Trang chủ » Tin tức » Y tế » Công bố Điều tra Quốc gia đầu tiên về người cao tuổi

Công bố Điều tra Quốc gia đầu tiên về người cao tuổi

VNAS là cuộc điều tra về người cao tuổi ở cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Số liệu điều tra mô tả các đặc điểm kinh tế, xã hội, tình hình sức khỏe, xu hướng bệnh tật, đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc cũng như việc tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội và dịch vụ y tế của người cao tuổi Việt Nam. Theo ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, số liệu của cuộc điều tra này sẽ là đầu vào quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách cho người cao tuổi Việt  Nam. 

Theo VNAS, tại thời điểm điều tra, 50% số người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng, tình trạng sức khỏe hiện tại là yếu hoặc rất yếu. Đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau lưng là các triệu chứng thường gặp nhất ở người cao tuổi. Gần 40% người cao tuổi được chẩn đoán có bệnh huyết áp và trên 30% người cao tuổi được chẩn đoán viêm khớp. Tiếp theo là một số bệnh như tim mạch, răng miệng, viêm phế quản hoặc bệnh phổi mạn tính, song tỷ lệ mắc các bệnh này không quá 20%. Tỷ lệ người cao tuổi gặp ít nhất một khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo hay đi đại tiểu tiện là 30%.

Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, vẫn có có khoảng 30% người cao tuổi không có một loại bảo hiểm y tế nào. Tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 20% và vẫn còn 25% người cao tuổi ở nhóm tuổi 80 trở lên chưa được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, trong số người cao tuổi phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gần 50% không đủ tiền để chi trả.

Về cảm giác buồn hoặc thất vọng, tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác này ít nhất một vài lần trong tuần là khoảng 40%. Tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác này hầu như cả tuần dao động từ 7-8%, song tăng lên gần gấp hai ở nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi (15,5%). Có gần 30% người cao tuổi không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui hoặc buồn.

Cuộc điều tra cũng cung cấp nhiều thông tin đáng quan tâm liên quan đến người cao tuổi. 64% người cao tuổi biết đọc và viết dễ dàng, người càng cao tuổi, nữ giới, người ở nông thôn và người dân tộc thiểu số có tỷ lệ biết đọc, viết hoặc cả đọc và viết đều thấp hơn nhiều so với người ít tuổi, nam giới, người ở thành thị và người Kinh. Người càng cao tuổi thì có tỷ lệ sống trong hộ gia đình từ 3 thế hệ trở lên cao hơn nhóm tuổi trẻ hơn và phần lớn người cao tuổi vẫn sống với con cháu (69,5%). Tính trung bình, khoảng 60% thu nhập của người cao tuổi là từ hai nguồn: làm việc (29,4%) và từ hỗ trợ của con cái (31,9%). Các khoản trợ cấp xã hội và lương hưu chiếm khoảng 25% thu nhập của người cao tuổi. Tự đánh giá về tình hình tài chính của gia đình, có đến 63% người cao tuổi cho rằng cuộc sống còn thiếu thốn. Đáng chú ý, tỷ lệ người cao tuổi hiểu biết về quyền lợi dành cho họ không cao. Trên 50% người cao tuổi biết về quyền được hưởng trợ cấp hoặc mừng thọ, còn lại các quyền lợi khác thì ít người cao tuổi biết rõ.

Cuộc điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam do Trung  ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt  Nam phối hợp cùng Trung  ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Viện nghiên cứu Y–Xã hội học (ISMS) và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC) tiến hành năm 2011 trên hơn 4.000 đối tượng từ 50 tuổi trở lên tại 12 tỉnh/thành phố đại điện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam (bao gồm Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đắc Lắc, Đồng Nai, Sóc  Trăng,  Tiền  Giang  và  TP. Hồ  Chí  Minh). Cuộc điều tra còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HAI) cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tin và ảnh: Thùy Linh

Gửi thảo luận