BDD gây ra những rối loạn về cảm xúc, gây ra những nỗi buồn vô tận cho người bị mắc chứng này. Mối quan tâm về cơ thể càng ngày càng nghiêm trọng và người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc, học tập cũng như giao tiếp xã hội. Bất cứ phần nào trên cơ thể cũng bị người mắc BDD “dòm ngó” và ưa than vắn thở dài rằng sao mà nó không giống ai.
Theo thống kê, có khoảng từ 1 – 2% dân số bị mắc chứng BDD và tỉ lệ chia đều cho cả nam lẫn nữ. BBD thường khởi đầu ở lứa tuổi “teen”, lứa tuổi mà ai cũng thường chú ý vào dung mạo của mình. Những người bị BDD thường bị suy sụp tinh thần một cách mau chóng vì những suy diễn. Họ luôn bị mặc cảm, xa lánh mọi quan hệ xã hội, sống biệt lập, những trường hợp nặng có thể tự hủy hoại mạng sống. Tần suất tử vong ở những người BDD là tương đối cao. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị dính BDD, hãy nhanh chân đến bác sĩ để “hóa giải” những phiền muộn.
Những vùng của cơ thể dễ bị người mắc BDD “dòm ngó” là khuôn mặt, chẳng hạn như: da mặt, hình dạng và kích cỡ của đôi mắt, của mũi, của tai, của môi… hoặc là hình dạng, kích thước của những phần khác như: mông, bắp đùi, chân, ngực, cơ quan sinh dục, sự cân xứng của toàn cơ thể hoặc từng phần của cơ thể.
Triệu chứng của BBD có thể biến đổi tùy thuộc vào phần nào của cơ thể bị “dòm ngó”. Tuy nhiên, triệu chứng tổng quát của BDD bao gồm suy nghĩ về những khiếm khuyết của cơ thể trong nhiều giờ, ngày nào cũng nghĩ tới; hoặc là lo lắng rằng những khiếm khuyết này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dáng “người mẫu” để có thể xuất hiện trước công chúng, dạ tiệc, luôn luôn buồn rầu về những khiếm khuyết trên cơ thể. Họ luôn luôn hỏi những người thân, những người đáng tin cậy về dung mạo của mình nhưng lại không tin vào câu trả lời; luôn thường xem gương và rồi luôn tránh né hình ảnh của mình bằng cách… đập vỡ gương hoặc che gương lại, kiêng ăn, luyện tập thân hình quá độ, tránh xa mọi tình huống mà họ nghĩ rằng người khác sẽ chú ý vào những khiếm khuyết của họ. Trong nhiều trường hợp, người bệnh BDD sẽ “bế môn” để tránh xa ánh mắt của người đời, khát khao được phẫu thuật thẩm mỹ do dù bác sĩ chuyên môn khuyên rằng phẫu thuật là không cần thiết, trầm cảm, lo lắng, thường xuyên có ý định tự tử…
Nguyên nhân gây ra BDD hiện chưa được xác định rõ, tuy nhiên có nhiều giả thuyết cho rằng người bị BDD có chứa một gene nào đó có khuynh hướng gây ra chứng rối loạn tâm thần BDD và bệnh sẽ phát khi đến tuổi trưởng thành. Một số lý thuyết khác cho rằng việc sử dụng các thuốc ảo giác như ecstasy càng sẽ làm ngòi nổ cho những người vốn nhạy cảm với BDD. BDD cũng có thể bị gây ra do sự mất thăng bằng các hóa chất hiện diện trong não. Một số giả thuyết cho rằng sự quan tâm quá mức vào dáng vẻ bên ngoài của thời đại ngày nay cũng gánh một phần trách nhiệm, tỉ như người ta chỉ tôn sùng các người mẫu, người đẹp, chọn nhân viên theo ngoại hình…
Một người lúc nào cũng thiếu tự tin vì cho rằng một vài phần nào đó trên cơ thể của mình không được “bắt mắt”, sự thiếu tự tin này lâu dần sẽ khiến người này bị BDD.
Chẩn đoán cho BDD quả thật vô cùng khó khăn do nhiều lý do vì người bị BDD thường tìm đến các bác sĩ về da, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hơn là tìm đến các bác sĩ tâm lý hoặc bác sị thần kinh. Cũng như nhiều chứng rối loạn khác, việc chẩn đoán sai BDD là một việc hoàn toàn có thể xảy ra.
Để trị BDD người ta phải dùng đến các liệu pháp, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi Cognitive behaviour therapy. Liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức nhằm suy nghĩ theo một chiều hướng khác hoặc là hướng dẫn bệnh nhân sẵn sàng “sống chung” với những khiếm khuyết nếu có hoặc do bệnh nhân tự… tưởng tượng ra.
Dược phẩm cũng được kê bởi những bác sĩ chuyên khoa để giúp cải thiện chứng bệnh cho các bệnh nhân BDD. Đây là những loại thuốc kháng trầm cảm, nhất là các thuốc ức chế thu hồi serotonin chọn lọc (se-lective serotonin reuptake inhibitors-SSRIs). Tuy nhiên, việc trị liệu thuốc phải cần được kết hợp với các liệu pháp tâm lý khác.
DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG
(Khoa Dược – ĐH Murdoch – Úc)