cao hiệu quả huấn luyện nghiệp vụ y tế cho các nước bạn
Những năm qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đầu tư phát triển nhiều chuyên khoa sâu với trình độ kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; một số cơ sở y tế và bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành nơi huấn luyện nghiệp vụ cán bộ y tế cho các nước bạn.
Chúng tôi tới Trung tâm Chuyên sâu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Ðồng 1, đúng vào lúc các bác sĩ đang hướng dẫn kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, truyền dịch chăm sóc trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế nước bạn Cam-pu-chia. Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 trở thành địa chỉ đào tạo cán bộ y tế nước ngoài đến học kỹ thuật mổ tim hở, chăm sóc trẻ sơ sinh, vật lý trị liệu. Ðây là những chuyên khoa Bệnh viện Nhi Ðồng 1 tập trung đầu tư phát triển chuyên sâu. Mới đây, bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho Bệnh viện Nhi đồng Ăng-co (Xiêm Riệp, Cam-pu-chia) sau khi đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ y tế của bệnh viện này. Ngoài ra, hằng năm đơn vị còn huấn luyện chuyên ngành vật lý trị liệu cho kỹ thuật viên các nước: Pháp, Ðan Mạch…
Cũng như Bệnh viện Nhi Ðồng 1, hơn mười năm qua, Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận bác sĩ của các nước Lào và Cam-pu-chia tới học các chuyên ngành phẫu thuật nội soi phụ khoa và phẫu thuật trong sản phụ khoa. Năm 2010, có tám bác sĩ của hai nước được huấn luyện về phẫu thuật nội soi và định hướng chuyên khoa phụ. Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ Phạm Thanh Hải cho biết, đơn vị là nơi đào tạo phẫu thuật nội soi trong phụ khoa hàng đầu tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, nhiều năm qua, chúng tôi tổ chức đào tạo miễn phí nhân lực y tế cho các nước Lào và Cam-pu-chia, trong đó chủ yếu là đào tạo lâm sàng. Chương trình đào tạo này nhằm thực hiện kế hoạch hỗ trợ y tế cho các nước bạn do Bộ Y tế phát động. Bên cạnh đó, đơn vị mở rộng đối tượng đào tạo cán bộ y tế cho các nước khác. Riêng năm 2011, đơn vị đào tạo về phẫu thuật nội soi cho sáu bác sĩ của Phi-li-pin.
Bên cạnh việc đào tạo cán bộ y tế cho các nước bạn Lào và Cam-pu-chia, các đơn vị y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng là nơi tiếp nhận sinh viên các nước tới thực tập. Riêng năm 2011, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 đã tiếp nhận gần 30 sinh viên các nước: Ðan Mạch, Nam Phi, Áo, Pháp,… tới thực tập các chuyên ngành các bệnh truyền nhiễm với chương trình học ngắn hạn, từ một đến ba tháng (Nhân dân 25/5).
Bác sĩ cũng bị phẫu thuật nhầm
Ngày 24-5, PGS.TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Ngoại B15 – BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, một bác sĩ nam hơn 50 tuổi đang công tác ở một BV trên địa bàn Hà Nội vừa nhập viện điều trị do trước đó đã bị cắt… nhầm thực quản.
Theo lời kể, nam bệnh nhân này vào một BV lớn ở Hà Nội để phẫu thuật cắt khối u tuyến giáp, tuy nhiên một ngày sau khi được chuyển từ phòng mổ về phòng hậu phẫu, bệnh nhân phát hiện có hiện tượng rò thực quản. Khi được đề nghị kiểm tra lại bệnh nhân này nhận được thông báo cuộc phẫu thuật cắt tuyến giáp chẳng may đã làm mất đoạn 3cm thực quản của bệnh nhân.
TS. Dương cho biết, bệnh nhân nói trên được chuyển đến cấp cứu trong tình huống rất khó khăn với dịch, máu tại vết cắt thực quản đã trào ra nền cổ sau gần 1 ngày. Để đảm bảo tốt nhất cho bệnh nhân, kíp phẫu thuật đã quyết định tạo hình thực quản cho bệnh nhân bằng phương pháp chuyển vạt thực quản tại chỗ cùng với cân cổ sâu hỗ trợ che phủ. Đến nay, bệnh nhân đã ăn uống được bình thường, nội soi thực quản tổn thương đã liền hoàn toàn và không bị hẹp (An ninh Thủ đô, Tiền phong 25/5).
Thêm 2 người mắc bệnh “lạ”
Ông Lê Huy, Chánh Văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, đã có thêm 2 trường hợp mắc bệnh “lạ” là bà Phạm Thị Bi (1962, trú thôn Làng Rêu) và Phạm Thị Ngót (1951, trú thôn Hi Long). Ngành y tế đã vào vùng dịch lấy hơn 1.940 mẫu xét nghiệm ừ đất, nước, móng tay, móng chân, da người, máu, ve, bọ chét để xét nghiệm, song chưa có kết quả chính thức. Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đặt nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh có thể do nguồn nước mà người dân nơi đây đang sử dụng và đề xuất vệ sinh nguồn nước, kiểm soát chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Sáng 23/5, Đoàn công tác về dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế đã về xã Ba Điền kiểm tra tình hình, chế độ dinh dưỡng của người dân xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi). Đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng thức ăn, bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo dinh dưỡng, tăng cườn khả năng kháng bệnh (Tiền phong 25/5)
Hỗ trợ đào tạo cán bộ lãnh đạo ngành Y tế
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, ngày 24-5, Chương trình Đào tạo Cán bộ Lãnh đạo cho ngành y tế giữa trường Đại học Y Hà Nội và Quỹ học mãi của trường Đại học Sydney (Australia) đã chính thức ra mắt.
Sáng kiến chung của hai đơn vị nói trên nhằm đào tạo các bác sĩ trẻ tài năng của Việt Nam trở thành những cán bộ lãnh đạo ngành y tế thông qua việc trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có những thay đổi tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu và giáo dục y khoa.
Theo Giáo sư Kerry Goulston, Phó Chủ tịch Quỹ học mãi: chương trình sẽ mang lại cho các học viên những kiến thức và trải nghiệm sau đại học cũng như cơ hội thiết lập mạng lưới nghề nghiệp với các giáo sư, giảng viên của Trường Đại học Y trực thuộc Trường Đại học Sydney. “Các bác sĩ trẻ được lựa chọn cho chương trình sẽ đóng vai trò nòng cốt và lâu dài trong ngành y tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo những thế hệ sinh viên và bác sĩ y khoa tương lai”, Giáo sư Kerry Goulston nói.
Giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội phát biểu: “Tôi tin rằng chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo này sẽ góp phần đưa công tác khám chữa bệnh của ViệtNam lên một bước phát triển mới”. Ông cho rằng về lâu dài, chương trình sẽ giúp hoạt động chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trở nên bền vững và an toàn.
Quỹ học mãi, một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Đại học Sydney, được thành lập từ năm 2001. Cố giáo sư Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và Giáo sư Goulston là những người sáng lập chương trình giáo dục và trao đổi y khoa của Quỹ Học Mãi.
Cho tới nay, Quỹ học mãi đã giúp đào tạo hơn 200 bác sĩ cho các bệnh viện của Hà Nội (Quân đội nhân dân online, Tiền phong, Gia đình & Xã hội 25/5).
Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 25/5/2012