Trang chủ » Chưa phân loại » Lương y như từ mẫu – yếu tố cốt lõi của ngành y

Lương y như từ mẫu – yếu tố cốt lõi của ngành y

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác y tế – hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn hướng tình cảm và sự yêu thương của mình đối với những người thầy thuốc, vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan đến tính mạng con người. Và Bác cũng cho rằng, con người là gốc của mọi công việc, trong đó sức khỏe là vốn quý nhất. Chính vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện như thế nào, Người luôn quan tâm và nhắc nhở vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ những người thầy thuốc đối với công tác chăm lo đời sống, sức khoẻ nhân dân. Bác viết: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Riêng đối với các cán bộ, viên chức ngành y tế, Người ân cần nhắc nhở trong công việc phải hết sức cẩn thận, không được mắc sai lầm, nếu xảy ra một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người mắc lỗi có khi không còn cơ hội để sửa chữa, khắc phục được nữa.
Lòng nhân hậu, hết lòng hết mực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ của Bác còn được thể hiện rất nhiều trong các bài nói, bài viết. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Bác viết: “Cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”. Ngày 27/2/1955, trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ chủ chốt ngành y tế, Bác tiếp tục nhấn mạnh đến trách nhiệm của những người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Nói về y đức, có lẽ chưa ai hiểu một cách sâu sắc, thiết thực và thấm đượm lòng nhân ái như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Người không chỉ nhắc nhở mà còn vạch rõ phương hướng cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trở thành những “lương y kiêm từ mẫu”, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân, cộng đồng. Trong công tác chuyên môn, Người đặc biệt nhắn nhủ đội ngũ thầy thuốc phải tích cực học tập, nghiên cứu, nâng trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ tốt công tác, luôn trau dồi tư tưởng, đạo đức, hết lòng yêu nước, yêu dân, yêu nghề.
Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Bác đặc biệt căn dặn đội ngũ cán bộ ngành y tế trước hết phải thật thà đoàn kết, nhất là đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong và ngoài ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị giúp việc. Bởi đây là công việc tuy khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, cùng chung tay hết lòng phục vụ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đề cao vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc, phải thể hiện hết lòng thương yêu người bệnh như người thân của mình, vì có tình thương yêu thì việc cứu người sẽ đạt được kết quả cao.
Ngày nay, nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, người thầy thuốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức, trước cám dỗ của đồng tiền. Vì vậy, người thầy thuốc phải giữ vững bản lĩnh của mình, nhìn thẳng vào căn bệnh, thể trạng của bệnh nhân mà điều trị, không phân biệt giàu nghèo để có sự quan tâm, chăm sóc như nhau. Đây cũng là yêu cầu mà Bác đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh.
Lương y phải như từ mẫu, là tư tưởng và là yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành y. Thực hiện lời dạy của Người và noi gương các bậc thầy, các thế hệ đi trước đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp nền Y học nước nhà, trong những năm qua, ngành y tế Đồng Tháp nói chung, đội ngũ y, bác sĩ nói riêng đã không ngừng phấn đấu, tích cực rèn luyện y đức, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Cùng với việc phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm diễn ra phức tạp, đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà luôn vượt qua khó khăn không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại để phục vụ tốt cho công tác điều trị, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu người. Với nghĩa cử cao đẹp ấy, đội ngũ những người thầy thuốc đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy và  xứng đáng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.

Quốc Cường

Gửi thảo luận