Trang chủ » Chưa phân loại » Danh y Tuệ Tĩnh và bí quyết trường thọ

Danh y Tuệ Tĩnh và bí quyết trường thọ

Bí quyết này được tóm tắt trong hai câu rất dễ nhớ sau : Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. Chúng ta tìm hiểu bí quyết sống khỏe và trường thọ này vì nó liên quan mật thiết đến Tiên Thiên Khí Công, đồng thời bổ túc thêm những điều cần yếu chưa được đề cập. Hai câu trên bao gồm bảy ý niệm, tất cả đều cần được hiểu rõ và thực hành trong đời sống hằng ngày để sống lâu một cách khỏe mạnh, sáng suốt.

 

1. Bế Tinh 

Tinh; tức chất tinh túy được cơ thể chắt lọc từ thức ăn, từ các chất bổ dưỡng nhứt. Tinh đầy đủ thì sức khỏe khang kiện, tính tình vui vẻ, hắng hái, yêu đời. tinh thiếu thốn thì thường bệnh hoạn,ốm đau, bi quan, buồn chán. Tinh bị mất nhiều nhất trong quan hệ vơ chồng, nam nữ. Nam giới thường bị mất mát nhiều hơn nữ giới, nhưng không có nghĩa là nữ giới không bị tổn hại nếu lạm dùng tình dục. Đàn ông thường có tuổi thọ ngắn hơn đàn bà là do tiêu phí tinh quá nhiều. Nhiều người già trước tuổi, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng đến độ đi đứng không vững cũng do sự phí phạm chất tinh túy của cơ thể này. Ông vua điển hình của sự phí phạm tinh túy đến nỗi phải nằm trên long sàng là Lê Long Đĩnh, còn được gọi là Lê Ngọa Triều. Ngoài ra, trong lịch sử nhân loại có rất nhiều người do có thế lực,do giàu có đã quá lạm dụng tình dục, đưa đến hậu quả tất yếu là giảm sức khỏe, tinh thần suy kiệt, đầu óc mê muội, đời sống bị rút ngăn trong tối tăm, mịt mờ. Nhiều người, kể cả người có tuổi vẫn không biết chế ngự, vẫn không biết hạn chế,luôn luôn phí phạm tinh chất trong các cuộc truy hoan liên tục, đưa đến tình trạng bại hoại từ vật chất đến tinh thần. Vì thế Tuệ Tĩnh khuyên chúng ta nên bế tinh. 

Nhưng Bế Tinh là thế nào ? Có phải hoàn toàn diệt dục, tuyệt đối không giải quyết nhu cầu sinh lý không ? Tất nhiên, việc bế tinh hoàn toàn, suốt cuộc đời không đáp ứng nhu cầu tình dục như những vị tu hành xuất gia ngay khi từ còn nhỏ thì cuộc sống rất thanh cao, trí não sáng suốt đặc biệt, tu hành mau đắc quả. Nhưng, một cuộc sống thoát tục như thế không phải dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Ở đây, chúng ta chỉ muốn đề cập đại đa số phàm nhân sống bình thường nhưng biết cách giữ gìn chất tinh túy trong cơ thể. Chữ bế tinh mà Tuệ Tịnh muốn nói đến có ý khuyên chúng ta nên hạn chế tình dục, không nên hoang phí quá độ. Biết khi nào tiêu xài và khi nào nên lưu trữ. Tiêu xài với ai, tiêu xài thế nào là điều luôn luôn phải được nghĩ đến. Đó là chưa nói đến việc tiêu xài không có chọn lọc và cẩn thận sẽ đưa đến bịnh tật hiểm nghèo bất trị nữa. Chúng tôi muốn nói đến bịnh AIDS của thời đại ngày nay. Thanh niên nam nữ kể cả những người có tuổi thường cũng ít suy nghĩ kỹ lưỡng về vấn đề này. Cứ giải quyết cho thỏa thích và bất chấp hậu quả ! Đó là điều thật đáng tiếc. Và Tiên Thiên Khí Công sẽ không giúp cho bạn được bao nhiêu nếu bạn không biết cách bế tinh để bảo toàn sức khỏe và nuôi dưỡng tinh thần. 

2. Dưỡng Khí 

Tinh và khí liên quan mật thiết. Có tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Người xưa thường nói "Tinh hóa khí". Dưỡng khí là đem năng lượng khí trời trong sạch vào hạ đơn điền để biến thành tinh khí, thành năng lực luân lưu khắp châu thân để bảo toàn sự sống. Vì thế muốn dưỡng khí hữu hiệu thì phải bế tinh, tức phải biết tiết dục. Tiết dục chứ không phải diệt dục. Tiết dục dễ hơn diệt dục nhiều. Khi tinh và khí đầy đủ, sung mãn thì bịnh tật rất khó xâm nhập, mà bịnh tật không xâm nhập được thì có phải là ta đã có được một cơ thể quý báu không ? Người luôn luôn khỏe mạnh hay chưa bị ngã bịnh thường rất để ý đến bịnh tật; nhưng khi ngã bịnh, đi đứng không bình thường, ăn ngủ không được, đau nhức hành hạ,lúc đó mới nhận thức được sự quý báu của sức khỏe. Mà nhận thức được như thế nhiều lần thì cuộc đời còn gì là ý nghĩa, hứng thứ nữa? "Bệnh" là nỗi khổ triền miên mà nhân loại đang oằn oại gánh chịu, không thoát ra được. Nhiều thứ bịnh của con người không sao kể cho ra hết, nhưng phần lớn đều do mình tạo ra, không ai có thể gây bịnh cho ta được. Trừ trường hợp bẩm sinh, hầu hết chúng ta đều được sinh ra với một cơ thể bình thường. Nên nếu biết cách sống, ta có thể tránh được nhiều loại bịnh tật. Vậy tại sao chúng ta không chịu tìm hiểu để áp dụng cho cuộc sống của mình thêm hạnh phúc. Phải bế tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Tinh cạn kiệt thì khí không thể điều động để trở thành năng lực nuôi sống, bảo toàn sức khỏe một cách tốt nhứt được. 

3. Tồn thần 

Tinh khí đầy đủ chẳng những giúp cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp cho tinh thần sáng suốt, tinh nhanh. Thần là sắc khí của một con người thường hiện ra trên sắc mặt, trong cặp mắt. Khí và tinh hợp lại biến thành thần khí hay thần sắc. Nhìn sắc diện một người, chúng ta có thể nhận ra được ngay họ có thần sắc hay không. Thần sắc đầy đủ thể hiện một sự lạc quan yêu đời, một cuộc sống sung mãn, thánh thiện. Con người có thể chất tinh thần, cả hai liên quan chặt chẽ với nhau. Không thể có một tinh thần trong một cơ thể bịnh hoạn được. Tinh -khí – thần liên quan chặt chẽ với nhau, vì thế phải giữ tinh để hóa khí và từ tinh khí sẽ biến thành thần sắc. Nhưng chữ "tồn thần" cũng phải được hiểu là "giữ thần", tồn thần là còn, là giữ gìn cho còn. Thần sắc được tinh khí tạo ra, nhưng phải được bảo tồn, nếu hoang phí thần thì cũng giống như hoang phi tính và khí. Tồn thần hay dưỡng thần cũng giống như ta sử dụng điện năng. Được cung cấp nhiều thì khả năng tồn giữ không mất, lại dồi dào thêm. Ngược lại, tiêu xài nhiều, tiêu phí nhiều thì khả năng tồn giữ bị tiêu hao. Thần bị tán, bị mất khi ta suy nghĩ,làm việc nhiều bằng trí não, nói chuyện nhiều hoặc chăm chú xem hay nghe, kể cả xem truyền hình và nghe đài phát thanh, làm việc nhiều bằng máy tính. Thần cũng bị tán khi ta có quá nhiều cảm xúc dễ giận hờn, thù oán, nhiều tham vọng hay tự cao, tự đại. Thần được lưu giữ nhờ sự bình an trong tâm hồn, nhờ giấc ngủ yên lành không mộng mị. Tóm lại, ta phải tập cho mình một phong thái sống, nếp sống, một thời khóa biểu cho sự làm việc và nghỉ ngơi. Chúng ta cần thuộc lòng câu nói sau đây: Tinh túc thì ít bệnh. Khí túc thì ít ăn. Thần túc thì ít ngủ. 

Chúng ta vừa tìm hiểu ba ý niệm: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu bốn ý niệm của câu thứ hai : "Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình". 

1. Thanh tâm 

Tâm, nghĩa hẹp là lòng, là tấm lòng, rộng hơn là phần tinh thần cũng gọi là tâm hồn, tức là phần điều khiển tất cả mọi sinh hoạt của thể xác. Mà phần tinh thần của con người thì bao gồm rất nhiều thứ, từ tình cảm, lý trí, khả năng suy tưởng, khả năng sáng tác và các khả năng đặc biệt khác. 

Chính nhờ phần "tâm này" mà loài người mới có tiến bộ và có cuộc sống khác hơn loài vật, mới được gọi là "linh ư vạn vật". Còn chữ "thanh" được hiểu là sự trong sạch, thanh khiết không bị vướng bất cứ một thứ cặn bã nào. Sự hướng thượng, lòng khoan dung, sự tha thứ, sẵn sàng làm điều tốt, điều thiện mưu cầu lợi ích cho người khác" thuộc thanh. Người luôn luôn thanh tâm là người luôn có cuộc sống an lành nhờ tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những tình cảm, tư tưởng thanh cao, tốt đẹp. Vì thế,họ luôn luôn được an vui, hạnh phúc. Chính nguồn vui, hạnh phúc này giúp họ có đời sống rất khỏe mạnh và an lạc. 

2. Quả dục 

Dục là ham muốn, đòi hỏi, thèm khát. Quả dục là giảm thiểu sự ham muốn, sự đòi hỏi, sự thèm khát. Tham vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn. Chính vì lòng ham muốn này đã dẫn dắt không biết bao nhiêu người đi vào vực sâu, mất an vui, hạnh phúc và gần nhất là là sức khỏe bị suy mòn, tinh thần bị lụn bại. Vì thế muốn, nếu muốn khỏe mạnh và sống lâu thì phải biết chế ngự lòng ham muốn, tính tham lam, thèm khát. Lòng ham muốn vô bờ biến giống như những cơn sóng to làm chìm đắm tất cả mọi sự bình an. Phải biết sống an vui với những gì mang đang có, biết "tri túc" thì cuộc sống sẽ tốt đẹp và có ý nghĩa. Người xưa thường khuyên ta : "Tri túc thường lạc" hoặc "Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc". Nghĩa là biết đủ thì sẽ luôn được an vui, hoặc biết đủ, an hưởng cái đủ, còn chờ đủ thì không bao giờ đủ cả.. 

3. Thủ chân 

Thủ là giữ. Chân là chân lý. Thủ chân tức là luôn luôn theo đuổi một điều gì mình cho là chân lý,là lý tưởng. Đời người phải hướng về một mục đích nào đó để phục vụ, để thờ phượng thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Thật là tội nghiệp cho bất cứ ai cứ tưởng phương tiện là mục đích. Nếu biến phương tiện thành mục đích thì con người sẽ trở thành nô lệ cho những đối tượng tầm thường. Rất nhiều người coi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, sắc đẹp là mục đích trong khi chúng chỉ là phương tiện, nên cả đời họ chỉ lo chạy theo những thứ vật chất mau đổi thay, mau tan rã, không tồn tại lâu dài này. Tự biến mình thành nô lệ mà mình không bao giờ tỉnh thức. 

Người biết sống, người sáng suốt lúc nào cũng phân biệt rõ được phương tiện và mục đích. Họ luôn luôn làm chủ đời sống chứ không bao giờ trở thành nô lệ. Mục đích của họ có thể có nhiều nhưng mục đích cùng tột cao cả nhứt là sự giải thoát khỏi những ưu phiền của thể sự, những hạn hẹp của kiếp người. Người "thủ chân" thường là người biết sống, có một ước mơ cao cả đề tìm cầu, để thực hiện trong suốt cuộc đời của mình. Họ sống thanh thoát và ra đi an lành. Họ sống giản dị và biết vượt qua những ưu phiền. 

4. Luyện hình 

Luyện hình được hiểu là rèn luyện cơ thể. Nói một cách thật dễ hiểu là tập luyện cho thân hình luôn luôn khỏe mạnh, cường tráng. Tục ngữ Pháp có câu : "Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể cường tráng" (Une âme saine dans un corps sain). Tập luyện cho cơ thể khỏe mạnh có rất nhiều cách. Từ tập thể dục thông thường đến đi bộ, bơi lội, đi xe đạp..v..v.. đều là những cách đơn giản và thông dụng. 
Nhưng luyện hình mà Tuệ Tỉnh muốn nói, không đơn giản chỉ là những động tác thể dục bình thường mà là những cách tập luyện toàn diện giúp cho nội lực luôn sung túc và đả thông được các huyệt đạo trong lục phủ, ngũ tạng. Cách luyện hình của người xưa tại Á Đông được truyền bá giới hạn trong các môn phái Yoga, Thiền và nhứt là trong các môn phái Khí Công. Để đạt được cả hai phần thể chất và tinh thần, Tiên Thiên Khí Công vừa có các cách luyện tập vận khí, đưa năng lượng Khí Trời trong sạch vào trong cơ thể làm thông các huyệt đạo, vừa đưa khí vào để biến tinh khí thành thần để thay thế thức ăn, thức uống. 

Ngoài các cách tập luyện về phần làm khang kiện thể chất, Tiên Thiên Khí Công cũng có phần tập an định về tinh thần để đạt được sư an lạc, tự tại. Người tập Tiên Thiên Khí Công kiên trì, theo đuổi lâu dài, thực hành đúng cách sẽ đạt được những kết quả to lớn cả thể chất lần tinh thần trong thế gian đầy ô trược và xã hội với bịnh tật tràn lan như hiện nay. 

Điều cần nói thêm là danh y Tuệ Tĩnh qua hai câu nói ngắn gọn, dễ nhớ, đã cho ta một phương châm vô cùng quý báu để sống thế nào cho đúng, sống thế nào cho khỏe mạnh, trường thọ, sống thế nào cho được an vui, hạnh phúc. Chắc chắn, là còn một phần tối hệ trọng khác, nhưng Tuệ Tĩnh không đề cập trong hai câu nói nổi tiếng này. Đó là điều mà Người muốn gửi gấm trong hai chữ “thủ chân” ở câu thứ hai. Vì bất cứ một thứ chân lý nào tồn tại trên thế gian này mà chỉ dừng lại ở những bất toàn, bất túc, những vô thường hằng ngày thì chưa thể gọi là chân lý theo nghĩa thật triệt để, nói cách khác là vẫn chưa giải quyết được tận gốc cuộc sống của con người. Nhưng, bất cứ một loại thành tựu nào, dù là thể chất hay tâm linh, dù vô thường hay vĩnh hằng đều phải là kết quả của những dụng công, những cố gắng và miệt mài áp dụng thực hành. Và tất nhiên, bất cứ một phương pháp hay một pháp môn nào muốn được thừa nhận đều cũng phải được chứng nghiệm, phải đưa đến kết quả chắc chắn. Còn ngược lại, một phương pháp chỉ có tính lý thuyết suông, lại mang nhiều điều không hữu lý, không mang tính khoa học thì nhứt định chúng ta không nên uổng thời giờ tìm hiểu và tất nhiên không nên thực hành. 

Tóm lại, qua hai câu : 

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần 
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. 

Danh y Tuệ Tĩnh đã nhắc nhở ta bảy điều tâm niệm cần phải nằm lòng để trở thành một người có cuộc sống khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc, một thứ hạnh phúc chân thật, đúng nghĩa.

Gửi thảo luận