Trang chủ » Phòng Mạch » Bác sĩ trực tuyến » Bác sĩ vui tính trả lời (phần 4)

Bác sĩ vui tính trả lời (phần 4)

Làm thế nào mà người giữ được thăng bằng?

Mỗi động vật đều có một tư thế cơ bản. Chú thạch sùng bò men tường hay trần nhà dễ như bỡn. Dơi ta thì yên trí ngủ dốc đầu, chân móc cành cây. Trong khi đó, con người có thể nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng, nhưng chỉ khi tập yoga hay nhảy từ trên cầu bơi xuống mới chúc đầu xuống đất được mà thôi.

Loài chim đứng trên hai chân như người nhưng tư thế thân mình vẫn còn như loài thú bốn chân (lưng trên bụng dưới). Vì vậy, cái cổ buộc phải vươn dài. Còn ở con người, thân mình dựng thẳng (bụng trước, lưng sau) khiến đầu có thể xoay trở dễ dàng trên trục cổ, giúp "chủ nhân" của nó bao quát được không gian, cơ động hướng về những tín hiệu cần thu nhận để kịp thời ứng phó linh hoạt.

Hệ thần kinh

Tuy nhiên, trọng tâm thân thể người cũng ở cao quá, chân đế lại hẹp nên rất dễ ngã. Chính vì vậy, bộ máy giữ thăng bằng của con người phải hoạt động vất vả hơn nhiều so với các con vật. Trạng thái của hàng trăm bắp thịt lớn nhỏ, co duỗi ở những mức độ khác nhau, được phản ánh về trung ương thần kinh, tổng hợp lại và cho ta cảm giác về một tư thế nào đó. Ở trạng thái tĩnh (đứng hay ngồi), mỗi tư thế đều đặt ra cho hệ thần kinh một phương trình toán học phức tạp. Khi vận động, tư thế biến đổi liên tục. Vì vậy, trong mỗi khoảng khắc, hệ thần kinh phải làm hàng triệu phép tính, giải một phương trình rồi xoá đi ngay để giải trăm nghìn phương trình tiếp theo.

Chiếc "máy tính điện tử sống" ấy chỉ chậm tìm ra đáp số 1/1.000 giây là ta đã ngã rồi. Rất may là vỏ não đã khôn ngoan giao cho các trung tâm ở tuỷ sống, thân não, tiểu não, dưới vỏ não nhiệm vụ tự đưa ra quyết định kịp thời. Bị vấp một cái, các trung tâm tư thế và thăng bằng này liền điều khiển chân bước, hiệp đồng động tác cho khỏi ngã, sau đó mới báo cáo lên vỏ não. Lúc này vỏ não chỉ còn việc “hú vía” và quan sát chỗ vấp để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Cơ quan tiền đình

Năm 1825, nhà bác học ý Fluence khi thực nghiệm trên chim bồ câu đã tìm thấy một cơ quan giữ thăng bằng nằm ở tai trong (y học gọi là tiền đình). Nếu chọc kim vào tiền đình, đầu chim sẽ lắc lư mạnh dần rồi gục xuống.

Tiền đình có ba ống bán khuyên để nhận và truyền các thông số về toạ độ của cái đầu trong ba chiều không gian. Khi đầu lắc lư, những viên đá canxi cacbonat li ti sẽ đập vào các lông tế bào cảm giác nằm lơ lửng trong chất dịch. Tín hiệu liền được thông báo về các trung tâm tư thế và thăng bằng.

Khi lực tác động vào tiền đình quá mạnh, vượt quá sức chịu đựng của nó, thì xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn… Đó là hiện tượng say sóng khi ngồi trên tàu thuyền dập dềnh, khi ô tô, máy bay tăng giảm tốc độ. Cũng có người chỉ nằm võng cũng chóng mặt. Để khắc phục hiện tượng này, phi công và các nhà du hành vũ trụ phải tập quen dần với các động tác nhào lộn. Ngoài ra, một số bệnh tai trong (viêm, chảy máu, khối u…) cũng có thể gây chóng mặt, buồn nôn.

Các giác quan

Các cơ quan này cũng tham gia vào phản ứng chỉnh tư thế. Vì vầyk, nếu nhắm mắt lại ta sẽ bước loạng choạng. Đặt con chó nằm ngửa, lưng vừa chạm đất, nó đã biết ngay đó là tư thế “trái khoáy” và sẽ đạp chân đứng dậy liền. Con mèo khi trèo cao có thể bị ngã rơi ngửa. Nếu chỉ cách mặt đất nửa mét thôi mèo cũng kịp lật sấp, chống bốn chân để "tiếp đất".

Việc luyện tập khiến con người từ chỗ ngã lên ngã xuống khi còn bé có thể trở nên khéo léo, thậm chí có thể làm xiếc, nghĩa là làm cái nghề chuyên môn gây ra tình trạng mất thăng bằng để khoe tài giữ nó.

Gửi thảo luận