Hậu quả của chữa bệnh đồn thổi
Chị Hoàng Thị Toan (ở Mỹ Xá, Nam Định) thấy ngực có cục u cứng nên đã đi khám và được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm. Sợ đụng dao kéo sẽ làm cho khối u tiến triển nhanh, chị từ chối phẫu thuật. Đợt nghỉ Giỗ tổ vừa qua, chị về quê ở Vĩnh Phúc cắt 10 thang thuốc nam uống và đắp. Sau một tuần, khối u chảy nước, khiến chị đau đớn, không đứng ngồi đi lại được… Cuối cùng chị đã phải tới BV K để khám. BS Nguyễn Thị Hương – người trực tiếp điều trị cho chị Toan – nhận định: Nếu phẫu thuật ngay từ khi vừa phát hiện, có lẽ chị đã khỏi bệnh 90%. Thế nhưng, khối u ác tính đã di căn vào gan và phổi…
ThS-BS Nguyễn Thị Hương cho biết: Hầu như tháng nào, khoa cũng tiếp nhận vài ba bệnh nhân bị tai biến nặng nề do uống và đặc biệt là dùng lá thuốc, thuốc nam. Mới đây, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cũng điều trị một ca ngộ độc rất nặng sau khi uống thuốc đông y gia truyền chữa đau thần kinh tọa. Sau 9 thang thuốc, chị Nguyễn Thị Thoa (ở Hưng Yên) toàn thân mẩn ngứa, nổi ban đỏ, bọng nước toàn thân, loét các hốc tự nhiên mắt, bộ phận sinh dục… Theo các BS ở đây, các biểu hiện này của chị Thoa là do ngộ độc thuốc đông y, căn bệnh có thể gây tổn thương gan, thận rất nặng nên điều trị tốn kém và nguy cơ tử vong cao.
Những người bệnh chồng bệnh vì thuốc gia truyền như thế có thể gặp ở mọi độ tuổi, mọi BV. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai – cho biết, nhiều phụ huynh thường tìm đến các loại thuốc này để con ăn khỏe, chóng lớn, chống suy dinh dưỡng… Tác dụng của các loại thuốc này chưa được kiểm chứng, đều mới chỉ là lời đồn thổi. Hơn nữa, phần lớn thuốc không rõ nguồn gốc, rất có thể bị nhiễm kim loại nặng (như chì, asen…), bằng mắt thường không thể biết được. Cũng có loại thuốc được trộn tân dược, coticoid… giữ nước, khiến cha mẹ tưởng nhầm con tăng cân mà không hiểu tác dụng phụ của corticoid rất nguy hại cho trẻ”.
Dược liệu bẩn, thuốc kém chất lượng
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Dù là thuốc gia truyền, nhưng cũng phải được cơ quan y tế địa phương cấp số đăng ký, hoặc người hành nghề phải được cấp phép hành nghề thì mới được lưu hành. Nếu không, các cơ sở này đều bị đình chỉ hoạt động, thuốc bán ra được coi như không có nguồn gốc xuất xứ. Công hiệu của những loại thuốc này, ngoài chủ cơ sở, không ai biết được thành phần ra sao, hiệu quả thế nào.
TS Vũ Đức Lợi – Trưởng phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học – cũng cho hay: Các mẫu thuốc cam được phát hiện có chì nếu không phải là thuốc bán rong, cũng đều là xuất phát từ những cơ sở gia truyền “miệng”, không đăng ký với ngành y tế sở tại. Còn các loại thuốc cam có đăng ký thì 100% đều không nhiễm các kim loại nặng độc hại.
Cũng cần nhắc lại một thống kê mà mới đây Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố về kết quả xét nghiệm các mẫu dược liệu được lấy ở xã Ninh Hiệp, qua đợt khảo sát hồi tháng 11.2011. Có tới 30% số mẫu dược liệu không đạt yêu cầu. Sở dĩ các loại dược liệu này không đạt tiêu chuẩn là do thường được bảo quản trong nhà kho ẩm mốc, phơi trên sân gạch. “Đầu vào” không sạch, quy trình sản xuất “gia truyền”, nên hiệu quả mù mờ là điều dễ hiểu!
Thuốc gia truyền… truyền thêm bệnh
Theo: thuocantona.com.vn