Đình chỉ 2 lô thuốc không đạt chất lượng
Cả 2 lô thuốc này đều do Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu. Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty khẩn trương thu hồi và thông báo đến các cơ sở sử dụng ngưng sử dụng 2 lô thuốc này. (Người Lao động, An ninh Thủ đô 22/5 (trang 7))
Chuẩn bị triển khai chiến dịch “Ngày vi chất dinh dưỡng”
Chiến dịch "Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2012 sẽ được tổ chức thành 2 đợt: đợt một trong hai ngày 1 và 2-6; đợt hai ngày 7 và 8-12.
Để chuẩn bị tốt cho chiến dịch này, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế là cơ quan thường trực dự trù đủ vitamin A, thuốc tẩy giun, kinh phí, vật tư, nhân lực; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai. Theo chỉ đạo của thành phố, công tác tuyên truyền về chiến dịch sẽ được tăng cường để người dân hiểu và áp dụng các biện pháp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Năm 2011, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức thành công chiến dịch uống vitamin A với 99,9% trẻ em từ 6-36 tháng được uống vitamin A liều cao; 98,5% trẻ dưới 5 tuổi được đo chiều cao, cân nặng trong 2 đợt chiến dịch. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng của Hà Nội là 8,6%, giảm 2,3% so với năm 2010, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân là 4,2%, đạt 100% kế hoạch được giao. (Hà Nội mới , An ninh Thủ đô 22/5 (trang 7))
Nhân lực ngành y tế: Nghịch lý thiếu và thừa
Từ thực tế khảo sát tại các bệnh viện cho thấy nguồn nhân lực y tế hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, bên cạnh đó, nguồn cung ở từng trình độ khác nhau cũng đang có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực ngành y, dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong toàn quốc.
Từ thực tế khảo sát tại các bệnh viện cho thấy nguồn nhân lực y tế hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, bên cạnh đó, nguồn cung ở từng trình độ khác nhau cũng đang có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực ngành y, dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong toàn quốc.
Khó đáp ứng nhu cầu
Theo Bộ Y tế, đội ngũ bác sĩ trong những năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ 7 bác sĩ, 1 dược sĩ/1 vạn dân đã vượt chỉ tiêu trong Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế: Tốc độ phát triển nói trên dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu mong muốn, song đã là bước nhảy vọt về nhân lực y tế. Tuy nhiên, hạn chế chính là sự phân bổ nguồn nhân lực với tình trạng mất cân đối giữa các chuyên ngành. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập thời gian qua cũng thu hút cán bộ y tế từ các đơn vị công lập. Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành y trong những năm gần đây tăng đáng kể, song thời gian đào tạo khá dài nên phải sau 5-6 năm mới có nguồn nhân lực bổ sung cho sự thiếu hụt.
Tuy được đào tạo với thời gian dài như vậy, nhưng theo các lãnh đạo của ngành, nhiều sinh viên tốt nghiệp khi ra trường khó có thể đáp ứng ngay được yêu cầu về chuyên môn. Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2011 quy định rõ bác sĩ sau khi tốt nghiệp tối thiểu 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian này, bác sĩ mới tốt nghiệp phải được đào tạo một số nội dung cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tổ chức quản lý y tế. Song đối với một ngành nghề đặc biệt, liên quan tới tính mạng và sức khỏe con người như ngành y, việc học tập, đào tạo phải được tiến hành thường xuyên, suốt đời chứ không chỉ riêng thời gian mới ra trường.
Nghịch lý thiếu, thừa
Về phía các cơ sở đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Lưu Đức Hoạt cũng cho biết, ở các nước tiên tiến, sinh viên được đào tạo chính quy trong thời gian dài hơn ở Việt Nam, thường phải từ 9 đến 12 năm mới được hành nghề. Việc nâng cao chất lượng còn gặp khó khăn bởi thiếu một chuẩn đầu ra thống nhất cho các trường đào tạo ngành y. Điều này dẫn tới chất lượng bác sĩ hiện nay còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của từng trường, không đồng đều, tạo gánh nặng cho xã hội.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội, để bảo đảm chất lượng đầu ra, nhiều năm qua nhà trường chủ trương không đào tạo ĐH hình thức chuyên tu, tại chức và đã từ chối lời đề nghị đào tạo loại hình này của nhiều địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu Trường ĐH Y Hà Nội không chấp nhận thì các địa phương vẫn gửi sinh viên về các trường khác để đào tạo. Như vậy, sự từ chối của ĐH Y Hà Nội không những chẳng giúp tăng chất lượng mà vô hình trung có tác động ngược lại.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết: Trên thực tế, một vấn đề lớn trong đào tạo là sự chênh lệch về số lượng giữa nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau. Hiện nay chỉ có khoảng 25% số nhân lực có trình độ ĐH, trong khi nguồn cán bộ y tế từ trình độ CĐ trở xuống không thiếu so với nhu cầu. Thậm chí, Bộ Y tế cũng đã có ý kiến với Bộ GD-ĐT về tình trạng đào tạo trung cấp (TC) dược, điều dưỡng tràn lan, khiến cung vượt quá xa nhu cầu. Năm 2011, các trường TC điều dưỡng và dược có tới 85.000 chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã từ chối 5 trường có ý định mở ngành TC điều dưỡng, dược. Vừa qua, sau cuộc thanh tra công tác liên kết đào tạo trình độ TCCN ở một số trường y, Thanh tra của Bộ GD-ĐT đã phải kiến nghị các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm khi xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm 2012 vì cho rằng chỉ tiêu trình độ này quá nhiều dẫn đến một số trường tổ chức liên kết đào tạo tràn lan, trái phép.
Hiện trạng nói trên đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của hai ngành y tế và giáo dục, cùng với chủ trương mới đây của Bộ GD-ĐT cho phép các trường, trong đó có trường y, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực và nhu cầu xã hội, được trông đợi sẽ giúp giảm thiểu những bất hợp lý trong cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực y tế hiện nay. (Hà Nội mới 22/5 (trang 7))
BHYT chi trả tối đa 42 triệu đồng cho một lần
sử dụng KCB kỹ thuật cao
Theo Công văn số 1800/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa gửi các cơ quan BHXH trong cả nước hướng dẫn thống nhất việc áp dụng mức lương tối thiểu mới theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, kể từ ngày 1/5/2012, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 157.500 đồng, tương đương 15% mức lương tối thiểu không phải thực hiện cùng chi trả.
Mức chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn của một số đối tượng theo quy định là 42.000.000 đồng, tương đương 40 tháng lương tối thiểu. Như vậy, mức chi trả này đã tăng 8.800.000 đồng so với lần điều chỉnh mới nhất vào tháng 5/2011. (Người Lao động, Sức khỏe và Đời sống 22/5 (trang 7))
Tăng sức đề kháng cho người dân mắc bệnh lạ
Ngày 21.5, đoàn công tác Bộ Y tế do ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đầu, đã trao gần 27.000 viên vitamin tổng hợp, thuốc bổ gan cho Trung tâm y tế H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lạ (viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân).
Cùng ngày, đoàn công tác Bộ Y tế phối hợp cùng Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) về xã Ba Điền, vùng tâm điểm của bệnh lạ, thăm hỏi, trao 250 suất quà gồm các sản phẩm sữa chức năng cao cấp, trị giá gần 2 triệu đồng/suất, cho các trường hợp mắc bệnh lạ.
Được biết, trong những ngày qua đã phát hiện thêm 5 trường hợp mắc mới ở 2 xã Ba Điền, Ba Ngạc và hiện 50 người mắc bệnh lạ đang điều trị tại Trung tâm y tế H.Ba Tơ và Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. (Thanh niên 22/5 (trang 4))
Nối thành công hai cánh tay đứt lìa
Ngày 21-5, bác sỹ Nguyễn Minh Trực – Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cho biết: vừa nối thành công hai cánh tay bị đứt lìa của bệnh nhân Đỗ Văn Hùng (SN 1987, trú tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột). Hiện sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi tốt, các ngón tay đã cử động được.
Anh Hùng bị Ngô Văn Trung (cạnh nhà) vác rựa sang chém tới tấp hai nhát. Chém người xong, Trung về nhà dùng dao Thái đâm vào tim tự sát, bị thủng tâm thất trái nhưng được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Trung đang trong thời kỳ thụ án treo vì tội gây thương tích. (Tiền phong 22/5 (trang 6))
Bệnh “lạ” tăng chủ yếu ở trẻ em
Ngày 21-5, bà Đặng Thị Phượng – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) – cho biết trong tuần qua đã có thêm nhiều ca bệnh “lạ” mới, chủ yếu ở trẻ em. Theo bà Phượng, hiện có 209 ca mắc bệnh “lạ”.
Tuy nhiên, theo thông tin của Tuổi Trẻ, tích lũy số bệnh nhân đến nay lên đến gần 240 người. Dự báo thời gian tới, số trường hợp mắc mới tiếp tục tăng do phần lớn cư dân khu vực bệnh “lạ” đã nhiễm độc, trên 28% người dân có tăng men gan, dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân mắc bệnh này.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế do cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Quang Trung dẫn đầu đã đến Quảng Ngãi, thăm và tặng quà cho bệnh nhân tại huyện Ba Tơ.
Tổng số quà lần này trị giá khoảng 600 triệu đồng, gồm thuốc bổ gan, sữa…, trong đó Vinamilk hỗ trợ gần 500 triệu đồng.
Chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi Lê Huy cho biết tỉnh đã nhận xe cứu thương của Bộ Y tế cấp, còn máy lọc máu thì đang chờ chuyển giao. (Tuổi trẻ 22/5 (trang 9))
ĐBSCL: Nhiều bệnh nhân suy thận mãn đỡ cực
TT – Đến khoa thận – thận nhân tạo mới thành lập của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đầu tháng 5, chúng tôi thấy nhiều người nhà bệnh nhân đến đây hỏi thủ tục đăng ký chạy thận định kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Quang Khả – phó khoa thận – thận nhân tạo, hồ hởi nói bệnh viện mới có thêm 20 máy lọc thận nhân tạo, nâng tổng số máy của khoa lên 25 máy và vừa lọc thận cấp cứu vừa lọc thận định kỳ cho bệnh nhân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đi gần hơn, ít tốn kém hơn
Tính đến cuối năm 2009, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có năm máy lọc thận nhân tạo (trong đó một máy dành cho lọc cấp cứu), không thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn của bệnh nhân suy thận mãn đến từ các tỉnh ĐBSCL. Điều dưỡng Lý Thị Út, phụ trách phòng thận nhân tạo, cho biết trung bình thời gian mỗi ca lọc thận định kỳ là bốn giờ, bệnh nhân được xếp lịch định kỳ chạy thứ hai, thứ tư, thứ sáu hoặc thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Phòng bắt đầu mở cửa chuẩn bị máy móc lúc 5g30, đến gần 6g tiếp nhận bệnh nhân vào chạy ca đầu, cho đến bệnh nhân cuối cùng trong ngày kết thúc là khoảng 23g. Tuy làm việc hết công suất nhưng do ít máy nên chỉ tiếp nhận lọc thận định kỳ cho 35 bệnh nhân.
Sau khi tiếp nhận 20 máy lọc thận mới, bệnh viện gấp rút đưa vào vận hành ngay. Ông Lê Văn Chín (quê Vĩnh Long) trong ngày đầu tiên được chạy thận định kỳ tại bệnh viện kể ông rất vui. Ông bị viêm gan siêu vi C, ăn uống không được, suy nhược nên vào bệnh viện khám, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Sau hơn hai tháng điều trị và chạy thận ở đó, gia đình quá vất vả và tốn kém. "Vợ tôi nghe nói Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có thêm máy mới nên tôi quay về đây điều trị. Vậy là mỗi đợt chạy thận (tuần ba lần), người nhà chở tôi từ Vĩnh Long qua Cần Thơ (khoảng 30km) để lọc thận, xong khỏe lại chở về nhà nghỉ ngơi" – ông Chín nói.
Bệnh nhân Lê Thị Thiệp (59 tuổi, ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) cũng vậy, là người vừa được tiếp nhận lọc thận định kỳ trong đợt này. Bà nói trước đây phải thường xuyên nhập viện, từ các bệnh viện ở Sóc Trăng đến Cần Thơ để chạy thận cấp cứu. Đăng ký nhiều nơi nhưng không ở đâu còn chỗ tiếp nhận vào lọc định kỳ, bây giờ vào đây chạy thận ổn định và thanh toán nhờ thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình giảm nhiều gánh nặng.
Bác sĩ Nguyễn Quang Khả tính toán nếu vận hành hoạt động bình thường hết 25 máy lọc thận, khoa sẽ đáp ứng lọc định kỳ cho khoảng 150 bệnh nhân suy thận mãn có nhu cầu đăng ký, quan trọng hơn với số lượng máy như hiện nay, khoa có thể dành riêng máy để tiếp nhận lọc thận định kỳ cho bệnh nhân bị viêm gan B, viêm gan C bị suy thận cần phải lọc định kỳ. Tuy nhiên để tiếp nhận số lượng bệnh nhân này, khoa cần được bổ sung thêm bác sĩ và điều dưỡng mới.
Thêm các kỹ thuật mới được triển khai
TS Đặng Quang Tâm, giám đốc bệnh viện, cho biết cùng với máy lọc thận nhân tạo cho khoa thận – thận nhân tạo lần này, dự án Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL của Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế cũng đầu tư nhiều trang thiết bị, thành lập khoa mới đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân ĐBSCL. Khoa hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận máy lọc máu, lọc thận liên tục để lọc máu cho nhiều trường hợp bệnh lý gây suy thận cấp; máy móc trang thiết bị chuẩn bị cho việc mổ tim và can thiệp mạch vành cũng được chuẩn bị đưa vào vận hành. Đặc biệt với việc tách khoa thận – thận nhân tạo ra khỏi khoa hồi sức tích cực và chống độc, sắp tới bệnh viện cũng tiến hành tiếp nhận điều trị can thiệp thêm nhiều bệnh lý về thận khác, có thể tiến hành sinh thiết thận hoặc cầu thận để định hình các thể cần điều trị, tiến tới ghép thận.
Trước mắt, tại khoa thận – thận nhân tạo triển khai thực hiện phương pháp lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) cho những bệnh nhân suy thận mãn. Với phương pháp này, bệnh nhân được mổ đặt túi vào màng bụng, sau thời gian theo dõi một tháng tại bệnh viện, bệnh nhân về nhà và tiến hành tự thay dịch lọc tại nhà hoặc tại nơi làm việc (phải đảm bảo vệ sinh vô trùng), định kỳ hằng tháng quay lại bệnh viện để kiểm tra. (Tuổi trẻ 22/5 (trang 9))