Tổng kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài
Ngày 19-7, chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho hay đoàn thanh tra của Bộ Y tế do phó chánh thanh tra Vũ Đức Vân dẫn đầu vừa kết thúc đợt kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài tại Cần Thơ và TP.HCM. Tuần tới đoàn sẽ tiếp tục đợt kiểm tra tại Hà Nội. (Tuổi trẻ (trang 2) 20/7)
Khánh thành bệnh viện hiện đại nhất miền Trung
Ngày 19-7, tại xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam.
Đây là bệnh viện hiện đại vào bậc nhất khu vực miền Trung, với trang thiết bị tối tân, có quy mô ban đầu 500 giường với tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 45 triệu USD. Bệnh viện thực hiện được hơn 1.000 loại dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế, như phẫu thuật điều trị chấn thương sọ não, thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật phaco, phẫu thuật nội soi… Bệnh viện có hơn 80 bác sĩ, đủ năng lực tiếp nhận và khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực miền Trung – Tây nguyên.
Tại lễ khánh thành cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đa phương chương trình hỗ trợ y tế có tên gọi Q-Health do KOICA tổ chức. Q-Health do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và xây dựng với tổng kinh phí tài trợ 500 triệu USD nhằm tăng cường năng lực y tế cho đội ngũ nhân sự, đồng thời cải thiện các dịch vụ y tế tại khu vực miền Trung. (Tuổi trẻ (trang 3) 20/7 )
Mất tay chân do hút nhiều thuốc lá
Mỗi tuần Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận 2-3 bệnh nhân phải phẫu thuật bỏ tay chân do mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên mà yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển là hút nhiều thuốc lá!
Ngày 19-7, tại hành lang khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy có tới ba bệnh nhân mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên, trong đó có hai bệnh nhân đã được phẫu thuật bỏ chân, một bệnh nhân đang đợi kết quả chụp X-quang mạch máu mới biết có bị cắt bỏ chân hay không. Cả ba bệnh nhân này đều hút thuốc lào, thuốc lá hàng chục năm nay.
Đa số bệnh nhân nhập viện trễ
Ông C.H.T., 45 tuổi, ở Lâm Hà, Lâm Đồng, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy gần 20g ngày 13-7 trong tình trạng hai chân bị hoại tử. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tắc mạch ngoại biên. Ngay sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ 1/3 hai chân cho bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết nếu bệnh nhân không được phẫu thuật, độc tố sẽ nhiễm trùng toàn thân, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông T. kể thường xuyên hút thuốc lá hơn 30 năm qua…
Triệu chứng bất thường, đi khám ngay
Mới đầu, khi mắc bệnh này người bệnh đi bộ 2-3 cây số sẽ thấy đau ở bắp chân. Triệu chứng của bệnh tăng dần nếu không được điều trị như chỉ cần đi mấy chục mét đã thấy đau, còn khi đã bị nặng rồi thì không đi cũng vẫn đau. Khó tìm thấy hoặc không thấy mạch tùy theo mức độ bệnh. Ngoài ra, người mắc bệnh còn thấy tay, chân lạnh, tím. Ngón tay, ngón chân bị biến dạng méo mó, bị quặp lại gồ ghề, lở loét ngón tay, ngón chân, gót chân, nặng hơn sẽ gây ra những đám hoại tử cơ thể gây mất cảm giác. Thực chất đây là tình trạng chết từng bộ phận trên cơ thể.
Nhiều bệnh nhân kể họ thấy triệu chứng này từ nhiều năm nhưng đa số lo công việc, cuộc sống và không hiểu biết, cứ nghĩ không sao nên chỉ đến khi bệnh nặng mới chịu đến bệnh viện điều trị. Khi bác sĩ thông báo phải cắt bỏ tay chân, nhiều người rất hoảng hốt và bị sốc. Nếu sớm điều trị họ đã không phải chịu sự mất mát lớn như vậy… (Tuổi trẻ (trang 3) 20/7)
Đi cấp cứu sau khi cắt trĩ tại phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc
Chiều tối nay 19.7, khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu cho nạn nhân của phòng khám (PK) có yếu tố người Trung Quốc – PK Huê Hạ (trên đường Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP.HCM), nơi vừa bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm trong đợt kiểm tra vừa qua.
Nạn nhân là chị N.T.L (28 tuổi, ngụ Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, vết cắt trĩ chảy máu nhiều, người choáng váng…
Theo thông tin từ chồng chị L. là anh L.M.H (29 tuổi), qua xem quảng cáo của PK Huê Hạ trên kênh truyền hình địa phương, quảng cáo PK điều trị bệnh trĩ nhanh, làm xong về trong ngày, nên anh đưa vợ đến khám bệnh vào sáng 19.7.
Ban đầu người của PK tư vấn cắt trĩ với hai mức giá 20 triệu và 12 triệu đồng, với lời đảm bảo “điều trị kết thúc, miễn phí theo dõi trong 20 năm. Không khỏi hoàn trả chi phí điều trị”! Vì thấy mức phí quá cao nên vợ chồng anh H. từ chối, nhưng sau đó đồng ý điều trị với giá 12 triệu đồng. Sau phẫu thuật, chị L. rơi vào tình trạng chóng mặt, tụt huyết áp, chảy nhiều máu, và rất đau đớn. Anh H. yêu cầu PK Huê Hạ phải đưa chị L. đi cấp cứu.
Khi nạn nhân được đến BV Chợ Rẫy, thì có 3 người của PK Huê Hạ đến và đề nghị trả lại tiền phẫu thuật cho vợ chồng anh H., rồi lấy lại hóa đơn thu tiền, và ngay sau đó cả 3 người này “biến mất”.
Đáng nói, qua thăm khám, bác sĩ chuyên khoa Ngoại tổng quát của BV Chợ Rẫy cho biết, tình trạng bệnh trĩ của chị L. có thể điều trị nội khoa, chưa đến mức phải phẫu thuật. Thế nhưng, PK Huê Hạ vẫn bất chấp và tiến hành cắt trĩ cho chị L.
Trong khi những ngày qua, các PK Trung Quốc liên tục bị phát hiện sai phạm; PK Maria (Hà Nội) thì gây chết bệnh nhân… Nay đến PK Huê Hạ ngang nhiên sai phạm, hành nghề quá chuyên môn! (Thanh niên trang 4) 20/7)
Từ 1.8, hơn 50 địa phương tăng viện phí
Chỉ có 10 tỉnh/TP, trong đó có Hà Nội, TPHCM chưa thông qua việc tăng giá dịch vụ y tế. Còn các địa phương khác, sẽ rất nhiều nơi bắt đầu áp dụng chính sách điều chỉnh viện phí từ 1.8 sắp tới. Trước thời điểm này, BHXH đang cùng các địa phương siết lại chi trả của các bệnh viện.
Ở 30 tỉnh/TP: Tăng 70-80% khung tối đa
Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – cho biết: Dự kiến, khi giá dịch vụ mới được áp dụng, sẽ có 40 tỉnh đứng trước ngưỡng vỡ quỹ. Chỉ có 20 tỉnh là sẽ cân đối hoặc bội chi ít, thế nhưng đây đều là những tỉnh nghèo, có số thu thấp. Như vậy, trên bình diện chung, sơ bộ quỹ BHYT năm 2012 sẽ bội chi 500 tỉ đồng. Còn năm 2013 dự báo sẽ bội chi 1.000 tỉ đồng.
Cho đến nay, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành dự kiến tăng giá dịch vụ y tế trình HĐND tỉnh xem xét và thông qua. Ngoài 10 địa phương, trong đó có Hà Nội, TPHCM tạm hoãn chưa thực hiện để tiếp tục nghiên cứu, hầu hết các tỉnh sẽ thực hiện từ 1.8. Trên 30 tỉnh mức giá tương đối phù hợp khoảng 70 – 80% khung giá tối đa. Đây được cho là mức phù hợp với điều kiện kinh tế ở địa phương, khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại đó. Một số như Khánh Hòa, Đồng Tháp, Ninh Thuận phê duyệt giá dịch vụ rất cao – từ 93 – 95%.
heo ông Sơn, mức giá đưa theo thông tư 04 đã đảm bảo tính đúng, tính đủ cho giá viện phí ở 3/7 nhóm cơ cấu giá. Là cơ quan quản quỹ BHYT, mục tiêu của BHXH không phải giá dịch vụ thấp, mà là ngăn việc vượt quá quỹ BHYT sẽ tạo ra lợi nhuận ảo, phục vụ lợi ích nhóm của một số người trong các BV. Trong khi đó, quỹ vượt sẽ ảnh hưởng đến chính lợi ích của người dân.
Vỡ quỹ, bệnh viện lo, dân thiệt
Ông Sơn lấy ví dụ thực tế đang xảy ra ở TPHCM, tại một số BV đã và đang thực hiện việc cắt giảm ngày giường và thuốc chữa bệnh cho người bệnh do quỹ BHYT đang cạn. Năm 2011, TPHCM bội chi khoảng 100 tỉ đồng. Trong quyết toán vẫn tạm thu trước của năm 2011 nên vẫn có kết dư một chút. Nhưng với TP lớn mỗi năm chi trả 5.000 – 6.000 tỉ đồng thì phải kết dư 400 – 500 tỉ thì mới đảm bảo độ an toàn cho quỹ. Quý I/2012 thì dư ra có 7 tỉ đồng. Số này coi như không dư vì quý I bao giờ cũng có số người đi khám chữa bệnh ít hơn. Như vậy có thể nói TPHCM đã bội chi ngay trong quý I.
Năm 2011, các cơ sở khám – chữa bệnh ở TPHCM vượt quỹ khoảng 700 tỉ đồng. BHXH sẽ phải thẩm định lại vượt trần và khuyết đáp xem có thanh toán vượt trần hay không. Ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như có dịch bệnh phát sinh, thay đổi chính sách chi trả thuốc cho một số nhóm bệnh nhân nặng như ung thư thì các nguyên nhân thuốc do kê đơn không hợp lý, lạm dụng quỹ đều không được thanh toán.
Lần đầu tiên, BHXH sẽ kiên quyết thẩm định chặt chẽ việc bội chi ở TPHCM. Ví dụ như BV Chợ Rẫy đang bị xem xét gần 50 tỉ đồng tiền thuốc. Số tiền này được dùng để chi trả cho các loại thuốc mà theo quy định của Bộ Y tế cần hội chẩn trước khi kê đơn. Thế nhưng, BV Chợ Rẫy đã không làm hội chẩn nên BHXH hoàn toàn có thể từ chối thanh toán.
Các BV ở TPHCM thấy nguy cơ vỡ quỹ đến nơi, nhiều nơi đã tích cực tìm giải pháp hạn chế vượt quỹ. Đó là việc đưa ra trần thanh toán cho từng bệnh, hoặc giảm bớt ngày giường của bệnh nhân. Nhưng giải pháp họ đưa ra là chưa hợp lý, vì không có trần nào cho từng bệnh, mà chỉ có trần ở BV tuyến II, nhằm chia sẻ bệnh nhân nặng với chi phí lớn với bệnh nhân nhẹ chi phí thấp.
Giải pháp cho bội chi quỹ không có gì lạ, vẫn chỉ là BS trước khi kê đơn cần đặt câu hỏi loại bệnh này cần xét nghiệm gì, loại thuốc gì. Số tiền chi cho thuốc ngoại ở TPHCM rất cao. Biết rằng tâm lý người bệnh rất thích thuốc ngoại, nhưng BV phải “liệu cơm gắp mắm”. Còn với bệnh nhân muốn dùng thuốc ngoại, đắt tiền thì tự bỏ chi phí.
Trước mắt, việc tăng mức đóng BHYT không thể thực hiện trong năm nay và 2013, nên nếu không có giải pháp sử dụng hợp lý thì hoặc tìm nguồn ngân sách, hoặc gánh nặng lên vai bệnh nhân. Trong giai đoạn khủng hoảng nhất, BHYT đã từng vay hơn 3.000 tỉ đồng từ quỹ hưu trí. (Lao động (trang 2) 20/7)
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân ghép thận Hứa Thị Cẩm Tú
Trong chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh miền Trung, tối 18.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện T.Ư Huế thăm bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú – người bị Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cắt nhầm hai quả thận và đã được Bệnh viện T.Ư Huế ghép thận thành công cách đây 10 ngày.
Đến thời điểm này, sức khỏe của chị Tú đang diễn biến thuận lợi, nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị. Bộ trưởng đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế, đặcca biệt trong ca ghép thận. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là sự cố y khoa hiếm gặp. Tại Việt Nam, đây là lần thứ hai ngành y tế gặp phải sự cố này. Ca đầu tiên cách đây 30 năm, bệnh nhân có một thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm. Sau đó, bệnh nhân được ghép thận ở nước ngoài, nhưng không thành công. Trước đó, khi xảy ra việc chị Tú bị cắt nhầm thận, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định Bệnh viện T.Ư Huế ghép thận cho bệnh nhân. (Lao động (trang 2) 20/7)
81% số người nhiễm HIV ở độ tuổi từ 20 – 39