Gần 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị thấp còi
Đáng lo là mới chỉ có 60% số trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và chưa đến 1/5 số trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nước ta đứng thứ 13 trong số các nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất thế giới. WHO khuyến cáo các bà mẹ cần cho trẻ bú ngay từ giờ đầu tiên sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, kết hợp đồng thời cho ăn bổ sung hợp lý (An ninh Thủ đô, Lao động, Gia đình & Xã hội 23/5).
Quốc hội thảo luận Luật phòng, chống tác hại
của thuốc lá: Hành lang Quốc hội
sẽ không còn khói thuốc
Ngày 22/5, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tăng cường cảnh báo
Ngày 22/5, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 30 đại biểu đã có ý kiến đóng góp (trong đó có những đại biểu là người đang hút thuốc, đã từng hút thuốc) xung quanh dự thảo Luật này. Trong ý kiến đóng góp của mình, đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) đã trích dẫn báo cáo của Bộ Y tế: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá. Theo nhận định, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả thì con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Từ thông tin cảnh báo trên, đại biểu Cường cùng nhiều đại biểu đều cho rằng việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh lớn hơn 50% diện tích vỏ bao sẽ có hiệu quả rất cao.
Về việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, đa số các ý kiến đều đồng tình việc thành lập quỹ. Tuy nhiên về tên gọi của quỹ có một số ý kiến đề nghị tên gọi: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe; Quỹ Chăm sóc sức khỏe của nhân dân… Nhiều đại biểu cũng kiến nghị giao việc quản lý quỹ cho Bộ Y tế. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đã thẳng thắn: “Đề nghị Bộ Y tế nên chuẩn bị kỹ về nhân sự, quy chế hoạt động, tổ chức bộ máy quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được thông qua”.
Siết chặt nơi cấm
Đóng góp ý kiến với tư cách là người đã và đang sử dụng thuốc lá, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) nói tới “nghĩa vụ của người hút thuốc lá” trong đó có nêu: Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi. Đại biểu Bình đề nghị cần ghi rõ: “Không hút thuốc lá trong nhà khi có người không hút thuốc lá xung quanh mình". Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, trong quy định đã có khái niệm rất cụ thể về nơi công cộng là như thế nào. Theo đại biểu Cương, phải coi môi trường bệnh viện cũng như trường học, công sở phải là nơi cấm tuyệt đối. Về việc dành riêng chỗ hút thuốc lá trong nhà hàng và khách sạn, đại biểu Cương cho rằng quy định như thế là không khả thi.
Băn khoăn xử phạt
Rất nhiều ý kiến các đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về việc xử phạt các hành vi vi phạm khi Luật này được thông qua. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Vấn đề xử lý vi phạm quy định là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, khi ban hành luật rồi thì thực hiện như thế nào? Đã đưa ra luật mà không xử lý được thì tác dụng của luật rất hạn chế”. Đại biểu Sơn phân tích thêm sự khó trong xử lý người vi phạm hút thuốc khi so sánh với xử lý vi phạm giao thông. Ví như người vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe, vượt đèn đỏ, sai rõ ràng như thế, luật quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn còn có người dân cãi cọ, xô đẩy, đe dọa, thậm chí đánh cả cảnh sát.
Đại biểu Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) đã bất ngờ lấy ví dụ từ hành lang của nghị trường kỳ họp khi ông phát biểu: “Bây giờ các đồng chí là cơ quan chủ quản ở đây như Bộ Quốc phòng hay Chủ tịch Quốc hội nếu ra ngoài mà thấy có các đại biểu vẫn hút thì thế nào, ai xử? Tôi thấy ở đây vẫn hút rất nhiều”. Đại biểu Thạch cho rằng nếu Luật được thông qua, trong những kỳ họp tiếp theo của Quốc hội ngoài hành lang sẽ không có đại biểu hút thuốc nữa, đó là minh chứng cụ thể nhất. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 18/6 (Gia đình & Xã hội, Lao động 23/5).
Ca bệnh lạ đầu tiên được chuyển đến TP.HCM
Một bệnh nhi mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân đang được điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin từ bệnh viện cho biết ngày 22.5. Bệnh nhi P.V.T (9 tuổi, ngụ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã mắc bệnh từ hai tháng trước. Đến ngày 20.5, diễn biến bệnh càng trở nặng, bệnh nhi đã được Bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng da tay, da chân sần, tri giác không tỉnh táo, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng, nhiễm trùng huyết nặng. Tiến sĩ – bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết do không biết nguyên nhân mắc bệnh nên Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có thể điều trị triệu chứng cho bệnh nhi. Bệnh nhi có thể được lọc máu hoặc thay huyết tương. Được biết, cả nhà bé T. có đến 4 người mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân. Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 1 năm kể từ ngày phát hiện ca bệnh lạ đầu tiên cho đến nay, huyện Ba Tơ có đến 205 người mắc bệnh và 21 trường hợp tử vong (Thanh niên 23/5).
Tổng vệ sinh phòng dịch bệnh mùa hè
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh mùa hè, trọng tâm là dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã huy động nhân lực, khẩn trương triển khai các biện pháp diệt bọ gậy triệt để đến từng hộ gia đình. Mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất 2 đợt chiến dịch (3 đợt đối với các xã, phường trọng điểm hoặc nguy cơ cao về sốt xuất huyết), gồm: Đợt 1 vào tháng 5, tháng 6.2012; đợt 2 vào tháng 8, tháng 9.2012 và đợt 3 vào tháng 10 và tháng 11.2012, nhằm tăng cường hiệu quả chống dịch, phòng bệnh cho nhân dân (Lao động 23/5).
Nơi làm việc: Nên cấm hút thuốc lá hoàn toàn
Ngày 22.5, tại Hà Nội, Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và T.Ư Đoàn TNCSHCM tổ chức gặp báo chí hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 – 31.5) và giới thiệu dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Tổng LĐLĐVN được đánh giá là một trong những đoàn thể thực hiện tốt công tác PCTHTL tại nơi làm việc. Ông Graham Harrison – Phó trưởng đại diện WHO tại VN cho biết, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) năm 2012 là “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá đối với chính sách PCTHTL”. Vào ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 và trong suốt năm 2012, WHO kêu gọi các quốc gia cần coi việc ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá là trọng tâm của các nỗ lực kiểm soát thuốc lá để có thể kiểm soát hiệu quả nạn dịch này trên phạm vi toàn cầu. Ông Graham Harrison cũng bày tỏ mong muốn Luật PCTHTL sớm ra đời và được thực thi tốt tại VN.
Một điểm đáng lưu ý, điều 11 dự thảo Luật PCTHTL quy định về các địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà bao gồm “nơi làm việc”. Sở dĩ như vậy vì các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc phân chia khu vực dành riêng cho người hút thuốc và người không hút thuốc trong khu vực khép kín như trong nhà, tại nơi làm việc là không có hiệu quả trong việc bảo vệ con người khỏi tác hại của khói thuốc thụ động.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế, thực tiễn tại VN cho thấy có rất nhiều cơ quan, đơn vị đã thực thi thành công quy định “cấm hút thuốc hoàn toàn trong khuôn viên cơ quan/đơn vị” như Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thanh tra Đà Nẵng… Đặc biệt, Tổng LĐLĐVN là đoàn thể hoạt động nỗ lực và đạt kết quả khả quan trong lĩnh vực này mà tiêu biểu là LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang…
Tại những đơn vị này, việc cấm hút thuốc hoàn toàn trong khuôn viên cơ quan và trong khu vực làm việc được lãnh đạo ủng hộ, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; người không hút thuốc được hưởng bầu không khí trong lành; tạo điều kiện cho người hút thuốc giảm số lượng điếu hút và tăng quyết tâm bỏ thuốc. Bài học kinh nghiệm từ những cơ quan, đơn vị thực hiện thành công môi trường hoàn toàn không khói thuốc cho thấy để thực thi hiệu quả môi trường 100% không khói thuốc trong khuôn viên cơ quan, điều quan trọng là có được sự quyết tâm và ủng hộ của lãnh đạo đơn vị.
Việc quy định chỉ cho phép hút thuốc ở khu vực ngoài trời của nơi làm việc và nơi công cộng sẽ khiến cho việc thực thi dễ dàng hơn nhiều là yêu cầu cơ quan bố trí các phòng riêng cho người hút thuốc. Vì trong điều kiện nhiều cơ quan, đơn vị có diện tích chật hẹp, thì việc đáp ứng các tiêu chí “dành riêng, khép kín, tách biệt với các khu vực khác” của các phòng riêng cho người hút thuốc lá rất khó thực hiện. Khuyến nghị được đưa ra là các “nơi làm việc” nên là những địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi của khuôn viên (Lao động, Tiền phong).
Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi: Vẫn hy vọng một con đường sống
Chưa bao giờ cuộc sống của người dân H’Rê ở Ba Tơ lại ảm đạm đến vậy. Những ngôi nhà trống hoác, ánh mắt đượm buồn hướng về phía núi như cầu nguyện một điều gì đó trong vô vọng. Người ta vẫn chờ đợi một ngày gần nhất ngành y tế sẽ tìm ra một con đường sống cho người dân kém may mắn như họ …
Nước mắt làng Rêu
Làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi), một trong những điểm nóng của căn bệnh “lạ” hoành hành những ngày cuối tháng 5 buồn héo. Ruộng nương vắng tanh, những đứa trẻ không còn vui đùa hồn nhiên bên những con suối. Thật hiếm hoi để thấy một nụ cười. Bên kè đá cạnh con suối đầu làng, hai mẹ con chị Phạm Thị Triêu ôm nhau thút thít. Cả nhà chị có 4 người mắc bệnh “lạ”, ông nội mất cách đây vừa tròn ba ngày. Chồng và con trai Phạm Văn Khắc đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ chỉ còn chị và đứa con gái, người mẹ già cũng ngày càng gầy yếu vừa do căn bệnh hoành hành, vừa ngập sâu trong những lo lắng của con cháu.
Đôi mắt quầng sâu, chị Triêu chợt khóc òa sau cú điện thoại gấp gáp của chồng: “Ảnh nói thằng bé ngày càng nặng hơn, khó có khả năng qua khỏi. Đường sá xa xôi, đi lại ăn ở tốn kém, không biết xoay đâu ra tiền nữa. Cũng chẳng còn tâm trạng nào làm ăn, suốt ngày tôi cứ như người mất hồn. Nếu Nhà nước không giúp thì chắc tôi chết mất” – chị Triêu nói. Chị kể, người đầu tiên trong nhà bị bệnh là bố đẻ chị. Ông cụ được đưa tới bệnh viện, 3 tháng sau thì mất. Rồi lần lượt chồng và con chị cũng mắc các triệu chứng của bệnh “lạ”.
Chị đưa chồng, con tới Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ thì được các bác sỹ giới thiệu vào bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định), và hiện tại đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Chị Triêu cho biết, cũng như các hộ khác trong làng, nhà chị thường ăn loại gạo đế (loại gạo từ lúa được ủ trong kho sau nhiều ngày đem ra xay, giã) và dùng nước suối. Đây là thói quen có từ lâu đời của người dân H’Rê. “Bữa trước, Nhà nước có cho gạo mới để ăn nên chuyển sang ăn gạo mới rồi, có điều người dân ăn cũng không quen, và cũng không bỏ kho gạo ủ của mình” – chị Triêu kể.
Bố con anh Phạm Văn Trà, người làng Rêu, 2 tuần nay nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Anh cho biết đứa con gái đầu là Phạm Thị My đã chết tháng 12 năm ngoái do mắc chứng bệnh “lạ”, với biểu hiện nổi mẩn, bụng trương to. Đứa con trai 3 tuổi sau khi được điều trị khỏi lại tái phát bệnh. “Tôi thực sự rất hoang mang. Trong làng người dân bị bệnh, ra đi ngày càng nhiều, trong đó có cả con gái tôi. Và cho đến bây giờ vẫn chưa có thể chắc chắn có thể chữa khỏi bệnh. Người dân sẽ còn ở đây, và chứng kiến biết bao cảnh tang thương nữa” – anh Trà rầu rĩ.
Ngày tháng cứ nặng nề trôi qua với những người dân làng Rêu. Hung tin liên tục ập tới. Người chết, trẻ bị bệnh tật, quấy khóc. Đâu đâu cũng thấy người dân da tay chân nổi mẩn, da vàng vọt vì suy gan, những ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Một không khí xác xơ, tang tóc ngập cả một làng quê. “Cứ tình trạng này người làng Rêu chết hết mất. Không lẽ sống trong thời đại này mà vẫn phải chứng kiến cảnh người thân, người dân trong làng lần lượt ra đi thì quả là thảm họa rồi” – Phạm Văn Trinh (21 tuổi), tâm sự. Trinh cho biết, cậu từng mắc chứng bệnh “lạ”, nhưng sau một thời gian qua làng bên sống thì không thấy bị bệnh nữa. Theo Trinh, người dân trong làng từ lâu có thói quen ăn gạo ủ, dùng nước suối cùng việc sử dụng bếp ăn chung ngay trong phòng ở nên không đảm bảo vệ sinh.
Bệnh ngày càng trẻ hơn với nhiều mới
Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó GĐ Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: Thời gian qua, Sở ráo riết hỗ trợ người dân ứng phó với bệnh “lạ”. Ngoài việc chỉ đạo Trung tâm Y tế tăng cường bổ sung vi chất cho bệnh nhân, Sở cũng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ. Hiện trên địa bàn huyện Ba Tơ, số bệnh nhân đã tăng lên 235, trong đó 21 người đã tử vong.
Bà Đặng Thị Phượng, GĐ Trung tâm y tế huyện Ba Tơ cho biết: “Hiện số lượng trẻ em mắc chứng bệnh này ngày càng tăng. Hơn nữa, xuất hiện thêm các triệu chứng mới nóng sốt, buồn nôn và tổn thương gan… khiến cho người dân rất khó phát hiện để đưa đến điều trị kịp thời”. Theo bà Phượng, Trung tâm vừa tiếp nhận thêm 3 ca mới đều là bệnh nhi, gồm em Phạm Văn Mơ (5 tuổi), Phạm Đinh Hiếu (4 tuổi) và Phạm Thị Thủy (10 tuổi). Trung tâm tiến hành phân khu đối với những bệnh nhân nặng hơn, đồng thời áp dụng phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Song tình hình diễn biến bệnh vẫn rất phức tạp và cần sự nhập cuộc, hỗ trợ của giới chuyên gia và các ngành chức năng.
Trong chuyến thăm và khảo sát tình hình tại huyện Ba Tơ hôm 21-5, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cho biết: Sau khi khảo sát thực địa và xét nghiệm mẫu, Hội đồng khoa học của Bộ y tế đã xác định hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân là do nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng kém dinh dưỡng. Trước khi tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị triệt để, ngoài việc uống thuốc, người dân cần tăng cường các loại vitamin, bổ sung kháng sinh, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Đồng thời, cần định hướng cho tất cả người dân về chế độ dinh dưỡng và thay đổi một số tập tục và thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm thiếu khoa học của người dân địa phương (Tiền phong 23/5).
Truyền thông về quyền lợi người tham gia BHYT
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2012, cả nước có 56,11 triệu người tham gia BHYT, giảm so với cuối năm 2011 chủ yếu ở đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Tại Hội nghị giao ban quý I/2012 giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh phương hướng, nội dung truyền thông trong thời gian tới không đi vào những khẩu hiệu chung chung mà phải truyền thông một cách rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu được quyền lợi của tham gia BHYT. Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2012, cả nước có 56,11 triệu người tham gia BHYT, giảm so với cuối năm 2011 chủ yếu ở đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Do đó, trong kế hoạch tuyên truyền BHYT năm 2012 và quý II/2012 của BHXH Việt Nam đã nêu rõ, đẩy mạnh truyền thông các nội dung về BHYT cho phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, với hình thức đối thoại cơ sở cùng các đối tượng là học sinh – sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số (Gia đình & Xã hội 23/5).
5,4 triệu người chết mỗi năm do thuốc lá
Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới.
Việt Nam: 11% ca tử vong liên quan đến thuốc lá
Theo số liệu năm 2011 của Viện Chiến lược Chính sách Y tế, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế kỷ 21 ước tính 1 tỷ người chết do thuốc lá; Ước tính hàng năm nền kinh tế toàn cầu tiêu hao hơn 500 tỷ USD cho thuốc lá. Con số này vượt tổng chi tiêu hàng năm cho y tế ở tất cả các nước đang phát triển trên thế giới. Chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6-15% tổng chi phí y tế; chi phí xã hội rất cao: Mỹ: 170 tỷ USD/năm, Trung Quốc 5 tỷ USD/năm, Australia 31 tỷ USD/năm.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4%, tương đương 16 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá. Có khoảng 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; Hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Theo TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do không chủ động được nguồn tài chính, nên việc tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá không đồng bộ và thường xuyên. Kết quả đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP cho thấy, mặc dù đã có khá nhiều tiến bộ trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thuốc lá của cộng đồng, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được.
Cũng theo TS. Khuê, trong thời gian tới, việc huy động nguồn kinh phí cho PCTH thuốc lá sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn do các nguồn tài trợ quốc tế sẽ ngày càng giảm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới, vì thế đang và sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn. Theo ước tính của Bộ Tài chính nếu đầu tư 420 tỷ đồng/năm mới chỉ đáp ứng 60% kinh phí cần thiết cho hoạt động PCTH thuốc lá tại Việt Nam.
Độ tuổi hút thuốc trẻ hóa
Hiện nay, độ tuổi bắt đầu hút thuốc của thanh thiếu niên ViệtNam là rất trẻ (13-15 tuổi). Ở độ tuổi này, trẻ thường không ý thức được tính chất độc hại của thuốc lá, hút thuốc chủ yếu do bắt chước bạn bè và người lớn. Việc áp dụng cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh sẽ giúp cho trẻ nhận thức tốt hơn về tác hại của việc hút thuốc và các chất độc hại có trong khói thuốc và không hút thuốc. Như vậy sẽ bảo vệ được thế hệ trẻ khỏi sự tàn phá do các căn bệnh do thuốc lá gây ra trong tương lai.
Các nghiên cứu cho thấy: Không có một mức độ an toàn nào đối với việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Chính vì vậy WHO khuyến cáo rằng: Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói thuốc thụ động thì bầu không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Việc phân chia khu vực dành riêng người hút thuốc và người không hút thuốc trong môi trường trong nhà, hay là việc sử dụng hệ thống thông gió, lọc khí đã được chứng minh là không có hiệu quả trong việc bảo vệ con người trước khói thuốc thụ động. Việc xây dựng môi trường không khói thuốc là để bảo vệ quyền của những người không hút thuốc được hít thở không khí trong lành không khói thuốc.
Hiện trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các nơi làm việc mới chỉ cấm hút thuốc tại các khu vực trong nhà. Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị đã thực thi thành công quy định cấm hút thuốc hoàn toàn tại cả các khu vực làm việc trong nhà và trong khuôn viên cơ quan/đơn vị như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Liên đoàn Lao động các tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang, Thanh tra TP Đà Nẵng…
Hiện trong dự thảo Luật, các khu vực này được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc. Tuy nhiên, việc cho phép bố trí khu vực dành riêng cho hút thuốc trong nhà tại một số nơi như nhà hàng, quán bar, quán karaoke… là không khả thi, vì các lý do: Khách đến nhà hàng phần đông là người không hút thuốc. Họ đến theo nhóm, mỗi nhóm có cả người hút và người không hút, việc chia tách những người hút thuốc ra ngồi ở "khu vực dành riêng" là không thực tế. Theo Bộ Y tế, Quốc hội đang chuẩn bị xem xét thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, điều quan trọng là các giải pháp để bảo vệ người dân khỏi tác hại của thuốc lá (Gia đình & Xã hội 23/5).
Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 23/5/2012