Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 24/5/2012

Điểm báo ngày 24/5/2012

Bệnh tay chân miệng đang giảm
 
Ngày 23.5, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương cho biết, tính từ ngày 7-18.5, toàn quốc có 2.785 người mắc bệnh tay chân miệng mới tại 61 tỉnh, thành. So với tuần trước, số mắc mới đã giảm 97 người (3,4%). Tuy nhiên, vẫn có thêm 3 người tử vong (TP.Hồ Chí Minh 1 và An Giang 2). Như vậy, tính từ đầu năm 2012, toàn quốc có 46.277 người mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành khiến 27 trẻ tử vong (Nông thôn ngày nay 24/5).
 
Lấy 1.940 mẫu xét nghiệm vẫn chưa tìm ra bệnh “lạ”
 
Chiều 23-5, ông Lê Huy – chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi – cho biết đến nay đã tăng thêm hai ca mắc bệnh “lạ” ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Đó là bà Phạm Thị Ngót (61 tuổi) ở thôn Hi Long và bà Phạm Thị Bi (50 tuổi) ở làng Rêu đã được chuyển về điều trị tại Trung tâm Y tế Ba Tơ. Theo ngành y tế Quảng Ngãi, số người mắc bệnh “lạ” đã tăng lên 211 ca. Ông Huy nói thêm máy lọc máu (hơn 1 tỉ đồng) do Bộ Y tế cấp đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Thống kê cho biết đến nay Bộ Y tế đã lấy hơn 1.940 mẫu xét nghiệm từ người, đất, nước, phân, bọ, chuột… ở vùng bệnh “lạ” huyện Ba Tơ về xét nghiệm, song nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được tìm ra (Tuổi trẻ 24/5).
 
Thêm 1 trẻ sơ sinh tử vong
 
Ngày 23-5, bé gái sơ sinh nặng 3,1kg, con đầu lòng của sản phụ Đ.T.T.D., giáo viên mầm non ở Phú Xuyên, Hà Nội, đã tử vong 35 phút sau khi ra đời tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội. Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Chương, giám đốc bệnh viện, sản phụ nhập viện ngày 22-5, sức khỏe khi nhập viện bình thường, đến 3g15 ngày 23-5 sản phụ có dấu hiệu suy thai và được chỉ định mổ lấy thai, ca mổ hoàn tất lúc 5g ngày 23-5 nhưng em bé đã tử vong do suy hô hấp. Cùng ngày, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng Sở Y tế điều tra nguyên nhân gây tử vong bé sơ sinh, giám sát, kiểm tra quy trình chuyên môn và báo cáo về Sở Y tế trước ngày 25-5 (Tuổi trẻ, Lao động 24/5).
 
Đã có 27 ca tay chân miệng tử vong
 
Trong hai tuần qua thêm năm trẻ em tử vong do bệnh tay chân miệng, nâng tổng số tử vong do căn bệnh này từ đầu năm 2012 lên 27 bé, tất cả đều dưới 5 tuổi. Bộ Y tế hôm 23-5 cho biết. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2012, cả nước có xấp xỉ 50.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, cao hơn khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm 2011. Bộ Y tế cũng cho hay 10 tỉnh thành phố có số mắc bệnh tay chân miệng/100.000 dân cao nhất nước là Hải Phòng, Bắc Cạn, Yên Bái, Đà Nẵng, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Định, và Đồng Tháp.
Năm 2012, do số mắc và tử vong tăng cao ngay từ đầu năm và tiếp tục có diễn biến phức tạp trong mùa hè này, Bộ Y tế đề xuất UBND các địa phương cấp kinh phí mua vật tư khử khuẩn, xà phòng đến tận hộ gia đình trong ổ dịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông toàn xã hội với bốn nội dung chính: bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, không có văcxin và thuốc đặc hiệu, chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi và biện pháp phòng bệnh chủ yếu là ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Ngày 25-5, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để bàn các biện pháp phòng chống dịch ở thời điểm bắt đầu vào giai đoạn cao điểm mùa dịch. Dịp này, Bộ Y tế dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực đều có số mắc bệnh tay chân miệng cao trong năm tháng đầu năm 2012, đặc biệt là Trung Quốc, Singapore (Tuổi trẻ 24/5).
 
Bệnh “lạ” dễ sinh biến chứng
 
Thông tin từ Bộ Y tế vừa cho hay trong số những bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi nặng nhất, có một nữ bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện T.Ư Huế với biểu hiện khi nhập viện là xơ gan, suy gan nặng. Bệnh viện đã lập hội đồng khoa học bàn phương án điều trị, đến nay sau hơn một tuần điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế, chỉ số men gan của bệnh nhân đã trở về gần bình thường, nhưng bệnh nhân lại có biến chứng viêm phổi. Theo nguồn tin này, đến nay vẫn chưa rõ căn nguyên bệnh “lạ”, bệnh viện điều trị triệu chứng và các tổn thương thực thể là chủ yếu. Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng khu vực xuất hiện bệnh “lạ” có thể còn tồn dư dioxin trong chiến tranh. Tuy nhiên Bộ Y tế đánh giá huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi xuất hiện bệnh “lạ”, không phải là vùng trọng điểm bị rải dioxin trong chiến tranh (Tuổi trẻ 24/5).
 
Bộ Y tế gặp mặt ĐBQH ngành y tế
 
Nhân Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII, chiều 23/5, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt các ĐBQH ngành y tế. Đến dự buổi gặp mặt có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ cùng các ĐBQH công tác trong ngành y tế. Tại buổi gặp mặt, Bộ Y tế đã thông báo với các ĐBQH về một số kết quả ngành y tế đạt được thời gian qua, đặc biệt là sự nỗ lực vào cuộc của ngành đối với công tác giảm tải bệnh viện, phòng chống dịch, kiềm chế ngộ độc, đảm bảo ATVSTP, quản lý giá thuốc… Bộ Y tế cũng trình bày quan điểm và các ý kiến của Bộ đối với 5 dự án Luật liên quan đến ngành y tế như Luật Giám định tư pháp, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo, Luật Lao động sửa đổi và Luật Giáo dục đại học…
Kết thúc buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn đồng chí Trương Thị Mai, các thành viên của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, các ĐBQH đã luôn ủng hộ, chia sẻ và đóng góp với ngành y tế thời gian qua. Đồng thời mong muốn các ĐBQH tiếp tục ủng hộ việc cân đối tăng nguồn vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp cho ngành y tế cũng như việc ủng hộ thông qua những chủ trương, chính sách phát triển của ngành thời gian tới (Sức khỏe & Đời sống 24/5).
 
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ngành y tế
 
Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức tập huấn về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngành y tế cho lãnh đạo Sở Y tế, Trưởng phòng thuộc Sở và Giám đốc BV tuyến tỉnh của 20 tỉnh thành Bắc Trung Bộ. Phát biểu tại lớp tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế không chỉ phổ biến đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về những nội dung cơ bản của Quy chế dân chủ cơ sở; Quy tắc ứng xử đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức mà còn hướng đến xây dựng môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết (Sức khỏe & Đời sống 24/5).

Gửi thảo luận