Trang chủ » Tin tức » Y tế » Hóa chất trong rau quả, biết vẫn… phải dùng

Hóa chất trong rau quả, biết vẫn… phải dùng

CẢNH GIÁC VỚI NHIỀU LOẠI HÓA CHẤT

Làm bằng chứng cho việc sử dụng hóa chất bảo quản, đến nay chị N.T.H. còn giữ trong nhà mấy quả cam vàng, vẫn gọi là “cam Mỹ” được mua về từ tháng Giêng. Hiện chúng nhìn bằng mắt chưa hề thấy dấu hiệu gì thay đổi. Chị H không dám ăn và cũng chưa vứt đi, phần vì tiếc của, phần vì là “lộc” đi lễ cho nên chị vẫn giữ lại. Khi hỏi chị, tại sao biết cam có ủ hóa chất bảo quản mà chị vẫn mua, chị H. thanh minh: “Dù biết là vậy, nhưng đi lễ, biết mua quả gì để thắp hương. Các loại quả nho, táo, lê thì cũng bị ủ thuốc. Ngay đến cả chuối cũng khó mà tin tưởng được, thế nên đành phải sắm sửa cho đủ ngũ quả để đi lễ, chứ lễ xong cũng chẳng dám ăn mà cũng không dám vứt vì sợ phải tội”.

Hiện nay, nhiều người trồng rau lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật để phun tưới vì mục đích lợi nhuận. Dư lượng hóa chất tồn dư trong rau quả có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Thực tế có nhiều vụ ngộ độc xảy ra do ăn rau quả bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật như rau cải, bắp cải, dưa lê, dưa chuột, cà chua…

Ngoài sự ô nhiễm môi trường chung làm ảnh hưởng đến vật nuôi cây trồng, thì sự bổ sung hóa chất vào thực phẩm trong quá trình trồng trọt, sản xuất là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. TS. Mai Thanh Truyết, nhà môi trường học chia sẻ, urea có đặc tính phụ là kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn cho nên đã bị lạm dụng để bảo quản thực phẩm như tôm cá, giữ được sắc còn tươi dù đã để lâu ngày. Còn nitrite, đã được sử dụng làm cho trái cây, rau đậu được tươi xanh. Hóa chất trên là mầm móng của ung thư nhất là ở dạ dày và ruột già. Kỹ nghệ trái cây sử dụng đến hóa chất calcium carbide hay khí đá nhiều nhất. Trái cây được hái xuống khi còn chưa chín, sau đó được ủ trong khí đá và chỉ vài giờ sau, các trái cây còn xanh như chuối, xoài, đu đủ, v.v. sẽ có màu tươi tốt như mới vừa chín tới. Việc dùng khí đá để “thúc” trái cây làm bắt mắt người mua, nhưng phẩm chất của trái cây không còn giữ được như trong tự nhiên nữa như độ ngọt và mùi vị sẽ kém đi. Hiện nay khí đá đã được thay thế bằng một hóa chất tổng hợp khi pha vào nước sẽ gây phản ứng cho ra khí đá và làm trái cây chín sau vài giờ ngâm trong dung dịch.

LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA

Sự hiện diện của hóa chất trong thực phẩm, rau củ, trái cây là một nỗi lo lắng cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của người Việt Nam. Để nhận biết, lựa chọn và sử dụng các loại rau – củ – quả an toàn, BSCKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh khuyên người tiêu dùng, nên chọn các loại rau, củ phải gọt vỏ khi ăn như bí, bầu, mướp… Tránh mua rau quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước ở ngoài chợ vì ngoài việc nguồn nước ngâm không bảo đảm vệ sinh hay có các hóa chất độc hại để giữ trắng, giòn, các sinh tố vốn có trong rau tươi như sinh tố C, dễ bị hoà tan và mất đi trong nước ngâm.

Theo kinh nghiệm của chuyên gia, để bảo đảm an toàn trong sử dụng rau quả tươi, người tiêu dùng cần biết cách ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, gọt vỏ các loại quả ăn tươi. Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15 – 20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất ba, bốn lần) trong chậu nước đầy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi. Ngâm nước muối kỹ với các loại rau lá nhỏ như cải, xà lách, rau dền… Khi nấu chín nên mở vung để loại trừ phần lớn dư lượng hóa chất thực vật.

* GIÚP BẠN LỰA CHỌN THỰC PHẨM AN TOÀN

Đối với rau, quả:

Nên chọn: Rau, quả tươi, toàn vẹn hình dạng, không bị héo úa, mầu sắc tự nhiên, giòn chắc, cầm nặng tay, không bị trầy xước, giập nát hoặc dính các chất lạ. Có thể chọn một số quả được phủ lớp phấn trắng tự nhiên.

Không nên chọn: Rau, quả có mùi, vị lạ, bị giập nát.

Đối với các loại củ:

Nên chọn: Không hà, không có sâu bọ.

Không nên chọn: Củ có mùi hôi chua, mốc, hoặc mùi vị lạ, mùi hóa chất.

Đối với khoai tây: không nên chọn củ mọc mầm vì mầm khoai tây có thể gây ngộ độc.

Lựa chọn nơi cung cấp thực phẩm an toàn:

Nên mua ở các cửa hàng có đẩy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm vệ sinh an toàn (có trang thiết bị bảo quản phù hợp với thực phẩm…).

Không nên mua:

– Ở những quầy hàng, quán hàng, bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng hoặc gần nơi ô nhiễm: rác, nước thải, hóa chất…

– Ở những nơi bày bán lẫn lộn tạp chất, hóa chất, xà-phòng, bột giặt, mỹ phẩm…

– Với nước giải khát, hoa quả, trái cây, sữa… không mua ở những nơi không có phương tiện bảo quản lạnh, những nơi bày bán dưới nắng, nóng, ẩm ướt, bụi bẩn, khói, gần nơi ô nhiễm: rác, nước thải, hóa chất…

(Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc FAO)

Gửi thảo luận