Trang chủ » Tin tức » Y tế » Thầy thuốc Việt Nam đoàn kết, trí tuệ, nỗ lực phục vụ nhân dân

Thầy thuốc Việt Nam đoàn kết, trí tuệ, nỗ lực phục vụ nhân dân

Đến dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế ; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố, các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đương nhiệm và tiền nhiệm; các vị khách quốc tế cùng hơn 1.000 đại biểu cán bộ y tế đại diện cho đội ngũ cán bộ y tế trên khắp mọi miền đất nước về dự đại hội.

Năm thứ ba liên tục ngành y tế hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

 

* Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho 72 cán bộ y tế đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 11 tập thể thuộc Bộ Y tế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành y tế năm 2011; trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 11 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác được giao và có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

*Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 30 công trình và cụm công trình khoa học y dược nổi bật của ngành y tế, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam.

Trong không khí ấm áp của Lễ kỷ niệm, tất cả cùng lắng lại khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xúc động nhắc lại Thư của Bác gửi ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”.

Thực hiện lời dạy của Người, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, báo cáo tổng kết công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2011, nhiệm vụ công tác năm 2012, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2011 là năm thứ ba liên tục ngành y tế tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao gồm: Chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân; Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; Chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ sinh; Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý. Các chỉ tiêu hoạt động khác được Chính phủ giao cũng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra trong các lĩnh vực YTDP, ATVSTP, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, DS-KHHGĐ, phát triển nhân lực y tế.

Trong năm 2011, Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư, tiến hành rà soát các công trình đầu tư và chỉ đầu tư cho các công trình đem lại hiệu quả cao, phục vụ trực tiếp cho người bệnh. Chủ động, tích cực triển khai công tác phòng chống dịch, khống chế được các bệnh dịch xảy ra trong năm như dịch tay – chân – miệng, viêm não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1). Tình hình ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc đã giảm rõ rệt so với năm 2010 cả về số vụ, số người mắc, số nhập viện và tử vong. Mạng lưới khám chữa bệnh tiếp tục được củng cố, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phổ cập của nhân dân. Năm 2011 là năm thứ ba thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, triển khai Quyết định số 2166/QĐ-TTg Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho 72 thầy thuốc có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.  Ảnh: Trần Minh
Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam để điều chỉnh khung giá của các dịch vụ kỹ thuật y tế. Đổi mới phương thức thanh toán giá dịch vụ bệnh viện (theo định suất, trường hợp bệnh). Tiếp tục triển khai hiệu quả đầu tư cho bệnh viện huyện từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác.

Bộ Y tế hiện đang xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020; Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 10-20% so với năm 2010, mở các mã ngành đào tạo mới… nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Trong lĩnh vực dược, về cơ bản đã thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng và giá cả tương đối ổn định. Không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, thông qua mở rộng hợp tác, ngành y tế đã tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu lên một số tồn tại khó khăn của ngành như: mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; Các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe ngày càng gia tăng (môi trường, biến đổi khí hậu, lối sống…); Ngân sách có tăng nhưng mức tăng còn thấp nên chưa đáp ứng được các yêu cầu chi tiêu cơ bản. Nhân lực y tế còn thiếu, trình độ chưa cao, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; Trong khi đó, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn…

Từ thực tế trên, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục cân đối tăng nguồn vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp cho ngành y tế; Sớm xem xét, phê duyệt một số đề án của Bộ Y tế. Đề nghị các Bộ, ban, ngành UBND, HĐNĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ để công tác y tế đạt hiệu quả cao.
 
Phân bổ ngân sách địa phương cho y tế theo hướng tốc độ tăng chi y tế từ ngân sách địa phương cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách của địa phương; dành tối thiểu 30% cho lĩnh vực y tế dự phòng theo Nghị quyết của Quốc hội. UBND các tỉnh trình HĐND giao cho Sở Y tế quản lý ngân sách ngành tại địa phương để nâng cao vai trò của Sở Y tế trong việc tham mưu cho UBND, HĐND phân bổ ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư cho phù hợp với yêu cầu phát triển ngành y tế tại các địa phương, phù hợp với các trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư. Ban hành các chính sách thu hút cán bộ y tế về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để động viên, thu hút cán bộ y tế công tác.

 PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế trao Bằng khen cho tác giả của 30 công trình, cụm công trình khoa học y dược nổi bật của ngành y tế. Ảnh: TM

 

8 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TRONG GIAI ĐOẠN 2012-2016

1. Chủ động phòng chống dịch bệnh.
2. Giảm tải các bệnh viện.
3.  Đổi mới cơ chế tài chính y tế công lập.
4. Thực hiện Luật BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
5.  Tăng cường mạng lưới y tế cơ sở.
6.  Tăng cường nhân lực y tế.
7.  Thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu.
8. Nâng cao hiệu quả công tác TTGDSK.

Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành kế hoạch 2012

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi tới toàn thể cán bộ ngành y tế lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dịp để tri ân và tôn vinh người thầy thuốc. Thủ tướng biểu dương những kết quả của ngành y tế đã đạt được trong năm 2011 và những năm qua, đề nghị các cán bộ y tế tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đạt được để xây dựng ngành tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ thầy thuốc đi trước, với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
Bên cạnh những thuận lợi, Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại của ngành như khó khăn chung của tình hình kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, tình trạng ô nhiễm môi trường, cơ cấu bệnh tật thay đổi, dịch bệnh gia tăng, quá tải tuyến trên… Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2012, ngành y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Chính phủ, gắn việc học tập và làm theo gương Bác với việc nâng cao y đức và nhiệm vụ của ngành; Đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, phát triển, nhất là y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng; Khẩn trương nghiên cứu quy hoạch hệ thống bệnh viện, y tế chuyên sâu; Huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế, trong đó có nguồn từ công tác xã hội hóa.
 

 Tiết mục văn nghệ trong Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.  Ảnh: Trần Minh
Sớm đưa vào sử dụng các bệnh viện từ nguồn trái phiếu Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh BHYT toàn dân; Sớm trình Chính phủ Đề án Giảm tải bệnh viện; Đảm bảo thuốc và quản lý giá thuốc phục vụ người bệnh; Chủ động khống chế các dịch bệnh; Mở rộng các hình thức đào tạo nguồn nhân lực cho ngành; Nâng cao chất lượng dân số; Tăng cường tuyên truyền công tác CSSK đến mọi người dân…
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế cùng toàn thể cán bộ y tế trong cả nước xin hứa sẽ đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao. 
 

Một số nhiệm vụ trọng tâm ngành y tế năm 2012

Tiếp tục đạt và vượt kế hoạch 4/4 chỉ tiêu do Quốc hội và các chỉ tiêu do Chính phủ giao; Dự kiến xây dựng, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ 19 Đề án quan trọng nhằm nâng cao chất lượng CSSK nhân dân; Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành y tế tại Trung ương; Triển khai thực hiện Nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai có hiệu quả các dự án. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế; khuyến khích phát triển các bệnh viện ngoài công lập.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT. Mục tiêu của lĩnh vực BHYT trong năm 2012 là tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 65% dân số.

Chủ động giám sát, phòng chống các dịch bệnh… Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia; Tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm tải bệnh viện.

Tăng cường đầu tư mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực cho các cơ sở y tế trong thời gian tới. Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc, mở rộng hợp tác quốc tế…

Phát động phong trào thi đua thực hiện làm theo lời Bác

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã đánh giá sơ kết phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 trong toàn ngành với các nội dung: 100% các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung chỉ đạo, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 1973 của Thủ tướng Chính phủ; 100% các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đổi mới công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; 100% cơ quan, đơn vị trong toàn ngành rà soát, xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các vị trí, chức danh.
 
Lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị; Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa chính quyền và công đoàn, tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong ngành đang được triển khai, đặc biệt là các phong trào thi đua nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như các phong trào phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược – trang thiết bị y tế, kế hoạch hóa gia đình; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động nhân dân, cộng đồng xã hội tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc nhân dân.
 
Xây dựng nội dung tuyên truyền cụ thể về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về những tấm gương người tốt, việc tốt; Hàng năm từng tổ chức Đảng, từng cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình và của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

 

Gửi thảo luận