Nếu như công việc chuyên môn của một nhân viên y tế cứ trôi qua đều đặn mỗi ngày thì có gì đáng nói, nhưng ở chị, ngoài chuyên môn, chị còn dành rất nhiều tâm sức vào công việc mà chị hết sức tâm đắc, công việc ấy cũng hết sức bình thường, không có gì là to lớn, vĩ đại, nhưng lại mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính nhân đạo cao, với tôi, có thể nói chị sinh ra để làm…từ thiện! Nhiều năm qua, những công việc từ thiện mà chị đã làm để giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần không chỉ bó gọn trong đơn vị phường Mân Thái nơi chị công tác mà còn lan tỏa đến cả bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, với những trẻ em mồ côi ở chùa Quang Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), và mới đây, đến với cả bệnh nhân phong và bệnh nhân mù trên địa bàn quận Sơn Trà.
Với những phần quà đến tay từng bệnh nhân tuy không lớn về vật chất nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần to lớn, đem lại niềm vui, sự động viên, tin yêu cuộc sống cho bệnh nhân. Có thể nói, ở chị – một sự hy sinh thầm lặng cho những mảnh đời thiếu may mắn, một sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của từng bệnh nhân, với những trẻ em mồ côi cơ nhỡ và hơn tất cả đó là sự sẻ chia!
Để có nguồn tài chính dồi dào phục vụ lâu dài cho công tác từ thiện, đó là nỗ lực lớn của chị, hoàn toàn tự thân vận động, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, với mọi đối tượng, từ những con người bình thường cho đến những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, ngay cả chính quyền các cấp… Bất cứ ở đâu, nơi nào, chị cũng đều tranh thủ mọi vận động đóng góp. Vì thế mà “Chương trình yêu thương” (chương trình do chị thành lập và chủ công, có sự tham gia tự nguyện của các cộng tác viên) với mục đích từ thiện, luôn được duy trì và phát triển.
Đến phường Mân Thái, quận Sơn Trà hỏi chị Thủy y tế hầu như ai cũng biết. Chị là Huỳnh Thị Thủy nhưng người ta thường gọi là “Thủy từ thiện”. Chị sinh năm 1971, vào ngành tháng 1/1996, công tác tại Trạm y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà với 2 năm làm việc hợp đồng và 2 năm biên chế chính thức. Tháng 3/1998, chấp hành sự phân công của lãnh đạo ngành, chị về nhận công tác tại Trạm y tế phường Mân Thái, đảm nhận vai trò quản lý bệnh nhân tâm thần cho đến nay. Là một con người năng nổ, không ngại khó, gương mẫu trong công việc cũng như trong quan hệ, luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, được đồng nghiệp yêu mến, bệnh nhân tin yêu, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và lập trường tư tưởng vững vàng của chị đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 13/6/2006, chị đã vinh dự được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng năm này, chị được đề bạt làm Phó trưởng Trạm y tế phường Mân Thái.
Có tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần mới thấu hiểu hết nỗi khổ của người chịu trách nhiệm quản lý họ. Quản lý 50 bệnh nhân tâm thần trên toàn địa bàn phường, với số lượng này, bệnh nhân bình thường đã khó, huống hồ đó là những bệnh nhân tâm thần, những con người hoàn toàn không làm chủ được mình, không hề kiểm soát được hành vi, vì thế, người tiếp xúc luôn có nguy cơ cao về mức độ nguy hiểm. Với một phụ nữ chân yếu tay mềm, phải người có bản lĩnh mới đảm đương được.
Đằng sau niềm vui được tặng quà, sổ tiết kiệm của người bệnh có vai trò của chị Huỳnh Thị Thủy.
|
Thật bất ngờ, sau một thời gian vận động, chị đã nhận được nhiều sự ủng hộ và cổ vũ từ mọi người, nhất là các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân. Được một nguồn ngân sách kha khá, năm qua chị thực hiện được 6 đợt hỗ trợ thêm bữa ăn trưa, mỗi suất 10.000đ, mỗi đợt cho khoảng 200 – 250 bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Vì nguồn quỹ còn khiêm tốn nên cuối năm qua chị rà soát lại, chọn ra 5 trong số 50 bệnh nhân tâm thần do chị quản lý thuộc diện khó khăn nhất, để trao 5 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng, mở tại Ngân hàng Agribank và trao cho 30 bệnh nhân mỗi người một suất quà trị giá 200.000đ/suất, để các bệnh nhân vui đón tết cổ truyền.
Từ đó đến nay, công việc hỗ trợ thêm bữa ăn trưa hơn 200 suất tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng được duy trì đều đặn, bình quân từ 5-7 đợt/năm. Cuối năm 2009, toàn bộ số bệnh nhân tâm thần của phường đã được nhận quà tết với 50 suất, trị giá 200.000đ/suất. Đặc biệt, từ năm 2010 trở đi, do sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm có tăng, nên công tác từ thiện của chị thuận lợi hơn, bắt đầu từ năm 2010 chị nhận hỗ trợ thêm cho 40 trẻ mồ côi tại chùa Quang Châu với số tiền 8,5 triệu đồng/năm, trao một lần vào dịp Tết thiếu nhi 1/6. Cuối năm 2010, quà tết của 50 bệnh nhân tâm thần phường chị, ngoài mỗi suất trị giá 200.000đ còn được nhận thêm 50.000đ tiền mặt. Và theo đề nghị của các nhà hảo tâm, dịp này, chị đã trao thêm 30 suất quà trị giá 250.000đ/suất cho 30 bệnh nhân phong trên địa bàn quận Sơn Trà.
Không dừng lại ở đó, cuối năm 2011 vừa qua, ngoài phần quà tết cho 50 bệnh nhân tâm thần, chị đã hỗ trợ thêm 30 suất quà trị giá 250.000đ/suất cho 30 bệnh nhân mù trên địa bàn quận Sơn Trà. Nếu tính hết tất cả những công việc từ thiện của chị trong mỗi một năm, số tiền mà chị bỏ công sức ra vận động từ các nhà hảo tâm để có nguồn làm từ thiện, trung bình khoảng 40-50 triệu đồng.
Như con tằm âm thầm nhả tơ, chị vẫn miệt mài vận động tìm nguồn tài trợ, với mong muốn “Chương trình yêu thương” được duy trì lâu dài và năm sau phát triển hơn năm trước, để được giúp đỡ nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh, đáng thương.
Tuy thế, chị vẫn công tác tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ của một đảng viên, đặc biệt, chị lao vào công tác từ thiện. Chị thường nói vui với mọi người rằng… “quỹ thời gian” của chị còn ít lắm, nên phải tranh thủ làm thật nhiều, làm bất cứ những gì làm được, để giúp đỡ được càng nhiều những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, đáng thương, nhất là những bệnh nhân tâm thần của chị!
Thường Đoàn (Đà Nẵng)