Là loại cây thấy mọc hoang khắp các tỉnh đồng bằng và trung bộ trên các đồi núi thấp, cây ưa ẩm, ưa ánh sáng, hơi chịu bóng. Mùa ra hoa vào tháng 2 – 3, mùa quả tháng 4 – 6 hằng năm.
Cây Đằng xay thường mọc thành bụi, cao khoảng 1 – 1,5m, toàn thân và các bộ phận của cây đều mang lông măng, lá mềm hình tim, đầu nhọn và rộng chừng 10cm. Hoa to, mọc ở kẽ lá hay cuống gấp khúc, đơn độc, màu vàng, cuống hoa dài bằng cuống lá. Đài 5 răng, không có tiểu đài, nhị nhiều. Nhụy gồm 20 lá noãn. Quả có 10 manh nang xếp quanh trục giống như cái bánh xe hay cối xay lúa. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt. Mọc hoang ở đất khô hay trồng làm thuốc. Cây có chứa nhiều chất nhờn, asparagin. Bộ phận sử dụng làm thuốc là là toàn bộ cây trên mặt đất gồm Lá, Thân, Rễ, Quả tươi hay khô.
Tác dụng dược lý của Đằng xay thấy hợp chất gossipin có công hiệu kháng viêm mạnh. Còn hạt có tác dụng nhuận tràng, tiêu viêm. Thuốc có công hiệu trị cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau đẻ, kiết lị, mắt có màng mộng, tai điếc. Lá dùng đắp ngoài chữa mụn nhọt, có thể kết hợp lá Đằng xay cùng nhân trần sắc uống để chữa chứng vàng da hậu sản.
Đông y cho rằng, Đằng xay có vị ngọt, tính mát, có công hiệu giảm đau do cảm gió, thanh huyết nhiệt, giải độc lọc máu, khai khiếu, hoạt huyết, chữa mụn nhọt, thông tiểu tiện, chữa sốt, chữa tiểu đỏ…Liều dùng trung bình choc ho dạng thuốc sắc là 4 – 6g. Lấy lá tươi giã nhỏ đắp mụn nhọt không kể liều lượng.
Để cùng tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu vài phương thuốc tiêu biểu trị bệnh từ cây đằng xay.
* Chữa cảm sốt (kể cả đau đầu, ù tai, bí tiểu tiện), Bạch đới: Rễ hoặc lá cây Đằng xay 4 – 8g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
* Chữa mụn nhọt, rắn cắn: Dùng lá tươi và hạt cây Đằng xay từ 8 – 12g, giã nhỏ, thêm nước vắt lấy nước cốt uống (dùng trị cả lỵ), bã đắp lên mụn nhọt hoặc nơi vết rắn cắn.
* Chữa vàng da hậu sản: Lá Đằng xay 12 – 16g, nhân trần 15g, sắc lấy nước uống thay nước trong ngày. Cần uống 5 – 7 ngày liền.
* Làm tăng lượng tinh dịch: Hoa Đằng xay 15 – 20g, sắc hãm lấy nước uống hằng ngày (theo tài liệu của Ấn Độ).