Trang chủ » Tin tức » Y tế » Điểm báo ngày 19/5/2012

Điểm báo ngày 19/5/2012

Phát hiện ô mai, xí muội nhiễm chì
 Qua kiểm tra 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh ô mai tại Hà Nội có 14 cơ sở vi phạm về VSATTP bị phạt với số tiền là 54,5 triệu đồng. Các đoàn thanh tra đã tiêu hủy 26 kg hàng hóa vi phạm, niêm phong chờ xử lý 2 tấn ô mai mặn và sấu mặn; 49,5 kg đường saccarin; 30 kg cam thảo; 40 kg me là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại TP.HCM, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng đã lấy 10 mẫu ô mai, xí muội tại các cửa hàng, siêu thị, chợ để kiểm tra, trong đó phát hiện một số mẫu có sử dụng cyclamate, hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép (Thanh niên, Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong 19/5).
 
Kịp thời chữa trị cho người mắc bệnh lạ
 
Sáng 18.5, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dẫn đầu đã về xã Ba Điền, H.Ba Tơ – vùng “rốn” của bệnh lạ (viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Tại đây, ông Võ Văn Thưởng trao cho mỗi gia đình có người mắc bệnh lạ 2 triệu đồng và gia đình có người tử vong 4,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến của bệnh ở từng bản, làng, phát hiện ra người nào mắc bệnh thì phải kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị. Tính đến thời điểm này, H.Ba Tơ có 231 trường hợp mắc bệnh lạ, trong đó có 21 trường hợp tử vong. Riêng số trường hợp mắc mới từ đầu năm 2012 đến nay tăng đột biến với 122 ca (Thanh niên 19/5).
 
Xử phạt bác sỹ vi phạm
 
Ngày 18.5, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế cho biết đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính bác sĩ Nguyễn Thân (bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Hoàng Viết Thắng, TP.Huế) 3 triệu đồng vì vi phạm luật Khám chữa bệnh, với hành vi “chưa tôn trọng quyền của người bệnh trong khám bệnh”.
Báo Thanh Niên trong bài Sốt siêu vi buộc CT sọ não (ngày 15.3), nêu việc mẹ ông Lê Văn Minh Tự là bà Hồ Thị Gà, 87 tuổi, đến khám bệnh tại Bệnh viện Hoàng Viết Thắng với các triệu chứng sốt 39 độ vào chiều tối. Bác sĩ Thân không khám mà ra ngay chỉ định làm 12 loại xét nghiệm, trong đó có yêu cầu chụp CT sọ não (với giá 800.000 đồng). Tổng chi phí là 1.435.000 đồng.
Kết quả thẩm tra của Sở Y tế còn cho biết việc chỉ định CT sọ não và siêu âm màu trên bệnh nhân Hồ Thị Gà là chưa cần thiết và chưa phù hợp. Bác sĩ Thân còn vi phạm các quy định khám chữa bệnh của Bộ Y tế.
Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện đa khoa Hoàng Viết Thắng cũng đã kỷ luật hạ một bậc lương từ 1.4.2012 và không xét nâng lương đối với bác sĩ Thân cho đến 31.12.2013, bồi thường và hoàn trả toàn bộ chi phí cho bệnh nhân (Thanh niên 19/5).
 
Xí muội ngoại “ngậm” đầy chất cấm
 
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an lại phát hiện xí muội Preserved Fruits bán tại chợ An Đông, TPHCM chứa chất cực độc, có thể gây ung thư khiến người tiêu dùng hoang mang…  
Có thể gây ung thư và tiểu đường
Theo kết quả kiểm nghiệm được Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an, mẫu xí muội được lấy tại chợ An Đông có chứa 2 loại đường là cyclamate và sacc-harin với hàm lượng vượt quá 31 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng nói, theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục ATVSTP TPHCM – cyclamate là chất đã được Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm vì cyclamate có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM – khi lấy 6 mẫu trái cây khô, mứt, xí muội nhập ngoại ngẫu nhiên tại 3 sạp hàng ở chợ Bình Tây xét nghiệm về vi sinh, hóa lý, đặc biệt là chỉ tiêu kim loại nặng, chất tạo màu, tạo ngọt… kết quả kiểm nghiệm số 113440, 113442, 113444/VVS-VSTP của Viện Vệ sinh y tế công cộng cho thấy, mẫu xí muội (không ngày sản xuất, hạn sử dụng) có hàm lượng 
cyclamate lên đến 13,75% (hóa chất không được phép sử dụng) và hàm lượng sacc-harin là 8.646,34mg/kg (vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần); mẫu xí muội không hạt Songxingliangguoxilie (không ngày sản xuất, hạn sử dụng) có hàm lượng cyclamate là 2,25%, hàm lượng chì (Pb) là 0,152mg/kg (vượt quá giới hạn cho phép)… 
Trên 90% từ Trung Quốc
Hiện nay, nguồn gốc, xuất xứ của mẫu xí muội chứa chất cấm Preserved Fruits đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ kinh doanh, trên 90% xí muội được bỏ sỉ tại chợ Bình Tây phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc, số còn lại chủ yếu trong nước có xuất xứ từ Lâm Đồng, Hà Nội. 
Ở các chợ bán sỉ tại TPHCM như An Đông, Kim Biên, Bình Tây – nơi cung cấp sỉ mặt hàng này cho các tỉnh – khi được hỏi giá xí muội trong nước, người bán có vẻ không mặn mà và đưa ra giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, trong khi đó, cũng mặt hàng này nhưng của Trung Quốc thì lại có giá 80.000 – 110.000 đồng/kg. Hàng hóa không nhãn mác, không hạn sử dụng, không xuất xứ nhưng vẫn bày bán công khai mà không thấy bất cứ cơ quan nào xử phạt. 
So sánh 2 mẫu xí muội có xuất xứ trong nước ở phía bắc và mẫu xí muội nhập từ Trung Quốc có thể thấy được sự khác nhau như: Xí muội Trung Quốc lớn hơn nhiều, thịt dày, mùi vị thơm và ngon hơn. Trong khi đó, xí muội được sản xuất trong nước cơm mỏng, hạt lớn, mặn, ít mùi thơm. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến người bán thích bán xí muội Trung Quốc chính là mức giá rẻ hơn từ 15.000 – 25.000 đồng/kg. 
Cuối năm 2011, Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) đã lấy 30 mẫu xí muội, ô mai không nhãn mác trên thị trường TPHCM để kiểm nghiệm và kết quả 28/30 mẫu (93%) không đạt về chỉ tiêu như chống mốc, đường hóa học… Theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh y tế công cộng, tất cả hóa chất phát hiện có trong các sản phẩm trên đều không được ngành y tế VN cho phép sử dụng trong thực phẩm, vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người (Lao động, Sức khỏe & Đời sống 19/5).
 
Quảng Ngãi: Số bệnh nhân mắc bệnh lạ tăng đột biến
 
Hiện bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, vượt quá mức báo động khẩn cấp. Tính đến chiều 18.5, toàn huyện Ba Tơ ghi nhận 234 ca mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, làm 21 trường hợp tử vong (đều ở xã Ba Điền). Số trường hợp mắc mới từ đầu năm 2012 tăng đột biến, với 122 ca. Do vậy, người dân rất hoang mang, lo lắng, không yên tâm sản xuất.
Huyện Ba Tơ kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành y tế điều trị miễn phí, tiếp tục hỗ trợ gạo, kinh phí đối với các trường hợp mắc bệnh. Hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, thuốc men cho Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Lao động 19/5).
 
Phát hiện chất độc Glyphosate làm
chết người ở Quảng Ngãi

  
Viện Pa-xtơ Nha Trang công bố kết quả hai mẫu đất và nước có chứa chất độc Glyphosate khiến ba người chết và hơn 50 người dân ở xã Sơn Kỳ mờ mắt, tê chân tay.
Theo các chuyên gia ngành y tế, bất kể hàm lượng bao nhiêu thì chất bảo vệ thực vật Glyphosate đều gây hại đến sức khỏe con người; nếu dùng với liều lượng vượt quá ngưỡng cho phép có thể gây tử vong. Ðối với chai thuốc diệt cỏ mà người dân xã Sơn Kỳ
dùng trong quá trình làm nương rẫy, hàm lượng độc chất khoảng 480 ml trong một kg gây chết các loại súc vật thí nghiệm mẫu.
Trước tình hình này, ngành y tế Quảng Ngãi khuyến cáo người dân nên đào giếng với độ sâu tối thiểu khoảng sáu mét để sử dụng thay cho nguồn nước dẫn từ suối về nhà như lâu nay. Tránh xa những khu vực có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời phải tuân thủ sử dụng thuốc đúng liều lượng dùng theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (Nhân dân, Sức khỏe & Đời sống 19/5).
 
Bệnh viện Bạch Mai đưa thêm
102 giường bệnh vào sử dụng

 
Chiều 18/5, BV Bạch Mai tổ chức lễ khánh thành dự án cải tạo, mở rộng, nâng cao khu điều trị nội trú C9 của Viện Tim mạch và Trung tâm Y học hạt nhân, ung bướu.
TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, BV sẽ đưa vào sử dụng 50 giường bệnh điều trị nội trú theo yêu cầu của C9 Viện Tim mạch (được bố trí khép kín, có ti vi, tủ lạnh và điều hòa), 52 giường của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu. Với 102 giường bệnh mới được bổ sung này sẽ góp phầnhạn chế tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép (Hà Nội mới 19/5).
 
Lần đầu tiên phát hiện bệnh nhi mang
u quái khổng lồ ở thận

 
Ngày 18/5, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bé gái 4 tháng tuổi bị khối u quái khổng lồ ở thận trái. Đây là lần đầu tiên BV Nhi TW tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh lý hiếm gặp này.
Bệnh nhi là bé Vũ Ngọc A., ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhập viện trong tình trạng bụng trướng to, khám lâm sàng thấy khối u lớn nằm trong bụng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhi có một khối u lớn chiếm gần hết toàn bộ nửa bụng trái và phát triển từ tổ chức thận trái.
Theo ThS.BS. Hoàng Ngọc Thạch – Phó trưởng khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương), trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách khối u nặng 1,2kg màu trắng, tím, bề mặt lồi lõm với tổng kích thước 18x13x11cm từ ổ bụng bé gái. Khối u quái này phát triển không đồng nhất, hình ảnh tiểu mô thần kinh nguyên thủy và ống thần kinh nguyên thủy thấy rõ mô đặc.
Các mảnh sinh thiết cũng cho thấy tổ chức u phát triển mạnh, không có ranh giới với thận lành, gồm nhiều thành phần biệt hóa theo các hướng khác nhau như biểu mô da và các tuyến phụ thuộc da, tuyến tiêu hóa, mô xương, sụn, cơ… và mô não. Bên cạnh đó còn thấy các nang nhầy, một vài chỗ cứng như xương và rải rác có điểm chảy máu…
Các bác sĩ nhận định, đây là một khối u quái ác tính chưa trưởng thành trong thận, độ 3, giai đoạn III. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u quái khổng lồ, bệnh nhi này được tiếp tục theo dõi và điều trị hóa chất tại BV Nhi TW.
Theo ThS.BS. Hoàng Ngọc Thạch, u quái hay gặp ở các tuyến sinh dục (tinh hoàn, buồng trứng) và một số vị trí như não, đường tiêu hóa, sau phúc mạc… nhưng rất hiếm gặp ở thận. Xếp đầu bảng trong các bệnh lý u thận thường gặp nhất tại BV Nhi TW là u nguyên bào thận (tên khoa học là WILM’s) với khoảng 25-30 trường hợp được phát hiện mỗi năm. Đây cũng là một bệnh khá nguy hiểm nhưng hiện nay đã được điều trị khá hiệu quả tại BV Nhi TW theo phác đồ của châu Âu (điều trị bằng hóa chất trước để cho khối u nhỏ lại rồi mới phẫu thuật cắt bỏ). Đứng thứ nhì trong các bệnh về u thận là ung thư tế bào sáng (sarcoma tế bào sáng) và u trung mô thận thai bẩm sinh với khoảng 5-7 bệnh nhân nhập viện mỗi năm.
Tiếp đến là ung thư biểu mô thận và sarcoma dạng cơ vân (rhabdoid tumour) với khoảng 3-4 ca/năm. Trong đó, sarcoma dạng cơ vân là bệnh khá nguy hiểm, phát triển nhanh, thường gặp ở thận nhưng cũng có thể gặp ở nhiều cơ quan khác bao gồm cả não. Trường hợp phát hiện sớm thì có thể phẫu thuật được nhưng nếu phát hiện muộn thì rất khó điều trị vì khối u dạng này di căn nhiều và không đáp ứng với hóa chất. Việc phòng ngừa và chẩn đoán sớm chỉ có thể thông qua việc khám sức khỏe định kỳ và hình ảnh siêu âm.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên BV Nhi TW phát hiện và chẩn đoán trường hợp u quái ác tính ở thận trái của một bệnh nhi chỉ mới 4 tháng tuổi. Trong vòng 80 năm trở lại đây, y văn thế giới mới chỉ công bố 26 trường hợp tương tự (Sức khỏe & Đời sống 19/5).
 
Năm trẻ ngộ độc vì ăn nhộng ve sầu
 
Tin từ BV Nhi đồng 1 TPHCM hôm 18-5 cho biết, nơi đây vừa cấp cứu 5 bệnh nhi ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận trong tình trạng ngộ độc.
Trước đó, các trẻ này được BV Bình Thuận chuyển vào gồm Đ.T.T 3 tuổi; L.V.Q. 8 tuổi; H.V.T và Đ.T.TH đều 11 tuổi và em Đ.T.K.N 13 tuổi. Ba trong số 5 bệnh nhi là anh em ruột.
Các bác sĩ cho biết ngày 13-5, năm bệnh nhi trên cùng 10 trẻ khác đã đào nhộng ve sầu ở dưới đất lên, sau đó xào với dầu ăn.
Bốn giờ sau ăn, các em bắt đầu có biểu hiện nôn ói nhiều kèm triệu chứng rối loạn thần kinh như kích thích, run tay chân và biểu hiện co giật… (Tiền phong 19/5).

Gửi thảo luận