Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các tổ chức hành động để đảm bảo đến khi dân số thế giới trở nên già hóa thì người cao tuổi sẽ có sức khỏe tốt.
Các bệnh không lây nhiễm (NCD) –sức khỏe chính cho nguy cơ của người cao tuổi
Thách thức về sức khỏe chính đối với người cao tuổi trên khắp thế giới là các bệnh mạn tính như bệnh tim, đột quỵ, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi mạn tính.
TS. Margaret Chan-Giám đốc WHO cho biết: Hiện nay, người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với các nguy cơ dẫn đến tử vong và tàn tật do các bệnh mạn tính cao hơn 4 lần so với người dân ở các nước có thu nhập cao. Trong khi đó, các bệnh này có thể phòng tránh được cho nhiều người hoặc điều trị với chi phí rẻ.
Lối sống lành mạnh đem lại hiệu quả tốt
Có thể giảm nguy cơ tăng các bệnh mạn tính bằng cách thực hiện các hành vi lành mạnh như tập luyện thể lực, ăn uống hợp lý, tránh sử dụng các loại đồ uống có hại như rượu, không hút thuốc lá hoặc các sản phẩm từ thuốc lá. Một người càng sớm thực hiện các hành vi lành mạnh này thì cơ hội khi về già sẽ khỏe mạnh càng cao. Đại diện của WHO, TS. John Beard nói: Lối sống lành mạnh hình thành từ khi còn nhỏ là yếu tố quan trọng để có tuổi già khỏe mạnh và năng động.
Biện pháp chi phí hiệu quả
WHO nhấn mạnh các nước cần thực hiện các bước để phòng các bệnh mạn tính và thiết lập các hệ thống, các dịch vụ đảm bảo cho việc điều trị và chăm sóc khi cần. Hiện nay, tới 15% người cao tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình được điều trị huyết áp cao.
WHO khuyến cáo 4 hoạt động quan trọng mà chính phủ và các nước có thể thực hiện ngay để người cao tuổi khỏe mạnh và tích cực hoạt động hơn:
Khuyến khích thực hành các hành vi lành mạnh cho sức khỏe ở tất cả các lứa tuổi để phòng hoặc làm chậm sự phát triển của các bệnh mạn tính.
Giảm thiểu hậu quả của các bệnh mạn tính thông qua việc phát hiện sớm và chăm sóc tốt –chăm sóc ban đầu, chăm sóc lâu dài và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân.
Tạo môi trường tự nhiên và xã hội nhằm tăng cường sự tham gia của người cao tuổi.
“Quan niệm lão hóa tích cực”-thay đổi thái độ của xã hội để xây dựng một xã hội mà ở đó người cao tuổi được tôn trọng và kính nể.
Phá bỏ các khuôn mẫu
Sức khỏe yếu không chỉ là mối băn khoăn của con người khi tuổi già đến. Nhưng hiện nay vẫn còn những quan niệm, rào cản thường hạn chế người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội. Người cao tuổi cũng có những đóng góp quan trọng như các thành viên khác trong gia đình, họ còn là những tình nguyện viên, là thành viên tích cực khi tham gia lao động và là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế và xã hội.
TS. Chan phát biểu: Khi thấy một cụ già 100 tuổi hoàn thành cuộc thi marathon vào năm ngoái, chúng ta phải suy nghĩ lại các định nghĩa cổ về những gì gọi là già – những khuôn mẫu trước đây đã có từ thế kỷ trước, chúng ta không nên giữ thêm nữa.
Sức khỏe tốt cho người cao tuổi
Tú Quỳnh (theo WHO)